Podcast ngày 28.07.2020 – Thị trường cổ phiếu bị bán tháo

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Thị trường cổ phiếu bị bán tháo

1. Vĩ mô quốc tế và các tin nóng đáng chú ý

Lợi nhuận các công ty công nghiệp Trung Quốc tăng trong tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ nhanh nhất trong hơn một năm

Cục Thống kê Trung Quốc cho biết trong hôm 27/7 rằng, lợi nhuận tại các công ty công nghiệp Trung Quốc đã tăng 11,5% so với cùng kỳ vào tháng 6 lên 666,55 tỷ nhân dân tệ (95,27 tỷ USD) và đánh dấu mức tăng trưởng lợi nhuận nhanh nhất kể từ tháng 3/2019.

Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước xuống mức 2,51 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong khi 5 tháng đầu năm giảm đến 19,3%, cho thấy mức hồi phục trong tháng 6 khá tốt.

Sau khi sụt giảm kỷ lục vào đầu năm, nền kinh tế Trung Quốc đã hồi phục nhanh hơn dự kiến trong quý hai khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ và các nhà hoạch định chính sách tăng cường kích thích kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng, sự phục hồi phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư do nhà nước lãnh đạo, trong khi nhu cầu trong nước và toàn cầu vẫn còn yếu.

Các cố vấn kinh tế hy vọng nền kinh tế Mỹ phục hồi theo hình chữ V

Các cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/7 cho biết, họ vẫn hy vọng vào sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng mạnh tại một số bang của nước này trong thời gian gần đây, dẫn tới việc chính quyền nhiều bang phải đưa ra các hạn chế mới đối với các hoạt động kinh doanh.

Trả lời phỏng vấn trong một chương trình của CNN, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định bức tranh tổng thể nền kinh tế Mỹ rất tích cực, đồng thời cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ V. Tuy nhiên, ông cũng không phủ nhận rằng sự phục hồi đó sẽ bị hạn chế tại một số trong các bang điểm nóng dịch COVID-19 hiện nay.

Ông Kudlow đã đề cập tới các số liệu được cải thiện về mua bán nhà ở và sản xuất cũng như dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm.

Nợ khổng lồ và bong bóng tài chính đe dọa thế giới hậu Covid-19

Chuyên gia kinh tế Bartholomeusz cho rằng đời sống xã hội hậu Covid-19 sẽ đặt ra rất nhiều thách thức đối với các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình.

Thách thức lớn nhất và cũng là hạn chế lớn nhất của các chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình và ngân hàng trung ương là di sản nợ. Trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển – đáng chú ý nhất là Mỹ, nợ đã ở ngưỡng cao lịch sử ngay từ trước khi đại dịch bùng phát.

Trước khi nợ toàn cầu trong giai đoạn đại dịch tăng lên mức 360.000 tỷ USD, tương đương 320% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, con số này đã là 75.000 tỷ USD và chiếm đến 40% tổng GDP, nhiều hơn mức trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nợ công toàn cầu hiện ở mức cao nhất trong lịch sử. Do hậu quả của những chương trình hỗ trợ tài chính mà các chính phủ đã bổ sung khoảng 11.000 tỷ USD nợ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tại các nền kinh tế tiên tiến, nợ công được dự báo sẽ tăng gần 19% trong năm nay lên tương đương 130% GDP toàn cầu.

Tỷ phú Warren Buffett đã rót thêm hơn 800 triệu USD vào ngân hàng Bank of America

Theo tài liệu nộp lên Ủy ban chứng khoán Mỹ, tập đoàn Berkshire Hathaway đã mua vào 33,9 triệu cổ phiếu Bank of America trong thời gian từ thứ 2 đến thứ 4 (20-22/7), tương đương rót thêm 813,3 triệu USD vào ngân hàng này. Hiện số cổ phiếu Bank of America mà Berkshire nắm giữ đã có giá trị lên tới hơn 24 tỷ USD.

Bất chấp thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực trong phiên hôm qua, cổ phiếu của Bank of America đã tăng gần 1%, cao hơn so với các ngân hàng lớn khác như JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo. Berkshire cũng sở hữu cổ phần của JPMorgan và Wells Fargo.

2. Vĩ mô trong nước và các thông tin nóng đáng chú ý

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch Covid-19

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Khoa học & Công nghệ chỉ đạo, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy vết trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng, nhất là các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, kể cả khách du lịch.

Bộ Y tế chỉ đạo hỗ trợ thành phố Đà Nẵng tăng cường năng lực xét nghiệm, điều trị; điều tra, giám sát dịch, nhất là các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng phải coi việc xử lý trường hợp nhiễm bệnh mới phát hiện trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột xuất, cần tập trung chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế tập trung chỉ đạo thực hiện trên toàn quốc: Tăng cường giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây; kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương, nhất là các địa phương có nguy cơ cao xây dựng phương án phòng chống dịch và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học trên địa bàn, bảo đảm an toàn.

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Hơn 3.000 chương trình khuyến mại nhằm kích thích tiêu dùng trong nước

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau 3 tuần triển khai chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 – Vietnam Grand Sale 2020” từ ngày 1/7 theo Quyết định số 1635/QĐ-BCT ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đã có hơn 3.000 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại trên 50% được triển khai thực hiện trên cả nước.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, hạn mức khuyến mại từ 80-100% có gần 400 chương trình; hạn mức khuyến mại từ 60-79% có gần 700 chương trình và hạn mức khuyến mại từ 50-69% có hơn 1.900 chương trình. Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung vào những ngành hàng: may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, … thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.

3. Các kênh đầu tư

ETF sẽ là kênh hấp dẫn khi lãi suất tiết kiệm giảm

Theo Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI, dòng tiền các ETF hiện nay chủ yếu từ nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Tuy nhiên, tiền từ các tổ chức này về cơ bản đều của cá nhân nước ngoài tham gia qua các quỹ tại sở tại. Các quỹ này sẽ đầu tư vào ETF ở Việt Nam. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai. Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm do sản phẩm đơn giản và hiệu quả về mặt chi phí khi đầu tư trong dài hạn.

ETF là sản phẩm lý tưởng dành cho hình thức đầu tư định kỳ như quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ, khoản tiết kiệm từ lương hàng tháng.

Với việc định kỳ đầu tư ta sẽ có được một kết quả rất tốt nếu tham gia vào thị trường cổ phiếu trong dài hạn. Các quỹ hưu trí tự nguyện, các chương trình 401K,… ở Mỹ là minh chứng tuyệt vời cho mô hình đầu tư định kỳ vào thị trường chứng khoán.

Xu thế ETF nhìn chung đang trên đà phát triển mạnh ở các nước Châu Á không chỉ riêng Việt Nam. Các quỹ chỉ số ngày càng có vai trò lớn hơn ở các thị trường theo đà chung của Bắc Mỹ và Châu Âu, nơi quỹ chỉ số đã thống trị trong nhiều năm qua. Trong môi trường lãi suất liên tục giảm, nhu cầu đầu tư tài chính nhìn chung sẽ tăng cao và đầu tư vào các ETF sẽ là kênh hấp dẫn trong hiện tại và thời gian tới.

• Thị trường cổ phiếu bị bán tháo

Sau nhiều phiên giao dịch giằng co với thanh khoản thấp, thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu bị bán ra khi trong nước đón nhận các tin không tích cực về xuất hiện ca nhiễm mới dịch Covid-19 ngoài cộng đồng

Nhiều nhóm cổ phiếu như ngân hàng, dầu khí, bất động sản… đều bị bán mạnh ngay đầu phiên khiến cho các chỉ số giảm sâu.

VN-Index đóng cửa giảm 43,99 điểm (-5,31%) xuống 785,17 điểm. Toàn sàn có 33 mã tăng, 377 mã giảm và 20 mã đứng giá. Trong nhóm VN30, có đến 16 cổ phiếu giảm sàn với BVH, PNJ, PLX, VNM, CTG, BID, HDB, TCB.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest