Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/11/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Vỡ nợ doanh nghiệp Trung Quốc chuẩn bị vượt qua mức 100 tỷ CNY trong 3 năm liên tiếp
Theo Bloomberg, tổng khoản vỡ nợ của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt mức 100 tỷ CNY trong 3 năm liên tiếp. Tình trạng này càng nhấn mạnh sự gián đoạn do đại dịch gây ra đối với chiến dịch nhằm ổn định tài khóa của chính phủ.
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, các khoản nợ chưa thanh toán tăng mạnh trong 2 tuần gần đây đã đẩy giá trị khoản nợ trong nước vào năm nay lên tới 104 tỷ CNY (15,8 tỷ USD). Trong khi đó, các khoản nợ ngoại biên đang ở mức 8,1 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần so với năm 2019.
Hồi đầu năm, giới chức Trung Quốc đã nới lỏng điều kiện tín dụng, trong nỗ lực kiềm chế sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Động thái này làm dấy lên những lo ngại bấy lâu nay rằng Bắc Kinh cần phải hành động trước tình trạng khối nợ ngày càng lớn. Khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục sau đại dịch, các nhà hoạch định chính sách đã “dọn dẹp” hệ thống tài chính, từ đó số vụ vỡ nợ ngày càng gia tăng.
Việc rút lại những biện pháp kích thích được dự đoán sẽ gây thêm căng thẳng cho các công ty trong việc huy động vốn để trả nợ. Tổng cộng có 172,6 tỷ CNY sẽ đáo hạn trong tháng 11/2021 và hơn 1 nửa con số đó sẽ đáo hạn vào tháng 3 năm sau.
Mỹ trừng phạt Iran dồn dập, Nga phản ứng dữ dội
Ngày 25-11, đặc phái viên Mỹ về Iran, ông Elliott Abrams, cho biết Bộ Tài chính Mỹ có kế hoạch công bố loạt trừng phạt mới nhằm vào Tehran trong những tuần tới liên quan đến vũ khí, vũ khí hủy diệt hàng loạt và vấn đề nhân quyền. Theo trang Bloomberg, các công ty mới bị trừng phạt bao gồm Công ty Vật liệu Mới Tốt nhất Thành Đô, Công ty Thương mại Zibo Elim (Trung Quốc) cùng với 3 công ty của Nga là Nilco, Elecon và Aviazapchast.
Các biện pháp trừng phạt sẽ xem xét việc cấm bất kỳ cơ quan nào của Mỹ mua các sản phẩm và dịch vụ của tổ chức nằm trong danh sách đen, cũng như cấp giấy phép chuyển giao hàng hóa thuộc diện kiểm soát xuất khẩu cho họ. Ông Elliott Abrams kêu gọi ông Joe Biden sử dụng đòn bẩy này để thúc đẩy một thỏa thuận làm giảm các mối đe dọa hạt nhân.
Trước diễn biến mới của Washington, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov coi đây là một động thái phân biệt đối xử của Mỹ nhằm làm suy giảm tiềm lực kinh tế của 3 doanh nghiệp Nga. Ông Anatoly Antonov cho rằng Mỹ vẫn đang sử dụng các biện pháp trừng phạt làm công cụ chính để thực hiện chính sách đối ngoại. Đại sứ Nga khẳng định những hành động như vậy là “bất hợp pháp, vì không quốc gia nào có quyền hạn chế hợp tác thương mại và đầu tư giữa Nga và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế”.
Lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ tăng kỷ lục 495 tỷ USD trong quý 3
Quý 3/2020, lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ nhảy vọt 495.3 tỷ USD, tức tăng 27.1% trên cơ sở hàng năm, theo dữ liệu của Bộ Thương mại công bố vào ngày 25/11. Trong đó, lợi nhuận nội địa của các tập đoàn tài chính tăng 24.5 tỷ USD.
Đà tăng kỷ lục về lợi nhuận quý 3 diễn ra sau mức giảm 12% và 10.3% của quý 1 và quý 2. Mức giảm của quý 1/2020 là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy hoạt động kinh tế hồi phục trở lại khi số ca nhiễm Covid-19 tăng chậm lại trong mùa hè và nhu cầu tiêu dùng cũng tăng trở lại. GDP tăng trưởng 33.1% trong quý 3/2020 (so với quý trước và sau đó quy đổi thành cơ sở hàng năm), một mức tăng kỷ lục và góp phần lấy lại những gì đã mất trong quý 2.
Dĩ nhiên, đà hồi phục trong quý 3/2020 không thể bù đắp cho tất cả mất mát vì đại dịch. Và các ngân hàng lớn cũng hạ dự báo về mức tăng trưởng GDP trong ngắn hạn khi Mỹ đối mặt với sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm Covid-19. Khi mà việc phân phối vắc-xin rộng rãi vẫn chưa được thực hiện, nhịp độ hồi phục nhiều khả năng sẽ chậm lại đáng kể cho tới cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Khủng hoảng nợ xấu ở Ấn Độ tạo cơ hội cho ngân hàng nước ngoài
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói tỉ lệ tăng trưởng nợ xấu của Ấn Độ đứng đầu trong khối G20 trong 5 năm qua. Ấn Độ đang lâm vào suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh, số ca nhiễm hiện gần 10 triệu người và số ca tử vong gần 135.000 người. Ấn Độ là nền kinh tế chịu nhiều tổn thất nặng vì dịch bệnh, chỉ xếp sau Mỹ, với dự báo kinh tế tăng trưởng âm 9,5% trong năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên kinh tế Ấn Độ rơi vào suy thoái kể từ năm 1979.
Trong bản báo cáo giữa năm vào tháng 7, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) dự báo tỉ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng nước này có thể tăng vọt trên 12,5% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2021, so với con số 8,5% của năm tài khóa kết thúc tháng 3-2020. Tỉ lệ nợ xấu còn có thể tăng lên 14,7% do những ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, cơ hội thâm nhập thị trường ngân hàng của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á lại mở ra.
Tuần trước, tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) từ Nhật Bản đã tăng thêm 600 triệu đô la tiền vốn cho chi nhánh New Delhi của tập đoàn nhằm đón trước làn sóng hồi phục sau dịch. Với đợt châm vốn này, nguồn vốn của chi nhánh New Delhi đạt 1,2 tỉ đô la, lớn nhất trong các ngân hàng Nhật Bản đang hoạt động tại Ấn Độ.
Nguồn vốn mới giúp SMBC vượt qua “cửa khó” của luật Ấn Độ: không cho phép một ngân hàng cho vay hơn 20% số vốn đối với một khách vay. Thông cáo của SMBC nói “sự mở rộng của ngành chế tạo smartphone, các vụ sáp nhập đang gia tăng sau dịch tạo cơ hội mới cho ngân hàng Nhật Bản”.
2. Vĩ mô Việt Nam
Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì thiếu container rỗng
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container và khi chủ hàng đến nhận mới được thông báo báo là chưa có. 43% doanh nghiệp cho biết là do bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó khăn trong tuyến vận chuyển hàng hóa chủ yếu là qua khu vực Nội Á và Châu Mỹ.
VLA cho biết, việc thiếu hụt container rỗng do cuối năm là mùa cao điểm của xuất khẩu, thêm vào đó do Việt Nam là nước xuất siêu. Không những do ảnh hưởng của giao nhận container ở ICD /cảng cạn (depot) mà việc kiểm soát container rỗng của hãng tàu depot chưa tốt cũng đã gây thiếu hụt container ở Việt Nam.
Để giải quyết những khó khăn hiện tại, Phó Tổng GĐ Công ty Cổ phần Gemadept cho rằng, cần ứng dụng giải pháp công nghệ giúp sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên tham gia, đồng thời thông tin thị trường cũng sẽ được thông suốt, góp phần cải thiện tình trạng tiêu cực hiện tại và từ đó vòng quay tái sử dụng container rỗng cũng sẽ được đẩy nhanh. Một số đề xuất khác nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt container rỗng là tăng cường sử dụng cơ sở mới, ở vùng nào thì chủ động lấy container vùng đó để tránh tình trạng ùn tắc và thiếu hụt khi chỉ tập trung vào một chỗ.
Nikkei Asia: Foxconn lên kế hoạch đầu tư 270 triệu USD mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Theo Nikkei Asia, Foxconn, hay còn gọi là Hon Hai Precision Industry, đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam với khoản đầu tư khoảng 270 triệu USD. Công ty trụ sở tại Đài Loan này vừa bắt đầu sản xuất màn hình tinh thể lỏng ở Việt Nam vào tuần trước, nhằm tận dụng lợi thế của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hy vọng tăng cường năng lực sản xuất tại Việt Nam.
Foxconn sẽ sớm thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Nikkei cho biết, chi tiết cụ thể hiện chưa được công bố, tuy nhiên Foxconn khả năng cao sản xuất các bộ phận liên quan máy tính cá nhân như màn hình. Đặc biệt, các yếu tố như là thành viên của RCEP, có vị trí gần Trung Quốc đã giúp Việt Nam trở thành địa điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất linh kiện với chi phí lao động rẻ.
Foxconn đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi nhằm bớt phụ thuộc quá mức vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, đặt mục tiêu sản lượng ngoài Trung Quốc chiếm hơn 30% tổng sản lượng. Các công ty đối thủ của Foxconn như Pegatron và Wistron cũng đều đã quyết định mở rộng hoạt động sang Việt Nam.