Podcast ngày 25.04.2022 – Thủ tướng: Những sai phạm trên thị trường vốn thời gian qua chỉ là thiểu số

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 25/04/2022

1. Thông tin vĩ mô

• IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do lo ngại rủi ro kinh tế gia tăng
IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ chỉ đạt 3,6%, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1. Tăng trưởng trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3% – thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong giai đoạn từ 2004 – 2013.
Bên cạnh những bất ổn gây ra bởi đại dịch COVID-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng, cuộc xung đột Nga – Ukraine được coi là rủi ro chính, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo IMF, sự đứt gãy nguồn cung nhiều loại hàng hóa quan trọng như nông sản, nhiên liệu, kim loại từ Nga và Ukraine sẽ khiến giá cả liên tục tăng mạnh. Tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, còn các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó.
IMF cho rằng tình trạng lạm phát cao sẽ diễn ra trong thời gian dài hơn so với dự kiến trước đó. Lạm phát tại Mỹ cả năm nay có thể lên tới 7,7% còn tại khu vực euro zone là 5,3%. Ngân hàng Thế giới cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 hôm 18/4 từ 4,1% xuống còn 3,2%.
Cả hai tổ chức lớn là IMF và Ngân hàng thế giới đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế chỉ trong thời gian ngắn cho thấy những ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine đang diễn ra xấu hơn dự kiến. Điều này cũng sẽ gây ra những tác động nhất định tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu, dẫn đến sự tiếp tục đà tăng của các kênh tài sản phòng vệ.

• Nguồn cung dầu thô tiếp tục đón nhận nhiều tác động trái chiều
Xuất khẩu dầu của Mỹ vào tuần trước đã đạt kỷ lục cao nhất kể từ 1990, theo IEA. Xuất khẩu dầu Brent tăng lên hơn 4 triệu thùng/ngày hồi tuần trước, với nhu cầu lớn đến từ các khách hàng ở Châu Âu. Số lượng giàn khoan dầu tại nước này đã tăng lên 549 giàn khoan, cao nhất từ tháng 4/2020, theo Baker Hughes Co.
Hồi đầu tháng 4, các nước IEA đã nhất trí xả 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ trong động thái phối hợp với nỗ lực xả kho 180 triệu thùng được Mỹ thông báo hồi cuối tháng 3. Nhật Bản ngày 22/4 thông báo nước này sẽ tiến hành đấu giá 4,8 triệu thùng dầu từ kho dự trữ quốc gia vào ngày 10/5. Nhật Bản sẽ “xả“ 15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ quốc gia – mức cao kỷ lục, theo đó 6 triệu thùng dầu sẽ đến từ các kho dự trữ tư nhân và 9 triệu thùng từ kho dự trữ quốc gia.
Hệ thống đường ống dẫn dầu Russia-Kazakh Caspian Pipeline Consortium (CPC) dự kiến sớm quay lại hoạt động công suất tối đa sau 1 tháng gián đoạn. Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu của Libya đang giảm khoảng 550.000 thùng/ngày do rơi vào xung đột.
Hiện tượng bán tháo đã xuất hiện trên thị trường sau khi Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu hôm 21/4 rằng EU nên thận trọng về một lệnh cấm toàn diện dầu nhập khẩu từ Nga vì nó có thể đẩy giá dầu lên cao. Bên cạnh đó, bất ổn dự kiến sẽ tiếp tục với thị trường dầu mỏ do các nhà sản xuất lớn phải vật lộn để đạt được mục tiêu sản lượng trong khi mối đe dọa về lệnh cấm của EU đối với dầu mỏ Nga xuất hiện.
Nguồn cung dầu trong ngắn hạn đang được hỗ trợ bởi nguồn cung tăng cường từ Mỹ và kế hoạch xả kho của các nước IEA. Tuy nhiên về dài hạn thị trường dầu thô toàn cầu sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn nếu EU áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

• Thủ tướng: Những sai phạm trên thị trường vốn thời gian qua chỉ là thiểu số
Tại hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021 và tăng trưởng 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP (trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và TPDN là 14,2% GDP).
Giá trị giao dịch hàng ngày tăng mạnh, bình quân từ đầu năm đến nay đạt 30.800 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ 2021. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra. 3 tháng đầu năm nay, tổng tài sản của các công ty niêm yết năm 2021 đạt 12,3 triệu tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2020. Lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng 35,1% so với năm 2020. Tỷ suất sinh lời cũng được cải thiện so với năm trước (tăng từ 13,1% năm 2020 lên 14,6% năm 2021). Trong 5 tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá trị 3.589 tỷ đồng (khoảng 155 triệu USD). Đây là những số liệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định những sai phạm pháp luật khi tham gia thị trường vốn của một số cá nhân, tổ chức trong thời gian vừa qua chỉ là thiểu số. Chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường lành mạnh, bền vững.
Việc thị trường vốn phát triển nhanh trong thời gian vừa qua phát sinh những rủi ro đến từ cả hai phía là khung khổ pháp lý còn nhiều lỗ hổng và nhà đầu tư cá nhân chưa đủ kinh nghiệm và kiến thức trên thị trường. Động thái “thanh lọc thị trường” của Nhà nước là cần thiết để bảo vệ lợi ích cho đại đa số các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp đã và đang tuân thủ pháp luật, giúp cho thị trường vốn phát triển một cách minh bạch, lành mạnh trong dài hạn.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• USD/VND có thể tăng nhẹ trong 2022 nhưng mức tăng không lớn do dự trữ ngoại tệ ổn định
Tỷ giá USD/VND đang có những bước tăng đáng chú ý. Tại thời điểm cuối T1/2022 tỷ giá ở vùng 22.600 VNĐ đã tăng vọt lên 22.966 VND tại ngày 20/4/2022
Không những đồng USD tăng lên so với VND và so với các ngoại tệ khác cũng tương tự, đặc biệt là Yên Nhật.
Các chuyên gia đánh giá, việc đồng USD tăng mạnh so với VND gần chủ yếu do 2 yếu tố: Thứ nhất, đồng USD đang được củng cố sức mạnh do các thông tin vĩ mô quan trọng đã được công bố và các chỉ số sản xuất, bán lẻ cũng tăng trở lại. Thứ hai, áp lực lạm phát dần hiện hữu từ Q2/2022 nhưng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác vẫn chưa có động thái đảo ngược mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Mặc dù áp lực giảm giá đồng VND so với USD là có, tuy nhiên chúng tôi dự báo thặng dư tài khoản vãng lai Việt Nam sẽ tăng lên 2,0% GDP vào năm 2022 từ mức thâm hụt 1,1% GDP vào năm 2021. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ đạt 122,5 tỷ USD vào cuối năm 2022 (tương đương với 4,0 tháng nhập khẩu) từ mức cuối năm 2021 là 105 tỷ USD nhờ hoạt động xuất khẩu hồi phục và kỳ vọng dòng vốn FDI chảy đều về Việt Nam. Do vậy, tỷ giá USD/VND có thể tăng nhẹ trong 2022 những mức tăng không lớn, dự báo chỉ khoảng 0.5% – 1%.

• FED có khả năng tăng 0.5% lãi suất trong lần tăng tiếp theo
Trong cuộc họp ngày 21/4, Chủ tịch FED khẳng định quyết tâm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ nhằm mục tiêu “hạ nhiệt” lạm phát và úp mở khả năng tăng mạnh lãi suất trong tháng tới. Chủ tịch FED cho biết, cần nâng lãi suất nhanh hơn nữa, mức tăng 0,5% sẽ được đưa ra bàn bạc trong kỳ họp tháng 5 sắp tới
Trước đó, theo CME Group, thị trường cũng đã phản ánh kỳ vọng tăng lãi suất cả năm của Fed, dự kiến lên tới 2,75%. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ liên tục lập đỉnh, hiện đang ở ngưỡng 2,9%, cao nhất 3 năm trong bối cảnh lạm phát đã chạm ngưỡng 8,5% trong tháng 3 vừa qua. Fed cũng được dự báo sẽ sớm cắt giảm nắm giữ trái phiếu khi bảng cân đối kế toán của cơ quan này đã lên gần 9.000 tỷ USD, chủ yếu bao gồm trái phiếu chính phủ và các sản chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
FED có khả năng tăng lãi suất mạnh hơn trong các lần tiếp theo thay vì mức tăng thăm dò 0.25% đầu năm 2022. Tuy nhiên, thi trường gần như đã phản ảnh đầy đủ mức tăng này. Do vậy quyết định đẩy mạnh tăng lãi suất trong lần tới của FED được dự báo không xảy ra biến động lớn trên thị trường.

3. Kênh cổ phiếu

• Cổ phiếu tiêu điểm (PC1, BCM, , PNJ, VRE)
– PC1 – Cập nhật ĐHCĐ năm tài chính 2021
Năm 2021, doanh thu của PC1 đạt 9.81 nghìn tỷ VND (+46.9% YoY). Lợi nhuận sau thuế đạt 764.1 tỷ VND (+40.4% YoY)
Kế hoạch năm 2022 cho doanh thu và LNST lần lượt là 11,003 tỷ VNĐ (+12.1% YoY) và 657 tỷ VNĐ (-14.0% YoY). Lý giải cho sự trái ngược giữa tăng trưởng doanh thu và LNST, BLĐ cho biết năm 2022 PC1 sẽ phải chịu khoản lãi vay năm đầu sau khi phát hành trái phiếu và phục vụ phân bổ vốn đầu tư dẫn đến việc giảm LNST.
Tuy nhiên chúng tôi đánh giá LNST của doanh nghiệp có khả năng đạt mức 900 tỷ đồng (+18% yoy) ~ P/E fw2022 là 10 lần.
Điểm nhấn đầu tư của doanh nghiệp bao gồm: (1) 3 dự án điện gió đã đi vào hoạt động năm 2021, 4 dự án đang triển khai chuẩn bị đưa vào hoạt động sẽ thúc đẩy mảng đầu tư năng lượng; (2) Mảng bất động sản khởi sắc với 2 dự án dự kiến mở bán vào 2022; (3) PC1 chuẩn bị tham gia vào 2 mảng kinh doanh mới là khai thác khoáng sản và khu công nghiệp.
PC1 là một cổ phiếu phù hợp cho những nhà đầu tư trung và dài hạn. Công ty đặt mục tiêu vốn hóa đạt 1 tỷ USD vào năm 2025 ~ mức tăng trưởng lợi trung bình mỗi năm đạt 25% trong giai đoạn 2022-2025, hiện tại PC1 đang giao dịch tại mức P/Efw 2022 là 10 lần.
Phân tích kỹ thuật:
PC1 chứng kiến một tuần giao dịch giá giảm liên tiếp với biên độ giá và khối lượng đều lớn dần. Hiện tại cổ phiếu đã đi vào vùng quá bán, có thể kỳ vọng nhịp hồi trong phiên giao dịch đầu tuần tới.
Hiện tại cổ phiếu vẫn đang duy trì xu hướng giảm được hình thành từ cuối tháng 3. Trường hợp giá cổ phiếu tiếp tục vi phạm các ngưỡng hỗ trợ, nhà đầu tư cân nhắc hạ dần tỷ trọng để đảm bảo an toàn cho tài khoản. Các hỗ trợ mạnh nhất lần lượt: 36.0 +/-, 32.1 +/-
Có thể bắt đầu tham gia mua khi giá cổ phiếu quay về vùng kháng cự 46.7 +/-.

– BCM – Thông báo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022
Năm 2022, BCM đặt mục tiêu doanh thu đạt 9.680 tỷ đồng (+19% yoy). Lợi nhuận sau thuế đạt 2.888 tỷ đồng (+98% yoy). Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến 8%
Về kế hoạch huy động vốn, trong năm 2022, công ty dự kiến huy động 8.750 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp; 1.750 tỷ đồng vay trung và dài hạn; và 5.000 tỷ đồng vay ngắn hạn.
Triển vọng tương lai đến từ (1) BCM đưa vào kinh doanh các dự án trọng điểm lớn (diện tích sẵn sàng cho thuê đạt 944 ha), trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch cũng như tỷ lệ lấp đẩy KCN tại Bình Dương đang ở mức cao, (2) Liên doanh VSIP, Warburg Pincus dự báo đem lại lợi nhuận tích cực nhờ nhu cầu thuê đất và nhà xưởng phục hồi trở lại từ 2022 (mức lợi nhuận được chia hàng năm từ cty LDLK đạt 1.100 – 1.200 tỷ đồng
Tuy nhiên nhà đầu tư cần chú ý, với việc tín dụng hiện đang bị siết đối với BĐS, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn với kế hoạch huy động vốn trong năm 2022 đã đề ra.
Phân tích kỹ thuật:
BCM tiếp tục đi ngang khi phiên Thứ Sáu (22/4) được lực cầu mạnh vào tham gia “giải cứu” và cũng là mã bất động sản khu công nghiệp có nhịp tăng tích cực nhất so với toàn ngành.
Vận động của BCM là tích cực trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường tỏ ra dè chừng đối với nhóm Bất động sản và các nhóm liên quan như Bất động sản khu công nghiệp, Xây dựng. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng hoặc tham gia mua mới trong vùng 73 – 76 +/-.
Các kháng cự mạnh gần nhất lần lượt: 75.9 +/-, 85.1 +/-

– PNJ – Công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2022
PNJ cho biết, kết thúc mùa kinh doanh trọng điểm quý I/2022, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.143 tỷ đồng, tăng 41,2%, lãi ròng đạt 721 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sang năm 2022, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên vừa rồi, PNJ đã thông qua kế hoạch mục tiêu doanh thu thuần 25.835 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.320 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 28% so với kết quả thực hiện năm liền trước. Như vậy, với sự bứt tốc trong quý đầu năm, PNJ đã đạt 54,6% kế hoạch lợi nhuận năm đặt ra.
Cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2021 ở mức 2.000 đồng/CP –lợi suất 1,7%. Thông qua phương án cổ tức dự kiến cho năm tài chính 2022 với tỷ lệ 20% mệnh giá + kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3:1 trong năm 2022.
PNJ là cổ phiếu giá trị đáng để đầu tư dài hạn. Điểm nhấn đầu tư gồm: 1) Triển vọng trăng trưởng mạnh khi tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt, 2) Mở thêm cửa hàng: giai đoạn 2022-2025, công ty đặt mục tiêu mở 30 đến 50 cửa hàng mỗi năm, 3) Mở rộng công suất: PNJ dự kiến sẽ bổ sung 1 đến 2 dây chuyền sản phẩm trang sức vàng tại nhà máy Long Hậu và đang tìm kiếm mặt bằng để đầu tư nhà máy mới trong năm 2022. Theo BLĐ việc mở rộng công suất dự kiến sẽ đóng góp 20% lợi nhuận ròng của PNJ sau khi hoàn thành.
Dự báo LNST công ty mẹ năm 2022 đạt 1600 tỷ (+55% svck). Với mức giá 115.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, PNJ hiện giao dịch với hệ số P/E 2022 là 17.4 lần.
Phân tích kỹ thuật:
Phiên Thứ Sáu (22/4) PNJ gặp áp lực bán, kết phiên giá cổ phiếu lùi về 115.0 là một ngưỡng kháng cự mạnh.
Hiện tại cổ phiếu vẫn đang duy trì được xu hướng tăng, tuy nhiên cần chú ý theo dõi diễn biến trong các phiên tiếp theo để đề phòng sự đảo chiều xu hướng. Trường hợp giá cổ phiếu tiếp tục vi phạm các ngưỡng hỗ trợ, nhà đầu tư cân nhắc hạ dần tỷ trọng để đảm bảo an toàn cho tài khoản.
Các hỗ trợ mạnh gần nhất lần lượt: 110.6+/-, 104.1+/-.

– VRE – Thông báo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022
Theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên 2022, HĐQT CTCP Vincom Retail dự định trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 35,8% và 82,5% so với thực hiện năm 2021.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021, HĐQT VRE trình cổ đông xem xét phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Dự kiến năm 2022 VRE sẽ khánh thành 3 trung tâm thương mại là Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội), Vincom Plaza Bạc Liêu (Bạc Liêu) và Vincom Plaza Mỹ Tho (Tiền Giang) với tổng diện tích 95,000 m2, nâng tổng số lượng trung tâm thương mại lên 83 và tổng diện tích sàn thương mại lên 1,75 triệu m2.
Dự báo giai đoạn 2022 – 2023, VRE sẽ tăng trưởng mạnh trở lại tương đương so với trước dịch. Phần lớn doanh thu của VRE đến từ hoạt động cho thuê sàn thương mại, còn hoạt động bán shophouse tiếp tục chiếm tỷ trọng không đáng kể, dao động trong khoảng 800 – 900 tỷ doanh thu mỗi năm.
Kỳ vọng VRE sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022. Tuy nhiên, VRE hiện giao dịch với hệ số P/Efw 2022 ở mức cao là 29 lần.
Phân tích kỹ thuật:
Sau chuỗi giảm liên tiếp từ đầu tháng thì phiên Thứ Sáu (22/4) VRE đã có lực cầu vào nâng đỡ giá cổ phiếu phục hồi. Tuy nhiên, phiên hồi này chưa đủ để xác nhận VRE đã thoát khỏi xu hướng giảm được hình thành từ tháng 1. Đây cũng hoàn toàn có thể chỉ là một nhịp hồi kỹ thuật khi giá cổ phiếu rơi về vùng quá bán.
Vùng giá hiện tại của VRE vẫn còn khá rủi ro để tham gia mua mới, nhà đầu tư có thể giải ngân trước khối lượng nhỏ và gia tăng khi cổ phiếu chứng minh được sức khỏe của mình thông qua việc nhanh chóng chinh phục được các kháng cự mạnh.
Các kháng cự mạnh gần nhất lần lượt: 31.9 +/-, 33.5 +/-, 35.7 +/-

4. Kênh tài sản khác

• Đường cát nhập lậu vẫn dồn dập tuồn vào Việt Nam, ép mía đường Việt Nam “ngộp thở”
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm đối với 51 tấn đường cát buôn lậu.
Không chỉ tại Long An, ở rất nhiều địa phương khác, tình trạng nhập lậu đường cát cũng đang là vấn đề nóng. Tại Đồng Nai, trong tháng 3, chỉ qua 2 vụ buôn lậu bị phát hiện, công an thành phố Long Khánh đã thu giữ hơn 24 tấn đường cát do nước ngoài sản xuất, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các vụ việc được phát hiện trên đây chỉ là phần rất nhỏ của các hoạt động thương mại đường nhập lậu, vì đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rẻ (đây là điều không thể được đối với đường Thái Lan nhập chính ngạch có đóng thuế chống phá giá chống trợ cấp lên đến 47,64%).
Để ngăn đường lậu đội lốt đường Việt, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường.
Chính phủ hiện đang nỗ lực mọi biện pháp để ngăn chặn đường nhập lậu từ Thái Lan tuồn vào Việt Nam, hỗ trợ ngành mía đường Việt Nam phát triển bền vững. Nếu rủi ro này còn tiếp diễn, ko có dấu hiệu suy giảm sẽ là tín hiệu xấu cho các doanh nghiệp đường Việt Nam.

• Thủy sản Việt Nam thích nghi với chính sách ‘zero Covid’ của Trung Quốc
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 1 vừa qua xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 326 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mặt hàng cá tra có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt 65.000 tấn tương đương 165 triệu USD, tăng 87% về lượng và tăng 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá cá tra trung bình đạt 2.530 USD/tấn, tăng 74%. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm đã có tín hiệu phục hồi tăng trưởng tốt vào đầu năm nay sau khi giảm đến 22% trong năm 2021.
Hiện tại Trung Quốc vẫn kiên định với chính sách “zero Covid” và nhiều thành phố lớn của nước này đang trong tình trạng phong tỏa. Do đó, các quy định về nhập khẩu hàng hóa vào nước này vẫn khắt khe. Chính vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cần đảm bảo công tác kiểm soát và phòng chống Covid-19 trong quá trình đưa hàng vào nước này.
Những rủi ro liên quan đến dịch bệnh tại Trung Quốc đối với các doanh nghiệp thủy sản đã được kiểm soát tốt trong vòng 1 năm qua. Các doanh nghiệp Việt Nam đã kịp thích ứng hoàn toàn với chính sách Zezo- Covid của Trung Quốc. Vì vây, xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Trung Quốc đang tăng cao.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest