Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Thu hút vốn FDI hàng chục tỷ USD sau 8 tháng
1. Vĩ mô quốc tế
GDP Đức giảm kỷ lục 9.7% trong quý 2/2020
Đây là “mức giảm mạnh nhất kể từ khi việc tính toán GDP hàng quý tại Đức bắt đầu từ năm 1970”, nhưng đà giảm không mạnh như dự báo. Vào cuối tháng 7/2020, văn phòng thống kê Liên bang Đức dự báo GDP giảm 10.1% trong quý 2/2020. Tuy nhiên, mức giảm này lớn hơn rất nhiều so với đà giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 (giảm 4.7% trong 1 quý).
Đây là hậu quả mà đại dịch Covid-19 và những biện pháp giới hạn đi kèm để lại cho nền kinh tế, chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình Đức rớt mạnh 10.9% so với quý trước. chỉ duy nhất chi tiêu của Chính phủ Đức tăng 1.5% so với quý trước trong bối cảnh Chính phủ nước này ra sức ngăn chặn đà giảm GDP mạnh hơn trong thời gian
Nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Đức sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn khi các đối tác thương mại chính ở châu Âu, Mỹ và châu Á gượng dậy từ đại dịch. Tuy nhiên, điều này sẽ khó xảy ra trước khi đại dịch được kiểm soát ở các khu vực này. Trong cả năm 2020, Chính phủ Đức dự báo GDP giảm 6.3%.
Nhật, Ấn, Úc tính lập chuỗi cung ứng tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, mở cho ASEAN
Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đang bắt đầu thảo luận về việc công bố Sáng kiến chuỗi cung ứng bền vững 3 bên (SCRI) nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhật Bản, thông qua Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp đã tiếp cận với Ấn Độ và đẩy nhanh sự cấp thiết để đưa sáng kiến này đi vào hoạt động, nhằm nỗ lực để đưa SCRI ra mắt vào tháng 11. Cuộc họp đầu tiên của của các Bộ trưởng Thương mại 3 nước đang được cân nhắc diễn ra trong tuần này.
SCRI là câu trả lời trực tiếp với các công ty và nền kinh tế quan ngại về các hành vi của Trung Quốc và khả năng đứt gãy của chuỗi cung ứng. Sáng kiến này cũng mở cho ASEAN. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hậu Covid, đã đưa ra gói hỗ trợ 2 tỷ USD để giúp các công ty Nhật di dời khỏi Trung Quốc. Úc và Mỹ, trong bối cảnh qua ngại về an ninh tăng cao, cũng đã có một thỏa thuận “không có Trung Quốc” cho chuỗi cung ứng của mình.
Doanh số bán nhà mới của Mỹ trong tháng 7 đã tăng gần 14% so với tháng trước
Theo số liệu thống kê do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 25/8, doanh số bán nhà mới của Mỹ trong tháng 7 tăng gần 14% so với tháng trước, lên 901.000 căn dành cho một hộ gia đình, cao hơn các dự đoán khi thị trường nhà đất ở nước này tiếp tục nóng lên.
Kết quả trên là nhờ lãi suất cho vay rất thấp. Tuy vậy, số liệu về doanh số bán nhà ở tại các khu vực của Mỹ không đồng nhất, với số liệu của khu vực Trung Tây tăng gần 59% trong khi con số tương ứng của khu vực Đông Bắc giảm hơn 23%. Đây là tháng tăng thứ ba liên tiếp, sau khi báo cáo trong tuần trước cho thấy doanh số bán nhà hiện có của Mỹ tăng 24,7%, tháng tăng thứ hai liên tiếp.
2. Vĩ mô trong nước
Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước rút mạnh tiền về trong nửa đầu năm 2020
Nửa đầu năm 2020 do tình hình dịch Covid-19 tác động, nhằm hỗ trợ thanh khoản, các ngân hàng tăng rút tiền khỏi nhau, giảm lượng tiền mặt gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Kho bạc Nhà nước cũng rút mạnh tiền ra khỏi các nhà băng.
Tính đến 30/06/2020, tổng lượng tiền gửi Kho bạc tại 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV gần 57,378 tỷ đồng, giảm đến 77% so với con số gần 246,115 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, Vietcombank giảm mạnh nhất (-99%) chỉ còn hơn 992 tỷ đồng, BIDV (-84%) chỉ còn 14,297 tỷ đồng và VietinBank (-38%) còn 42,088 tỷ đồng.
Việc số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng giảm mạnh có thể hiểu là do hiệu lực của Thông tư 58/2019/TT-BTC từ ngày 01/11/2019 quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại NHNN và các NHTM, quy định Việt Nam chính thức áp dụng tài khoản duy nhất của Kho bạc mở đặt tại Sở giao dịch NHNN.
Tuy nhiên, Thông tư 58 không yêu cầu tất cả tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng phải chuyển về tài khoản NHNN ngay, mà có thể chờ đến khi đáo hạn với những khoản tiền gửi có kỳ hạn. Do đó, đến cuối tháng 6, vẫn còn hơn 57,000 tỷ đồng tại 3 ngân hàng trên.
Intel cam kết tiếp tục rót vốn lớn vào Việt Nam
Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Intel (Mỹ) với nhà máy lắp ráp và kiểm định chip hơn 1 tỉ đô la Mỹ ở TPHCM, lên kế hoạch tiếp tục rót thêm một khoản đầu tư lớn nữa để mở rộng sản xuất ở Việt Nam.
Bắt đầu dự án xây dựng nhà máy sản xuất ở khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) cách đây 14 năm, nhà đầu tư đến từ nước Mỹ này đã trở thành công ty công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam đầu tư hơn 1 tỉ đô la với giá trị kim ngạch xuất khẩu trung bình đạt hơn 3,6 tỉ đô la Mỹ/năm trong vòng 10 năm qua.
Theo người đứng đầu Intel Products Vietnam, hoạt động sản xuất của công ty đang khá thuận lợi nhờ nguồn lao động có tay nghề, hạ tầng sản xuất ngày càng tốt và chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao thuận lợi để Intel có thể tiếp tục rót vốn đầu tư. Và câu chuyện về đại dịch Covid-19 là một ví dụ rất điển hình thành công.
Hỗ trợ doanh nghiệp vay lãi 0% để trả lương cho 3 triệu lao động
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để trả lương cho người lao động, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng; sửa đổi điều kiện vay vốn, kéo dài thời hạn vay…từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính Phủ
Cụ thể, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất: “Người sử dụng lao động có doanh thu quý 1/2020 giảm 20% trở lên so với quý 4/2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho NLĐ từ tháng 4 – 12.2020 với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội”. Dự kiến 3 triệu lao động sẽ được hỗ trợ.
Bộ LĐ-TB-XH cũng bổ sung các trường dân lập, tư thục, công lập tự đảm bảo chi thường xuyên không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương do đại dịch Covid-19. Theo đó, NLĐ bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên tại các cơ sở nêu trên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng, thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1.2 – 1.6.2020.
Kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng trên ước tính 1.618 tỉ đồng.
Thu hút vốn FDI đạt gần 20 tỷ USD sau 8 tháng
Tính đến 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 11,35 tỷ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 8 tháng, đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Nếu như các vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng đầu tư trước đây thường thuộc về Hàn Quốc, Nhật Bản, thì năm nay, Singapore tạm dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,54 tỷ USD, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai, Trung Quốc đứng vị trí thứ 3. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,…
Tuy nhiên, nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (463 dự án); Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (256 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (196 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (164 dự án)