Podcast ngày 30.03.2022 – Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt vì thao túng chứng khoán

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 30/03/2022

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• EU ấn định thời điểm có thể độc lập với nguồn cung khí đốt Nga
– Ủy ban châu Âu ngày 28/3 xác nhận rằng EU sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga trong ít nhất 5 năm nữa.
– Ông McPhie thông báo rằng EU ước tính có thể giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay và kế hoạch chi tiết về cách thức đạt được điều này sẽ được trình bày vào cuối tháng 5.
– Tổng thống Mỹ Joe Biden có gặp gỡ các quan chức EU tại Brussels để tìm cách áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, mà châu Âu tránh, với lý do lo ngại suy thoái. EU quyết định ngừng mua khí đốt tự nhiên từ Nga như một phần của một loạt biện pháp trừng phạt nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine. Nga hiện cung ứng khoảng 40% nhu cầu của EU, tương đương 175 tỷ mét khối mỗi năm

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• CPI quý I tăng 1,92%
– Theo báo cáo kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân là giá xăng, dầu và gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào cũng như sự tăng giá của mặt hàng xăng, dầu.
– Tính chung quý I, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là giá xăng, dầu trong nước tăng hơn gần 49% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm; giá gas tăng hơn 21%, làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà như xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên liệu đầu vào cũng là nguyên nhân khác đóng góp vào mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng.
– Trong khi đó, chỉ số giá một số mặt hàng như thực phẩm, dịch vụ giáo dục và thuê nhà ở lại giúp kìm đà tăng của CPI trong quý I. Trước đó, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm tăng 2-2,1%, trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua.
– Chỉ số CPI tăng lên đồng nghĩa với mức giá tiêu thụ trung bình tăng, sự phục hồi sau giãn cách xã hội cũng tác động không nhỏ tới CPI và đây cũng là báo hiệu cho khả năng tăng trưởng của CPI trong 3 quý tới. Tuy nhiên, để tránh lạm phát, các công tác quản lý cũng cần phải bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4%.
• Kinh tế phục hồi, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,03%
– Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020 và điều này cho thấy, xu hướng phục hồi tích cực hơn của nền kinh tế, sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.
– Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
– Ngành công nghiệp quý I năm 2022 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I năm 2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng chỉ tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I năm 2021, đóng góp 0,16 điểm phần trăm. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%).
– Về sử dụng GDP quý I năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.

• Tín dụng quý I tăng 4%
– Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý I, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
– Đến 21/3, tổng phương tiện thanh toán tăng gần 2,5% so với cuối năm 2021, cùng thời điểm năm trước tăng 1,49%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15%, cùng kỳ năm trước tăng 0,54%. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03%, quý I/2021 tăng 1,47%.
– Những tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý I ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%.
– Các lĩnh vực của nền kinh tế có xu hướng phục hồi và tăng trưởng, tác động tích cực đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân quý I đạt 31.409 tỷ đồng/phiên, tăng 18% so với bình quân năm trước. Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân quý I đạt 13.149 tỷ đồng/phiên, tăng 15% so với bình quân năm 2021. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân quý I của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 139.076 hợp đồng/phiên, giảm 26% so với bình quân năm trước, giá trị giao dịch bình quân sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 38,42 tỷ đồng/phiên, giảm 46%

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt vì thao túng chứng khoán
– Ngày 29-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.
– Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.
– Theo trung tướng Tô Ân Xô, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tiến hành điều tra, xác minh với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10-1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
– Hành vi trên của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội “thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại điều 211 Bộ luật hình sự.
– Từ các căn cứ trên, ngày 29-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng liên quan tại 21 địa điểm.

• Novaland lên kế hoạch lãi 6.500 tỷ đồng năm 2022, chia thưởng tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu
– Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Theo đó, HĐQT sẽ trình phương án phát hành phát hành tối đa 482 triệu cổ phiếu từ thặng dư vốn cổ phần, tỷ lệ thực hiện 25%.
– Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự tính chia cổ tức 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, tương đương với giá trị 1.930 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 19.300 tỷ đồng lên 26.055 tỷ đồng thông qua 2 phương án chia thưởng. Ngoài ra, Novaland còn có kế hoạch phát hành tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành cho thành viên HĐQT và người lao động. Thời điểm chậm nhất thực hiện quý II/2023.
– Về hoạt động kinh doanh, HĐQT trình kế hoạch 2022 gồm doanh thu thuần 35.974 tỷ đồng, tăng 141% so với thực hiện 2021; lãi sau thuế 6.500 tỷ đồng, tăng 88%. Đơn vị tạm thời không có kế hoạch chia cổ tức 2022. Ban lãnh đạo sẽ phát triển hàng loạt dự án ở TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận như Saigon Royal Residence, The Grand Manhattan, Golden Mansion, Golf Park, Lake View City, Sunrise Cityview, NovaWorld Hồ Tràm, NovaWorld Mũi Né…
– Năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận 14.903 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 3 lần và 3.455 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 13% so với 2020. Doanh thu năm trước chủ yếu ghi nhận từ việc bàn giao các dự án như NovaHills Mui Ne, Saigon Royal, Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Victoria Village. Tại thời điểm cuối năm, Novaland có 10.707 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 5.023 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, trong khi vốn điều lệ 19.304 tỷ đồng

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 29/3/2022,VN-Index mở cửa với sắc xanh lan tỏa đến hầu khắp các nhóm ngành, giao dịch sôi động khi lực cầu tham gia mạnh vào thị trường. Đà tăng vẫn tiếp tục được giữ vững đến kết phiên chiều giúp chỉ số tiến trở lại vùng cản cũ 1.500 điểm. Kết phiên VNINDEX đóng cửa ở mức 1.497,76 điểm, tăng 14,58 điểm tương đương với 0,98% so với phiên ngày hôm qua. Thị trường không còn dấu vết gì của phiên rung lắc trước đó tuy nhiên thanh khoản hôm nay ở mức thấp hơn so với các phiên trước chỉ đạt 23,486.983 tỷ đồng. Đặc biệt chỉ số VN30 đã vượt mức giảm phiên trước, quay lại với nhóm dẫn dắt thị trường. Độ rộng của thị trường trong phiên ngày hôm nay nghiêng về phe mua với ưu thế 346 mã tăng, chiếm trung bình khoảng 69,48% các mỡ cổ phiếu trên sàn HSX.
– Về mức độ ảnh hưởng, VHM, FPT và VNM thuộc VN30 là các mã có đóng góp tăng nhiều nhất tới chỉ số VNINDEX với tổng 4.46 điểm, theo sau là BID và DIG đóng góp lần lượt là 1,03 điểm và 0,84 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã kìm hãm đà tăng của chỉ số gồm có: VCB (-0,602 điểm), MSN (-0,481 điểm), SSB (-0.433 điểm) và DGC (-0,279 điểm).
– Về nhóm ngành, 10/10 nhóm ngành đều ghi nhận sắc xanh trong phiên giao dịch ngày hôm nay, trong đó có nhóm ngành Công nghệ thông tin ghi nhận mức tăng nổi bật 6,01%, dẫn đầu bởi FPT (+7%) , các nhóm ngành còn lại ghi nhận mức tăng dưới 2%. Tiêu điểm ngày hôm nay vẫn là cổ phiếu FLC, ROS khi tình trạng dư bán sàn cả chục triệu cổ vẫn chưa được bên mua tham gia vào hấp thụ mạnh.
– 2 nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường là Bất động sản và Tài chính có mức tăng nhẹ lần lượt là 1.13% và 0.71%. Nhóm ngành Bất động sản phiên hôm nay đánh dấu sự trở lại của các mã DIG (+7%), CTD (+7%), CEO (6,2%), CRE (+5%). Nhóm ngành Tài chính nổi bật có TPB (+2.2%), VIB (+2.2%) VIX (+4.7%),… còn lại đều ghi nhận mức tăng nhẹ.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 29/03/2022 mua ròng nhẹ 22,21 tỷ đồng trên sàn HSX. Lượng mua ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu DGC (191,44 tỷ đồng), EIB (146,7 tỷ đồng), FTS (44 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã bán ròng nhiều nhất là HPG (-148,35 tỷ đồng), VIC (-63,85 tỷ đồng), DGW (–52,79 tỷ đồng).
– Hiện tại, vùng cản quanh 1.520 điểm sẽ là mục tiêu chinh phục mới của chỉ số VNINDEX, với đà hồi phục tích cực như hiện tại cùng việc các cổ phiếu lớn đang cho những tín hiệu tích cực, khả năng chỉ số có thể điều chỉnh đi ngang 1 thời gian trước khi phá vỡ ngưỡng cản tâm lý 1.520 điểm.
– Sự kiện ông Trịnh Văn Quyết có thể làm cho tâm lý thị trường dao động vào phiên sáng tuy nhiên VNDIRECT nhận định ảnh hưởng thực sự của cổ phiếu FLC tới thị trường chứng khoán là không quá lớn. Chủ yếu tác động tiêu cực ngắn hạn chưa xác định đến một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng có dư nợ với FLC như STB, BID v..v.. Nhà đầu tư không nên hoảng loạn và bán tháo các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt. Đây là giai đoạn nên tập trung quản trị rủi ro, hạ tỉ lệ đòn bẩy nếu cần thiết và có thể tích cực gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu xuất hiện các điểm mua hấp dẫn

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest