Podcast ngày 25.12.2020 – Sẽ triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong năm 2021

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 25/12/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Nhật Bản sẽ dừng cấp vốn ODA cho các dự án điện than

Chính phủ Nhật Bản sẽ không cấp vốn viện trợ chính phủ (ODA) cho các dự án phát triển điện than và chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo thân thivới môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu cộng đồng quốc tế giảm phụ thuộc vào than đá như điện gió, điện mặt trời và hỗ trợ cho các nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, chính phủ nước này cũng sẽ cấp vốn ODA, bao gồm cả nguồn vốn vay có tính lãi cho một số rất ít các dự án điện than đáp ứng điều kiện đưa vào sử dụng hệ thống kỹ thuật mới hạn chế lượng CO2 xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, việc áp dụng các kỹ thuật kiểm soát CO2 sẽ tốn khoản kinh phí rất lớn, do đó, về mặt thực tế vốn ODA cấp cho các dự án điện than mới hầu như không còn.

Điện than là nguồn năng lượng giá rẻ nên được sử dụng phổ biến tại các nước đang phát triển. Khoảng 5% nguồn vốn vay ODA năm 2018 của Nhật Bản (1.370,5 tỷ yên, tương đương khoảng 13,22 triệu USD) được dành cho các dự án điện than, trong đó các dự án tập trung tại khu vực châu Á như Việt Nam và Bangladesh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã đặt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2050 và nhiều lần thể hiện quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu này tại các diễn đàn quốc tế.

Trong chiến lược xuất khẩu cơ sở hạ tầng 2025 mới được thông qua tháng 12, Nhật Bản cũng đặt mục tiêu đưa giá trị đơn hàng xuất khẩu cơ sở hạ tầng từ mức 25.000 tỷ yên năm 2018 lên mức 34.000 tỷ yên năm 2025, trong đó ODA sẽ là động lực để Nhật Bản xuất khẩu các kỹ thuật khử carbon tại châu Á và châu Phi.

Quốc hội Mỹ chính thức thông qua dự luật chi tiêu 2,3 nghìn tỷ USD

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, cả Hạ viện và Thượng viện đã làm việc thâu đêm để thông qua dự luật trị giá khoảng 2,3 nghìn tỷ USD trong đó gần 900 tỷ USD viện trợ đại dịch và 1,4 nghìn tỷ USD để tài trợ cho chính phủ đến hết ngày 30/9/2021. Dự luật cứu trợ virus bao gồm các khoản thanh toán 600 USD cho hầu hết người Mỹ và các khoản thanh toán bổ sung cho hàng triệu người bị mất việc trong đại dịch Covid-19 cũng như một đợt trợ cấp lớn hơn sẽ hết hạn vào thứ Bảy tới (26/12).

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà ủng hộ dự luật cứu trợ virus mặc dù nó không bao gồm viện trợ trực tiếp cho các chính quyền tiểu bang và địa phương mà đảng Dân chủ đã tìm kiếm. Bà cho biết họ sẽ thử đàm phán lại sau khi Tổng thống đắc cử của đảng Dân chủ Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1.

Đại diện đảng Cộng hòa Hal Rogers, người cũng ủng hộ gói viện trợ này cho biết “dự luật này phản ánh một sự thỏa hiệp công bằng”. Dự luật được thông qua sau nhiều tháng các nhà lập pháp không thể cung cấp thêm sự trợ giúp nào trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đã giết chết hơn 310.000 người Mỹ và sự sụp đổ kinh tế khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Sau khi các nhà lập pháp thông qua Đạo luật CARES trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD vào tháng 3, đảng Dân chủ đã thông qua dự luật viện trợ hơn 3 nghìn tỷ USD tại Hạ viện vào tháng 5.

Trong khi hầu hết Quốc hội đều hoan nghênh dự luật mới nhất này vì ít nhất đây là một bước khởi đầu để thúc đẩy đất nước trong cuộc khủng hoảng, các nhà kinh tế và đảng viên Đảng Dân chủ cho rằng đất nước sẽ cần thêm cứu trợ. Tổng thống đắc cử Joe Biden và các đồng minh của ông trong Quốc hội đã nhấn mạnh họ sẽ ngay lập tức thúc đẩy nhiều viện trợ hơn sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1 bao gồm cả viện trợ mới cho chính quyền địa phương và tiểu bang.

Chính phủ Mỹ kiện Walmar

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kiện tập đoàn bán lẻ Walmart, cáo buộc “đại gia” này đã tạo ra cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau trên khắp nước Mỹ thông qua việc rà soát đơn thuốc không hợp lý bất chấp việc nhiều cửa hàng dược phẩm của doanh nghiệp này đã lên tiếng cảnh báo, theo tin từ Wall Street Journal.

Theo cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ, Walmart đã cố tình tăng lợi nhuận bằng cách giảm nhân viên làm việc tại các cửa hàng dược phẩm đồng thời gây sức ép để nhân viên hoàn thành đơn thuốc nhanh chóng. Chính vì vậy các cửa hàng dược phẩm khó từ chối các đơn thuốc không hợp lý, dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau trên toàn quốc.

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Walmart đã tạo ra một hệ thống biến 5.000 cửa hàng dược phẩm trong chuỗi của họ thành hệ thống cung cấp thuốc giảm đau gây nghiện. Tình trạng này diễn ra từ tháng 6/2013. Một công tố viên tham gia vụ kiện đại diện cho chính phủ Mỹ, bà Maria Chapa Lopez, khẳng định: “Rất nhiều đơn thuốc chắc chắn đã không thể nào được thực hiện nếu các cửa hàng dược phẩm tuân thủ nguyên tắc của họ”.

Walmart cũng đã có phản hồi trong ngày thứ Ba, Walmart khẳng định rằng vụ kiện này đã tự tạo ra một giả thuyết pháp lý về việc buộc các cửa hàng dược phẩm phải xen vào giữa bệnh nhân và bác sỹ và rằng hồ sơ vụ kiện chỉ toàn những lý thuyết thiếu hợp lý và những tài liệu không hợp

2. Vĩ mô Việt Nam

Tăng trưởng tín dụng đến 21/12 đạt 10,14%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2% văn cảnh

Sáng ngày (24/12), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2020 và định hướng năm 2021. NHNN cho biết, đến ngày 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ năm 2019. Thanh khoản của hệ thống TCTD (tổ chức tín dụng) thông suốt.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2%/năm lãi suất điều hành và là một trong các NHTW có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. Tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Đến 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm 2019. Do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Về nợ xấu, NHNN cho biết đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt 2%, nhưng đây là tất yếu khách quan và thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm

Sẽ triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong năm 2021

Ông Lê Hải Trà – Thành viên phụ trách HĐQT của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM – cho biết, hiện có có một dự án công nghệ thông tin với mục tiêu thay đổi toàn bộ nền tảng công nghệ thông tin của hệ thống giao dịch chứng khoán Việt Nam. Hệ thống này theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020, nhưng dịch Covid-19 khiến các chuyên gia của Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc không thể sang Việt Nam đã làm chậm tiến độ triển khai công việc.

Theo ông Trà, hệ thống giao dịch chứng khoán mới sở hữu năng lực cao hơn nhiều lần so với hệ thống hiện tại, nhưng cần trải qua bước kiểm nghiệm cuối cùng mới có thông số cụ thể. “Hệ thống này có thể đáp ứng được thanh khoản 20.000 tỉ đồng hoặc hơn thế, nhưng khi thanh khoản tăng đột biến lên 50.000 tỷ đồng sẽ là câu chuyện khác”.

Về phía Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM sẽ triển khai thử nghiệm tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu mỗi lệnh trong tháng 1-2021 – như một giải pháp tình thế – nhằm giảm 18% số lượng lệnh giao dịch trên thị trường.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng giá trị nhanh nhất thế giới

Brand Finance – hãng định giá thương hiệu của Anh mới đây công bố báo cáo về thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020). Theo đó, Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất thế giới năm nay, với 29% lên 319 tỷ USD. Thứ hạng cũng cải thiện từ 42 lên 33.

Trong giai đoạn 4 năm qua, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP. Trong năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD tương đương 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42.

Brand Finance đánh giá Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 và tử vong thấp “đáng ngạc nhiên”. “Việt Nam cũng đang nổi lên là địa điểm hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất, và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ đang tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Các hiệp định thương mại gần đây với EU và Anh cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng”, báo cáo viết. Hãng đánh giá 2020 là phép thử với tất cả quốc gia trên thế giới, do tác động của Covid-19 đến dự báo GDP, lạm phát và bất ổn kinh tế nói chung của các nước. Tổng cộng, 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm nay mất 13.100 tỷ USD do Covid-19.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest