Podcast ngày 27.05.2022 – FRT chốt quyền trả cổ tức tỷ lệ 55%

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

  • Biên bản họp của Fed phát tín hiệu nâng lãi suất vượt dự báo của thị trường
  • Tại cuộc họp ngày 03-04/05/2022, các thành viên FOMC nâng lãi suất 50 điểm cơ bản và phác thảo kế hoạch giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán (9,000 tỷ USD) từ tháng 6/2022, trong đó bao gồm chủ yếu là trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp.
  • Đây là mức nâng lãi suất lớn nhất trong 22 năm và diễn ra khi Fed đang cố gắng kéo giảm lạm phát – vốn đang ở mức đỉnh 40 năm.
  • Các nhà hoạch định chính sách nhận thấy sự cần thiết của việc nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, đồng thời dự báo sẽ nâng lãi suất ở cường độ này trong vài cuộc họp tới đề kiềm chế đà tăng lạm phát.
  • Mỹ: Thâm hụt ngân sách chính phủ dự kiến giảm xuống mức 1.000 tỷ USD
  • Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 26/5 cho biết thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ trong tài khóa hiện tại được dự báo sẽ giảm mạnh ở mức là 1.000 tỷ USD so với con số 2.800 tỷ USD của năm 2021 khi Chính phủ Mỹ tung ra các gói kích thích nhằm giúp nền kinh tế trụ vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa và nhiều lao động mất việc.
  • Tuy nhiên, mức thâm hụt ngân sách này vẫn ở mức cao và dự kiến tăng trong 10 năm tới.
  • CBO cũng dự báo nợ công của Mỹ sẽ giảm xuống mức tương đương 96% GDP vào năm 2023 và kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trong những tháng cuối năm ở mức 3,1% trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng vọt và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Còn giá tiêu dùng trong năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2021, nhưng sẽ giảm dần khi Fed tăng lãi suất và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

  • Thị trường xuất khẩu phân bón tại Việt Nam tăng “phi mã” trong năm 2022
  • Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 628 nghìn tấn phân bón các loại, tương đương 412 triệu USD, tăng 33% về lượng, tăng mạnh 175% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá phân bón tăng cao đã đưa kim ngạch xuất khẩu phân bón 4 tháng bằng 75% kết quả xuất khẩu cả năm 2021.
  • Xuất khẩu phân bón chủ yếu sang Campuchia, thị trường lớn nhất đạt 146 nghìn tấn, tương đương 80 triệu USD, giảm nhẹ 2% về lượng nhưng tăng 65% về giá, đứng thứ 2 là Hàn Quốc với lượng tăng đột biến 43 nghìn tấn, tương đương 34 triệu USD, tăng gần 3 lần về lượng. Các thị trường lớn khác Malaysia 66 nghìn tấn, tương đương 28,5 triệu USD; Lào với 26 nghìn tấn, trị giá 14 triệu USD,…
  • Chúng tôi dự báo, giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng khi chiến tranh Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, hiện 100% phân kali ở Việt Nam hoàn toàn dựa vào nguồn hàng nhập khẩu. Đây là điều khá đáng quan ngại và sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của nông dân. Vì thế các doanh nghiệp sản xuất phân bón nên ưu tiên cho nguồn cung trong nước, có dư thừa mới xuất khẩu
  • Tín hiệu tốt cho ngành hàng không Việt Nam khi lượng khách du lịch tăng nhanh
  • Phát biểu tại Hội thảo “Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” diễn ra ngày 24/5 vừa qua, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, lượng khách hàng không tăng dần qua các tháng, cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường nội địa đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so với cùng kỳ 2019 và chỉ riêng tháng 4/2022, thị trường hàng không nội địa đã đạt 3,6 triệu khách tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019.
  • Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2022, vận chuyển hành khách bằng đường hàng không tăng 45% so với tháng trước và tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến bằng đường hàng không đạt 170,4 nghìn lượt người, chiếm 88,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu lạc quan cho ngành du lịch cũng như ngành hàng không Việt Nam sau một thời gian dài bị trì trệ.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

  • FRT chốt quyền trả cổ tức tỷ lệ 55%
  • Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2021 bằng tiền và cổ phiếu vào ngày 08/06/2022. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 07/06/2022.
  • FRT sẽ chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5%, tương đương 500 đồng/cp. Thời gian chi trả vào ngày 22/06/2022. Ước tính FRT sẽ phải chi gần 40 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt đợt này.
  • FRT dự kiến phát hành gần 39.5 triệu cp để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 50%.
  • Kết quả kinh doanh quý 1/2022, doanh thu thuần của FRT đạt gần 7,813 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Doanh thu từ các sản phẩm công nghệ tăng tốt, trong đó động lực tăng trưởng chính đến từ 2 nhóm sản phẩm là laptop và Apple.
  • Lợi nhuận ròng đạt gần 165 tỷ đồng, gấp 5.3 lần cùng kỳ. Ngoài ra, công ty con Long Châu ghi nhận doanh thu tăng trưởng tốt, gấp 3.7 lần cùng kỳ, do nhu cầu dược phẩm tăng cao và có thêm 324 cửa hàng mới phát sinh doanh thu so với cùng kỳ.
  • 3 cổ phiếu FLC, ROS, HAI bị cấm giao dịch phiên sáng
  • Ngày 25/5, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) ra quyết định đưa cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC), Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) và Công ty cổ phần Nông dược HAI (HAI) từ diện “kiểm soát” sang diện “hạn chế giao dịch” từ ngày 1/6.
  • Nguyên nhân là do FLC, ROS và HAI chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
  • Cũng trong ngày 25/5, Phó Tổng giám đốc phụ trách HOSE là bà Trần Anh Đào đã ký quyết định về việc quy định thời gian giao dịch đối với chứng khoán niêm yết thuộc diện bị hạn chế giao dịch tại HOSE. Theo đó, các chứng khoán này chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận. Từ ngày 1/6 tới đây, các cổ phiếu FLC, ROS và HAI sẽ chỉ được giao dịch trong phiên chiều.
  • Việc FLC, ROS, HAI bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính cho thấy việc hoàn thiện cũng như công bố thông tin của 3 doanh nghiệp gặp vấn đề. Việc hạn chế giao dịch cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các cổ đông hiện hữu của 3 doanh nghiệp này.
  • May Sông Hồng chốt quyền cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50%
  • Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH) công bố ngày 8/6 là ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện 50% với tổng lượng phát hành là 25 triệu cổ phiếu, tương đương 250 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau phát hành tăng từ 500 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng.
  • Năm 2022, công ty có kế hoạch doanh thu đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 3%; lãi trước thuế 500 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện 2021. Đồng thời, kế hoạch cổ tức 2022 cũng giảm về 15-30%.
  • Quý I, May Sông Hồng ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.291 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước nhờ đưa khu vực May Sông Hồng Nghĩa Hưng (công ty con) vào sản xuất. Lợi nhuận trước thuế giảm 7,5% còn 106,8 tỷ đồng do chi phí tăng cao. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm doanh thu đạt 26,3% còn lợi nhuận hoàn thành 21,4% kế hoạch năm.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 26/05/2022, chỉ số VNINDEX duy trì sắc xanh trước sự hưng phấn của thị trường và đã có lúc tăng lên mốc 1.278 điểm ngay trong phiên sáng. Tuy nhiên đến phiên chiều đã có sự điều chỉnh kéo chỉ số VNIDEX về quanh tham chiếu, đóng cửa ở mốc 1,268.57 điểm, tăng nhẹ 0.14 điểm (+ 0.01%)

– Về độ rộng thị trường, phe mua tiếp tục giữ ưu thế khi có 252 mã tăng /191 mã giảm trên sàn HOSE. Thanh khoản trong phiên hôm nay có sự sụt giảm so với phiên giao dịch trước khi chỉ đạt 13.766  tỷ đồng.

– Tuy là 1 phiên tăng điểm nhưng với mức tăng chỉ 0,01% cho chúng ta thấy sự cân bằng giữa các mã tăng điểm và giảm điểm tác động tới chỉ số VNINDEX. Cả chiều tăng và giảm đều dao động trong biên độ dưới 1 điểm. Chiều tăng, nổi bật có các mã VHM (+0,884 điểm), HPG (+0,624 điểm), PLX (0,377 điểm). Ở chiều ngược lại, các mã giảm điểm nổi bật gồm có MSN (-0,683 điểm), VPB (-0,514 điểm) và NVL (-0,441 điểm).

– Phiên giao dịch hôm nay được coi là phiên giữ nguyên về chỉ số  nhưng vẫn ghi nhận 7/10 nhóm ngành tăng điểm nhẹ như Nhóm ngành Năng lượng (+1,19%), Công nghiệp (+1,01%), Chăm sóc sức khỏe (+0,78%). Ba Nhóm ngành có mức giảm nhẹ dưới 0,7% là Dịch vụ tiện ích, Hàng tiêu dùng thiết yếu và Tài chính. Trong đó Tài chính vẫn là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị giao dịch với hơn 3,4 nghìn tỷ đồng, tiếp đến là ngành Công nghiệp hơn 2,3 nghìn tỷ đồng và Bất động sản, Nguyên vật liệu có giá trị giao dịch gần 2 nghìn tỷ đồng.

– Khối ngoại trong phiên hôm nay đã bán ròng 276,75 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG (-102,96 tỷ đồng), VIC (-65,48 tỷ đồng) và DXG (-57,50 tỷ đồng). Chiều mua ròng của khối ngoại là gồm các mã FUEVFVND (209,11 tỷ đồng), DGC (31,98 tỷ đồng) và VCI (19,07 tỷ đồng).

– Phiên giao dịch ngày hôm nay chỉ số VNINDEX đã có nhịp điều chỉnh nhẹ ở vùng kháng cự ngắn hạn 1.260 điểm – 1.280 điểm và đi cùng đó là thanh khoản có sự sụt giảm hơn so với phiên giao dịch trước đó. Nếu có thể duy trì đà giữ điểm như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng VNINDEX hồi phục lên vùng gap 1.320 điểm. Tuy vậy chúng ta cũng không loại trừ trường hợp thị trường sẽ có 1 nhịp test lại quanh vùng 1.240 điểm trước khi có thêm nhịp hồi phục mới. Những nhịp hồi phục là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, hạn chế sử dụng margin để có thể quản trị tốt rủi ro cho tài khoản.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest