DCall Podcast ngày 04/10/2022 – PMI đạt 52,5 điểm trong tháng 9, sản xuất tiếp tục tăng trưởng

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• OPEC+ đồng ý giảm sản lượng dầu hơn 1 triệu thùng/ngày

– Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) sẽ xem xét cắt giảm sản lượng dầu ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp vào ngày 5/10 tới.

– Theo Reuters, mức cắt giảm này cao hơn một chút so với ước tính được đưa ra vào tuần trước, dao động trong khoảng 500.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày.

– Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của OPEC+ kể từ khi các biện pháp hạn chế dịch COVID-19 lây lan được đưa ra năm 2020. Cuộc họp trực tiếp vào ngày 5/10 tới sẽ gồm 13 nước thành viên của OPEC do Arab Saudi dẫn đầu và 10 thành viên đồng minh do Nga đứng đầu, và sẽ là cuộc họp đầu tiên tại thủ đô của Áo kể từ mùa Xuân năm 2020.

– Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về việc cắt giảm sản lượng lớn do lo ngại suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô. Cuộc họp trong tuần tới của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh giá dầu đã giảm từ mức cao nhất trong nhiều năm ghi nhận vào tháng 3/2022 và thị trường năng lượng đã chứng kiến nhiều biến động.

– Arab Saudi lần đầu tiên “để ngỏ” khả năng cắt giảm sản lượng để ổn định giá cả thị trường vào tháng 8/2022. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với Nga hồi đầu tuần này tiết lộ với báo chí rằng Nga có khả năng sẽ đề nghị OPEC+ cắt giảm sản lượng tới 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp tháng 10/2022.

• Yên chạm đáy 24 năm, Nhật Bản chi gần 20 tỷ USD để ngăn đà giảm

– Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,840 tỷ yên (19.7 tỷ USD) trong tuần qua để can thiệp ngăn chặn đà lao dốc của yên so với USD. Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn giảm về gần mức trước khi chính phủ nước này hành động.

– Đồng yên giao dịch ở 144.6 yên đổi 1 đôla trong phiên chiều ngày 30/09, gần mức đáy 145.89 yên trước khi chính phủ can thiệp.

– Với kho dự trữ ngoại hối trị giá 1,300 tỷ USD, các nhà phân tích của Bank of America cho rằng chính phủ Nhật Bản có thể thực hiện thêm 10 đợt can thiệp khác bằng cách bán các tài sản lưu động nếu họ sử dụng đến 136 tỷ USD tiền gửi và 148 tỷ USD trái phiếu có kỳ hạn dưới một năm.

– Giới phân tích cho biết động thái can thiệp này chỉ có hiệu lực tạm thời trong việc giảm mức độ biến động của tỷ giá USD/JPY cũng như ngăn đồng yên chạm đáy mới. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản châm ngòi cho đà lao dốc của đồng yên vẫn không thay đổi. Đó là việc ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng và là ngân hàng trung ương duy nhất trên thế giới giữ lãi suất cơ bản ở mức âm. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• PMI đạt 52,5 điểm trong tháng 9, sản xuất tiếp tục tăng trưởng

– Ngày 03/10/2022, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam. Trong đó có 3 điểm nổi bật: Sản lượng tiếp tục tăng mạnh; Áp lực lạm phát đã giảm; Tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm tăng.

– Dữ liệu từ báo cáo cho thấy, ngành sản xuất của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vào cuối quý 3 của năm. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng hỗ trợ cho tăng sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng. Trong khi đó, tồn kho cả hàng hóa đầu vào và hàng thành phẩm đều tăng.

– Tương tự như vậy, thời kỳ tăng số lượng đơn đặt hàng mới hiện nay cũng đã kéo dài thành một năm khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 9 với các báo cáo cho biết nhu cầu khách hàng cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại so với tháng 8. Điều này cũng xảy ra đối với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới khi một số người trả lời khảo sát nhắc tới các dấu hiệu nhu cầu yếu đi ở các thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài là chậm nhất trong mười tháng.

– Với tổng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, các nhà sản xuất đã tăng sản xuất. Tốc độ tăng hầu như ngang bằng với tháng trước.

– Tương tự, việc làm và hoạt động mua hàng cũng tiếp tục tăng mạnh vào cuối quý 3. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu sản xuất cao hơn, các công ty cũng tăng số lượng nhân viên để hỗ trợ các dây chuyền sản xuất mới.

• Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam

– Theo thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin Chính phủ ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang vừa ký Quyết định 1254/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam. trong đó mục tiêu Đề án đặt ra là phát triển đội tàu chuyên dụng container phù hợp, mở rộng mạng lưới để tăng thị phần vận chuyển khu vực châu Á, đặt nền móng vững chắc cho việc khai thác tuyến vận tải xa trong thời gian tới.

– Trong đó, đội tàu biển Việt Nam phấn đấu tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và đạt 20% vào năm 2030.

– Đối với giải pháp về tài chính, cho phép không áp dụng thuế VAT khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026. Miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 Tes trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG… và các tàu chở LNG.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• FMC: 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt gần 182 triệu USD, tăng 17.5% so với cùng kỳ năm 2021– CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) mới công bố tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng của Công ty.

