Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/04/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Giá dầu trồi sụt khi đồng USD mạnh hơn
– Giá dầu tăng nhẹ vào ngày thứ Tư (27/4) mặc dù đồng USD mạnh hơn, vốn làm dầu trở nên đắt đỏ hơn và sự bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã làm lu mờ triển vọng kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
– Nguồn cung vẫn eo hẹp ở nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới – Mỹ, khi dữ liệu chính phủ cho thấy dự trữ dầu thô tăng nhẹ trong tuần trước trong khi dự trữ nhiên liệu sụt giảm.
– Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 33 xu lên 105.32 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 0.3% lên 102.02 USD/thùng. Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm, khiến việc mua dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
– Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa chỉ tăng 692,000 thùng trong tuần trước, không như dự báo, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và nhiên liệu máy bay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008.
– Trong tuần này, Moscow đã sử dụng năng lượng như một vũ khí chống lại các nước phản đối cuộc tấn công. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga vào ngày thứ Tư cho hay đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
– Trong tình hình này USD trở thành hàng rào bảo vệ trên các thị trường hiện nay trong khi các loại hàng hoá khác kể cả vàng không còn hoạt động hiệu quả nữa.
• World Bank: Giá nhiên liệu, thực phẩm thế giới sẽ tăng mạnh trong năm nay
– World Bank dự báo giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao trong nhiều năm tới. Nguyên nhân là do xung đột Nga – Ukraine làm thay đổi cách mua bán, sản xuất và tiêu dùng trên khắp thế giới.
– Cụ thể, giá năng lượng sẽ tăng 50,5% trong năm nay so với năm 2021, sau khi tăng gần gấp đôi vào năm ngoái. Đến năm 2023, giá năng lượng có thể giảm 12,4%. Giá lương thực được dự báo tăng 22,9% trong năm 2022, rồi giảm 10,4% vào năm sau.
– Trên thực tế, giá cả đã leo thang ngay cả trước khi Nga đổ quân vào Ukraine do nhu cầu tăng mạnh mẽ nhưng nguồn cung không theo kịp vì gián đoạn chuỗi cung ứng và đầu tư sụt giảm trong nhiều năm.
– Giá năng lượng và hàng hóa tăng cao góp phần đẩy lạm phát lên cao tại nhiều quốc gia. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất trong vòng 40 năm.
– Việc giá nguyên liệu tăng đẩy lạm pháp lên cao gây ra những môi lo ngại ở nhiều quốc gia, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, kéo những mặt hàng khác tăng giá theo. Do vậy các Chính phủ cần tìm ra giải pháp để hạ nhiệt tình trạng này, nếu không sẽ dẫn dến bất ổn kinh tế trên toàn cầu.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Việt Nam: Điểm đến của các dự án FDI tỷ USD
– Sau khi cân nhắc gần 10 quốc gia tại Đông Nam Á, tập đoàn sản xuất đồ chơi LEGO đã chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy thứ 6 trên toàn cầu, và cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của doanh nghiệp, với giá trị đầu tư hơn 1,3 tỷ USD.
– Ông Preben Elnef – Phó Chủ tịch Nhà máy LEGO Việt Nam cho biết: “Môi trường kinh doanh và sự ổn định chính trị của Việt Nam là những yếu tốt tích cực khiến chúng tôi chọn xây nhà máy tiếp theo.”
– Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có gần 90 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI quy mô trên 500 triệu USD. Quy mô này đang có xu hướng tăng. Năm 2021 ghi nhận một số tập đoàn lớn tiếp tục mở rộng đầu tư với nguồn vốn tăng thêm hàng trăm triệu USD.
– Một số tổ chức xúc tiến cho biết, đang có thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao quan tâm đầu tư vào Việt Nam sau thông điệp theo đuổi phát triển bền vững của Chính phủ.
– Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, chính quyền địa phương cần kết nối được doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ngoại. Tăng khả năng chuyển giao, lan tỏa công nghệ của khu vực FDI sang doanh nghiệp nội.
– Tốc đô tăng trưởng kinh tế có mối tương quan thuận chiều với tốc độ thu hút FDI vì vậy mà việc thu hút FDI giúp mở rộng quy mô sản xuất của các ngành kinh tế, cũng như giúp đẩy mạnh xuất khẩu từ đó tạo điều kiện thúc đảy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP.
• Xuất khẩu ngành gỗ tăng trưởng thấp dù kín đơn hàng
– Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế quý 1-2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,94 tỷ đô la Mỹ, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,97 tỷ đô la, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước mặc dù nhiều doanh nghiệp không chỉ kín đơn hàng đến quý 3-2022 mà một số doanh nghiệp cũng đã chốt xong đơn hàng hết năm 2022
– Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp đã sản xuất cầm chừng, chậm giao hàng, vì giá gỗ nguyên liệu từ đầu năm đến nay tăng rất mạnh, trong khi các hợp đồng đầu ra được ký kết đều đã chốt giá bán. Bên cạnh đó, giá vận chuyển tàu biển vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá xăng dầu lên cao, tác động đến chi phí sản xuất tăng.
– Nhờ hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô như sản lượng gỗ các nước Trung Quốc,Ý, Đức sụt giảm; mở rộng thị phần xuất khẩu tại các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Đức. Đặc biệt có nguồn cung nguyên liệu chủ động, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới,.. sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam vượt qua khó khăn và đạt được kế hoạch kim ngạch xuất khẩu gỗ là 16,5 tỷ đô la khi kết thúc năm 2022.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• Lợi nhuận trước thuế quý 1 của VietinBank đạt hơn 5.800 tỷ đồng
– Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022.
– Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm đạt 5.822 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do VietinBank tăng cường trích lập dự phòng rủi ro…
– Tỷ lệ CIR (chi phí trên thu nhập) là 27%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh dạt 10.249 tỷ, tăng 8,9%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,7% lên hơn 1,22 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 4,4% lên hơn 1,21 triệu tỷ đồng.
– Tiền gửi không kỳ hạn của VietinBank tăng trưởng tích cực, đạt hơn 236.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2022, tăng 4,6% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) là khoảng 20%.
– Nợ xấu của ngân hàng tăng 1.020 tỷ trong quý 1 lên 15.320 tỷ đồng, chiếm 1,25% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với mức 1,26% cuối năm 2021.
– Quý 1 năm 2022 các chỉ tiêu lợi nhuận thuần, tổng tài sản, tiền gửi không kỳ hạn của Vietinbank tăng trưởng rất tốt, cho thấy ngân hàng này có nhiều tiềm lực tăng trưởng trong năm 2022.
• MSN: Masan hợp tác với Trusting Social, tăng tốc thiết lập nền tảng Tiêu dùng – Công nghệ
– Ngày 28/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan công bố hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Công ty Cổ phần Trusting Social nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ tích hợp từ offline đến online (O2). Qua đó cung cấp các giải pháp ứng dụng AI và fintech trong bán lẻ và tiêu dùng, mang đến trải nghiệm khách hàng vượt trội.
– MSN cũng đã ra mắt mô hình bán lẻ “mini mall” tích hợp đa tiện ích tại một điểm đến duy nhất để tăng khả năng tiếp cận và mang lại sự tiện lợi cho khách hàng. Trong dài hạn, nền tảng bán lẻ ứng dụng AI và ML sẽ giúp Masan cung cấp các giải pháp tài chính đến đại đa số người tiêu dùng phổ thông hiện chưa có tài khoản ngân hàng.
– Đánh giá: Lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng thành công nền tảng AI và ML được sử dụng bởi các định chế tài chính lớn trên toàn châu Á để phục vụ người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn. MSN tự tin rằng việc chuyển đổi nền tảng tiếp cận tín dụng thuần túy sang một giải pháp tiêu dùng toàn diện sẽ giúp Việt Nam có những bước nhảy vọt, ngang tầm với các hệ thống bán lẻ Walmart, Amazon, Metro,…
• REE lãi ròng quý I tăng 67% nhờ mảng năng lượng tăng trưởng mạnh
– Cơ điện Lạnh REE vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với lãi sau thuế tăng 102,5%, đạt 955,4 tỷ đồng. EPS 2.236 đồng/cp, tăng 66,2%.Doanh thu thuần tăng 72,9% lên 2.045,4 tỷ đồng, chủ yếu là do doanh thu hạ tầng điện, nước. Biên lãi gộp tăng từ 36,9% lên 56,2%.
– Doanh thu tài chính giảm gần 66%. Song chi phí tài chính tăng gần 130%, do khoản phí lãi vay và phân bổ chi phí phát hành trái phiếu tăng từ 94 tỷ lên 215,3 tỷ đồng. Đơn vị lý giải mức tăng trưởng lợi nhuận này chủ yếu đến từ mảng năng lượng, đóng góp trọng yếu trong 262 tỷ đồng lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.
– Năm 2022, Cơ điện Lạnh đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu 9.279 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.064 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, doanh thu đạt 22% còn LNST hoàn thành 46,3% kế hoạch năm.
– Với định hướng sắp tới của công ty là tập trung phát triển mảng năng lượng tái tạo đang là xu hướng thế giới, REE hứa hẹn sẽ đột phá với sự đóng góp của 3 nhà máy điện gió mới. Cộng thêm lợi nhuận hợp nhất từ công ty VSH thì mảng này sẽ mang lại lợi nhuận “khủng” cho REE trong năm 2022.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch 28/04/2022, chỉ số VNINDEX có một phiên giao dịch ảm đạm quanh mốc tham chiếu. Kết phiên, chỉ số đóng cửa ở mức 1.350,99 điểm, giảm nhẹ 2,78 điểm (-0,21%) so với phiên giao dịch trước đó.
– Độ rộng thị trường trong phiên hôm nay phe mua chiếm ưu thế với 240 mã tăng, chiếm khoảng 49% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản vẫn được duy trì ở mức thấp khi chỉ đạt 13.308,737 tỷ đồng, xấp xỉ với thanh khoản của phiên ngày hôm qua.
– Các mã ảnh hưởng tới sự giảm điểm của VNINDEX gồm có: GAS (-1,618 điểm), MSN (-0,756 điểm) và SAB (-0,657 điểm). Ngược lại, có đà tăng tốt là BCM (+1,273 điểm), HPG (+0,687 điểm), VPB (+0,635 điểm). Các mã còn lại tăng, giảm điểm nhẹ, không đáng kể.
– Tuy chỉ là phiên giảm điểm nhẹ nhưng chỉ có 3 nhóm ngành giữ được sắc xanh trong phiên ngày hôm nay gồm Công nghệ thông tin (+2,23%), Nguyên vật liệu (+1,03%) và Công nghiệp (+0,58%). Các nhóm ngành còn lại ghi nhận mức giảm dưới 1%. Nhóm ngành Tài chính và Bất động sản vẫn duy trì trong top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất trên thị trường khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng.
– Ngược lại với sự ảm đạm của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đầu cơ lại nhận được sự quan tâm nhiều hơn của thị trường khi ghi nhận mức tăng mạnh. Nhóm cổ phiếu họ nhà Louis ghi nhận mức tăng trần trong phiên ngày hôm nay. Tuy vậy đây vẫn là nhóm cổ phiếu có mức độ rủi ro cao nên nhà đầu tư cần thận trọng đặc biệt là trong giai đoạn thị trường đang biến động.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày hôm nay đã bán ròng 308,53 tỷ đồng tập trung chủ yếu vào các mã VHM (-213,4 tỷ đồng), DGC (-61,42 tỷ đồng) và DIG (-32,56 tỷ đồng). Ngược lại về phía chiều mua, các mã được giải ngân gồm HPG (+120,97 tỷ đồng), NLG (+72,74 tỷ đồng) và HDB (+33 tỷ đồng).
– Phiên giao dịch với thanh khoản thấp cùng mức chênh lệch giảm điểm nhẹ cho thấy dòng tiền đang lưỡng lự chưa muốn tham gia ngay vào thời điểm hiện tại. Nếu trong phiên tới dòng tiền tiếp tục chưa tham gia mạnh thì khả năng có phiên điều chỉnh test lại đáy rất có thể xảy ra. Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu của tài khoản ở ngưỡng an toàn, hạn chế sử dụng margin và chờ thêm tín hiệu của dòng tiền.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0