Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 14/02/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Lạm phát ở Mỹ lên cao nhất 40 năm
Ngày 10/2 Bộ Lao động Mỹ cho biết giá tiêu dùng đã tăng 7,5% trong tháng trước so với một năm trước đó, mức tăng mạnh nhất trong năm kể từ tháng 2 năm 1982. Tính từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, lạm phát là 0,6%, bằng với tháng trước và cao hơn mức dự kiến.
Giá xăng dầu, ô tô, nhà ở và lương thực thực phẩm là một trong những “thủ phạm chính” gây lạm phát cao ở Mỹ. Việc giá cả tăng hàng loạt đã khiến nhiều người Mỹ ít có khả năng chi trả.
Lạm phát nổi lên như một yếu tố rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ. Nếu như vấn đề lam phạt không được giải quyết sớm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ liên tục nâng lãi suất trong năm nay. Khi đó, vấn đề giá cả hàng hóa tăng phi mã sẽ dần được hạ nhiệt. Nhưng đồng thời ảnh hưởng ngắn hạn, thị trường chứng khoán sẽ giảm bớt sự hấp dẫn.
• Giá dầu tăng lên gần 95 USD/ thùng, đạt đỉnh 8 năm
Giá dầu Brent tăng 3,03 USD, tương đương với 3,3%, lên 94,44USD/thùng, đây là mức cao nhất kể từ cuối năm 2014. Sự tăng mạnh của giá dầu được cho là kết hợp của nhiều nguyên nhân: nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 trong khi nguồn cung đang được kiểm soát một cách thận trọng (OPEC+ trong cuộc họp ngày 2/2/2022 đã giữ nguyên lộ trình tăng sản lượng thêm 400k thùng/ngày). Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng như tình hình nóng lên ở Trung Đông cũng thúc đẩy giá dầu lên cao.
Dầu dự trữ ở Mỹ có tuần thứ 3 liên tiếp giảm nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và đó cũng là động lực chính khiến giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao.
Giá dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng. Bởi ngoài yếu tố bất ổn ở Trung Đông, căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine, trong thời gian ngắn – trung hạn nguồn cung dầu vẫn bị thiếu hụt khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại sau đại dịch. Các ngành liên quan đến khai thác dầu khí sẽ được hưởng lợi trực tiếp ở các phân đoạn thượng nguồn và trung nguồn.
• Tháng 1/2022: Việt Nam xuất siêu lớn, trái ngược hoàn toàn với dự báo trước đó.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1/2022 đạt 60,29 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 12/2021. So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1 năm nay tăng 9,6%.
Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 30,84 tỷ USD, giảm 10,8% so với tháng 12/2021. So với tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 năm nay tăng 8,1%.
Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 29,45 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước đó. So với tháng 1/2021, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 1 năm nay tăng 11,3%.
Trước đó, con số của Tổng cục Thống kê ước tính kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt mức 29 tỷ USD, trong khi thực hiện lại lên tới 30,84 tỷ USD, chênh 1,84 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 1/2022, cán cân thương mại hàng hoá thặng dư 1,4 tỷ USD.
Tiếp đà năm 2021, trong tháng đầu tiên của năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã có những tín hiệu khởi sắc. Khi các nước trên toàn cầu thích nghi với việc sống chung với Covid cùng với các chính sách thúc đẩy phát triển xuất khẩu, tận dụng tốt các hiệp định FTA, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam kỳ vọng vẫn tiếp tục tăng trưởng đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trong năm 2022.
2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG
• Lãi suất của FED được dự báo không dừng lại ở mức tăng 3 lần trong năm 2022
Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tăng lên mức 7% tại thời điểm cuối năm 2021, cao nhất kể từ tháng 6/1982. Trong năm 2020, FED cho phép các chính sách tiền tệ nới lỏng, các gói kích thích kinh tế nhằm đạt mục tiêu toàn dụng lao động, trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức 2%. Tuy vậy, lạm phát cuối năm 2021 đã tăng lên mức 7% khiến FED buộc phải có các kế hoạch nhằm ngăn chặn đà tăng lạm phát này. Mới đây nhất, thống kê cho thấy lương theo giờ trung bình của người lao động Mỹ tăng trung bình 5.7% trong 12 tháng qua (gần mức kỷ lục trong 15 năm).
Chúng tôi cho rằng với tình trạng báo động về tỷ lệ lạm phát kỷ lục và đà tăng của tiền lương, FED khó có thể chần chừ trong động thái tăng lãi suất của mình mà sẽ sớm bắt tay vào tăng lãi suất liên tục và mạnh tay hơn. Có thể tương tự như 17 lần tăng lãi suất liên tục của FED trước đó để hạ nhiệt thị trường Bất Động Sản.
• Trái phiếu doanh nghiệp 6T2022 có thể chững lại trước khi phát triển minh bạch hơn
Trong năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành thành công 665,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường, tăng trưởng khoảng 49% so với năm 2020.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản là ngành đi đầu trong việc phát hành trái phiếu khi khối lượng phát hành lên đến 228,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng lượng trái phiếu phát hành. Đứng thứ hai là nhóm ngân hàng chiếm tỷ lệ 34,2%. Trong năm nhóm ngành xây dựng/hạ tầng, điện/nước và các công ty chứng khoán cũng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tuy vậy đầu tháng 12/2021 việc kiểm tra, giám sát phát hành trái phiếu doanh nghiệp được đẩy mạnh để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Cụ thể như: Cụ thể, Nghị định 153/2020/NĐ-CP về xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành, Thông tư của 16/2021/TT-NHNN về quy định phát hành với Tổ chức tín dụng.
Dự kiến trong nửa đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể có “độ chững” lại để thích ứng với các quy định mới, song dự báo trong cả năm 2022 và trong dài hạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng trưởng, mở rộng cả về quy mô và sản phẩm. Trở thành kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp
3. Kênh cổ phiếu
• Kênh đấu thầu bệnh viện (ETC) là động lực tăng trưởng trong dài hạn
Theo dự báo từ hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, thị trường Dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kép mỗi năm là 11% trong giai đoạn 2022- 2028, trong đó kênh ETC sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn nhờ:
– Thông tư 02/2018/TT-BYT kiểm soát việc lạm dụng thuốc kê đơn và thuốc không rõ nguồn gốc kênh OTC, nhường chỗ cho sự phát triển của kênh ETC.
– Độ bao phủ BHXH toàn dân lớn. Năm 2021, tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm đến 91.01% dân số.
– Sự phát triển mạnh mẽ của khối bệnh viện tư nhân cũng góp phần gia tăng chi tiêu thuốc trong kênh bệnh viện. Nhà nước có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các bệnh viện tư (0% trong 4 năm đầu, 10% cho những năm sau), sẽ khuyến khích sự phát triển của nhóm này
• M&A ngành Dược diễn ra sôi động
Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2017 không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp tham gia phân phối thuốc ở Việt Nam, mà chỉ có quyền nhập khẩu hoặc phân phối mặt hàng thuốc mà doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất tại Việt Nam. Điều này góp phần thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động M&A trong ngành dược.
Các tên tuổi lớn trong ngành dược phẩm thế giới đã góp mặt ở hầu hết các doanh nghiệp trong nước: Tập đoàn Abbott (Mỹ) sở hữu 51,7% cổ phần của Domesco, tập đoàn Taisho (Nhật Bản) sở hữu 51% cổ phần Dược Hậu Giang. Stada Service Holding B.V (Đức) tăng tỷ lệ sở hữu PME lên 100% và hủy niêm yết trên sàn từ 6.12.2021.
4. Kênh tài sản khác
• Giá nhà thương mại tiếp tục tăng nhưng không đột biến
Quay lại thời điểm này cách đây một năm, thị trường bất động sản xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí “sốt ảo” tại một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đồng Nai. Năm nay, cùng với các biện pháp kiểm soát của các cơ quan chức năng, thị trường đã ổn định hơn. Mặt bằng giá ở tất cả các phân khúc nhà ở đô thị được dự báo vẫn sẽ tăng nhưng không đột biến.
Nếu như năm 2020, tỷ trọng nhà biệt thự và liền kề trong rổ các sản phẩm bất động sản bán được chỉ chiếm 7%, năm 2021 tỷ lệ này là 14%, cho thấy đây là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm nay.
Nguồn cung ít, đẩy giá bán tăng cao. Dự báo mức giá trong năm nay vẫn sẽ tăng nhưng không đột biến, chủ yếu hướng tới người mua ở thật. Đáng chú ý, khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, thị trường năm 2022 sẽ chứng kiến sự mở rộng ra khu vực ven đô, các dự án đã hoàn thiện cơ bản sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của người mua.
• Vàng tăng giá do căng thẳng tại Ukraina kích thích nhu cầu đầu tư an toàn
Giá vàng giao ngay tăng 1.6% lên 1,858.71 USD/oz, mức cao nhất kể từ ngày 19/11/2021. Tính chung cả tuần qua, giá vàng tăng 2.5%.
Hợp đồng vàng tương lai khép phiên với mức tăng 1.25% lên 1,860.4 USD.
Giá vàng tăng mạnh lên sát mức cao nhất trong hai tháng trước lo ngại về lạm phát ngày càng cao đồng thời căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraina kích thích nhu cầu đối với kim loại mang tính trú ẩn an toàn này.
Đánh giá: Vàng đang lấy lại vị thế khi một số nhà đầu tư tìm kiếm sự bảo hộ trước động thái thắt chặt quyết liệt từ Fed, vốn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và có khả năng sẽ phá ngưỡng 1,900 USD nếu như quân đội Nga chính thức gây chiến.
• Đầu tư trái phiếu cùng dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á
Trend năng lượng sạch trên quy mô toàn thế giới. Việt Nam định hướng điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn phát điện đến năm 2045 (42%) 2020 (23%).
Trung Nam là nhà phát triển hàng đầu về năng lượng tái tạo Việt Nam, tài sản 2.3 tỷ USD, tương đương GDP của tỉnh Nam Định. Là một trong số ít nhà đầu tư có thể tự thi công hạ tầng và nhà máy điện. Có lợi thế về đàm phán với nhà cung cấp thiết bị điện.
Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty và huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo đầy tiềm năng nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group đã phát hành các mã trái phiếu với các kỳ hạn 1 năm, 7 năm, 9 năm phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
Tài sản đảm bảo có giá trị lớn, hơn 130% giá trị phát hành là dự án điện gió lớn nhất ĐNá đã hoàn thiện pháp lý ký hợp đồng mua bán điện. Khi tham gia nhà đầu tư sẽ nhận được lợi suất đầu tư lên đến 9.3 – 9.7%/năm, cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Vốn đầu tư tối thiểu 100 triệu đồng
5. Câu chuyện đầu tư
• Nguyên tắc 80-20
Chọn kinh doanh Doanh thu cao – Lợi nhuận cao
Người Do Thái tin rằng việc cạnh tranh trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt sẽ là rất rủi ro và là ngành nghề không kiếm ra được đồng tiền lớn. Do vậy, khi kinh doanh, họ tập trung vào hai thứ:
1. Người giàu (20% dân số): Tập trung vào những sản phẩm tốt nhất, chất lượng cao và dịch vụ tốt nhất. Dịch vụ cho người giàu sẽ luôn là quy chuẩn và được người trung lưu hướng đến.
2. Phụ nữ: Ví tiền người đàn ông do người phụ nữ cầm. Lý trí người phụ nữ đặt gần trái tim
Bài học rút ra trong đầu tư:
1. Thực tế đã chứng minh, những ngành nghề hàng hóa xa xỉ không hề bị ảnh hưởng bởi suy thoái hay khủng hoảng.
2. Nếu trải nghiệm dịch vụ xuất sắc sẽ đem lại mức lợi nhuận vượt trội, đặc biệt nếu là khách hàng phụ nữ.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0