Podcast ngày 28.01.2021 – Các công ty vận tải biển từ chối chở nông sản Mỹ, mang container rỗng về Trung Quốc

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/01/2021

1. Tin tức vĩ mô thế giới

Các công ty vận tải biển từ chối chở nông sản Mỹ, mang container rỗng về Trung Quốc

Theo cuộc điều tra của CNBC, các doanh nghiệp vận tải thà chở container rỗng sang Trung Quốc để chất đầy hàng hóa của nước này chở đi còn hơn là chở nông sản Mỹ vì lợi nhuận cao hơn. Chính điều này khiến các nhà xuất khẩu nông sản Mỹ phải kiến nghị lên Ủy ban Hàng hải Liên bang với lập luận sự chậm trễ này không chỉ đe dọa lợi nhuận mà còn hạ thấp uy tín của ngành nông nghiệp Mỹ.

Hiện tại, Ủy ban Hàng hải Liên bang Mỹ đã mở một cuộc điều tra và đang xem xét dữ liệu thương mại tại các cảng quan trọng ở California, New York và New Jersey để xem liệu các hãng vận tải biển từ chối chuyên chở hàng hóa xuất khẩu của Mỹ có vi phạm đạo luận vận tải biển hay không.

Các container của Mỹ bị từ chối trong bối cảnh xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ đang bước vào mùa cao điểm. Trong khi xuất khẩu liên tục trong 12 tháng qua, các tháng từ tháng 11 đến tháng 3 được mô tả là rất quan trọng vì chúng ở ngay sau vụ thu hoạch. Dựa trên các đơn đặt hàng được thực hiện trong giai đoạn này, các nhà sản xuất nông nghiệp có thể có kế hoạch rõ ràng cho vụ thu hoạch sắp tới. Trong những tháng mùa đông, người nông dân và nhà sản xuất gặp gỡ các nhân hàng để đảm bảo vốn cho chu kỳ tiếp theo. Các đơn vị vận tải đã từ chối khoảng 177.938 container chở nông sản Mỹ trong tháng 10 và tháng 11. Vào giữa tháng 10, các hãng vận tải đã thông báo cho các nhà xuất khẩu nông sản rằng họ ưu tiên các container rỗng hơn là nông sản xuất khẩu. Họ cũng cho biết sẽ tăng giá với nông sản Mỹ nếu chúng được vận chuyển.

Thiếu hụt container đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Giá container rỗng cũng tăng chóng mặt kể từ khi đại dịch nổ ra, khiến việc giao thương toàn cầu gặp nhiều trắc trở. Trong khi đó, là quốc gia đầu tiên bùng phát đại dịch nhưng đang kiểm soát Covid-19 rất tốt, Trung Quốc đã khôi phục sản xuất và đưa xuất khẩu trở lại.

Philippines hủy hợp đồng 10 tỷ USD với công ty Trung Quốc bị Mỹ liệt vào ‘danh sách đen

Ông Jonvic Remulla, Thống đốc tỉnh Cavite, ngày 26/1 cho biết chính quyền tỉnh này đã hủy thỏa thuận nâng cấp sân bay Sangley trị giá 10 tỷ USD với Tập đoàn MacroAsia Corporation và Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC). Công ty này nằm trong danh sách đen của Mỹ từ tháng 8/2020. Đây là một trong hai dự án sân bay trị giá hàng chục tỷ USD được xây dựng nhằm giảm tải cho sân bay chính của Philippines đặt tại Manila. Dự án cũng là một phần trong kế hoạch cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng lớn của Chính phủ Philippines.

Hãng tin Reuter dẫn lời Thống đốc Cavite Remulla cho biết hợp đồng của CCCC và MacroAsia “thiếu 3 hoặc 4 mục” có nghĩa họ không thực hiện đầy đủ cam kết với dự án. Vị trí của sân bay Sangley cho phép Hải quân Philippines thực hiện các hoạt động giám sát và là nơi tập hợp binh lính, khí tài quân sự trước khi tiến hành các nhiệm vụ.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/8/2020 đã thêm 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại vì các công ty này đã tham gia vào quá trình bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông, một chương trình xây dựng mà Mỹ cho là nỗ lực phi pháp nhằm kiểm soát tuyến vận tải hàng hải quan trọng này. Mỹ vốn là một đồng minh có hiệp ước quốc phòng với Philippines.

Lệnh trừng phạt thương mại cấm các công ty Mỹ xuất khẩu các sản phẩm tới các công ty Trung Quốc bị trừng phạt mà chưa có giấy phép của chính phủ Mỹ. Được biết, danh sách đen thương mại của Mỹ hiện đã bao gồm hơn 300 thực thể Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ không cấp thị thực cho các cá nhân, quan chức Trung Quốc có liên quan đến hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.

Nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu đứt đoạn từ những thùng cá đông lạnh chất đống ở Trung Quốc

Theo nguồn tin từ các hãng tàu mà Bloomberg có được, hàng trăm container cá đông lạnh đang bị ùn ứ tại Đại Liên, 1 cảng lớn chuyên nhập khẩu thủy hải sản. Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng địa phương đang tiến hành kiểm dịch các thùng hàng trước khi thông quan. Tuy nhiên điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng để giữ cho những container đông lạnh ở nhiệt độ chuẩn.

Thiếu ổ cắm điện và không gian bốc dỡ hàng hóa tại cảng khiến các hãng tàu phải hủy bỏ những đơn vận chuyển mới tới Đại Liên. Và bắt nguồn từ cá đông lạnh, tình trạng tắc nghẽn giờ đã lan sang cả những mặt hàng cần bảo quản lạnh khác như hoa quả và bánh bao. Các container đông lạnh cũng đang được chuyển hướng sang những cảng khác, dẫn đến những nút thắt cổ chai ở Thượng Hải và Thanh Đảo. Sự kiện cũng nhấn mạnh ảnh hưởng của chính sách kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu mà Trung Quốc đang áp dụng lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù WHO tuyên bố không có bằng chứng nào cho thấy virus có thể truyền sang người từ thực phẩm và bao bì thực phẩm, Trung Quốc vẫn thực hiện kiểm dịch trên thịt và hải sản nhập khẩu. Chính sách gây tranh cãi này gây ra nhiều bất tiện cho các cảng.

Theo Hiệp hội các chủ tàu Trung Quốc, trung bình tại hầu hết các cảng trên khắp Trung Quốc, các tàu chở thực phẩm đông lạnh phải chờ tới 20 ngày mới được thông quan. Trong thời gian đó các công ty nhập khẩu phải trả chi phí điện và tiền bồi thường giữ tàu quá hạn. Không chỉ Trung Quốc bị ảnh hưởng. Đại Liên và Thanh Đảo là những trung tâm trung chuyển hải sản rất lớn với ngành công nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu và xử lý hải sản phát triển hùng mạnh. Những tàu chở thủy hải sản của Nga vốn có đích đến là Đại Liên và Thanh Đảo nay đang được điều hướng sang cảng Busan của Hàn Quốc, khiến cảng này cũng có nguy cơ tắc nghẽn. Thậm chí thị trường Mỹ cũng bị ảnh hưởng vì phản ứng dây chuyền.

2. Tin tức vĩ mô Việt Nam

60 tấn gạo Việt Nam đầu tiên được nhập khẩu vào Anh theo UKVFTA

Theo TTXVN, gạo thơm nhập khẩu từ Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện và bán tại các siêu thị ở Anh. Trong đó, 60 tấn gạo của Vinaseed, thành viên Tập đoàn PAN, đang được bày bán với giá 465.000 đồng/10kg. Đây là lô gạo đầu tiên được xuất khẩu kể từ khi Việt Nam và Vương Quốc Anh ký hiệp định thương mại tự do (UKVFTA) được ký năm ngoái. Đây là sự kiện đánh dấu việc doanh nghiệp Việt Nam đang dần nắm bắt và tận dụng được cơ hội mà hiệp định mạng lại. Theo UKVFTA, gạo thơm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được miễn thuế thay vì phải chịu mức 17,4% như trước đây. Điều này giúp gạo Việt có sức cạnh tranh tốt hơn so với những nước khác cùng xuất khẩu gạo thơm sang Anh như Thái Lan. Trong khi đó với Vinaseed, đây cũng là bước đi tiếp tục cụ thể hóa chiến lược nâng tầm nông sản Việt mà bản thân doanh nghiệp cũng như Tập đoàn PAN theo đuổi.

Theo dự báo của Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường, việc xuất khẩu gạo thơm Việt Nam chất lượng cao vào thị trường Anh năm nay sẽ tăng khoảng 10 lần so với năm ngoái nhờ UKVFTA. Căn cứ theo thỏa thuận, UKVFTA giữ nguyên những lợi ích về thương mại hiện tại giữa Vương Quốc Anh với Việt Nam thông qua EVFTA. Đồng thời, biên bản kết thúc đàm phán cũng nêu rõ quyền lợi của doanh nghiệp sẽ được tiếp tục khi thuế xuất nhập khẩu giảm. Doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ, sản phẩm thiết kế của Anh. Ở chiều ngược lại các sản phẩm của Việt Nam cũng được bảo hộ. Khi FTA được áp dụng hoàn toàn, Việt Nam sẽ tiết kiệm được 114 triệu GBP (khoảng 3.420 tỷ) mỗi năm tiền thuế xuất khẩu, con số này của Vương Quốc Anh là 36 triệu GBP (khoảng 1.080 tỷ đồng).

Năm 2019, Anh nhập khẩu hơn 671.000 tấn gạo, trị giá 531 triệu USD, đứng thứ 9 trong số 10 nước nhập khẩu gạo nhiều trên thế giới. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu gần 1.719 tấn, trị giá 1,296 triệu USD. Giá bình quân đạt 754 USD/tấn CIF cảng UK.

Intel đầu tư thêm gần nửa tỷ USD vào Việt Nam

Nikkei đưa tin, nhà sản xuất chip Mỹ – Intel đã đầu tư 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu. Khoản đầu tư này được sử dụng vào việc sản xuất các sản phẩm 5G và bộ vi xử lý lõi, công ty này cho biết.

Intel cho hay, động thái mở rộng này là để giúp cơ sở tại Việt nam “tiếp nhận các công nghệ phức tạp hơn” và đa dạng hóa ngoài các đơn vị xử lý trung tâm ở trung tâm hoạt động kinh doanh của mình. Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghệ ngày càng quan trọng, khi các công ty, từ Samsung Electronics đến nhà cung cấp Pegatron của Apple đều rời Trung Quốc trong những năm gần đây vì chi phí và rủi ro thương mại, địa chính trị gia tăng, Nikkei nhận định.

Trong đại dịch Covid-19, khi các nền kinh tế láng giềng phải đóng cửa, nhưng Việt Nam hầu như vẫn mở cửa, cho phép Intel tăng sản lượng sản xuất lên 30% trong nửa đầu năm 2020 so với giai đoạn đầu năm. Tổng giám đốc Kim Huat Ooi cho biết: “Tính đến cuối năm 2020, Intel Products Việt Nam đã xuất xưởng hơn 2 tỷ sản phẩm cho khách hàng trên toàn thế giới. Chúng tôi rất tự hào về cột mốc quan trọng này, điều này cho thấy IPV quan trọng như thế nào trong việc giúp Intel đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới và lý do tại sao chúng tôi tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất và đội ngũ của mình tại Việt Nam”.

Intel cũng đang đàm phán để outsource một số hoạt động sản xuất cho Samsung Electronics. Trong thập kỷ qua, giá trị xuất khẩu tích lũy của IPV đạt 50,2 tỷ USD. Riêng năm 2020, Intel xuất khẩu 13,1 tỷ USD , chiếm khoảng 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao Sài Gòn và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn Việt Nam trong lĩnh vực linh kiện điện tử và phụ kiện. Quyết định tăng đầu tư dự kiến sẽ tạo ra nhiều bước ngoặt và hỗ trợ sự phát triển của nguồn nhân lực địa phương, đồng thời tăng giá trị xuất khẩu lên 30 – 40%.

Năm 2020, các dự án BOT giao thông hụt thu gần 1.000 tỷ đồng

Tổng Cục Đường bộ cho biết, tổng số thu phí của 62 dự án BOT giao thông đường bộ trong năm 2020 đạt hơn 12.636 tỷ đồng (bình quân mỗi quý thu hơn 3.000 tỷ đồng), tổng số thu này giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy vậy, vẫn còn một số dự án chưa báo cáo, hoặc báo cáo thiếu số liệu, gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo QL1K (Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM); Dự án Cải tạo nâng cấp QL2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên; Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình; Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh – Uông Bí.

Hiện có 8 dự án BOT đường bộ đang tạm dừng thu phí, gồm: Dự án đầu tư QL1A đoạn tránh TP.Thanh Hóa; Dự án đầu tư xây dựng QL1A đoạn tránh TP.Hà Tĩnh; Dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang); Dự án cầu Đồng Nai; Dự án cải tạo nâng cấp QL10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ (Thái Bình) và Tuyến tránh Đông Hưng; Dự án nâng cấp, cải tạo QL1K (đoạn Đồng Nai – TPHCM); Dự án Cải tạo nâng cấp QL2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên; Dự án sửa chữa QL 20.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest