Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/04/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Cuộc khủng hoảng cung ứng toàn cầu trở lại do tắc nghẽn cảng container lớn nhất thế giới
– Chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc khiến các chuỗi cung ứng từ châu Á, châu Âu đến Mỹ rơi vào cảnh hỗn loạn. Cùng với xung đột Nga – Ukraine, điều này có thể làm chệch hướng quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu, vốn đã chịu ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát.
– Hàng dài tàu thuyền đang mắc kẹt ngoài khơi Trung Quốc, các container nhập khẩu phải đợi trung bình 12 ngày trước khi hàng hóa được đưa lên xe tải và chuyển tới kho trên đất liền. Bên cạnh đó, vận tải đường biển và hàng không cũng đang gặp tình trạng tắc nghẽn. Một số nhà máy tại Trung Quốc đã làm việc trở lại, tuy nhiên hoạt động sản xuất khó có thể duy trì lâu khi nguồn cung cấp linh kiện bị hạn chế.
– Trung Quốc chiếm khoảng 12% khối lượng thương mại toàn cầu. Trong ngắn hạn, tình trạng tắc nghẽn sẽ gây thiệt hại đáng kể cho thương mại toàn cầu. Về dài hạn, điều này có thể tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều công ty tìm cách chuyển mạng lưới sản xuất về nước và các quốc gia lân cận trong bối cảnh mối trường kinh doanh bất ổn.
• Giá khí đốt lao dốc – thấp nhất trong 7 tháng qua do sản lượng khí sản xuất dần phục hồi
– Giá khí đốt tại Anh ngày 26/4 là 147,8 xu Anh/therm (tương đương 1,9 USD/therm), giảm 3,2% so với ngày 25/4 và là mức thấp nhất từ tháng 9/2021. Cuối tháng 4, khoảng hơn chục chuyến hàng chở khí đốt sẽ tới Anh và vùng Tây Bắc của châu Âu, tương đương với mức cao kỷ lục hồi tháng 1 năm nay.
– Bên cạnh đó, Tập đoàn khí đốt Gassco của Na Uy cho biết sản lượng đang bắt đầu phục hồi. Mặt khác, nhu cầu tại Trung Quốc đi xuống vì nhiều thành phố lớn bị phong tỏa. Giá khí đốt tại châu Âu ngày 26/4 cũng giảm 1,8% còn 97,5 USD trên 1 megawatt giờ.
– Ngược với khí đốt, giá than tương lai tại Newcastle (Australia) ngày 25/4 là 328,5 USD/tấn, tăng 0,8% so với ngày 24/4. Tuy tăng so với ngày 24/4, thị trường than đã hạ nhiệt so với mức đỉnh 430 USD/tấn hồi đầu tháng 3.
– Cuộc chiến năng lượng ngày càng căng thẳng và vấp phải nhiều khó khăn. Hiện tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn ở châu Âu lại tái diễn, gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, sản lượng khí đốt phục hồi là một trong những tín hiệu tích cực giúp giá khí trên thị trường sớm cân bằng trong thời gian tới.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Vốn ngoại (FDI) vào Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp
– Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp tính đến 20/4 đạt trên 10,8 tỷ USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký giảm kể từ đầu năm.
– Số dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư mới là 454, với tổng giá trị gần 3,7 tỷ USD, giảm hơn 56% so với cùng kỳ 2021. Số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư là 323 với tổng vốn tăng thêm đạt gần 5,29 tỷ USD, tăng gần 93% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, 4 tháng đầu năm có 1.026 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt gần 1,83 tỷ USD, tăng gần 75% so với cùng kỳ năm 2021.
– Theo báo cáo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, tập trung ở ngành chế biến, chế tạo, bất động sản và buôn bán lẻ. Singapore dẫn đầu dòng vốn FDI với tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD, giảm gần 36% so với cùng kỳ 2021; chiếm gần 29% tổng vốn FDI đang hiện diện ở Việt Nam và Bình Dương hiện là địa phương dẫn đầu với tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 2,35 tỷ USD, chiếm gần 22% tổng vốn đăng ký và gấp hơn 4,9 lần so với cùng kỳ năm trước.
– Vốn FDI thực hiện 4 tháng vừa qua ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, vốn FDI thực hiện liên tục ghi nhận tăng, ở mức 6,8 – 7,8%. Nhìn chung, vốn ngoại đổ vào Việt Nam vẫn giữ tín hiệu tích cực, tuy nhiên tỉ lệ vốn cấp mới đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái bởi một phần do các dự án lần lượt bị điều chỉnh vốn.
• Giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ trong quý I tăng gần 70%
– Quý I/2022, xuất khẩu thủy sản mang về trên 2,5 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ 2021. Trong đó tôm chiếm 38% với gần 955 triệu USD, cá tra chiếm 26% với 654 triệu USD, cá ngừ chiếm trên 10% với 259 triệu USD. Các loại cá biển khác chiếm 17% với 421 triệu USD.
– Theo VASEP, trong quý I, thủy sản sang Nga giảm 86% do tác động của cuộc chiến tại Ukraine. Mỹ lại giữ ngôi vị thứ nhất, chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và tăng trưởng cao thứ hai, tăng 72%. Trong đó, kim ngạch cá tra tăng mạnh nhất, tăng 124%. Giá trung bình tăng gần 70%, đạt 4,6 USD/kg.
– Còn ở Trung Quốc, cá tra chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu, tăng gấp hơn 2,5 lần. Giá trung bình trên 2,5 USD/kg, tăng gần 40%. Ngoài ra, giá trung bình cá tra sang Đức cũng tăng 43% đạt 3,7 USD/kg. Dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản quý II tiếp tục tăng tới khoảng 2,8-2,9 tỷ USD, tăng khoảng 23-24% so với quý II năm ngoái.
– Hiện tại, giá nguyên liệu cá tra trong nước tăng mạnh 40% so với hồi đầu năm dưới tác động của các yếu tố như chi phí đầu vào, giá thức ăn, hậu cần, vận tải. Các mặt hàng khác như tôm và các sản phẩm khác trong những tháng tới cũng vẫn sẽ tiếp tục tăng.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• HAGL báo lãi ròng quý I đạt 250 tỷ đồng, cao nhất trong 9 quý liên tiếp
– Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã cổ phiếu: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I năm nay với doanh thu thuần 802,6, tăng 182,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý này tăng chủ yếu là do doanh thu trái cây; bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ; bán heo tăng lần lượt 240%, 167% và 177%.
– Giá vốn hàng bán tăng ít hơn, 140,3% lên 512,83 tỷ đồng do giá vốn trái cây, bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ; giá vốn bán heo tăng lần lượt 52%, 100% và 68%. Vì vậy, biên lợi nhuận gộp tăng từ 18,4% lên 36,1%
– Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 44,5% đạt 193,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 202,7%; Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 372 tỷ đồng. Kết quả, HAGL thu về 258 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng mạnh so với khoản lỗ 68,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 250 tỷ đồng, EPS đạt 270 đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ quý III/2021.
– Tại thời điểm 31/3, HAGL vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế là 4.218 tỷ đồng, giảm 5,5% so với đầu năm và bằng 88% vốn chủ sở hữu.
– Nợ vay tài chính của công ty ở thời điểm cuối quý I ở mức 8.751 tỷ đồng, trong đó 66,5% là nợ vay dài hạn. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 6.437 tỷ đồng, nợ ngân hàng 2.184 tỷ đồng và nợ các cá nhân, tổ chức khác 130 tỷ đồng.
– Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.820 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.120 tỷ đồng, tăng lần lượt 130% và 775% so với thực hiện năm ngoái. Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của HAGL kể từ năm 2015 tới nay. Năm nay, công ty tiếp tục không thực hiện chia cổ tức.
• VPBank đạt mức lãi kỷ lục hơn 11.000 tỷ đồng trong quý I/2022
– Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I của ngân hàng VPBank, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng VPBank đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng này đã vượt lên trên 95 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 15%. Trong đó việc độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA đã góp phần đưa VPBank lên đỉnh cao nhất về lợi nhuận trong quý I vừa qua.
– Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của VPBank cũng cực kỳ ấn tượng khi tăng tới gần 56%. Tăng trưởng tín dụng đạt 10,3%, tăng gấp đôi trung bình ngành. Vì thế kế hoạch năm 2022, VPBank đặt tham vọng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 107% so với năm 2021, tương ứng gần 30 nghìn tỷ đồng.
– Chính sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh cốt lõi quý I vừa qua, cùng với sự phục hồi chung của nền kinh tế, đã giúp VPB tự tin vào một kế hoạch đầy tham vọng trong 5 năm tiếp theo với mục tiêu: Mảng ngân hàng bán lẻ của VPBank đến năm 2026 sẽ đóng góp 60% vào quy mô dư nợ của ngân hàng. Các phân khúc như thẻ tín dụng hay cho vay tín chấp, thế chấp sẽ vươn lên top 1 trên thị trường.
• Nguyên Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc làm Chủ tịch Vinamilk
– Vinamilk (Mã cổ phiếu: VNM) công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị ngày 26/4 bầu ông Nguyễn Hạnh Phúc, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập mới bổ nhiệm tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2022-2026. Ông Phúc làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị thay bà Lê Thị Băng Tâm, người có hơn 10 năm gắn bó với Vinamilk. Không chỉ từ nhiệm tại Vinamilk, bà Tâm cũng rời khỏi HDBank.
– Ông Nguyễn Hạnh Phúc từng làm việc ở Sở Xây dựng Thái Bình, Bí thư thành ủy Thái Bình, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình. Giai đoạn từ tháng 1/2016 đến tháng 11/2021, ông làm Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội… Từ tháng 11/2021 đến nay ông nghỉ hưu theo chế độ.
– Trong giai đoạn 2022-2026, Vinamilk đề ra chiến lược dựa vào 4 trọng tâm chính. Đó là đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu sản phẩm mới, hướng tới phục vụ nhu cầu dinh dưỡng toàn diện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nông nghiệp bền vững; khởi tạo cơ hội kinh doanh mới qua M&A, hợp tác hoặc đầu tư mạo hiểm; thiết lập môi trường làm việc và đạo tạo để nhân viên làm chủ cơ hội chuyển đổi mới.
– Riêng năm nay, công ty sữa đề ra kế hoạch gồm tổng doanh thu 64.070 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm trước; lãi sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ 9.720 tỷ đồng, giảm 7,7%.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Trong phiên giao dịch 27/04/2022, tuy chỉ số VNINDEX chịu áp lực bán trong đa phần thời gian trong phiên nhưng vào cuối phiên chiều đã có sự hồi phục lại và đóng cửa phiên ở 1.353,77 điểm, tăng 12,43 điểm (+0,93%) so với phiên ngày hôm qua.
– Độ rộng thị trường hôm nay nghiêng về phía phe mua khi có 299 mã tăng, tương đương hơn 62% số mã trên sàn HOSE. Dù vẫn là phiên hồi phục nhưng thanh khoản của thị trường chỉ ở mức thấp khi đạt 14.544,335 tỷ đồng, giảm hơn 6 nghìn tỷ đồng so với phiên hồi phục trước đó.
– 3 mã cổ phiếu tăng mạnh nhất đóng góp vào đà tăng của chỉ số VNINDEX có thể kể đến HPG (+1,489 điểm), VCB (+1,212 điểm), GAS (+0,98 điểm). Ở chiều ngược lại, mã cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất là VPB (-1,578 điểm), VNM (-0,482 điểm) và VRE (-0,328 điểm).
– Trong phiên hôm nay, 7/10 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh, trong đó nổi bật có các nhóm ngành Công nghiệp (+2,49%), Nguyên vật liệu (+2,22%), Tiêu dùng thiết yếu (+1,37%). Cả 3 nhóm ngành đều có giá trị giao dịch khá lớn từ từ 1.330 tỷ đồng đến 2.531 tỷ đồng. 2 nhóm ngành khác cũng có mức giao dịch lớn là Bất động sản với 2.293 tỷ đồng và Tài chính với 2.525 tỷ đồng nhưng mức tăng chỉ khiêm tốn lần lượt là 0,65% và 0,52%.
– Khối ngoại đã có phiên bán ròng sau chuỗi mua ròng liên tiếp khi thị trường biến động mạnh với giá trị bán là 261,18 tỷ đồng. Lượng bán ròng chủ yếu đến từ VND (-44,92 tỷ đồng), DXG (-37,42 tỷ đồng) và DIG (-36,86 tỷ đồng). Ở chiều mua ròng, 3 cổ phiếu được mua nhiều nhất là DGC (+36,14 tỷ đồng), MSN (+34,61 tỷ đồng) và BCM (+34,04 tỷ đồng).
– Phiên tăng điểm nhẹ của chỉ số VNINDEX với thanh khoản thấp cho thấy dòng tiền vẫn chưa thực sự tham gia mạnh mẽ nên khả năng sẽ có thêm những phiên điều chỉnh là có thể xảy ra. Nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường và ưu tiên hạ tỷ trọng những cổ phiếu đang sử dụng margin để quản trị rủi ro nếu thị trường có những biến động bất ngờ.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0