Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/12/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Sợ biến thể COVID-19 mới, Nhật Bản đóng cửa với toàn thế giới
Chính phủ Nhật Bản hôm 27-12 cho biết nước này sẽ cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ tất cả các quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của biến thể SARS-CoV-2 mới gây dịch Covid-19 được phát hiện tại Anh. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 28-12 và kéo dài đến cuối tháng 1-2021. Công dân Nhật Bản và người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản sẽ được phép trở về nước, theo tạp chí Nikkei. Thông tin được công bố cùng ngày Nhật Bản xác nhận thêm 2 người nhiễm biến thể virus mới từ Anh sau 5 ca đầu tiên, đều dưới 70 tuổi, được phát hiện hôm 25-12.
Kể từ tháng 10, Nhật Bản đã cho phép những người lưu trú ít nhất 3 tháng nhập cảnh với điều kiện phải cách ly 14 ngày. Sau khi xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 mới, Nhật Bản đã loại Anh và Nam Phi khỏi danh sách nhập cảnh lần lượt vào ngày 24-12 và 26-12. Yêu cầu cách ly 14 ngày sẽ áp dụng cho tất cả người Nhật trở về từ nước ngoài. Trước khi đưa ra quyết định cấm nhập cảnh từ các nước, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã thảo luận về cách ứng phó với biến thể SARS-CoV-2 mới cùng các quan chức Bộ Y tế.
Ông Suga hôm 25-12 cảnh báo ông sẽ ban hành các biện pháp mới để ngăn biến thể virus mới lan rộng. Nhật Bản hiện ghi nhận hơn 213.000 ca nhiễm và hơn 3.000 ca tử vong do dịch Covid-19. Biến thể SARS-CoV-2 mới đã được phát hiện ở Ý, Hà Lan, Đan Mạch, Úc và Đức. Biến thể này được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng ban đầu.
Trung Quốc sắp “thất hứa” với Mỹ trong thương mại
Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 được ký hồi tháng 1 giúp hạ nhiệt thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nội dung chính của thỏa thuận là Trung Quốc cam kết mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong hai năm 2020 và 2021 so với số liệu năm 2017. Một số chuyên gia nhận định con số trên là phi thực tế và việc thực hiện cam kết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khiến mọi thứ còn khó khăn hơn.
Dựa trên số liệu thương mại gần nhất của Mỹ, Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế (PIIE) cho biết trong 11 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã mua 82 tỷ USD hàng hóa Mỹ, chỉ hơn nửa con số mục tiêu 159 tỷ USD cho cả năm 2020. Về chủng loại, Trung Quốc đang mua thiếu mọi hàng hóa trong cam kết, trong đó thiếu nhiều nhất là năng lượng, ít nhất là nông sản
Quan hệ Mỹ – Trung xấu đi đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump. Cuộc chiến thương mại dẫn đến hàng loạt biện pháp thuế quan được triển khai. Hai nước còn đối đầu trong lĩnh vực công nghệ, nguồn gốc Covid-19 và vấn đề Hong Kong. Tổng thống đắc cử Joe Biden, dự kiến nhậm chức tháng 1/2021, nói ông sẽ không lập tức dỡ thuế mà chính quyền Trump áp lên Trung Quốc. Trước tiên, ông muốn đánh giá toàn diện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và tham vấn các đồng minh để xây dựng một “chiến lược hiệu quả” với Trung Quốc.
Thông tin hiếm hoi về tình hình tài chính cuả TikTok: Thua lỗ 119 triệu USD tại riêng 1 thị trường
Theo thông tin từ tờ Bloomberg, mảng kinh doanh tại Anh của TikTok thua lỗ kỷ lục 119,5 triệu USD trong năm 2019 do chi phí quảng cáo và marketing được đẩy lên cao. Đây được cho là thông tin hiếm hoi về tình hình kinh doanh của ứng dụng chia sẻ video đang gây bão trên toàn thế giới này. ByteDance – công ty mẹ của TikTok hiện không tiết lộ doanh thu toàn cầu nhưng doanh thu ở riêng thị trường Anh chiếm 20 triệu USD trong năm 2019. Chi phí bán hàng và marketing chiếm 109 triệu USD trong cùng giai đoạn.
Trong vài năm qua, TikTok đã trở thành một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt là với giới trẻ. Sức ảnh hưởng của họ đã khiến chính quyền ông Trump để mắt tới và chịu một vài thiệt hại. Cuối năm 2018, TikTok chỉ có một vài nhân viên tại Anh. Kể từ đó, họ đã mở rộng nhanh chóng, tuyển hàng trăm người từ các mạng xã hội đối thủ và cân nhắc biến London thành nơi đặt trụ sở toàn cầu của công ty. Tuy vậy kể từ đó chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Một nguồn tin của tờ Bloomberg cho biết mọi chuyện vẫn chỉ đang là kế hoạch.
Giữa tháng này, công ty phân tích và nghiên cứu thị trường ứng dụng di động App Annie (Mỹ) vừa công bố danh sách 10 ứng dụng và game được tải về nhiều nhất (tính tổng số lượt tải trên cả nền tảng iOS của Apple và Android của Google) trong năm 2020. TikTok đã vượt qua Facebook để đứng đầu danh sách này, đẩy mạng xã hội lớn nhất hành tinh xuống vị trí thứ 2. TikTok cũng là ứng dụng có lượng người dùng hàng tháng tăng mạnh trong năm 2020, xếp ở vị trí thứ 8 (tăng 5 bậc so với năm 2019). Trong khi đó, Facebook, WhatsApp, Messenger và Instagram (đều là các sản phẩm của Facebook) xếp ở 4 vị trí đầu tiên trong số các ứng dụng có lượng người dùng hàng tháng nhiều nhất thế giới.
2. Vĩ mô Việt Nam
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2.91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới
Theo Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tính chung năm 2020, GDP tăng 2,91% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%). Tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam.
Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2020 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, các lĩnh vực kinh tế – xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng dương 2,91%, tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng Việt Nam thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng năm 2020 cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Năm 2020, nợ công/GDP có xu hướng tăng trở lại
Đề án tái cơ cấu danh mục nợ trong nước giai đoạn 2017 – 2020 cùng cơ sở pháp lý phát hành công cụ nợ huy động vốn cho ngân sách nhà nước được ban hành đã hỗ trợ tái cơ cấu nợ Chính phủ theo hướng bền vững, giảm thiểu rủi ro về kỳ hạn nợ. Cụ thể, nợ công giảm từ 61,4% GDP năm 2017 xuống còn khoảng 55% GDP cuối năm 2019. Tốc độ tăng nợ công giảm trung bình từ 18,1% năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 5%/năm giai đoạn 2017 -2019, đồng thời, lãi suất giảm dần, kỳ hạn vay tăng dần.
Đến cuối năm 2020, dự kiến các chỉ tiêu nợ công, nợ Chỉnh phủ so với GDP có xu hướng tăng trở lại dưới tác động bất lợi vĩ mô nhưng vẫn đảm bảo trong ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép. Một báo cáo gần đây của Chính phủ về nợ công giai đoạn 2016 – 2020 cũng cho thấy, tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,7% năm 2016 đã giảm dần về mức 55% năm 2019, ước năm 2020 đạt 56,8%. Chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP giảm tương tứng từ 52,7% xuống 50,8% ước năm 2020. Tốc độ tăng nợ công giảm từ trung bình 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019.
Năm 2021, dự kiến nợ công của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh. Mức vay, trả nợ của Chính phủ, của địa phương và các hạn mức nợ như trên, dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại), nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 53,2% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại).
Việt Nam chính thức có hãng hàng không thứ 6, bay từ tháng 1/2021
Ngày 24/12, Cục Hàng không đã cấp Chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) cho Vietravel Airlines, điều kiện cuối cùng để được khai thác bay thương mại. Hãng có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, với mục tiêu khai thác 30 máy bay. Hãng hàng không này sẽ khai thác kết hợp giữa thuê chuyến và bay thương mại thường lệ, kết hợp giữa bán vé máy bay cho khách đi theo tour với khách bay lẻ.
Bên cạnh bay thuê chuyến, dự kiến từ đầu tháng 1/2021 hãng sẽ mở bán vé một số đường bay thương mại thường lệ trong nước, với thời gian bay dự kiến vào giữa tháng 1. Trước mắt Vietravel Airlines sẽ khai thác 8 đường bay nội địa kết nối giữa Hà Nội/TPHCM – Huế/Đà Nẵng/Nha Trang/Phú Quốc/Vân Đồn. Hiện hãng mới có 1 máy bay, dự kiến 2 chiếc còn lại của đợt đầu sẽ về vào tuần đầu của tháng 1, và tới tháng 6/2021 sẽ nhận thêm 2 chiếc nữa.
Sau khoảng 6 tháng khai thác các đường bay nội địa, tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới, Vietravel Airlines sẽ khai thác 1 số đường bay tới các điểm du lịch quốc tế, như Thái Lan, Singapore, Đông Bắc Á. Trong thời gian 3-5 năm tiếp theo, hãng sẽ khai thác thêm các đường bay tới Trung Đông, châu Âu… Vietravel Airlines định hướng phát triển theo mô hình hàng không hỗn hợp (hybrid), 1 hạng vé sẽ có 17 mức giá vé khác nhau, từ thấp tới cao, theo điều kiện dịch vụ đi kèm.