Podcast ngày 09.02.2022 – Lương tăng nhanh, Fed có thể nâng lãi suất 7 lần trong 2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/02/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Lương tăng nhanh, Fed có thể nâng lãi suất 7 lần trong 2022

1. Thông tin vĩ mô

• Lương tăng nhanh, Fed có thể nâng lãi suất 7 lần trong 2022
– Lương theo giờ trung bình tăng 0,7% trong tháng 1 và tăng 5,7% trong 12 tháng qua, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ. Ngoại trừ hai tháng đầu dịch Covid-19 bùng phát, đây mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3/2007.
– Giải trí và khách sạn, ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, chứng kiến mức tăng thu nhập 13% trong năm qua. Lương trong ngành tài chính cũng tăng 4,8% và thương mại bán lẻ tăng 7,1%.
– Bank of America dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 7 lần trong năm nay, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm và 4 lần tăng trong năm 2023. Trong khi đó, thị trường chung đánh giá chỉ có 18% khả năng này xảy ra, theo số liệu của CME.
– Goldman Sachs cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay do tốc độ nghỉ việc nhanh nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 2001. Trong năm 2021, người lao động đã thay đổi hoặc bỏ việc 47,4 triệu lần, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ.
– Tiền lương tăng nhanh được cho là yếu tố sẽ thúc đẩy Fed nâng lãi suất nhanh hơn trong năm nay, khi việc tăng lương nhanh cũng đồng nghĩa với việc các công ty buộc phải tăng giá các sản phẩm và hàng hóa bán ra nhằm duy trì mức lợi nhuận tương ứng. Ngay tại thời điểm cuối quý I, thị trường hoàn toàn có thể chứng kiến đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed, mở đầu ra chu kỳ tăng lãi suất liên tục kể từ năm 2018.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Năm 2021, nhập khẩu sắt thép đạt 12,31 triệu tấn
– Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính riêng tháng 12/2021, Việt Nam đã nhập khẩu khẩu sắt thép các loại đạt 909.625 tấn với kim ngạch 1,03 tỷ USD, tăng 10% về lượng, tăng 12,2% kim ngạch so với tháng tháng 11. Luỹ kế cả năm, nhập khẩu sắt thép đạt 12,3 triệu tấn, tương đương 11,52 tỷ USD, giảm 7% về lượng, nhưng tăng 42,8% về kim ngạch so với 2020.
– Việt Nam tiếp tục nhập khẩu thép nhiều nhất từ Trung Quốc, chiếm 40,3% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 4,96 triệu tấn, trị giá 4,38 tỷ USD, giá trung bình 882,2 USD/tấn, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với năm 2020, với mức tăng tương ứng 32%, 79,9% và 36,3%; riêng tháng 12-2021 nhập khẩu sắt thép từ thị trường này đạt 216.357 tấn, tương đương 272,93 triệu USD, giá 1.261,5 USD/tấn, tăng 53% về lượng, tăng 49,3% về kim ngạch nhưng giảm 2,5% về giá so với tháng 11-2021.
– Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,73 tỷ USD, giá trung bình 913,6 USD/tấn, giảm 22,8% về lượng, nhưng tăng 23,8% về kim ngạch, tăng 60,3% về giá so với năm 2020.
– Đứng thứ 3 là thị trường Hàn Quốc đạt 1,48 triệu tấn, trị giá 1,59 tỷ USD, giá trung bình 1.074 USD/tấn, giảm 16,5% về lượng, tăng 24,4% kim ngạch, tăng 49% về giá so với năm 2020.
– Ở chiều ngược lại lượng sắt thép xuất khẩu năm 2021 đã đạt hơn 13 triệu tấn, tăng cao tới 32,9%; trị giá đạt 11,79 tỷ USD, tăng 124,3% so với năm 2020. Giá xuất khẩu sắt thép các loại trong năm 2021 tăng 68,8% so với năm trước, tương ứng tăng 367 USD/tấn. Đây là năm đầu tiên khối lượng xuất khẩu sắt thép các loại cao hơn so với khối lượng nhập khẩu.

