Đầu tiên, trước khi bắt tay vào con đường đầu tư, có một định lý bất di bất dịch mà nhà đầu tư nào cũng nắm rõ, đó là sự tỉ lệ thuận giữa rủi ro và lợi nhuận. Ai cũng muốn ít rủi ro, nhiều lợi nhuận, nhưng nếu được như thế thì ai cũng giàu rồi. Trên thực tế, rủi ro và lợi nhuận luôn đi đôi với nhau – chấp nhận độ rủi ro cao thì khả năng nhà đầu tư thu về lợi nhuận cao. Ngược lại, nếu bạn là người ngại rủi ro thì lợi nhuận bạn thu về được cũng sẽ thấp. Có thể thấy rủi ro là 1 yếu tố không tránh khỏi trong những hoạt động đầu tư. Vậy mỗi nhà đầu tư cần tìm hiểu và xác định được rõ các loại rủi ro sẽ gặp khi đầu tư vào các công cụ chứng khoán. Ở bài viết kỳ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các rủi ro khi đầu tư vào công cụ trái phiếu, từ đó đưa ra quyết định của bản thân có nên chấp nhận rủi ro đó hay không và quản lý rủi ro đó thế nào
Rủi ro vỡ nợ (default risk)
Được đánh giá dựa trên các yếu tố kinh tế và khả năng hoàn trả lãi và gốc trái phiếu của tổ chức phát hành. Rủi ro vỡ nợ được đánh giá qua hệ số tín nhiệm. Hệ số tín nhiệm do các công ty đánh giá tín nhiệm ấn định. Hệ số tín nhiệm càng cao thì trái phiếu được coi là càng an toàn. Hiện nay, S&P- 1 trong những công ty định giá nổi tiếng nhất thế giới, cho điểm tín nhiệm dựa trên các yếu tố như khả năng thanh toán, bản chất của khoản vay mượn và khả năng hoàn trả nợ trong trường hợp phá sản/tái cơ cấu. Nợ dài hạn của S&P được phân thành hai cấp độ: Mức đầu tư (investment grade): từ AAA đến BBB, và mức không đầu tư (non-investment grade/junk bond) từ BB, đến C.
Rủi ro lãi suất (interest rate risk)
Khi lãi suất thị trường càng tăng, giá trái phiếu càng giảm và ngược lại. Nguyên nhân là do lãi suất của trái phiếu đã được ấn định từ trước nên khi lãi suất thị trường giảm, trái phiếu cũ với mức lãi suất cao hơn sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Nhìn chung, trái phiếu có thời gian đáo hạn càng dài thì mức độ tăng hay giảm giá càng cao. Tuy nhiên, các trái phiếu có lãi suất thả nổi (lãi suất cuống phiếu được xác định căn cứ vào lãi suất thị trường từng thời điểm) sẽ có rủi ro lãi suất thấp hơn nhiều so với trái phiếu có lãi suất cố định (lãi suất cuống phiếu không thay đổi)
Rủi ro lạm phát (inflation risk)
Lạm phát là kẻ thù của NĐT trái phiếu vì nó làm giảm giá trị đồng tiền. Lạm phát càng cao, lãi suất thực của trái phiếu càng giảm, làm mất giá trị của trái phiếu. Nếu một trái phiếu trả lãi 7%/năm, lạm phát bình quân 5% thì lãi suất thực của trái phiếu chỉ là 2%.
Rủi ro thanh khoản (liquidity risk)
Trong điều kiện thị trường thiếu tính thanh khoản, NĐT trái phiếu sẽ khó lòng tìm được người sẵn sàng mua lại trái phiếu, hoặc nếu tìm được thì phải bán lại với giá rẻ hơn so với giá trị thực của trái phiếu.
Rủi ro tái đầu tư (reinvestment risk)
Rủi ro xảy ra khi NĐT đối mặt với nguy cơ phải tái đầu tư tiền lãi thu được ở mức lợi suất thấp hơn lợi suất của các khoản kiếm được trước đây, nguyên nhân là do lãi suất thị trường giảm và trái phiếu có đặc tính có thể thu hồi trước đáo hạn bởi các tổ chức phát hành. Với 2 trường hợp này NĐT nhận được tiền nhưng không thể tái đầu tư ở mức lãi suất tương đương, rủi ro này có thể tác động xấu đến lợi nhuận của NĐT về lâu dài.
Trái phiếu có thể tạo ra một dòng thu nhập cho các nhà đầu tư, và đôi khi trái phiếu cũng có thể giúp giảm thiểu rủi ro tổng thể của danh mục đầu tư.