Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 26/01/2021
1. Tin tức vĩ mô thế giới
Cố vấn Tổng thống Mỹ giục các nghị sĩ thông qua gói cứu trợ mới
Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia của Nhà Trắng Brian Deese ngày 24/1 thúc giục các nghị sĩ lưỡng đảng sớm thông qua khoản cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD để giúp những người dân Mỹ đang gặp khó khăn và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn hơn do dịch Covid-19.Ông Brian Deese cho hay ông sẽ thảo luận với các thượng nghị sĩ như một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm triển khai một kế hoạch cứu trợ lớn.
Cho đến nay, đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 417.000 người Mỹ và khiến hàng triệu người mất việc làm, trong khi số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn ở ngưỡng hơn 175.000 người, gây ra một cuộc khủng hoảng trước mắt cho chính quyền Joe Biden.Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản chi 4.000 tỷ USD, tuy nhiên Nhà Trắng lập luận rằng gói cứu trợ mới trị giá 1.900 tỷ USD là cần thiết để trang trải các chi phí ứng phó với dịch Covid-19, cũng như cung cấp các khoản trợ cấp thất nghiệp và nhiều khoản thanh toán cho các hộ gia đình.
Mặc dù đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chiếm đa số trong cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ, tuy nhiên để gói này được thông qua dường như sẽ cần sự ủng hộ của lưỡng đảng nhằm xóa các rào cản thủ tục và vượt qua Thượng viện, nhất là trong bối cảnh một số thành viên thuộc đảng Cộng hòa có ý định ngăn cản.
Cuộc ‘khủng hoảng container’ toàn cầu
Đại dịch Covid-19 cùng sự phục hồi kinh tế không đồng đều trên thế giới dẫn đến tình trạng thiếu hụt container ở châu Á cùng nhiều khu vực khác. Giới quan sát ngành cho biết các công ty phải chờ hàng tuần, thậm chí trả thêm phí để có container, đẩy chi phí vận tải biển tăng vọt. Tình trạng này ảnh hưởng tất cả các bên cần vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, đặc biệt là công ty thương mại điện tử và người tiêu dùng – có thể phải gánh chịu phần chi phí tăng thêm.
Tháng 12, phí vận tải giao ngay tăng 264% đối với tuyến châu Á – Bắc Âu so với cùng kỳ năm trước, theo Mirko Woitzik, giám đốc giải pháp rủi ro tại Resilience36. Mức tăng là 145% đối với tuyến châu Á – Bờ Tây Mỹ. So với đáy tháng 3, phí vận tải từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu tăng 300%, Mark Yeager, giám đốc điều hành Redwood Logistics, nói. Phí giao ngay tăng khoảng 6.000 USD/container so với giá bình thường 1.200 USD. Thực tế, tình trạng thiếu hụt container tại châu Á dẫn đến cuộc khủng hoảng tương tự tại nhiều nước châu Âu, như Đức, Áo và Hungary, bởi các hãng vận tải chuyển hướng container sang phía đông nhanh nhất có thể, Woitzik nhận định.
Trong khi đó, khả năng vận tải hàng không bị hạn chế. Một số mặt hàng giá trị cao thường được vận chuyển đường hàng không giờ cũng phải vận chuyển bằng đường biển, trong các container, Yeager nhận định. Lưu lượng hàng không quốc tế giảm mạnh do virus và các hạn chế đi lại. Chi nhánh Ikea tại Singapore gọi đây là “cuộc khủng hoảng vận tải toàn cầu” trong bài đăng trên Facebook hồi giữa tháng 1. “Lực cầu tăng mạnh trên thế giới đối với dịch vụ logistics lúc này dẫn đến tình trạng thiếu container, tắc nghẽn cảng biển, hạn chế tải trọng các tàu, thậm chí là dẫn đến phong tỏa tại một số thị trường nhất định cùng nhiều khó khăn khác”. Gã khổng lồ nội thất ước tính 850 trong số 8.500 sản phẩm bán tại Singapore bị ảnh hưởng vì chậm trễ trong giao hàng, kéo theo đó là các chương trình khuyến mại sẵn có và đang lên kế hoạch. Yeager cho rằng các hãng bán lẻ phải ra quyết định, giữa “chấp nhận trả thêm phí và đẩy lùi lịch giao hàng, khiến người mua thất vọng”. Các chi phí liên quan hoặc được nhà bán lẻ chịu hoặc chuyển sang cho khách hàng.
Cainiao, đơn vị logistics của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba, tuần trước triển khai dịch vụ đặt container để ứng phó tình trạng thiếu hụt toàn cầu. Dịch vụ sẽ trải rộng trên hơn 200 cảng tại 50 quốc gia, chi phí vận tải từ cảng này sang cảng kia sẽ rẻ hơn 30 – 40%. Tuy nhiên, Yeager cảnh báo cuộc đua đóng mới container cũng có nguy cơ bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến nguồn cung thép, gỗ.
Mỹ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI
Nghiên cứu của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin đánh giá về ứng dụng AI theo 30 chỉ số riêng biệt, trong đó bao gồm tài năng con người, hoạt động nghiên cứu, phát triển thương mại và đầu tư trong cả phần cứng và phần mềm, dựa trên những dữ liệu tổng hợp trong năm 2020. Trên thang điểm 100, Mỹ dẫn đầu với 44,6 điểm, tiếp đó là Trung Quốc với 32 điểm và Liên minh châu Âu (EU) với 23,3 điểm.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy Mỹ dẫn đầu trong các lĩnh vực chính như đầu tư vào khởi nghiệp và tài trợ nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến trong một số lĩnh vực và năm ngoái đã phát triển thành công 214 siêu máy tính trong số 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Số siêu máy tính ra đời tại Mỹ trong năm 2020 là 113 chiếc và tại EU là 91 chiếc.
Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin cũng kết luận rằng Mỹ “vẫn là nước đứng đầu thế giới về thiết kế chip cho hệ thống AI”. Theo báo cáo, để duy trì tính cạnh tranh, các nước châu Âu cần tăng cường khuyến khích nghiên cứu và mở rộng các viện nghiên cứu công cộng trong lĩnh vực AI. Đối với Mỹ, nếu muốn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu, nước này phải tăng cường hỗ trợ cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng AI, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực phát triển tài năng AI trong nước, cũng như thu hút những tài năng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.
Vượt Mỹ, Trung Quốc thu hút vốn FDI nhiều nhất thế giới
Năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới có tăng trưởng dương và cũng lần đầu tiên trở thành quốc gia thu hút dòng vốn FDI lớn nhất thế giới từ các công ty nước ngoài.
Theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Mỹ trong năm 2020 đã giảm 49% xuống còn 134 tỷ USD. Trong khi đó, FDI ở Trung Quốc tăng 4%, lên 163 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn Mỹ 29 tỷ USD.
Như vậy, năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành quốc gia thu hút dòng vốn FDI lớn nhất thế giới từ các công ty nước ngoài. Nhiều chuyên gia nhận định đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến FDI tại Mỹ sụt giảm trong bối cảnh Mỹ vẫn đang ghi nhận hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, kéo theo hàng loạt hệ lụy về kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh từ giữa năm 2020 giúp các nhà máy mở lại sản xuất, tạo cơ sở vững chắc cho đầu tư nước ngoài.
Do đại dịch, FDI của Trung Quốc giảm trong tháng 2 và tháng 3, nhưng sớm tăng trở lại vào tháng 4 và duy trì đà tăng đến cuối năm. Trung Quốc cũng là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới có tăng trưởng dương (2,3%) trong năm 2020. FDI tại Mỹ đã bắt đầu chiều hướng xuống dốc trong khoảng 4 năm trở lại đây. Trong năm 2016, Mỹ thu hút nguồn vốn FDI cao kỷ lục lên tới 472 tỷ USD, trong khi con số này ở Trung Quốc chỉ là 134 tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ đã tung ra nhiều chính sách khiến những công ty nước ngoài bớt hào hứng với việc đầu tư vào nước này, đặc biệt là các tập đoàn Trung Quốc. Bên cạnh đó, tình trạng bất ổn kinh tế trên toàn cầu cũng góp phần vào xu hướng trên.
Trong năm 2020, các nguồn FDI chủ lực của Trung Quốc vẫn ổn định. Đầu tư của 15 quốc gia và khu vực hàng đầu vào Trung Quốc tăng 6,4% so với năm 2019, chiếm 98% tổng vốn FDI. Đặc biệt, hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ như Goldman Sachs, JPMorgan, Tesla, PepsiCo vẫn đổ tiền đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2020 bất chấp tình trạng căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước.
2. Tin tức vĩ mô Việt Nam
Nợ xấu ngân hàng 2021: Đến thời điểm chuyển nhóm nợ để đánh giá thực chất hơn
Các ngân hàng đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh 2020 với lợi nhuận tích cực và nợ xấu “khá đẹp”. Nhiều nhà băng cũng công bố các chỉ tiêu thể hiện chất lượng tài sản tốt và đã có tinh thần sẵn sàng ứng phó với nợ xấu tương lai thông qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng cao.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia đánh giá, năm vừa rồi như chúng ta đều biết, do COVID-19, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ vay mà không phải chuyển nhóm nợ cũng như chưa phải trích lập dự phòng rủi ro. Do đó, điều này ảnh hưởng rất ít đến lợi nhuận của các ngân hàng năm 2020. Và vì thế công bố lợi nhuận của các ngân hàng tương đối tích cực.
Vậy 2021 một mặt nợ xấu tăng lên, cũng chính vì nợ xấu tăng lên mà yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Cũng theo tinh thần Thông tư 01, lợi nhuận năm nay sẽ thấp hơn, may ra thì mức tăng bằng năm 2020 tức khoảng từ 8%-10%.
Trước hết, theo thống kê phần nợ cơ cấu lại của hệ thống ngân hàng năm 2020 ước khoảng gần 350.000 tỷ đồng. Trong đó, ước tính khoảng 1/3 hoặc xấu nhất 1 nửa số nợ cơ cấu đó phải chuyển thành nợ xấu. Như vậy hệ thống ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cho phần nợ xấu đó, tức tương đương mức tăng thêm 1-1,5%. Hình dung năm 2020 hệ thống ngân hàng có khoảng 2% nợ xấu nội bảng thì nợ xấu nội bảng năm 2021 có thể sẽ khoảng 3-3,5%. Còn số tiền, số liệu cụ thể trích lập như thế nào còn tùy thuộc vào bản chất, thực chất của khoản nợ xấu đó, cũng như tùy thuộc vào năng lực tài chính của tổ chức tín dụng.
Doanh nghiệp may mặc Việt Nam tham gia liên minh “6 nước” để đàm phán với các thương hiệu phương Tây
Theo Reuters, các nhà sản xuất từ 6 quốc gia có ngành may mặc lớn thế giới, trong đó có Việt Nam, đã liên minh để đàm phán các điều khoản tốt hơn với các thương hiệu thời trang phương Tây. “Chúng tôi muốn cùng nhau giải quyết những vấn đề chung mà chúng tôi gặp phải. Đây không phải là chuyện giá cả” – Miran Ali, phát ngôn viên của Mạng lưới các nhà cung cấp châu Á STAR, cho biết hôm thứ Tư, “đây là về việc kinh doanh có đạo đức”. Ông Ali nói rằng, sáng kiến mới này sẽ giúp các nhà sản xuất châu Á có “tiếng nói mạnh mẽ hơn” trong việc đặt ra các điều khoản thanh toán và giao hàng với các thương hiệu phương Tây.
Liên minh này đại diện cho 9 hiệp hội ở 6 quốc gia có ngành sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Bangladesh và Việt Nam – cũng như Pakistan, Myanmar và Campuchia, sản xuất ra 60% lượng quần áo xuất khẩu của thế giới và sử dụng hàng triệu công nhân.
Đầu năm ngoái, các công ty thời trang đã hủy nhiều đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ đô la do hàng loạt cửa hàng trên toàn thế giới phải đóng cửa vì Covid-19, dẫn đến thiệt hại tiền lương lên tới 5,8 tỷ USD. “Chúng tôi hy vọng rằng sáng kiến này sẽ bao gồm một lộ trình rõ ràng để tạo ra các thỏa thuận tốt hơn với thương hiệu, mang lại mức lương cao hơn và điều kiện làm việc an toàn hơn cho người lao động,” Meg Lewis, người đứng đầu các chiến dịch tại Labour Behind the Label, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Nước Anh.