Podcast ngày 25.08.2020 – Cuộc đua tranh thu hút FDI ngày càng căng thẳng và khốc liệt

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Cuộc đua tranh thu hút FDI ngày càng căng thẳng và khốc liệt

1. Vĩ mô quốc tế

Kinh tế châu Âu có thể mất nhiều thời gian phục hồi sau Covid-19

Đà phục hồi của các nền kinh tế châu Âu dường như bị chậm lại trong tháng 8. Sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm mới trên khắp khu vực đang khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng và du khách thận trọng hơn.

Số liệu do công ty nghiên cứu IHS Markit công bố ngày 21/8 cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), dựa trên khảo sát 5.000 công ty tại 19 quốc gia Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), chỉ đạt 51,6 điểm trong tháng 8- giảm từ mức 54,9 điểm ghi nhận trong tháng 7. Mốc 50 điểm đánh dấu sự suy giảm hay tăng trưởng.

Chính phủ các nước đang xem xét nghiêm túc việc kéo dài, hoặc ít nhất là từ từ loại bỏ các kế hoạch hỗ trợ kinh tế sẽ hết hạn vào mùa Thu này. Các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng để ngỏ khả năng đưa ra các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các nước châu Âu trong thời gian tới. ECB đã có hành động chưa từng có nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế khu vực khi triển khai kế hoạch mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.300 tỷ euro nhằm kích thích kinh tế và duy trì phí vay mượn thấp.

Ngoài ra, ECB cũng khởi động một chu kỳ cho vay lãi suất siêu thấp mới dành cho các ngân hàng thành viên và nới lỏng các quy định về vốn dự phòng nhằm duy trì tính lưu thông của tín dụng trong eurozone. ECB thông báo sẽ xem xét lại các đề nghị này trong quý IV.

Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19

Việc cấp phép sử dụng khẩn cấp dựa trên Luật Quản lý Vaccine Trung Quốc, cho phép sử dụng những ứng viên vaccine chưa qua phê duyệt với những người có nguy cơ lây nhiễm cao trong một khoảng thời gian giới hạn. Theo đó, khi một trường hợp khẩn cấp y tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, các vaccine đang trong thử nghiệm lâm sàng có thể được sử dụng với một lượng giới hạn để bảo vệ các nhân viên y tế và phòng chống dịch, các nhân viên biên giới và những người khác làm việc trong các hoạt động quan trọng của thành phố.

Tờ Global Times trước đó đưa tin những nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước đang chuẩn bị ra nước ngoài và các y bác sĩ tuyến đầu đã được cho hai lựa chọn vaccine chưa qua phê duyệt do Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia (Sinopharm) phát triển để sử dụng khẩn cấp. Hôm 20 và 21/8, Sinopharm đã ký các hợp đồng hợp tác về thử nghiệm lâm sàng vaccine ở Giai đoạn ba với Peru, Morocco và Argentina.

Số người được tiêm vaccine trong trường hợp khẩn cấp có thể lên tới hàng trăm nghìn người trên khắp Trung Quốc, trong đó nhiều người làm ở các lĩnh vực khác nhau được tiêm miễn phí,

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấp 25 tỷ USD cho cơ quan bưu chính quốc gia

Hạ viện Mỹ ngày 22/8 đã thông qua dự luật để cấp 25 tỷ USD cho Cơ quan Bưu chính Mỹ (USPS). Theo dự kiến, một phần lớn người dân Mỹ sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện do lo ngại đại dịch Covid-19.

Trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản đối việc tăng nguồn tài trợ cho USPS vốn đã thiếu tiền mặt và viện dẫn những lo ngại về gian lận bầu cử thông qua gửi phiếu bằng đường bưu điện.

Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ ngày 21/8, Tổng Giám đốc USPS Louis DeJoy khẳng định cơ quan này sẽ chuyển phát tất cả các phiếu bầu gửi qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 một cách an toàn và đúng hạn, đồng thời nhấn mạnh USPS hoàn toàn có khả năng làm điều này. Ông khẳng định đây là nhiệm vụ ưu tiên của USPS từ nay cho đến ngày bầu cử 3/11. Cũng theo người đứng đầu USPS, bản thân ông cũng sẽ bỏ phiếu qua bưu điện.

2. Vĩ mô trong nước

Đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện lên 50% cho hộ nghèo

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có Công văn số 2620/BHXH-BT gửi Bộ Tài chính về việc đề nghị chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần.

Cụ thể: Nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Theo dự kiến của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, cũng như dự kiến của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2025, nếu Nhà nước hỗ trợ theo mức đề nghị này thì số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người, đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người.

Số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm đến năm 2025 ở mức 1.167 tỷ đồng (chiếm 0,3% chi cho an sinh xã hội) và đến năm 2030 ở mức 3.141 tỷ đồng (chiếm 0,71% chi cho an sinh xã hội).

Đề xuất này nhằm tạo điều kiện cho nhiều người có đủ khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt

Một nghiên cứu vừa được Ngân hàng Bank of America công bố cách đây ít ngày cho biết, có khoảng 67% công ty tham gia cuộc khảo sát cho rằng, việc các công ty đưa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về quê hương hoặc đến các thị trường khác sẽ là thay đổi lớn nhất trong thời kỳ hậu Covid-19. Nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu nhận ra rằng, đã đến lúc không thể phụ thuộc mãi vào một thị trường, mà cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Vì vậy, thế “giằng co” mới trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, trong thúc đẩy và tận dụng cơ hội sự dịch chuyển đầu tư hậu Covid-19 bắt đầu.

Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… đã lần lượt có các chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp “trở về nhà”, hoặc ít ra là dịch chuyển sang nước khác. Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… cũng ngay lập tức công bố một loạt chính sách thu hút đầu tư mới, mà việc hỗ trợ bằng tài chính cho các nhà sản xuất smartphone của Ấn Độ là một ví dụ điển hình.  Chính phủ Ấn Độ mới đây đã công bố một chương trình ưu đãi sản xuất đặc biệt, với tổng ngân khoản khoảng 5,5 tỷ USD trong vòng 5 năm cho 5 công ty sản xuất smartphone, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Tính bình quân, mỗi công ty sẽ nhận được khoản hỗ trợ khoảng 220 triệu USD/năm, vài chục USD với mỗi sản phẩm smartphone có giá trên 200 USD. Nhờ vậy, sản phẩm sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn, còn doanh nghiệp thì kinh doanh hiệu quả hơn.

Cuộc đua tranh càng căng thẳng và quyết liệt hơn khi Trung Quốc đang tìm mọi cách để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi công bố Luật Đầu tư nước ngoài vào năm ngoái, mới đây, đầu tháng 8/2020, Trung Quốc đã chính thức công bố sẽ ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tới 10 năm cho các doanh nghiệp điện tử, nhất là các công ty sản xuất chip.

Trong tình hình mới, nếu Việt Nam muốn thu hút các doanh nghiệp FDI thì không thể chỉ ngồi chờ, mà phải nhanh chóng có hành động và có chính sách phù hợp.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest