Podcast ngày 31.03.2022 – Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặp thách thức

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 31/03/2022

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• Nguồn cung khí đốt Nga qua đường ống Yamal-châu Âu giảm xuống mức 0
– Vào lúc 14h00 giờ Moskva, đường ống Yamal từ Nga đến Châu Âu đã giảm từ 1.451.155 kWh về 0 kWh. Ngoài Yamal thì các đường ống dẫn khí khác hiện vẫn đang hoạt động.
– Ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc họp với Nội các, đã thông báo rằng việc bán khí đốt tự nhiên và các mặt hàng xuất khẩu khác từ Nga sang các nước châu Âu và Mỹ sẽ sớm được chuyển đổi sang đồng ruble. Hầu hết các nước châu Âu đều phản đối ý kiến này.
– Động thái này của Nga là nỗ lực nhằm gây áp lực lên Châu Âu để trả đũa các biện pháp cấm vận. Khi mệnh lệnh này được thực hiện, Châu Âu sẽ phải mua lượng ruble trị giá hàng trăm triệu euro mỗi ngày. Việc này sẽ cung cấp cho Nga dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời gia tăng sức mạnh của đồng ruble.
• Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặp thách thức
– Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu đang bắt đầu trở nên tồi tệ hơn khi chịu tác động tiêu cực từ xung đột ở Ukraine và việc kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc đang được tăng cường. Điều này đe dọa tăng trưởng chậm hơn và lạm phát nhanh hơn trong toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
– Kỳ vọng tăng trưởng tại nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Âu trong tháng 3 đã giảm mạnh kỷ lục khi các nhà máy trên khắp thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel và các phụ tùng.
– Ngoài những ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị, đợt bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Omicron đang khiến Trung Quốc mở rộng việc áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt.
– Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh của tháng 10/2021 và nếu Bắc Kinh duy trì quan điểm cứng rắn trong việc kiểm soát làn sóng lây nhiễm thì xu hướng này sẽ tiếp tục. Điều đó sẽ làm tăng thêm sự chậm trễ trong vận chuyển, vấn đề tìm nguồn cung ứng và chi phí cho các doanh nghiệp từ Mỹ đến châu Âu.
– Vận tải biển đóng vai trò của khoảng 80% thương mại thế giới và giá cước vận chuyển một container hàng hóa 40 feet đến Mỹ từ châu Á đã chạm mốc hơn 20.000 USD từ mức giá 5.000 USD.
– Việc đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, đưa ra cho các ngân hàng trung ương bài toán khó về lãi suất. Nếu lạm phát không được giải quyết nhanh rất có thể FED sẽ tiếp tục nâng mức lãi suất, gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Việt Nam đầu tư vào Hoa Kỳ ngày càng nhiều
– Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý 1/2022 của Tổng cục Thống kê (TCTK), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2022 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư. Các dự án đầu tư có tổng số vốn đạt 180,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; có 03 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 31,2 triệu USD, giảm 92,8%.
– Xét về vùng lãnh thổ, trong 3 tháng đầu năm 2022 có 12 quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó Lào là nước dẫn đầu với 64,3 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đăng ký. Quốc gia xếp thứ 2 nhận đầu tư từ Việt Nam đó là Hoa Kỳ 34,5 triệu USD, chiếm 16,3%.
– Các dự án mà Việt Nam đầu tư vào Hoa Kỳ tập trung ở một số lĩnh vực. Một trong số các lĩnh vực điển hình đó là đầu tư vào hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; công nghiệp chế biến, chế tạo.
– Đặc biệt, dự án đáng chú ý nhất mới đây là dự án xây nhà máy sản xuất xe điện và pin tại Bắc Carolina trị giá 4 tỷ USD. Việc xây dựng sẽ bắt đầu trong năm nay ngay khi công ty nhận được các giấy phép cần thiết và dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2024. Công suất ban đầu của nhà máy sẽ là 150.000 chiếc mỗi năm, VinFast cho biết.
– Đây sẽ là nhà máy ô tô đầu tiên được xây dựng tại Bắc Carolina và góp phần tạo ra sự phát triển kinh tế lớn cho bang, văn phòng thống đốc bang cho biết. Theo tổng thống Mỹ Joe Biden, việc đầu tư xây nhà máy của VinFast sẽ tạo ra hơn 7.000 việc làm mới.
• Cấp than cho điện khó khăn, EVN kêu gọi tiết kiệm điện
– Toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện, khiến nguy cơ thiếu điện từ tháng 4/2022 trở nên hiện hữu.
– Trong quý 1/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.
– Do lượng than cần cung cấp tăng cao và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.
– Để khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, vừa qua các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện của EVN đã có nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
– Để chủ động ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp điện từ phía người sử dụng điện, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, …góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• KBC: Kinh Bắc tham vọng mở rộng quỹ đất, thành lập dự án KCN, KĐT mới tại 5 địa phương
– Theo báo cáo thường niên năm 2021, Kinh Bắc đang quản lý gần 5.216 ha đất phát triển khu công nghiệp (KCN), chiếm gần 4,22% tổng số diện tích đất KCN của cả nước và xấp xỉ 1.178 ha đất phát triển khu đô thị (KĐT), dân cư. Trong đó, 1.013 ha đất KCN thuộc 4 KCN đã được lấp đầy 100% và một KCN có diện tích 426 ha đã lấp đầy 96,78%.
– Theo lãnh đạo Kinh Bắc, doanh nghiệp sẽ tăng tốc đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN và KĐT bao gồm: KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu mở rộng, KCN Tân Phú Trung, KĐT Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ; KCN Tràng Duệ mở rộng; Cụm công nghiệp Hưng Yên, Cụm công nghiệp Long An; Đại dự án Tràng Cát.
– Kinh Bắc đang tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện các thủ tục thành lập các dự án KCN và KĐT mới tại Hưng Yên, Long An, Tiền Giang, Hải Dương và Vũng Tàu… và liên tục khảo sát các địa bàn khác phù hợp với định hướng phát triển của KBC để gia tăng quỹ đất.
• ĐHĐCĐ Chứng khoán Bản Việt (VCI): Ước tính lợi nhuận quý 1 đạt 500-550 tỷ đồng
– Chứng khoán Bản Việt (VCSC, VCI) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, thông qua kế hoạch doanh thu 3.240 tỷ đồng, giảm 12,6% và lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, tăng 2,7% so với thực hiện năm trước. Được biết, kế hoạch kinh doanh trên được VCSC xây dựng dựa trên cơ sở VN-Index đạt 1.550 điểm vào cuối năm.
– Tại mảng môi giới, trước đây khách hàng tổ chức chiếm 20% thị trường, và VCI tập trung nhóm này vì mang lại khoản lợi nhuận tốt. Tuy nhiên hiện nay, thị phần của nhóm tổ chức đang giảm mạnh, chỉ còn 5-7%. Trong khi nhóm khách hàng cá nhân đang chiếm trên 93-95%. VCI cũng đang có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu, trong thời gian tới VCI sẽ thúc đẩy mở rộng nhóm khách hàng cá nhân.
– VCI tiếp tục đẩy mạnh mảng lợi thế là ngân hàng đầu tư (IB). Các khách hàng tiềm năng sẽ thuộc nhóm doanh nghiệp bất động sản, hạ tầng, xây dựng sẽ khá sôi động. Tuy nhiên, VCI sẽ không tập trung vào doanh nghiệp bất động sản nhiều vì đánh giá đang có nhiều rủi ro tại nhóm này.
– Tại mảng đầu tư, VCI theo phương án thận trọng. Năm 2022 Công ty mục tiêu bán không quá 10% danh mục, đảm bảo chiến lược đầu tư dài hạn đề ra từ đầu. Mảng này tại VCI vẫn đang tăng trưởng, nếu cuối năm 2021 lợi nhuận khoảng 1.666 tỷ thì hiện nay kế hoạch sẽ tăng lên 2.000 tỷ, tương đương khoảng 10%.
– Đại hội cũng thống nhất việc chi trả cổ tức đợt 2/2021 với tỷ lệ 30% (đã tạm ứng đợt 1 bằng tiền mặt 12% vào tháng 12/2021). Năm 2022, Công ty dự chia tỷ lệ cổ tức 30%, song song phát hành 2 triệu cổ phần ESOP với giá 12.500 đồng/cp.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 30/3/2022, VN-Index mở cửa với sắc đỏ nhẹ, giảm gần 6 điểm, sau nhịp rung lắc đó thị trường đã lấy lại được sắc xanh đóng phiên sáng ở mức 1.495 điểm nhờ sự nâng đỡ của nhóm VN30 và nhóm ngân hàng. Áp lực bán tăng mạnh từ đầu phiên chiều kéo dài cho đến hết phiên. VN-Index đóng cửa ở mức 1.490,51 giảm-7,25 điểm tương đương -0,48%. Giá trị giao dịch phiên hôm nay đạt 28, 682.482 tỷ đồng. Về độ rộng thị trường, phe mua thắng thế với 320 mã giảm chiếm tỷ lệ 64,39% các mã trên sàn HSX.
– Về mức độ ảnh hưởng, BID, VIB và MBB là các mã có đóng góp tăng nhiều nhất tới chỉ số VNINDEX với tổng 2,935 điểm, theo sau là SSB và VPB đóng góp lần lượt là 0,583 điểm và 0,459 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã kìm hãm đà tăng của chỉ số gồm có: NVL (-1,228 điểm), GAS (-0,877 điểm), DIG (-0,827 điểm) và VHM (-0,776 điểm).
– Về nhóm ngành, 7/10 nhóm ngành đều ghi nhận sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày hôm nay trong đó giảm mạnh nhất là 2 nhóm ngành Công nghiệp và Năng lượng với mức giảm lần lượt là -2,81% và -3,21%, còn lại giảm ở mức 0,5-2%, chỉ có 3/10 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh là các nhóm Tài chính, Tiêu dùng thiết yếu, Công nghệ thông tin với với mức tăng ~1%. Tiêu điểm ngày hôm nay vẫn là cổ phiếu họ nhà FLC giảm sàn do thông tin chủ tịch Trinh Văn Quyết bị bắt vào tối ngày hôm qua 29/03/2022, thị trường đã có những phản ứng khá tiêu cực khi áp lực bán khá lớn tới từ các nhóm ngành Bất động sản cũng như là các mã có tính đầu cơ cao.
– Nhóm ngành nâng đỡ chính cho thị trường ngày hôm nay đó là nhóm Ngân hàng với các mã VPB, BID, CTG, MBB đều tăng tốt. Top 10 cổ phiếu đóng góp cho đà tăng của VN-Index có tới 8 mã ngành ngân hàng. Các cổ phiếu thuộc nhóm có tính đầu cơ cao giảm mạnh chìm trong sắc đỏ. Đặc biệt là những mã thuộc ngành bất động sản như HQC, LDG đều ghi nhận mức sàn CEO, DIG cũng giảm ở mức lần lượt là -6%, -6,4%
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 30/03/2022 mua ròng 123,94 tỷ đồng. Lượng mua ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu DGC (181,38 tỷ đồng), FUEVFVND (75,26 tỷ đồng), DXG (46,1 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã bán ròng nhiều nhất là VHM (-51,44 tỷ đồng), VIC (-46,33 tỷ đồng), MWG (-32,9 tỷ đồng).
– Hiện tại, sự kiện thiên nga đen diễn ra gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư tuy nhiên khác với những lần trước, nhà đầu tư đã bình tĩnh theo dõi thị trường hơn không bán tháo hoảng loạn. Ngoài ra trong phiên giảm điểm ngày hôm nay, dòng tiền đã chảy về nhóm VN30 góp phần nâng đỡ thị trường cũng như là củng cố niềm tin hơn cho nhà đầu tư.
– Thị trường đang được đồn đoán có thể còn thêm những thông tin bất lợi khác, tuy nhiên các thông tin này chưa được kiểm chứng và chúng tôi nhận định cơ hội về dài hạn của thị trường vẫn tiếp tục hấp dẫn. Nhà đầu tư chỉ nên hạ tỉ trọng những mã có tính đầu cơ lớn và khi mà vị thế đòn bẩy ở mức cao. Những mã cổ phiếu có nền tảng tốt nếu giảm sẽ là cơ hội tốt để mua vào trong giai đoạn này.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest