Podcast ngày 24.08.2020 – Lãi suất tiếp tục giảm sâu

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Lãi suất tiếp tục giảm sâu

1. Vĩ mô quốc tế

Mỹ và EU đạt thỏa thuận cắt giảm thuế đối với một số mặt hàng

EU sẽ giảm 8-12% thuế đối với tôm hùm nhập khẩu từ Mỹ, trong khi đó Washington sẽ giảm 50% thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ EU như đồ thủy tinh, đồ gốm, bật lửa dùng một lần và đồ ăn sẵn.

Tuyên bố chung giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/8 thông báo hai bên đã đạt được một thỏa thuận về chính sách cắt giảm thuế đối với một số sản phẩm xuất khẩu của nhau. Theo thỏa thuận, EU sẽ giảm từ 8-12% thuế đối với tôm hùm nhập khẩu từ Mỹ, trong khi đó Washington sẽ giảm 50% thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ EU như đồ thủy tinh, đồ gốm, bật lửa dùng một lần và đồ ăn sẵn. Đây là một tín hiệu tích cực nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và EU trong lĩnh vực thương mại.

Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính sách cắt giảm thuế sẽ được áp dụng cho mọi thành viên của tổ chức này, và các sản phẩm nói trên đã được lựa chọn để tối đa hóa lợi ích chung giữa hai bên. Toàn bộ thỏa thuận giữa Mỹ và EU trị giá khoảng 198 triệu USD.

Trung Quốc đối mặt nguy cơ ‘thiếu 130 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2025’

Theo Báo cáo phát triển nông thôn Trung Quốc 2020 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khoảng 130 triệu tấn ngũ cốc vào cuối năm 2025. Trong đó, nguồn cung nội địa của Trung Quốc đối với 3 loại ngũ cốc chủ yếu gồm lúa mỳ, gạo và ngô, dự kiến giảm 25 triệu tấn. Nguy cơ này cho thấy đất nước đông dân nhất thế giới sẽ ngày càng phụ thuộc vào nguồn thực phẩm nhập khẩu trong tương lai.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đề xuất Trung Quốc nên cải thiện “chính sách thu mua và dự trữ ngũ cốc” để đảm bảo an ninh nguồn cung cấp lương thực. Theo viện này, sự thiếu hụt nguồn cung nội địa của Trung Quốc là do lực lượng lao động nông thôn bị thu hẹp, bởi người dân chuyển từ nông thôn lên thành phố. Dự kiến, khoảng 80 triệu cư dân nông thôn ​​chuyển đến các khu vực thành thị trong vòng 5 năm tới. Thêm vào đó lực lượng lao động nông thôn Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Ước tính đến năm 2025, cứ 4 người ở nông thôn thì sẽ có 1 người trên 60 tuổi.

Nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc bắt đầu tăng, ngay cả khi số liệu từ chính phủ cho thấy thu hoạch trong nước bội thu. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 74,51 triệu tấn ngũ cốc trong 7 tháng đầu năm 2020, tăng 22,7% so với năm ngoái.

Báo cáo đã lý giải cho việc vì sao Trung Quốc liên tục mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trong những tháng gần đây.

ASEAN đang đối mặt với cuộc khủng hoảng

Trước giai đoạn đại dịch, Đông Nam Á được ghi nhận là một trong những khu vực phát triển kinh tế nhanh nhất toàn cầu, với mức tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm. Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới các nước cũng như nền kinh tế toàn cầu đã tác động nhanh chóng đến tiêu dùng tư nhân, đầu tư công và du lịch, đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thái sâu sắc. Quý II vừa qua, Malaysia vừa chứng kiến mức sụt giảm 17,1% GDP, Philippines giảm 16,5%, Singapore giảm 13,2% và Thái Lan giảm 12,2%. Đây là những kết quả tồi tệ nhất được ghi nhận trong hơn 20 năm. Indonesia cũng ghi nhận con số tồi tệ nhất kể từ năm 1999, với mức giảm 5,3%. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực đạt mức tăng nhẹ gần 0,4% trong quý II.

Hiện tại, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á được ghi nhận xếp sau Trung Quốc (với mức tăng trưởng 3,2%), sau Hoa Kỳ (với mức sụt giảm 9,5%) và sau Nhật Bản (với mức sụt giảm 9,9%). Tuy nhiên, kinh tế Đông Nam Á cũng được đánh giá là hoạt động tốt hơn so với Pháp (với mức sụt giảm 19%) và Anh (mức sụt giảm 21,7%).

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết khả năng cao khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều. Những năm vừa qua, nền kinh tế khu vực này phụ thuộc lớn vào toàn cầu hóa – dòng vốn đầu tư và khách du lịch quốc tế. Đồng thời, “sức khoẻ” tài chính nhiều quốc gia hiện được đánh giá là tương đối “yếu”. Thêm nữa căng thẳng leo thang giữa hai trong số các đối tác kinh tế lớn nhất của khu vực là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế các nước Đông Nam Á.

2. Vĩ mô trong nước

Đề xuất gói hỗ trợ lần 2 cho người lao động và doanh nghiệp

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Nội dung hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm. Theo đó, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh, người lao động tại khu vực nông thôn.

Mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP (đối với cơ sở sản xuất – kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng). Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Đối tượng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.

Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng. Gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 có tổng kinh phí là 18.600 tỷ đồng

Từ cuối tháng 7, giải ngân đầu tư công đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn vướng về giải phóng mặt bằng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang năm 2020). Ước giải ngân đến 31/8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Lý giải về tình trạng chậm giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù.

Chính phủ đã đề ra một số biện pháp cần thiết như phân bổ vốn nhanh, nhất là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới. Một số dự án công trình quan trọng được ưu tiên giải quyết như dự án đường cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ…

Thủ tướng một lần nữa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm nay. Người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu phải có chế tài xử lý đi kèm nếu không giải ngân được hết chỉ tiêu đầu tư công đã giao.

3. Các kênh đầu tư

Lãi suất tiếp tục giảm sâu

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, lãi suất huy động tiền đồng hiện phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, cao nhất là 7,3%/năm cho kỳ trên 12 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang trong xu hướng giảm từ nay đến cuối năm bởi 3 yếu tố chính là kỳ vọng điều chỉnh lãi suất điều hành; thanh khoản trong hệ thống dự báo tiếp tục dư thừa và các ngân hàng được lùi lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 1 năm.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, lãi suất huy động giảm nhiều nhất thời gian tới chỉ đến mức 1%. Nếu giảm thấp hơn nữa, người dân sẽ rút hết tiền mặt và tìm kênh đầu tư khác, khi đó thị trường sẽ gặp rủi ro lớn và gây áp lực lên thanh khoản ngân hàng.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest