Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/10/2020
1. Vĩ mô quốc tế
“Sóng thần” COVID-19 ập tới, châu Âu báo động đỏ mất kiểm soát
Theo trang Worldometers, tính đến sáng 27-10, tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới hơn 43,7 triệu trường hợp, trong đó có gần 1,2 triệu ca tử vong. Tại châu Âu, bức tranh vẫn rất ảm đạm khi các nước thông báo mức gia tăng kỷ lục mới về số ca mắc Covid-19, dẫn đầu là Pháp với 1.165.278 ca nhiễm và 35.018 ca tử vong. Giáo sư Jean-François Delfraissy, người đứng đầu một hội đồng tư vấn cho chính phủ Pháp, nói với Reuters rằng nước này thậm chí có thể chứng kiến 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong thời gian tới.
Chính phủ các nước cố gắng tránh biện pháp phong tỏa lần thứ hai do lo ngại thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca mắc mới đã buộc nhiều nước châu Âu gấp rút chuẩn bị các phương án khắc nghiệt hơn để đối phó với làn sóng dịch thứ 2.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp của của đảng cầm quyền Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) sáng 26-10: “Tình hình đang cực kỳ nghiêm trọng và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát”.
Ant Group lập kỷ lục thế giới với định giá hơn 313 tỷ USD
Theo CNBC, công ty tài chính Ant Group của tỷ phú Jack Ma vừa công bố mức giá chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên cả hai sàn Hồng Kông và Thượng Hải, dự kiến thu về 34,5 tỷ USD.
Mức giá niêm yết trên hai sàn này lần lượt là 80 Đôla Hồng Kông (10,32 USD) và 68 Nhân dân tệ (10,13 USD), với số cổ phiếu phát hành dự kiến là 1,67 tỷ trên mỗi sàn. Với tổng số tiền dự kiến thu về trên, IPO của Ant sẽ vượt qua kỷ lục mà hãng dầu mỏ Saudi Aramco thiết lập khi IPO thu về hơn 29 tỷ USD vào tháng 12/2019.
Dựa trên mức giá IPO, định giá của Ant sẽ là 313,37 tỷ USD, cao hơn vốn hóa của nhiều ngân hàng lớn của Mỹ như Goldman Sachs và Wells Fargo. Ant Group dự kiến bắt đầu giao dịch trên sàn Hồng Kông vào ngày 5/11 tới. Thời gian dự kiến bắt đầu giao dịch trên sàn Thượng Hải chưa được tiết lộ.
Hàn Quốc thoát khỏi suy thoái nhờ cú bùng nổ về xuất khẩu
Trong giai đoạn 7-9/2020, GDP Hàn Quốc tăng trưởng 1.9% so với quý trước đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố trong ngày thứ Ba (27/10). Con số này cao hơn so với dự báo 1.3% của các chuyên gia kinh tế.
Góp phần kéo nền kinh tế xứ sở kim chi trở lại đà tăng trưởng là cú bùng nổ mạnh nhất của kim ngạch xuất khẩu kể từ năm 1986.
Trong quý 3/2020, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 15.6% so với quý trước, trái ngược với mức giảm 16.1% trong quý 2/2020. Lĩnh vực xây dựng Hàn Quốc không phục hồi nhanh như xuất khẩu, mặc dù vẫn xuất hiện những tín hiệu cho thấy sản xuất nhà máy đang dần cải thiện – trong đó sản lượng sản xuất tăng 7.6% so với quý 2/2020.
Xét trên cơ sở hàng năm, nền kinh tế Hàn Quốc giảm 1.3% trong quý 3/2020, sau khi giảm 2.7% trong quý 2. Nền kinh tế Hàn Quốc thoát khỏi cảnh suy thoái vì đại dịch và có vị thế mạnh hơn so với phần lớn nước phát triển. Thế nhưng, đà hồi phục vẫn có thể bị tác động bởi những đợt gián đoạn ở Mỹ và châu Âu – nơi dịch bệnh đang bùng phát dữ dội hơn bao giờ hết. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu chip điện tử của xứ sở kim chi đang hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch sang học và làm việc tại nhà và nhu cầu chip tại Trung Quốc tăng mạnh.
2. Vĩ mô Việt Nam
Dự toán thu ngân sách Nhà nước 2021 tăng so với ước thực hiện năm 2020
Tại “Báo cáo công khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội” vừa được Bộ Tài chính biên soạn, phát hành và lấy ý kiến đóng góp đã dự toán thu ngân sách Nhà nước (ngân hàng Nhà nước) năm 2021 tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020.
Trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2020, dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2021; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6% so với năm 2020, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 45 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.
Cụ thể, dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 15,5%GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13%GDP (tương ứng 19,7% và 16,6% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh).
Vốn FDI 10 tháng năm 2020 giảm gần 20% so với cùng kỳ
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 23.48 tỷ USD, bằng 80.6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 15.8 tỷ USD, bằng 97.5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, có 2,100 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), giảm 32.1% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 11.66 tỷ USD, giảm 9.1% so với cùng kỳ năm 2019.
Về vốn điều chỉnh, có 907 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20.8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5.71 tỷ USD, tăng 4.4% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh trong 10 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1.386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Đặt mục tiêu có 15 doanh nghiệp tỷ USD vào năm 2025
Việt Nam đang nuôi tham vọng lớn về việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu trung bình giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động đạt khoảng 15%/năm; tăng tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn chiếm khoảng 5-6% trong tổng số doanh nghiệp vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, mức tăng trưởng bình quân số lao động 2021-2030 đạt 6-8%/năm; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25-30%/năm; tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 23-25%/năm.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mục tiêu đến năm 2025, có 15 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Con số vào năm 2030 là 20 doanh nghiệp.
3. Tài sản đầu tư
Trung Quốc luật hóa lưu thông đồng nhân dân tệ kỹ thuật số
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) lần đầu tiên đề cập đến việc đồng nhân dân tệ điện tử, với tên gọi chính thức là đồng tiền thanh toán điện tử kĩ thuật số (DCEP), sẽ được phép lưu thông và chuyển đổi như đồng tiền vật chất.
Trung Quốc là nước đi đầu trong phát hành đồng tiền điện tử kĩ thuật số. Ngay sau khi Facebook công bố dự án đồng Libra điện tử đầy tham vọng vào mùa hè năm 2019, các cơ quan chứ năng tại Trung Quốc đã hoàn tất khung thiết kế cho DCEP, với ý tưởng phát hành theo hai giai đoạn, từ thử nghiệm quy mô nhỏ đến đại trà, tập trung vào các nền tảng bán lẻ quy mô nhỏ.
DCEP đã được thử nghiệm ở 4 thành phố Thâm Quyến, Tô Châu, Bảo Định và Thành Đô trong chuỗi các cửa hàng thuộc hệ thống McDonald’s, Starbucks và một số doanh nghiệp địa phương. Mới nhất, tại Thâm Quyến, chính quyền thành phố đã tổ chức quay xổ số, với phần thưởng là khoảng 10 triệu nhân dân tệ, nhưng không phải là tiền giấy, mà là tiền DCEP.