Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/04/2022
1. Thông tin vĩ mô
• IMF: Các nước châu Á phải đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ
– Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, các nước châu Á cũng đang chịu những tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, trong đó có giá cả leo thang, đà tăng trưởng bị kìm hãm.
– Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố hồi tuần trước, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 4,9%, do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Trong khi đó, lạm phát tại châu Á được cho là sẽ tăng 3,2% trong năm nay, cao hơn nhiều so với dự kiến đưa ra hồi tháng 1.
– Quan chức IMF cho rằng việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva đã đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu tăng “phi mã” trên toàn thế giới. Trong khi các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, điều này vốn gây áp lực đối với những nước có mức nợ cao.
– Hiện là thời điểm khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách khi phải giải quyết áp lực đối với tăng trưởng và đối phó với lạm phát tăng cao. Chính phủ cần phản ứng mạnh mẽ hơn, bắt đầu cứu trợ có mục tiêu đối với các gia đình khó khăn, vốn bị thiệt hại nặng nề nhất do giá cả leo thang.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Đề xuất tăng thuế xuất khẩu, nhằm giảm giá phân bón trong nước
– Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu là 5% đối với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản có trong phân bón. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.
– Giá các loại phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao do hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu và tăng giá mạnh thời gian qua. Thêm vào đó, việc khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất (như thiếu quặng apatit tuyển để sản xuất phân bón NPK) khiến giá phân bón tăng cao. Hiện tổng công suất sản xuất phân bón trong nước chỉ đạt 29,25 triệu tấn (gôm vô cơ và hữu cơ). Bộ Tài chính cũng kiến nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống 12%.
– Phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước. Tuy nhiên, chính sách này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu phân bón. Việc giảm thuế MFN sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào 1 đối tác trong bối cảnh thị trường thế giới biến động.
• Quảng Trị đón 2 dự án quy mô 5,5 tỷ USD
– Ngày 25/4, UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần BB Group (Tập đoàn BBG, Việt Nam) và Tập đoàn Quantum của Mỹ đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư 2 dự án trung tâm công nghiệp khí và cảng tổng hợp tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
– Dự án Trung tâm công nghiệp khí Hải Lăng – Quảng Trị có quy mô khoảng 140 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD gồm các hạng mục nhà máy xử lý khí và nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng, kho khí trên bờ, kho khí nổi. Trong đó giai đoạn 1 triển khai từ năm 2022-2027 với số vốn 3,5 tỷ USD; giai đoạn 2 từ năm 2026-2030 với số vốn khoảng 1,5 tỷ USD.
– Thứ hai là dự án Cảng tổng hợp Quảng Trị có quy mô khoảng 275 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD. Dự án có thể tiếp nhận các loại tàu tổng hợp, container, hàng rời trọng tải 100.000 tấn; tàu chở hàng lỏng như khí, gas trọng tải 180.000 tấn; thời gian đầu từ năm 2022-2025.
– Hai dự án trên nằm trong chủ trương của tỉnh Quảng Trị đều là đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, phát triển năng lượng, đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua đây thể hiện sự hấp dẫn dòng tiền đầu tư từ FDI vào Việt Nam ngày càng lớn.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• Vinamilk: Đẩy mạnh các dự án lớn
– Tại ĐHCĐ họp ngày 26/04, báo cáo KQHĐKD năm 2021, Vinamilk tiếp tục vượt đỉnh doanh thu, đạt 61.012 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.633 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty sẽ trả cổ tức tỷ lệ 38,5% tương ứng 3.850 đồng/CP.
– Năm 2022, Vinamilk đặt kế hoạch tiếp tục vượt đỉnh doanh thu, lên ngưỡng 64.070 tỷ đồng tương ứng tăng 5%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế kế hoạch giảm 8% so với thực hiện năm 2021, đạt 9.770 tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 38,5%.
– Đặc biệt, Vinamilk đã công bố 4 dự án chiến lược mà VNM sẽ tập trung đẩy mạnh trong giai đoạn 5 năm 2022 – 2026 gồm: Dự án chăn nuôi và chế biến thịt bò. Giai đoạn 1 của dự án sẽ đưa vào hoạt động năm 2023; Dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu; Dự án tổ hợp nhà máy sữa phía Bắc; Dự án Tổ hợp Trang trại bò sữa quy mô 8.000 con sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.
– Với khẳng định ngành sữa chưa hề bão hòa, VNM đưa ra những dự án lớn trong giai đoạn 2022 – 2023, khẳng định vị thế của doanh nghiệp đầu ngành và những mục tiêu cải tiến vượt trội trong tương lai.
• GEX: Qúy I/2022 lãi 694 tỷ đồng, tăng 138% so với cùng kì 2021
– Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX công bố BCTC quý 1/2022 với doanh thu thuần đạt 8.645 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần. Lợi nhuận sau thuế đạt 694 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận công ty mẹ là 268 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 315 đồng. Theo giải trình từ phía công ty lợi nhuận sau thuế tăng 138% chủ yếu đến từ việc sở hữu chi phối tại Tổng Công ty Viglacera từ quý 2/2021 với tỷ lệ sở hữu 50,2%
– Năm 2022, Gelex đạt mục tiêu doanh thu 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.618 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 27,2% so với thực hiện 2021. Tập đoàn tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động M&A. Ngoài ra, Gelex cho biết sẽ tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch với cổ phần tại Gelex Hạ tầng và tăng vốn, đăng ký niêm yết với cổ phần Gelex trên cơ sở Tập đoàn mẹ vẫn nắm tỷ lệ chi phối (Gelex Electric đã giao dịch trên UpCOM vào 8/3/2022).
– Sau hơn 30 năm phát triển, GEX trở thành doanh nghiệp đa ngành. Hiện, GEX đang đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư phát triển Khu Công nghiệp thông qua Tổng Công ty Viglacera. Việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của GELEX.
• HPG: Hoà Phát báo lãi tăng 17% lên 8.200 tỷ đồng trong quý 1
– Trong 3 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với quý 1/2021. Sản xuất gang thép và các sản phẩm thép đóng góp 90% vào kết quả chung của Tập đoàn.
– Tập đoàn Hòa Phát hiện có công suất thép thô trên 8 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 700.000 tấn/tháng. Quý I/2022, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép như than luyện coke, quặng sắt tăng cao.
– Sản lượng bán hàng thép xây dựng thành phẩm, phôi thép và thép cuộn cán nóng đạt 2,17 triệu tấn, tăng 12% so với Quý I/2021. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm là 1,34 triệu tấn, tăng 57%.
– Thép cuộn cán nóng của Tập đoàn Hòa Phát trong 3 tháng đầu năm đạt 763.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2021. Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ lần lượt là 207.000 tấn và 105.000 tấn, tương ứng mức tăng 13% và 43% so với cùng kỳ 2021.
– Trong lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản, điện máy gia dụng, Hòa Phát vẫn duy trì sản xuất, đầu tư mở rộng và xây dựng thêm nhà máy. Các nhà máy của Hòa Phát luôn hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhìn theo hướng dài hạn, HPG là một mã cổ phiếu tiềm năng mà nhà đầu tư có thể cân nhắc.
• Techcombank báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng trong quý 1/2022, CASA vẫn cao kỷ lục
– Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank – TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 với tổng thu nhập tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 10,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,7% với chi phí hoạt động tăng 21,3% so với cùng kỳ. Ngân hàng cho biết, chi phí hoạt động tăng chủ yếu do các khoản đầu tư vào công nghệ, hội sở mới và chi phí tư vấn.
– Chi phí dự phòng giảm đáng kể, giảm 74,3% so với cùng kỳ năm trước, do nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng đạt 418,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2021.
– Tổng tiền gửi cuối quý 1/2022 là 328,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 165,7 nghìn tỷ đồng, duy trì tỷ lệ CASA cao ở mức 50,4%, không thay đổi so với quý 4 năm 2021. Trong đó, CASA của khách hàng cá nhân đóng góp 107,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8%. Còn tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1 của ngân hàng ở mức 0,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 160,8%.
– Trong quý 1 năm 2022, Techcombank đã thu hút thêm hơn 0,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên hơn 9,8 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 1 năm 2022 lần lượt đạt 194,6 triệu giao và 2,7 triệu tỷ đồng đều tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Trong phiên giao dịch 26/04/2022, chỉ số VNINDEX đã chịu áp lực bán mạnh ngay từ khi mở cửa phiên sáng với mức giảm sâu nhất lên gần 50 điểm. Tuy nhiên lực cầu bắt đáy đã nhanh chóng tham gia ngay sau đó đưa VNINDEX quay trở về quanh vùng tham chiếu vào cuối phiên sáng. Dòng tiền tiếp tục tăng mạnh trong phiên chiều kéo chỉ số tăng hơn 30 điểm, đóng cửa ở mức 1.341,34 điểm (+2,32%).
– Độ rộng thị trường phiên hôm nay phe mua chiếm ưu thế với 338 mã tăng tương đương 69,69% số mã trên sàn HOSE. Trong đó có tới 53 mã tăng trần tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy có sự hồi phục mạnh mẽ nhưng thanh khoản cũng chỉ đạt hơn 21 nghìn tỷ, không có sự chênh lệch nhiều so với phiên giao dịch trước đó.
– Top 3 mã cổ phiếu tiêu biểu đóng góp vào đà tăng của chỉ số VNINDEX có thể kể đến VPB (+2,485 điểm), VHM (+2,234 điểm), GAS (+2,209 điểm). Ở chiều ngược lại, mã cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất là VCB với -1,578 điểm. Các mã còn lại có mức giảm không đáng kể dưới 0,3 điểm.
– Với đà hồi phục mạnh mẽ, 10/10 nhóm ngành đều ghi nhận mức tăng từ 0,5% đến 4%. Trong đó, mức tăng mạnh nhất đến từ các nhóm ngành Năng lượng (+4,22%), Dịch vụ tiện tích (3,88%), Bất động sản (+2,9%) và Tài chính (+2,79%). Tuy vậy, giá trị giao dịch lớn nhất lại đến từ nhóm ngành Tài chính với 4.629,21 tỷ đồng và Bất động sản với 3.149,56 tỷ đồng. Điều đó cho thấy khi giá cổ phiếu đã được chiết khấu sâu thì 2 nhóm ngành cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đang được dòng tiền quan tâm nhiều hơn.
– Khối ngoại đã có phiên mua ròng với giá trị cao nhất so với những phiên giao dịch gần đây khi đạt tới gần 1.040 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với phiên ngày hôm qua. Lượng mua ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu VNM (93,67 tỷ đồng), DGC (74,49 tỷ đồng), DPM (64,83 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã bán ròng nhiều nhất với các mã NVL (-85,2 tỷ đồng), VHM (-60,48 tỷ đồng) và KBC (-33,81 tỷ đồng).
– Với mức hồi phục gần 80 điểm tính từ mức giảm điểm thấp nhất trong phiên, cho thấy nhiều nhà đầu tư đã đặt niềm tin đây sẽ là vùng đáy của thị trường. Tuy nhiên để xác định đây đã chắc chắn là vùng đáy hay chưa thì chúng ta cần theo dõi thêm diễn biến của những phiên giao dịch sắp tới. Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư hạn chế sử dụng margin, hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu ở những phiên hồi và quản trị rủi ro tài khoản ở mức an toàn nhất có thể.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0