Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Đồng USD đứng trước nguy cơ sụp đổ, mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới
1. Vĩ mô quốc tế
Mặt trận thương mại Mỹ-Trung vẫn bình yên giữa vòng xoáy xung đột
Bất chấp vòng xoáy xung đột hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một, được ký kết hồi tháng 1 năm nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn đứng vững.
Nhờ khống chế tốt dịch Covid-19, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mua hàng hóa Mỹ. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nếu tính theo đồng nhân dân tệ.
Một trong những lý do giúp thỏa thuận đứng vững là vì các quan chức kinh tế ở Washington lẫn Bắc Kinh đều thực dụng hơn trong cách tiếp cận khi họ xem xét các hậu quả kinh tế có thể xảy ra nếu thỏa thuận này bị hủy bỏ, theo nhận định của Louis Kuijs, Giám đốc bộ phận kinh tế châu Á của Công ty tư vấn Oxford Economics.
Mỹ-Australia tăng cường mạng lưới liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc
Hội nghị Tham vấn ngoại giao – quốc phòng thường niên giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) lần thứ 30 diễn ra trong hai ngày 27-28/7 ở thủ đô Washington của Mỹ.
Chủ để Trung Quốc gần như chi phối hoàn toàn hội nghị năm nay. Trong tuyên bố chung, các quan chức cấp cao của Mỹ và Australia bày tỏ quan ngại đối với “những hành động cưỡng chế và gây bất ổn trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Hai bên cáo buộc Trung Quốc vi phạm quy tắc quốc tế trên Biển Đông và cam kết duy trì tự do hàng hải và pháp quyền trong khu vực.
Tuyên bố chung nhấn mạnh Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách hàng hải trên Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn”, “quyền lịch sử” hoặc toàn bộ các nhóm đảo trên Biển Đông.
Theo Nikkei, khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, Washington đã thành công trong việc đưa đồng minh Australia đứng về phía nước này. Mỹ và Australia nhất trí sẽ mở rộng hợp tác quân sự và củng cố mặt trận chung giữa các đồng minh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.
2. Vĩ mô trong nước
CPI tháng 7 tăng 0,4%
Thông tin từ Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội 7 tháng đầu năm 2020 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng trước. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7/2020 là giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 27/6/2020 và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài.
Mặc dù vậy, CPI tháng 7 vẫn giảm 0,19% so với tháng 12/2019 (mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 – 2020), và tăng 3,39% so với cùng kì năm trước. Bình quân trong 7 tháng năm 2020, CPI tăng 4,07% so với cùng kì năm ngoái.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân ngày càng có xu hướng giảm dần, về gần hơn với ngưỡng 4%. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều nhận định của các chuyên gia đều cho rằng có nhiều áp lực làm tăng chỉ số này trong những tháng cuối năm.
Việt Nam tiếp tục xuất siêu tháng thứ 3 liên tiếp, cao gấp nhiều lần năm trước
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 7 ước tính đạt 45 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 50,76 tỷ USD, tăng cao 13,5%; nhập khẩu đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%.
3. Các kênh đầu tư
Đồng USD đứng trước nguy cơ sụp đổ, mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới
Khi Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị đưa ra một gói kích thích tài khóa khác để hỗ trợ nền kinh tế và Cục Dự trữ Liên bang cũng mở rộng bảng cân đối kế toán thêm khoảng 2,8 nghìn tỷ USD trong năm nay, thì các chiến lược gia của Goldman Sachs cảnh báo rằng chính sách của Mỹ đang gây ra mối lo ngại vè tiền tệ. Điều này có thể đặt dấu chấm hết cho “sự thống trị” của đồng USD trong thị trường ngoại hối toàn cầu.
Các chiến lược gia của Goldman cho hay: “Vàng là đồng tiền tệ mang tính giải pháp cuối cùng, đặc biệt là ở trong bối cảnh hiện tại – khi các chính phủ đang hạ giá các đồng tiền pháp định và đưa lãi suất xuống mức thấp nhất mọi thời đại.” Ngoài ra, nhóm chuyên gia cho biết hiện tại mối quan tâm thực sự của họ là về thời gian đồng USD được coi là đồng tiền tệ dự trữ.”
Giá vàng tăng mạnh nhưng giao dịch thực tế không tăng đáng kể
Đánh giá chung của Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM, giá vàng thế giới vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, bao gồm làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, căng thẳng Mỹ – Trung, Fed vẫn áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng USD giảm giá.
Giá vàng trong nước nửa đầu tháng 7/2020 cũng biến động theo xu hướng tăng mạnh, chủ yếu do chịu tác động từ đà tăng của giá vàng thế giới.
Nhìn chung, giá vàng trong nước và thế giới có nhiều biến động, song trật tự thị trường vàng trong nước vẫn được đảm bảo, không xuất hiện tình trạng đầu cơ.