– Theo đó, tôm thành phẩm chế biến 9 tháng đạt 16.068 tấn, bằng 98,5% so cùng kỳ năm 2021; tôm thành phẩm tiêu thụ 14.543 tấn, tăng 8%. Nông sản thành phẩm ghi nhận 1.642 tấn, gần gấp đôi và nông sản tiêu thụ 1.450 tấn, tăng 18% so cùng kỳ năm trước.

– Doanh số tiêu thụ chung đạt 182 triệu USD (~ 4.310 tỷ đồng), tăng 17,5% so cùng kỳ 2021 và thực hiện 79% kế hoạch năm.

– Tính riêng tháng 9, doanh số đạt 20,1 triệu USD (~ 476 tỷ đồng) không bằng tháng 8 và cùng kỳ năm trước. Dù vậy, công ty cho biết vẫn có lãi tốt nhờ sử dụng tôm tự nuôi cho chế biến, giá thành rẻ.

– Về hoạt động nuôi tôm, Sao Ta đang tiến hành thu tỉa và thu hoạch phục vụ chế biến. Công ty đánh giá tôm phát triển không bằng mùa thuận nhưng so mặt bằng chung thì tốt hơn hẳn, có lãi. Đồng thời, doanh nghiệp đang tiến hành cải tạo khu mới 203 hecta để có thể thả nuôi ở quý II/2023.

– Ban lãnh đạo đánh giá, từ nay đến cuối năm, do ảnh hưởng lạm phát toàn cầu nên sức tiêu thụ không cao. Bởi vậy, doanh số tiêu thụ sẽ không tăng mạnh ở những tháng cuối năm. Song, công ty vẫn bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm chỉ tiêu doanh số và lợi nhuận, lần lượt 200 triệu USD và 250 tỷ đồng.

• BSR: 9 tháng đầu năm, doanh thu vượt 36% kế hoạch doanh thu cả năm– Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cho biết tổng doanh thu 9 tháng đầu năm đạt hơn 125.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 14.000 tỷ đồng. So với kế hoạch doanh thu cả năm là 91.411 tỷ đồng, BSR đã vượt 36% chỉ tiêu.

– Nửa đầu năm, tổng doanh thu của BSR đạt hơn 87.174 tỷ đồng (theo báo cáo soát xét bán niên). Như vậy ước tính trong quý III, BSR thu về khoảng 37.826 tỷ đồng, gấp 2,14 lần kết quả doanh thu quý III năm ngoái.

– Trong ba quý đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm của BSR hơn 5 triệu tấn, đạt 106% kế hoạch 9 tháng, đạt 78% kế hoạch năm. Đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất (đơn vị do BSR quản lý), công suất vận hành trung bình là 105%. Nhà máy đã sản xuất được khoảng 5,18 triệu tấn xăng dầu, vượt 6% kế hoạch 9 tháng và đạt 80% kế hoạch năm cả 2022.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 03/10/2022, chỉ số VNINDEX diễn biến xấu trong suốt phiên và chịu áp lực bán mạnh trên diện rộng. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa ở mức gần thấp thất phiên tại 1.086,44 điểm, giảm mạnh gần 46 điểm (-4,03%).

– Về độ rộng thị trường, số lượng mã giảm chiếm hơn 85% số mã trên sàn HOSE, tương đương với 449 mã giảm/43 mã tăng. Trong đó có 136 mã giảm sàn. Thanh khoản ở mức trung bình 20 phiên, đạt hơn 11.525 tỷ đồng.

– Tác động mạnh đến chỉ số VNINDEX là nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB và BID đều giảm hơn 3 điểm, HPG và TCB giảm hơn 2 điểm. Chiều đóng góp nâng đỡ thị trường có VIC (+0,486 điểm), PVG (+0,229 điểm).

– Phiên hôm qua 10 nhóm ngành chìm trong sắc đỏ, tiêu biểu có Nguyên vật liệu và Tiêu Dùng ( giảm hơn 6,3%), Tài chính và Năng lượng giảm hơn 5%. Các nhóm ngành còn lại giảm dưới 4,6%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (2.861 tỷ đồng), Công nghiệp (1.539 tỷ đồng) và Bất động sản (1.488 tỷ đồng).

– Khối ngoại phiên đầu tuần quay lại bán ròng mạnh hơn với giá trị đạt 533,15 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG (-178,31 tỷ đồng), STB (-60,48 tỷ đồng) và DGC (-45,83 tỷ đồng). Ngược lại, giải ngân khá khiêm tốn vào VIC (+27,59 tỷ đồng), FUEVFVND (+16,77 tỷ đồng) và PVS (+10,75 tỷ đồng).

– Phiên giao dịch đầu tuần diễn biến khá tiêu cực đã khiến chỉ số VNINDEX giảm xuống dưới vùng 1.100 điểm cùng với tỷ lệ mã giảm chiếm hơn 85% trên sàn HOSE. Đà giảm có khả năng sẽ tiếp tục trong phiên tới khi chưa có dấu hiệu tham gia của lực mua.

– Nhà đầu tư hạn chế tham gia mua mới ở thời điểm hiện tại khi thị trường chưa xác nhận đà giảm kết thúc. Đưa tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu về mức an toàn và chờ nhịp hồi phục của thị trường.

—————————–

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 04/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest