Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/02/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Ngân hàng trung ương Anh có thể tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 3/2022
– Tỷ lệ lạm phát của Anh vào tháng 12/2021 ở mức cao đã gây áp lực, buộc BoE phải tăng lãi suất trong cuộc họp thứ hai liên tiếp vào đầu tháng này, lên mức 0,5%/năm.
– Tuy nhiên, gần một nửa số thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đã bỏ phiếu cho việc tăng lãi suất lên 0,75%/năm, khiến việc chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa vào tháng tới có nhiều khả năng xảy ra.
– Lạm phát được dự đoán sẽ ở mức trung bình 5,7% trong quý này và đạt đỉnh 6,6% trong quý tới, tăng lần lượt 0,5 và 1,1 điểm phần trăm so với tháng Giêng, xung quanh mức gấp ba lần mục tiêu 2,0% của BoE đề ra. Lạm phát sau đó được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong quý 3 và quý 4 xuống lần lượt là 5,9% và 4,5%.
– Bên cạnh đó, nền kinh tế Anh được dự đoán sẽ tăng 0,4% trong I/2022 này và 0,9% trong quý tiếp theo. Tăng trưởng sau đó có thể sẽ chậm lại, ở mức 0,6% trong cả quý III và quý IV. Mức tăng trưởng chung trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt 4,3% và năm 2023 là 2,1%, giảm so với mức 4,5% và 2,2% được các chuyên gia nhận định cách đây một tháng.
– Có thể thấy, cùng với nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, Anh cũng đang trải qua những thời điểm khó khăn nhất khi lạm phát liên tục tăng cao, buộc các nhà chức trách phải có hành động quyết liệt để kiểm soát việc này, mà hành động nhanh nhất đó chính là tăng lãi suất.
• Rủi ro địa chính trị có thể đẩy giá dầu lên 120 USD/thùng
– Chiến lược gia David Roche cho biết trong tuần này rằng, giá dầu có thể đạt 120 USD/thùng trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. Theo đó, tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine đã trở thành tâm điểm trong nhiều tuần nay khi quân đội và thiết bị quân sự của Nga gần biên giới với Ukraine, điều này khiến không chỉ Ukraine mà cả phương Tây và Mỹ đều lo lắng.
– Nhìn chung, tình hình Ukraine đã cho thấy rõ sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga và những nỗ lực tuyệt vọng của họ trong vài tuần qua nhằm có được các lựa chọn thay thế cho nguồn cung này trong trường hợp bị gián đoạn. Tuy nhiên, giống như bất kỳ sự kiện địa chính trị lớn nào, sự leo thang ở Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng đến giá dầu.
– Hậu quả của lệnh trừng phạt này đối với cả châu Âu và Mỹ, đã nổi lên như một vấn đề tiềm ẩn lớn. Nga là một nhà xuất khẩu lớn tới Liên minh châu Âu, nhưng nước này cũng là một nhà xuất khẩu dầu thô lớn cho Hoa Kỳ, còn chưa đề cập đến tất cả các doanh nghiệp lớn của châu Âu và Hoa Kỳ có hoạt động của Nga.
– Như vậy, Nga là một trong những nhà khai thác dầu đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy sản lượng trong năm nay, tuy nhiên các nhà dự báo cũng lưu ý rằng điều này có thể thay đổi vào cuối năm nay. Tuy vậy, trong bối cảnh nguồn cung hiện nay, việc xử lý tình hình Ukraine mà không gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do dầu chi phi phối thậm chí càng trở nên khó khăn hơn. Các nhà phân tích dự báo rằng, nếu chiến sự giữa Nga và Ukraine xảy ra, và có lệnh trừng phạt nhằm ngăn cản Nga tiếp cận các cơ chế ngoại hối, hệ thống truyền tin…, hoặc ngăn cản Nga xuất khẩu hàng hóa của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ được nhìn thấy giá dầu ở mức 120 USD/thùng.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Triển vọng ngành bán lẻ Việt Nam năm 2022 phát triển theo hướng tập trung vào thương mại điện tử
– Năm 2021 là một quãng thời gian đầy khó khăn và thử thách với thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Tình hình dịch bệnh kéo dài trong năm vừa qua đã khiến cho ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng âm. Doanh thu của ngành năm 2021 đạt gần 4.790 tỷ đồng, giảm -3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thành phố Hà Nội chứng kiến mức giảm -4,6% do nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động kinh doanh vì dịch bệnh.
– Từ khi hoạt động thương mại được mở cửa trở lại vào đầu tháng 10, thị trường bán lẻ tại Hà Nội trong ba tháng cuối năm đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, thúc đẩy sự hồi phục của ngành. quý IV/2021 chứng kiến sự quay đầu đi lên của chỉ số GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) và doanh thu bán lẻ với mức tăng trưởng lần lượt là 6,7% và 8,5%. Những con số này là dấu hiệu cho thấy sự trở lại trong nhu cầu tiêu dùng của người dân.
– Theo Savills, xu hướng gia tăng trong tiêu dùng và sử dụng vốn, cùng với việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng là những nhân tố được dự đoán thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2022.
– Sự bùng nổ của hình thức kinh doanh trực tuyến đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh hạn chế đi lại. Với tính linh hoạt, tiện lợi và chất lượng giao hàng cải thiện, người dân đã tự tin hơn khi mua sắm trên mạng. Theo Vietnam Credit, năm 2021 chứng kiến tốc độ phát triển của thị trường thương mại điện tử ở mức 18% theo năm, đưa Việt Nam dẫn đầu trong số các nước Đông Nam Á về sự tăng trưởng của mô hình kinh doanh này.
– Do vậy, để bắt nhịp với những triển vọng phát triển của ngành bán lẻ, những nhà phát triển bất động sản cũng cần đưa ra những giải pháp phù hợp với sự thay đổi trong mô hình kinh doanh và nhu cầu mua sắm của người dân sau đại dịch.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• HNG ước lỗ tiếp 2.400 tỷ đồng trong năm 2022
– Mới đây nhất, chủ tịch Thaco cho biết đang giao Thagrico quản lý với tổng diện tích đất nông nghiệp lên tới 48.500 ha tại Tây Nguyên và Campuchia. Trong đó, các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp này bao gồm trồng trọt cây ăn trái; chăn nuôi bò, lợn và cung cấp các sản phẩm tươi, chế biến.
– Trong năm 2022, tập đoàn dự kiến đạt khoảng 400.000 tấn trái cây và 2.000 tấn mủ cao su với doanh thu khoảng 4.700 tỷ đồng. Đồng thời, trồng mới 1.500 ha cây ăn trái, nâng tổng diện tích cây trồng năm 2022 lên 10.300 ha chuối; 890 ha dứa và 3.700 ha xoài.
– Ở mảng chăn nuôi, đến cuối năm 2022, Thagrico dự kiến nâng tổng đàn bò lên hơn 53.000 con và sản xuất phân hữu cơ để cung cấp cho các vườn cây.
– Về số đàn lợn, công ty dự kiến nâng tổng số lợn giống lên mức 125.000 con và bán ra thị trường 109.000 con năm nay.
– Với kế hoạch kể trên, Thaco dự thu khoảng 10.700 tỷ đồng từ mảng nông nghiệp năm 2022, trong đó, doanh thu xuất khẩu là 7.000 tỷ đồng.
– Với HAGL Agrico, Thaco hiện sở hữu 26,7% cổ phần nhưng nắm vai trò điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này với tổng diện tích 36.050 ha đất tại Lào và Campuchia.
– Theo đó, công ty dự kiến tiêu thụ khoảng 177.000 tấn trái cây và hơn 12.000 tấn mủ cao su với doanh thu 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải ghi nhận chi phí chăm sóc và chi phí chuyển đổi vườn cây rất lớn từ năm 2020 trở về trước, HAGL Agrico ước lỗ 2.400 tỷ đồng.
– Như vậy, mặc dù đã đổi chủ thành công, nhưng dự báo trong ngắn hạn HNG vẫn chưa thể ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực do hệ lụy từ những năm trước đó.
• MSB dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng
– Mới đây nhất, tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích, nhà đầu tư, CEO MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh tóm tắt bức tranh tăng trưởng của Ngân hàng trong năm 2021.
– Theo đó, đáng chú ý là thu thuần ngoài lãi với mức đóng góp 4.372 tỷ đồng, tăng hơn 85%, chiếm tỷ trọng hơn 40% trong tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng. Sự tăng trưởng này đến từ hai mảng chính là thu phí và kinh doanh ngoại hối với tốc độ tăng trưởng thu nhập so với năm trước đó lần lượt là 250% và 41,8%. Ở mảng thu phí, MSB ghi nhận khoản thu lớn từ hợp đồng Banca với Prudential. Bên cạnh đó, doanh số Ngoại hối cũng ghi nhận kỷ lục mới đạt 7,209 triệu USD, tăng gần 40% so với năm 2020.
– Ở mảng thu nhập từ lãi, năm 2021 MSB tăng trưởng thu nhập lãi thuần xấp xỉ 29% nhờ cơ cấu nguồn vốn hiệu quả và chi phí vốn giảm mạnh từ 3,6% năm 2020 xuống còn 2,33% nên NIM được cải thiện tích cực. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của MSB năm 2021 đạt 5.088 tỷ đồng, gấp đôi năm trước.
– Ông Linh cho biết thêm, MSB được Ngân hàng nhà nước phê duyệt “room” tín dụng cao trong năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì cao trong năm 2022. Được biết, MSB hiện có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tương đối cao ở mức 95%, tỷ lệ nợ cơ cấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 3% ở thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,15%. Dự kiến trong quý I/2022, MSB sẽ giảm tỷ lệ NPL xuống dưới 1% khi thu hồi được các khoản nợ xấu của năm 2021.
– Về kế hoạch năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu năm 2022 đạt quy mô tài sản 233 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tín dụng tăng 20-25% tùy vào phê duyệt của Ngân hàng nhà nước, nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 1,5%.
– Liên quan đến việc tăng vốn và chia cổ tức, lãnh đạo Ngân hàng cũng cho biết sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021. Các kế hoạch liên quan tăng vốn MSB sẽ xin Đại hội đồng cổ đông thông qua và triển khai trong 2022 trong đó, ngân hàng đang hướng đến các nguồn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài và đang làm việc với một số bên để có kế hoạch cụ thể.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/02/2022 với khoảng trống giảm giá. Chỉ số thị trường giảm gần 10 điểm với nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch dưới mức tham chiếu. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 12.54 điểm. Sang phiên chiều, diễn biến giao dịch trên thị trường còn tiêu cực hơn nữa, VN-Index tiếp tục giảm sâu. Những yếu tố liên quan tới căng thẳng chính trị Nga-Ukraine có thể là yếu tố chính ảnh hưởng không tốt tới tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. VN-Index kết phiên với 29.75 điểm giảm, xuống mức 1,471.96 điểm
– Về mức độ đóng góp, VCB, BID và CTG là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất khi góp tổng cộng gần 11 điểm giảm cho chỉ số. Mức kéo giảm của bộ 3 cổ phiếu ngân hàng khiến cho mức đóng góp tăng điểm của GAS hay SAB không thể bù đắp.
– Về nhóm ngành, ngoài nhóm ngân hàng, các cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng chứng kiến mức giảm mạnh, trung bình 3.96%. Nhóm chế biến thủy sản đi ngược dòng với thị trường chung, với mức tăng gần 6%. Cổ phiếu VHC cùng với ANV bật tăng hết biên độ.
– Khối ngoại phiên giao dịch ngày 14/2 bán ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 293 tỷ đồng, mua ròng trên sàn HNX với giá trị gần 6 tỷ đồng.
– Như vậy, VN-Index đột ngột giảm mạnh trong phiên chiều và lui về mức 1,471.96 điểm. Chỉ số thị trường xuất hiện mẫu hình Bearish Island Reversal cho thấy tình hình tiêu cực trong ngắn hạn. Nếu đà giảm tiếp diễn, nhà đầu tư nên chú ý tới ngưỡng hỗ trợ 1,400-1,420 điểm.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0