Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 30/10/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Trung Quốc “bơm” 140 tỷ nhân dân tệ vào thị trường
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc “bơm” 140 tỷ nhân dân tệ (tương đương 20,8 tỷ USD) vào thị trường thông qua hoạt động re-po đảo ngược trong 7 ngày với lãi suất 2,2%. Động thái này nhằm duy trì thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng.
Trước đó, ngày 21/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã bơm 70 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10, 46 tỷ USD) vào thị trường thông qua hoạt động tương tự.
Theo báo cáo năm nay của Chính phủ Trung Quốc, nước này tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng với cách thức linh hoạt và phù hợp hơn. Trong Quý III/2020, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,9% so với cách đây 1 năm, trở thành nền kinh tế đầu tiên từng bước hồi phục kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Gần 2/3 doanh nghiệp Anh có nguy cơ vỡ nợ trong vài tháng tới
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS) có tới 64% các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán, trong đó 43% các công ty hiện có nguy cơ cạn kiệt quỹ dự trữ tiền mặt trong vòng dưới 6 tháng.
Theo khảo sát về tác động của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp của ONS, ngành dịch vụ khách sạn vàthực phẩm và ngành phụ trợ kinh doanh, quản lý điều hành có tỷ lệ số công ty bị nguy cơ vỡ nợ cao nhất, tương ứng ở mức 17% và 9%.
Trước đó trong tháng này, Bộ trưởng Kinh doanh Alok Sharma đã tái áp dụng quy định yêu cầu các giám đốc phải dừng các hoạt động giao dịch thương mại nếu họ tin doanh nghiệp sẽ bị vỡ nợ. Trước đó, Chính phủ Anh đã gỡ bỏ quy định này hồi tháng 3/2020 và cho phép tất cả các doanh nghiệp tiếp tục giao dịch thương mại với nguồn vốn chủ yếu lấy từ khoản đi vay Chính phủ.
Pháp, Đức tái phong tỏa toàn quốc trước làn sóng COVID-19 thứ hai
Theo đó các biện pháp mới phòng chống Covid-19 của Pháp có hiệu lực từ ngày 29.10, mọi người dân được yêu cầu ở nhà và chỉ ra ngoài khi cần như mua hàng hóa thiết yếu, đến bệnh viện hoặc tập thể dục tối đa một giờ mỗi ngày. Người dân Pháp sẽ được phép đi làm nếu công việc của họ không thể làm tại nhà. Các trường học và nhà máy vẫn mở cửa.Các doanh nghiệp không thiết yếu như nhà hàng và quán bar buộc phải đóng cửa.Lệnh phong tỏa này dự kiến kéo dài tới cuối tháng 11, theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trong khi đó, Đức sẽ đóng cửa các quán bar, nhà hàng và nhà hát từ ngày 2/11. Các trường học sẽ vẫn mở cửa và các cửa hàng sẽ được phép hoạt động với các giới hạn nghiêm ngặt về số người ra vào.
2. Vĩ mô Việt Nam
Thu ngân sách khởi sắc nhưng 10 tháng vẫn bội chi 164.7 nghìn tỷ đồng
Dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước hồi phục trở lại, tăng trưởng kinh tế khởi sắc trong quý III là các nhân tố tác động tích cực đến kết quả thu ngân sách tháng 10/2020, theo Tổng cục Thống kê.
Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2020 ước tính đạt 1.018,6 nghìn tỷ đồng, bằng 67,4% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 846,6 nghìn tỷ đồng, bằng 67%; thu từ dầu thô 28,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 142,7 nghìn tỷ đồng, bằng 68,6%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2020 ước tính đạt 1.183,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 801,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,9%; chi đầu tư phát triển 288,7 nghìn tỷ đồng, bằng 61,3%; chi trả nợ lãi 85,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,3%. Như vậy, trong 10 tháng năm 2020, ngân sách Nhà nước bội chi 164,7 nghìn tỷ đồng.
CPI tháng 10/2020 tăng 0.09% so với tháng trước
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2020 tăng 0.09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước – đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.
Cụ thể, CPI tháng 10/2020 tăng 0.09% so với tháng 12/2019 và tăng 2.47% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3.71% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Lạm phát cơ bản tháng 10/2020 tăng 0.07% so với tháng trước và tăng 1.88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 2.52% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Hơn 110,000 doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng 2020
Theo đó, cả nước có 12,200 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng với số vốn đăng ký là 165,600 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 72,400 lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13.6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đón nhận 5,044 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tuy nhiên có 3,293 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 3,579 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1,413 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Như vậy trong 10 tháng, cả nước có gần 111,200 doanh nghiệp thành lập và giảm 2.9% so với cùng kỳ năm ngoái, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 14.3 tỷ đồng, tăng 14.4%.