Podcast ngày 28.08.2020 – BĐS mùa covid: Đất nền, nhà phố vắng khách, chung cư đi ngang

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: BĐS mùa covid: Đất nền, nhà phố vắng khách, chung cư đi ngang

1. Vĩ mô quốc tế

Mối đe dọa lớn nhất 15 năm với ngành dầu mỏ Mỹ

Ngành năng lượng Mỹ ngày 25/8 đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự đổ bộ của cơn bão Laura. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay, bão Laura dự kiến đổ bộ vào Mỹ sáng 27/8 tại khu vực chiếm tới 45% tổng công suất lọc dầu và 17% sản lượng khai thác dầu của Mỹ. Các tập đoàn dầu mỏ Mỹ cũng đang thực hiện quy trình tạm dừng hoạt động của 9 nhà máy lọc dầu, có tổng công suất hoạt động gần 2,9 triệu thùng/ngày, chiếm 14,6% tổng công suất của toàn bộ Mỹ. Giá xăng tương lai tại Mỹ tăng 10% kể từ hôm 21/8, trong khi giá dầu thô trong phiên giao dịch hôm 25/8 đã lên cao nhất 5 tháng.

Nhóm 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc nguy cơ thiếu 940 tỷ USD vốn 

Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCBC) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) – được coi là các ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu – năm ngoái thiếu tổng cộng 323 tỷ USD để đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu về vốn, con số này được dự báo tăng lên 940 tỷ USD vào năm 2024 do đại dịch Covid-19 đang làm giảm lợi nhuận của nhóm ngân hàng.

Tổng lợi nhuận tại hơn 1.000 ngân hàng thương mại ở Trung Quốc quý II giảm mạnh nhất thập kỷ do nợ xấu tăng kỷ lục. Nhóm ngân hàng quốc doanh chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi họ phải đáp lại lời kêu gọi từ Bắc Kinh, hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp nhỏ khó khăn.

Các ngân hàng chiến lược toàn cầu tại các thị trường mới nổi phải có đủ tài sản và công cụ để “giải cứu” ít nhất 16% tài sản rủi ro vào ngày 1/1/2025, tăng lên 18% vào năm 2028, theo Ủy ban Ổn định Tài chính do nhóm 20 quốc gia thành lập. Ngân hàng tại các thị trường phát triển đã đáp ứng tiêu chí đầu tiên từ năm 2019. Trong khi, các ngân hàng Trung Quốc đang tụt lại so với thế giới trong việc triển khai.

Trung Quốc bất ngờ nhượng bộ, cho phép Mỹ kiểm toán những công ty “nhạy cảm” nhất

Giới chức Mỹ gần đây đã đẩy cao sức ép lên Trung Quốc để có thể tiếp cận được với sổ sách kiểm toán của những doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Trước đó, giới chức Mỹ đã đe dọa sẽ đưa ra quy định yêu cầu một số doanh nghiệp Trung Quốc như Alibaba, Baidu phải hủy niêm yết trên sàn Mỹ nếu yêu cầu của phía Mỹ không được đáp ứng.

Đầu tháng này, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc đã gửi đến Ban giám sát kế toán các công ty đại chúng Mỹ một đề xuất mới, theo đó, các cơ quan chức năng Mỹ có thể chọn bất kỳ doanh nghiệp Trung Quốc nào để kiểm toán thử. Dù rằng kể cả như vậy, Trung Quốc vẫn giữ quan điểm rằng họ cần phải giữ một số thông tin với lý do an ninh quốc gia.

Công ty dược Mỹ công bố vắc xin Covid-19 có tác dụng tốt với nhóm bệnh nhân cao tuổi nhất

Theo Wall Street Journal, khi mắc Covid-19, những bệnh nhân già dễ chịu rủi ro nhập viện và tử vong hơn rất nhiều so với nhóm bệnh nhân trẻ. Trong khi Moderna và nhiều công ty khác đang chạy đua phát triển vắc xin để bảo vệ con người khỏi Covid-19, không ít chuyên gia đã lo ngại về khả năng vắc xin sẽ không mang đến nhiều tác dụng bảo vệ với nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Nguyên nhân do hệ thống miễn dịch thường yếu đi khi bệnh nhân già đi, chính vì vậy vắc xin khó phát huy tác dụng tạo miễn dịch đủ để chống chọi với bệnh tật.

Mới đây, công ty dược phẩm Moderna của Mỹ công bố vắc xin Covid-19 thử nghiệm của công ty đã tạo được phản ứng miễn dịch đối với người từ 56 tuổi trở lên, trước đó công ty cũng đã công bố vắc xin Covid-19 tạo được miễn dịch với người trẻ. Như vậy Moderna đã công bố thêm dấu hiệu tích cực của việc thử nghiệm vắc xin với nhóm người có độ tổn thương cao do Covid-19

2. Vĩ mô trong nước

Kinh tế Việt Nam dự báo phục hồi từ quý II/2021

Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu. Hoạt động sản xuất, chế biến chế tạo không bị gián đoạn nhiều. Có gián đoạn trong chuỗi cung ứng nhưng vì phục hồi kinh tế ở Trung Quốc, nối lại các chuỗi cung ứng nên sản xuất công nghiệp vẫn có tăng trưởng khoảng 5% nhờ xuất khẩu.

6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng gần 15%, tính đến giữa tháng 8 là 16%. Các hàng hóa xuất mạnh sang Hoa Kỳ là điện tử, máy móc, thiết bị, là những mặt hàng Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ bị giảm. Nhờ bù đắp đó nên xuất khẩu của Việt Nam không bị giảm, xuất khẩu tính đến giữa tháng 8 tăng 1,4%. Như vậy kinh tế trong 2020 xấu nhưng được bù đắp khi chúng ta duy trì được thị trường xuất khẩu quan trọng.

Ngoài điểm sáng là xuất khẩu thì đầu tư công tăng 20% trong năm 2020 sẽ bù đắp cho suy giảm tiêu dùng của người dân và sự tăng trưởng chậm của đầu tư tư nhân. Trên nền tảng nếu như vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế VN được dự báo phục hồi từ quý II/2021 với 2 điều kiện, 2 rủi ro kiểm soát tốt, thứ nhất là đại dịch Covid-19 được kiểm soát, vắc xin có được ở Việt Nam từ giữa 2021; thứ hai cho dù tỷ lệ thất nghiệp cao, phá sản doanh nghiệp tăng cao dẫn đến tăng nợ xấu, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đứng vững.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8,26 – 8,3 tỷ USD năm 2020

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 7 đạt 796,3 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu đáng mừng khi xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục phục hồi trong tháng 7 sau khi tăng 0,3% vào hồi tháng 6. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV. Trong đó, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 có thể sẽ là một “cú hích” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm, đặc biệt đối với những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như: tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, mực bạch tuộc chế biến,….Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 có thể đạt 8,26 – 8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.

3. Các kênh đầu tư

BĐS mùa covid: Đất nền, nhà phố vắng khách, chung cư đi ngang

Báo cáo thị trường bất động sản quý 2 của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá bán chung cư tại Hà Nội và TP.HCM khá ổn định với mức tăng chỉ khoảng 1%. Giá bán chung cư bình dân trung bình ở Hà Nội là 24,8 triệu/m2, còn ở TP.HCM là 31,8 triệu/m2.

Về nguồn cung, nguồn cung căn hộ quý 2 sụt giảm so với quý 1 và cùng kỳ năm 2019 nhưng nhu cầu mua vẫn tăng, đặc biệt là nhu cầu mua để ở thực. Dòng căn hộ bình dân vẫn được quan tâm nhiều với số lượt tìm kiếm trong quý 2 tăng lần lượt 25% và 33% so với quý 1 ở Hà Nội và TP.HCM.

Đáng chú ý nhất trên thị trường căn hộ trong giai đoạn dịch bệnh là sự gia tăng mạnh nhu cầu mua căn hộ mini. Nhu cầu tìm kiếm căn hộ mini trong quý 2/2020 đã tăng 200% so với quý 1. Lý giải cho con số này là do nhu cầu ra ở riêng của gia đình trẻ và người trẻ ngày càng tăng lên. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình 1 người tính đến năm 2019 đã tăng 51% so với năm 2009.

Nhà riêng, nhà mặt phố cũng là loại hình bất động sản phải chịu tác động từ dịch bệnh. Nhu cầu bán không sụt giảm, tuy nhiên do nguồn cầu không có nhiều, đặc biệt là khi người dân thắt chặt chi tiêu nên việc tìm khách mua càng khó khăn.

Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng phi mã. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bất động sản khu công nghiệp sẽ là điểm sáng của thị trường trong năm 2020 khi Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại và làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, dòng vốn FDI vào bất động sản gia tăng. Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ như miễn, giảm, ưu đãi thuế của Nhà nước với các nhà đầu tư.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest