Podcast ngày 29.09.2020 – Chính thức giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/09/2020

1. Vĩ mô thế giới

Tuyến đường sắt 6 tỉ USD gây tranh cãi của TQ tại Lào: Hiện thực hóa “giấc mộng thoát nghèo” hay bẫy nợ?

Tuyến đường sắt trị giá 6 tỉ USD bắt đầu từ thành phố Boten ở biên giới Lào – Trung Quốc, và kết thúc ở thủ đô Viêng Chăn do Trung Quốc và Lào hợp tác xây dựng – đã sắp được hoàn thiện.

Với công trình này, Lào hi vọng đường sắt sẽ giúp giảm bớt chi phí xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế với các nước láng giềng và cải thiện đời sống của 7 triệu dân.

Tuy nhiên, dự án đường sắt tại Lào vấp đã phải nhiều chỉ trích. Nhiều người địa phương phàn nàn về sự xuất hiện quá nhiều của các doanh nghiệp Trung Quốc, sự hiện diện của hơn 50.000 lao động Trung Quốc trong quá trình xây dựng – tương đương với các dự án Vành đai Con đường khác tại Myanmar, Sri Lanka, Indonesia và Campuchia.

Đáng ngại nhất vẫn là khả năng Lào không đủ khả năng để trả 3,5 tỉ USD vay từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc. Nếu vỡ nợ, Trung Quốc có khả năng sẽ chiếm quyền kiểm soát toàn bộ công trình này – như việc đã xảy ra với cảng Hambantota ở Sri Lanka.

Trung Quốc kỳ vọng kích cầu du lịch nội địa trong ‘tuần lễ vàng’

Trung Quốc kỳ vọng ngành du lịch nội địa của nước này sẽ hồi phục đáng kể trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh sắp tới, sau nhiều tháng lao đao vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Thông thường, kỳ nghỉ quốc khánh ở Trung Quốc kéo dài 8 ngày (bắt đầu từ ngày 1/10) là một trong những dịp cao điểm du lịch ở nước này.

Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, trong năm 2019, khoảng 782 triệu chuyến du lịch đã được thực hiện trong dịp được coi là “tuần lễ vàng” kích cầu du lịch này, với hơn 7 triệu người đi du lịch nước ngoài.

Năm nay, nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com dự báo, trong dịp nghỉ lễ này, ước tính khoảng 600 triệu chuyến đi sẽ được thực hiện. Trip.com nhấn mạnh: “Nhu cầu du lịch bị kìm nén trong 9 tháng qua có thể sẽ được giải tỏa trong 8 ngày này”.

Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 khởi phát tại thành phố Vũ Hán của nước này hồi cuối năm ngoái. Các hạn chế đối với hoạt động đi lại ở trong nước đã được dỡ bỏ.

Tòa Mỹ chặn lệnh cấm TikTok của Trump

Thẩm phán Tòa án Liên bang Quận Columbia Carl Nicholas hôm 27/9 (sáng 28/9 giờ Hà Nội) ra phán quyết tạm thời dừng lệnh cấm tải xuống theo yêu cầu của TikTok, đồng nghĩa TikTok có thể hoạt động mà không bị gián đoạn ít nhất cho đến khi diễn ra phiên tòa đầy đủ.

Phán quyết được đưa ra sau khi TikTok tuần trước đệ đơn yêu cầu thẩm phán ra một phán quyết sơ bộ chặn quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ, trong đó buộc Apple và Google gỡ ứng dụng chia sẻ video ngắn này khỏi thị trường Mỹ, cũng như ngăn người đang dùng TikTok cập nhật phần mềm, bắt đầu từ 27/9. TikTok cho biết lệnh cấm ứng dụng nếu được thi hành sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho công ty.

Các luật sư của TikTok lập luận rằng lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã vi phạm quyền tự do ngôn luận và thủ tục tố tụng; không có bằng chứng đáng tin cậy nào chứng minh các tuyên bố về rủi ro an ninh quốc gia của Trump và cáo buộc Tổng thống hành động vì động cơ chính trị để hỗ trợ chiến dịch tranh cử. Họ cũng cho rằng lệnh cấm là không cần thiết vì các cuộc đàm phán đã được tiến hành để cơ cấu lại quyền sở hữu TikTok nhằm giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia mà chính quyền đưa ra.

Qatar Airways nhận được khoản cứu trợ 1,95 tỷ USD từ chính phủ

Hãng hàng không Qatar Airways đã nhận được khoản cứu trợ 7,3 tỷ riyal (1,95 tỷ USD) từ Chính phủ Qatar, sau khi hãng này thông báo khoản lỗ lên đến 7 tỷ riyal trong tài khóa 2019-2020 (kết thúc vào cuối tháng 3/2020).

Theo báo cáo tài chính của Qatar Airways, “chiếc phao cứu sinh” đã được cung cấp sau khi hãng này ghi nhận khoản lỗ hàng năm vượt quá 50% vốn cổ phần. Số tiền cứu trợ 7,3 tỷ riyal sau đó sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu mới.

2. Vĩ mô Việt Nam

Chính thức giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP nêu rõ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Trong trường hợp doanh nghiệp mới thành lập hoặc chuyển đối loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 hoạt động không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu (TDT) năm 2020 được xác định như sau (trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020):

TDT năm 2020 = (TDT thực tế năm 2020)*12 tháng/(Số tháng thực tế HĐSXKD năm 2020)

Đề xuất ACV quản lý khối tài sản tỷ đô tại 22 sân bay

Những rắc rối liên quan đến việc quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư tại 22 cảng hàng không kéo dài suốt 6 năm qua nhiều khả năng đi đến hồi kết.

Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn đề nghị Thủ tướng phê duyệt Đề án, giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến hết 31/12/2025.

Bản chất của đề xuất là ACV được để lại một phần kinh phí thu được từ việc khai thác phần tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được giao quản lý (thu dịch vụ cất, hạ cánh và các dịch vụ có liên quan khác) để thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát lại mức thu đang áp dụng trong điều kiện tài sản kết cấu hạ tầng hàng không sẽ được giao cho ACV quản lý.

Trong khi Nhà nước phải chật vật lo vốn để bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không, đặc biệt là hệ thống đường cất, hạ cánh tại 22 cảng hàng không, thì dù dư thừa hơn 20.000 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản, nhưng ACV (hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2015) lại không thể ứng vốn để sửa chữa bởi những quy định chặt chẽ của Luật Đầu tư công.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, việc giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, nhưng không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ giúp đảm bảo không tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước, do việc đầu tư được thực hiện bởi ACV trên cơ sở nguồn thu từ hoạt động khu bay và nguồn tiền ứng trước của ACV được hoàn trả lại thông qua nguồn thu từ hoạt động khu bay trong khoảng thời gian nhất định.

Hàng dệt may xuất khẩu sang EAEU có nguy cơ vượt ngưỡng quy định

Bộ Công Thương vừa ban hành thông báo ngày 28/9 cho biết, các mặt hàng dệt may của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) đang có nguy cơ vượt mức ngưỡng áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020. Cụ thể, các mặt hàng xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2020 đã đạt 79,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020.

Theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế suất thông thường (MFN) trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.

Trước vấn đề này, Bộ Công Thương ra thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang EAEU được biết để có kế hoạch ứng phó phù hợp, kịp thời và hiệu quả.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest