Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/01/2021
1. Tin tức vĩ mô thế giới
Trung Quốc rút tiền trên thị trường mở
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm nay rút 12 tỷ USD thông qua các nghiệp vụ thị trường mở. Đây là quyết định được cho là bất thường trong bối cảnh kỳ nghỉ tết Âm lịch – năm nay rơi vào giữa tháng 2 – bởi người dân có xu hướng cần thêm tiền mặt để chi trả cho đi lại và mua quà. Truyền thông Trung Quốc trước đó còn nhận định thanh khoản thị trường sẽ không bị thắt chặt trước kỳ nghỉ.
Động thái trên cho thấy Bắc Kinh ngày càng cảnh giác trước tình trạng thanh khoản dồi dào khiến các thị trường diễn biến thái quá. Quyết định của PBOC ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán Hong Kong – vốn được thúc đẩy nhờ dòng tiền từ Trung Quốc đại lục. Nhà đầu tư đại lục mua ròng 250 tỷ HKD (32 tỷ USD) cổ phiếu tại Hong Kong kể từ đầu năm đến ngày 25/1, tương đương gần 40% cả năm ngoái.
“PBOC muốn đưa nhà đầu tư thoát khỏi trạng thái hưng phấn do thanh khoản dồi dào trong tháng 12”, Xing Zhaopeng, nhà kinh tế tại Australia & New Zealand Banking Group, nhận định. “PBOC ít khả năng sẽ nới lỏng chính sách, ít nhất là trong tuần này, có thể khiến thanh khoản trong cả tháng rất eo hẹp”.Thống đốc PBOC Yi Gang ngày 25/1 nói ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tìm cách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi hạn chế rủi ro trong hệ thống tài chính – tức duy trì lập trường chính sách hiện tại.
Kinh tế Hàn Quốc năm 2020 tăng trưởng kém nhất hơn 20 năm
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong năm 2020 giảm 1% so với năm 2019. Đây là mức kém nhất kể từ năm 1998 khi GDP giảm 5,1% do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Tuy nhiên, mức giảm GDP năm 2020 khả quan hơn so với dự báo giảm 1,1% mà BoK đưa ra vào tháng 11/2020. BOK dự báo nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á này năm 2021 sẽ tăng trưởng 3%, cao hơn mức dự báo 2,8% đưa ra trước đó.
Chi tiêu của các hộ gia đình giảm chủ yếu trong làn sóng dịch Covid-19 thứ ba vào giữa tháng 11/2020 đã làm giảm triển vọng kinh tế Hàn Quốc phục hồi mạnh mẽ trong năm nay.Trong quý IV/2020, xuất khẩu tăng 5,2%, song tiêu dùng cá nhân giảm 1,7% do việc siết chặt các quy định giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong làn sóng bùng phát lần thứ ba.
Mặc dù xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi song chi tiêu của người tiêu dùng giảm đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường việc làm và gây áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách. Đầu tháng này, Hàn Quốc thông báo số lượng việc làm bị cắt giảm trong tháng 12/2020 ở mức cao nhất kể từ năm 1999 do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới thị trường việc làm. Trong cả năm 2020, số lượng việc làm ở Hàn Quốc cũng giảm ở mức cao nhất kể từ năm 1998 khi nước này chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Chính quyền Tổng thống Mỹ cân nhắc điều chỉnh chính sách thương mại
Giới chức cấp cao trong chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc một cách tiếp cận mới trong vấn đề thương mại quốc tế.Thay vì tập trung vào việc mở cửa thị trường cho các công ty dịch vụ tài chính, dược phẩm, các nhà đàm phán Mỹ hướng tới các khoản đầu tư nước ngoài không trực tiếp nhằm thúc đẩy xuất khẩu hoặc tạo việc làm cho người lao động Mỹ. Đây là nội dung trong bài viết được đăng tải trên tờ The Wall Street Journal số ra ngày 24/1. Trong chiến dịch tranh cử, ông Sullivan đã tuyên bố rằng chính sách thương mại nên “tập trung vào việc cải thiện tiền lương và tạo công ăn việc làm với mức lương cao ở Mỹ, thay vì đảm bảo thế giới an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp.”
Ông Brad Setser, một thành viên trong nhóm chuyển tiếp của chính quyền Biden, được cho là người có nhiều đóng góp quan trọng đằng sau các đề xuất thay đổi.Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), ông Setser nhấn mạnh mặc dù các nhà đàm phán Mỹ thúc đẩy mở cửa thị trường cho các công ty dược phẩm, song những doanh nghiệp này lại sản xuất phần lớn ở các quốc gia có mức thuế thấp như Ireland, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn của Mỹ trong lĩnh vực này. Ông Setser nêu rõ chính sách thương mại và thuế phải thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Mỹ.
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ được đề cử Katherine Tai cho rằng chính quyền mới hướng tới một “chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm”, chứ không phải một chính sách tập trung vào khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp hoặc thu được giá hời. Bà Tai nhấn mạnh “người dân không chỉ là người tiêu dùng, mà họ còn là công nhân và người làm công ăn lương.”Tuy nhiên, bài viết cho rằng có nhiều lý do để duy trì chính sách thương mại như trước đây. Các nhà kinh tế thương mại cho rằng việc mở cửa thị trường cho các dịch vụ tài chính, dược phẩm và các nhà đầu tư lớn khác ở nước ngoài có lợi cho tầng lớp trung lưu của Mỹ, ít nhất cũng là gián tiếp.
2. Tin tức vĩ mô Việt Nam
55% doanh nghiệp FDI báo lỗ: Cần điều tra làm rõ hành vi chuyển giá, trốn thuế
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số DN FDI có lãi chiếm tỷ lệ ít, mới đạt 45% số DN, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm. Có tới 12.455 DN báo lỗ, chiếm tỷ lệ 55% dù tổng doanh thu của số DN này đạt khoảng 847.000 tỷ đồng, tăng gần 12,7% so với năm 2018 và tổng tài sản giảm 0,7% so với năm 2018. Có khoảng 3.545 DN lỗ mất vốn năm 2019, chiếm gần 15,7%, nhưng trong số này có 2.160 DN doanh thu vẫn tăng trưởng. Bộ Tài chính khẳng định: “Đóng góp cho ngân sách chưa tương xứng với những ưu đãi (đất đai, thuế,…) dành cho những DN lớn này. Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế vẫn diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng, gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước”.
Bình luận về con số 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong 2019, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là con số là đáng báo động và khó chấp nhận. Cần tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao lại để xảy ra tình trạng nhiều DN lỗ như vậy. Theo ông Thắng, với tình trạng nhiều DN báo lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, có thể là do DN chịu lỗ, tiếp tục đầu tư để khắc phục tiến tới có lãi khi họ tự tin vào khả năng quản lý và điều hành của mình và tin vào khả năng của thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng mở ra các cơ hội cho họ phát triển. Tuy nhiên, cũng có thể là do DN thực hiện hành vi trốn thuế – chuyển giá.
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt tỷ lệ cao kỷ lục
Đứng đầu cả nước về số vốn đầu tư công năm 2020 với hơn 39.800 tỷ đồng, Bộ GTVT ước tính, đến hết niên độ tài chính, Bộ sẽ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch. Năm nay, bên cạnh một loạt dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam triển khai bằng vốn đầu tư công được gấp rút triển khai thì có những dự án đã hoàn thành với tỷ lệ giải ngân đạt 100% như dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến 31/12/2020, 34 Bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân ước đạt trên 80%, trong đó nhiều nơi đạt trên 90%. Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị khá chậm chạp. Cá thể hoá trách nhiệm cho người đứng đầu tại các dự án và tích cực tháo gỡ vướng mắc vẫn được xem là cốt yếu nhất; đồng thời việc giải phóng mặt bằng nhanh sẽ giúp giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực hơn.
Cùng với những giải pháp tích cực và mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và Luật Đầu tư công có hiệu lực từ đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã khẳng định, nguồn vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được tập trung vào các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm có tính kết nối, tác động lan tỏa tới phát triển liên vùng, địa phương, tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Malaysia áp thuế chống bán phá giá thép của Việt Nam lên đến 33%
Trong thông báo ngày 23-1, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cho biết quyết định này được đưa ra trên cơ sở kết quả cuộc điều tra, rà soát bắt đầu từ ngày 28-7-2020 theo đơn kiện của tập đoàn Mycron Steel CRC Sdn Bhd với tư cách đại diện các doanh nghiệp sản xuất thép của nước này.
MITI khẳng định, theo Luật thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá năm 1993 và Quy định về thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá 1994, chính phủ Malaysia xác định biên độ phá giá đã thay đổi đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam và áp dụng mức thuế bán phá giá mới trong thời gian từ ngày 24-1 đến 23-5-2021 với biên độ từ 7,42% đến 33,7%. Cụ thể, mức thuế 7,42% dành cho các sản phẩm của Posco Việt Nam trong khi các sản phẩm của công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam và các nhà sản xuất thép khác của Việt Nam nhập khẩu vào Malaysia sẽ chịu mức thuế 33,7%.
MITI cũng cho biết thêm, Cục Hải quan Hoàng gia Malaysia sẽ chịu trách nhiệm áp mức thuế mới này. Gần đây, nhiều sản phẩm thép của/xuất xứ từ Việt Nam bị phía Malaysia áp thuế chống bán phá giá với mức thuế tương đối cao. Gần đây nhất, từ ngày 28-12-2020, các sản phẩm thép không gỉ cán nguội có nguồn gốc từ Việt Nam xuất khẩu vào Malaysia cũng bị chính quyền sở tại áp thuế chống bán phá giá tạm thời từ 7,73% đến 34,82% trong thời gian 120 ngày.