• Tỷ lệ công nhân tại Đồng Nai, Bình Dương quay trở lại làm việc sau Tết lên đến 95%
– Những ngày đầu trở lại sản xuất, nhiều doanh nghiệp tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương mở cửa hoạt động với số lượng công nhân quay lại làm việc bình quân là 75% trên tổng số hơn 104.000 người. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ cao như: Công ty Cổ phần Lâm Việt đạt 100%, Công ty TNHH San Fa VN đạt 98,9%; Công ty TNHH Super Foam đạt 96,25%.
– Tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (Vsip1), công nhân đã hối hả đi vào sản xuất. Năm 2022, dự kiến đơn hàng của công ty tăng từ 20-30% nên công nhân đã được tăng ca. Bà Phạm Thị Duyên – Phó Chủ tịch công đoàn công ty cho biết hiện nay đội ngũ lao động còn người xin nghỉ phép, nhưng sẽ hiện diện đầy đủ trong tuần này. Người lao động rất hào hứng và đang bắt đầu tăng ca trở lại.
– Còn tại tỉnh Đồng Nai, từ ngày 5/2 các doanh nghiệp có đông công nhân, người lao động đã bắt đầu sản xuất trở lại. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, năm nay công nhân ít về quê mà chủ yếu ở lại tỉnh Đồng Nai để đón Tết nên đã sớm trở lại với công việc với khí thế thi đua lao động háo hức trong ngày đầu năm.
– Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho biết có hơn 95% trên tổng số 42.000 công nhân đã quay trở lại làm việc đầu năm. Công ty Taekwang Vina có 95% trên tổng số 37.000 công nhân quay trở lại làm việc.
– Việc tỷ lệ nhân công quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp đạt mức cao phản ánh không chỉ các chính sách giữ chân và khích lệ người lao động sau thời gian dài chống chọi Covid-19 cho thấy tiến triển tích cực trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh của các khu công nghiệp miền Nam. Điều này là yếu tố tích cực không chỉ cho doanh nghiệp và các khu công nghiệp mà còn củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam đang được hưởng lợi trong giai đoạn dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Novaland đạt 3.460 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021
– Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) công bố kết quả tài chính hợp nhất quý IV/2021 ghi nhận hơn 14.967 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 và hơn 3.460 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
– Tổng doanh thu hợp nhất bao gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ đạt hơn 14.967 tỷ đồng, tăng gần 186% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ bán hàng 13.511 tỷ đồng, tăng 264% so với cùng kỳ năm ngoái, được ghi nhận từ việc bàn giao các dự án như NovaHills Mũi Né, Saigon Royal, Aqua City, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, Victoria Village; doanh thu từ cung cấp dịch vụ 1.457 tỷ đồng.
– Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản đạt 201.520 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cuối năm 2020. Trong đó, hàng tồn kho hơn 109.767 tỷ đồng, tăng 26,4% so với thời điểm cuối năm trước chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh đầu tư phát triển tại các dự án như Aqua City, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld HồHồ Trààm, NovaHills Mũi Né và từ việc nhận chuyển nhượng các dự án mới. 92,5% tổng hàng tồn kho (tương đương hơn 101.515 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản (BĐS) đã xây dựng hoàn thành và đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.
– Giữa tháng 12/2021, phân khu The Kingdom tại NovaWorld Phan Thiết đã chính thức ra mắt. Nằm tại vị trí trung tâm, phân khu The Kingdom được ví như “trái tim” của dự án và có kết nối trực tiếp với nhiều tuyến đường huyết mạch. The Kingdom dự kiến sẽ là một động lực tăng trưởng lợi nhuận tích cực cho NVL vào năm nay, đặc biệt là khi phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được phục hồi sau khi tình trạng giãn cách xã hội kết thúc.

• May Sông Hồng lãi sau thuế tăng 92% trong năm 2021
– May Sông Hồng (HoSE: MSH) báo cáo doanh thu thuần hợp nhất quý IV đạt 1.299,4 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng nhiều hơn nên biên lãi gộp giảm từ 24,2% xuống 19%.
– Trong kỳ, chi phí tài chính cũng tăng mạnh từ 2 tỷ lên hơn 8 tỷ đồng, gồm 2,4 tỷ chi phí lãi vay và hơn 5,6 tỷ lỗ chênh lệch tỷ giá. Chi phí bán hàng tăng 4% so với cùng kỳ năm trước lên gần 42 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý giảm 16% về 87 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp may báo lợi nhuận sau thuế đạt 107,3 tỷ đồng, tăng 62% so với quý IV/2020.
– Lũy kế năm 2021, doanh thu thuần ở mức 4.747,6 tỷ đồng, tăng 24%. Hoạt động tài chính đem về gần 78 tỷ, tăng 24%. Bên cạnh đó, chi phí quản lý cũng thấp hơn cùng kỳ nhờ hoàn nhập 9 tỷ chi phí dự phòng, trong khi năm 2020 trích lập gần 162 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt gần 543 tỷ đồng, tăng 92% và lợi nhuận sau thuế hơn 442 tỷ đồng, tăng 91% so với năm trước. Như vậy, năm 2021 doanh nghiệp đã vượt 13% chỉ tiêu doanh thu và 60% chỉ tiêu lợi nhuận.
– Hỗ trợ cho kết quả lợi nhuận tăng cao trong của doanh nghiệp là nhờ tiết kiệm chi phí sản xuất làm giảm giá vốn, chủ yếu đến từ yếu tố tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, còn 87 tỷ đồng từ mức cùng kỳ năm trước ghi nhận gần 104 tỷ đồng.
– Nhóm doanh nghiệp dệt may tiếp tục được kỳ vọng sẽ phục hồi nhờ sự bình thường mới, cũng như cước phí vận tải giảm dần, giúp hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh trở lại.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 08/02/2022 trong tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau phiên đầu năm tăng điểm mạnh. Chỉ số giảm hơn 6 điểm ngay sau phiên ATO và liên tục giằng co với biên độ hẹp quanh mức giá tham chiếu. Kết phiên sáng, chỉ số giữ được sắc xanh với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu sắt thép và ngân hàng. Bước sang phiên chiều, thị trường không có nhiều biến động khi VN-Index tiếp tục xu hướng giằng co trước đó. Kết phiên, VN-Index tăng nhẹ hơn 3 điểm, lên mức 1,500.99 điểm.
– Về mức độ đóng góp, HPG là cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi góp gần 3 điểm tăng cho chỉ số. Theo sau là các mã VPB, GVR và TCB. Trong khi đó, VIC, VCB, VHM và MSN là những cổ phiếu kìm hãm đà tăng của chỉ số. Riêng VIC đã lấy đi gần 4 điểm tăng của VN-Index.
– Về nhóm ngành, thủy sản là ngành tăng điểm mạnh nhất trong phiên. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021, nhiều cổ phiếu trong ngành có phiên giao dịch rất sôi động. Các mã VHC, ANV đều kết thúc giao dịch trong sắc tím, MPC tăng mạnh 3.27%. Giá cổ phiếu CMX cũng leo dốc hết biên độ khi kết phiên với kết quả kinh doanh tích cực. Kết thúc năm 2021, CMX ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng đột biến 54% lên hơn 2,190 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 82.9 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
– Cùng với thủy sản, nhóm cổ phiếu sắt thép cũng có phiên giao dịch tỏa sáng. Trong đó, HSG, NKG, POM cùng nhau tăng hết biên độ; ông lớn HPG cũng leo dốc 5.8%. Giá thép thế giới tiếp tục tăng là thông tin tích cực hỗ trợ cho đà tăng của nhóm cổ phiếu này.
– Về giao dịch khối ngoại, riêng sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 5 phiên mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 350 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là gần 9,3 triệu cổ phiếu. VIC vẫn bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 290 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là VNM với hơn 50 tỷ đồng. HPG và NKG bị bán ròng lần lượt 48 tỷ đồng và 42 tỷ đồng. Trong khi đó, KBC được mua ròng mạnh nhất với 64 tỷ đồng. DXG và CTG được mua ròng lần lượt 51 tỷ đồng và 33 tỷ đồng.
– VN-Index có phiên giao dịch giằng co mạnh với khối lượng nằm dưới mức trung bình 20 ngày. Điều này chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư đang khá thận trọng khi chỉ số vẫn đang test lại vùng kháng cự 1,500-1,510 điểm. Chúng tôi đánh giá dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nhưng điểm tích cực là dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest