Podcast ngày 24.11.2020 – Reuters: Ông Trump sắp ban hành lệnh trừng phạt 89 công ty Trung Quốc

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/11/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Reuters: Ông Trump sắp ban hành lệnh trừng phạt 89 công ty Trung Quốc

Theo Reuters, chính quyền Trump sắp tiến tới ban hành danh sách gồm 89 công ty Trung Quốc sẽ không được phép tiếp cận với các công nghệ mà Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài do những công ty này có liên quan đến quân đội Trung Quốc. Động thái này sẽ làm căng thẳng Mỹ – Trung leo thang trong bối cảnh ông Biden đang có những động thái để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao quyền lực.

Commercial Aircraft Corp of China (Comac) và Aviation Industry Corp of China (AVIC) là 2 trong số đó. AVIC là 1 tập đoàn quốc doanh với hơn 100 chi nhánh và khoảng 450.000 nhân viên. Hồi tháng 6, công ty này đã bị liệt vào danh sách mà Mỹ cho là được kiểm soát hoặc thuộc sở hữu của quân đội Trung Quốc. AVIC có 1 mảng kinh doanh dân dụng chuyên sản xuất máy bay và chuyên cơ, trong đó một số sản phẩm sử dụng các linh kiện được sản xuất bởi liên doanh với các công ty Mỹ.

Trong khi đó Comac sản xuất những chiếc máy bay cạnh tranh với Boeing và Airbus và hiện đang có nhiều khách hàng là những hãng hàng không lớn của Trung Quốc. Sản phẩm nổi bật là mẫu máy bay cánh đơn được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với Boeing 737 và Airbus A320. Công ty cũng đang trong giai đoạn đầu phát triển mẫu máy bay thân trọng. AVIC là cổ đông của Comac.

Đầu tháng 11, ông Trump cũng ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ rót vốn vào những công ty Trung Quốc thuộc sở hữu hoặc kiểm soát bởi quân đội. Ông đang tăng cường gây áp lực lên Bắc Kinh trong những tháng cuối cùng ở Nhà Trắng. Tuần trước Bloomberg đưa tin Ủy ban chứng khoán Mỹ đang có kế hoạch đe dọa hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc trên các sàn chứng khoán Mỹ với lý do họ không tuân thủ các quy tắc kiểm toán của Mỹ.

GDP Singapore giảm 5.8% trong quý 3

GDP Singapore tiếp tục giảm mạnh trong quý 3/2020 giữa lúc sự hồi phục của hoạt động thương mại chưa đủ để xua tan sự ảm đạm tại đảo quốc sư tử.Cụ thể, giai đoạn tháng 7-9/2020, GDP Singapore giảm 5.8% so với cùng kỳ năm trước, theo ước tính cuối cùng của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI). Con số này tốt hơn ước tính giảm 7% trước đó của MTI.

Đà giảm về số ca nhiễm Covid-19 tại Singapore đã tạo khoảng trống để các nhà quyết sách nới bớt các biện pháp kiểm soát dịch và từ đó tác động tích cực hơn tới hoạt động kinh doanh tại đảo quốc sư tử. Số ca nhiễm Covid-19 mới – bao gồm cả những ca nhập cảnh – hiện chỉ ở mức 1 con số trong nhiều tuần qua.

Các quan chức Singapore cho rằng vẫn còn khả năng cung cấp thêm gói kích thích tài khóa sau khi cam kết hỗ trợ 100 tỷ Đôla Singapore (74 tỷ USD) tính tới thời điểm này của năm 2020. Thủ tướng Lý Hiển Long dự báo Chính phủ sẽ thâm hụt ngân sách cho tới ít nhất là đầu năm 2021 và có thể kéo dài hơn nữa với mục tiêu hỗ trợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Xét trên cơ sở hàng quý, nền kinh tế Singapore tăng trưởng 9.2% so với quý trước đó – giai đoạn GDP Singapore sụt 13.3% so với cùng kỳ. Trong năm 2020, MTI điều chỉnh dự báo thành giảm 6-6.5%, thu hẹp phạm vi so với mức giảm 5-7% trước đó nhờ sự cải thiện của hoạt động sản xuất, chủ yếu là thiết bị điện tử.

Đến lượt Anh công bố kết quả thử nghiệm vaccine, tỷ lệ hiệu quả 70%

Gã khổng lồ dược phẩm Anh AstraZeneca hôm nay thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 phát triển cùng Đại học Oxford với hai chế độ khác nhau. Chế độ thứ nhất cho kết quả 90% khi người tham gia thử nghiệm được tiêm nửa liều, sau đó là một liều đầy đủ với thời gian giãn cách ít nhất một tháng. Chế độ thứ hai là tiêm hai lần giãn cách ít nhất một tháng, mỗi lần một liều đầy đủ. Kết quả phân tích tổng hợp cho thấy hiệu quả trung bình là 70%. Trong số người tham gia không có ai phải nhập viện vì Covid-19 diễn biến nặng.

Pascal Soriot, CEO của AstraZeneca, cho biết đây là “cột mốc quan trọng” trong cuộc chiến chống Covid-19. AstraZeneca sẽ lập tức chuẩn bị dữ liệu để nộp cho cơ quan y tế các nước trên thế giới – nơi có khuôn khổ cấp phép có điều kiện hoặc cấp phép sớm.

Thế giới hiên có 131 vaccine Covid-19 đang trong quá trình phân tích ban đầu. Trước đó, vaccine Covid-19 do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển cũng có kết quả thử nghiệm tích cực, đều hiệu quả trên 90%.

2. Vĩ mô Việt Nam

Nhà đầu tư Mỹ, Nhật muốn làm điện khí ở Vân Phong

Mới đây, Công ty Phát triển điện lực J-Power đề xuất lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đầu tư dự án nhà máy điện khí tua bin chu trình hỗn hợp, công suất 3.000 MW với tổng mức đầu tư của dự án gần 3,2 tỷ USD. Dự án dự kiến được xây dựng tại khu công nghiệp Ninh Thuỷ, tổng diện tích khoảng 40 ha.

J-Power là cái tên mới nhất trong danh sách những nhà đầu tư ngỏ ý muốn làm điện khí tại Nam Vân Phong. Tại khu công nghiệp này, Tổ hợp Công ty cổ phần tập đoàn HBRE, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2, Công ty cổ phần Hoàn cầu Vân Phong, Công ty trách nhiệm hữu hạn PHOUSY Group cũng từng đề xuất đầu tư Nhà máy điện khí LNG Ninh Thủy công suất 1.500 MW, kết hợp với hệ thống chế biến và kho lạnh bảo quản nông hải sản.

Trước đó, hồi tháng 8, Tập đoàn Millennium (Mỹ) cũng bày tỏ mong muốn làm nhà máy điện khí công suất 9.600 MW và trung tâm LNG sức chứa 15 triệu m3 trên diện tích khoảng 600 ha tại tổ hợp lọc hoá dầu Nam Vân Phong. Dự án này có tổng mức đầu tư 15 tỷ USD.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Khánh Hoà đã dành 1.053 ha đất tại 4 khu vực Nam Vân Phong để triển khai các dự án, kho khí và nhà máy điện khí hoá lỏng LNG. 4 địa điểm mà UBND tỉnh lựa chọn để quy hoạch cho điện khí đều đã có các doanh nghiệp đăng ký đầu tư.

Đề xuất giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021

Theo Nghị quyết 979/2020 quy định từ 1/8 đến hết 31/12, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít. Bước sang năm 2021, mức thuế được áp dụng là 3.000 đồng/lít (tăng 900 đồng).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính dự báo, trong năm 2021 kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Thị trường hàng không nội địa trong năm nay và sang năm 2021 sẽ phục hồi từng bước, nhưng còn nhiều khó khăn. Riêng thị trường quốc tế cần thời gian dài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không cũng phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động của doanh nghiệp bao gồm chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí chi thường xuyên khác.

Vì vậy, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, giữ nguyên mức giảm thuế 2.100 đồng/lít với xăng dầu hàng không trong cả năm 2021. Dự tính, việc giữ nguyên mức thuế trong năm 2021 sẽ làm số thu giảm khoảng 860 - 960 tỷ đồng/năm

Đề xuất miễn thuế linh kiện ô tô để thử nghiệm của VinFast

Bộ Tài chính vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ về việc ban hành quyết định miễn thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp xe ô tô và miễn thuế xuất khẩu cụm linh kiện ô tô ra nước ngoài nhằm phục vụ cho hoạt động kiểm nghiệm, thử nghiệm của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast.

Cụ thể, việc miễn thuế sẽ được áp dụng đối với những linh kiện nhập khẩu để sản xuất 200 chiếc xe ô tô của VinFast và 100 cụm kinh kiện xuất khẩu ra nước ngoài phục vụ hoạt động kiểm nghiệm, thử nghiệm. Những linh kiện nhập khẩu và cụm linh kiện xuất khẩu trong diện đề xuất miễn thuế được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 13/11/2018 đến hết ngày 31/12/2020.

Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tài chính xây dựng, đối với những xe ô tô và cụm linh kiện đã xuất khẩu cho hoạt động kiểm thử, nếu phải nhập khẩu trở lại thì sẽ không được miễn thuế nhập khẩu. Trường hợp đã được hoàn trả số thuế nộp thừa, VinFast phải nộp lại số tiền thuế nhập khẩu tương ứng với số lượng linh kiện đã sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe ô tô, cụm linh kiện nhập khẩu trở lại.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest