Podcast ngày 23.12.2020 – Mỹ giáng đòn trừng phạt lên 103 doanh nghiệp Nga, Trung Quốc “vì có liên hệ với quân đội”

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/12/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Mỹ giáng đòn trừng phạt lên 103 doanh nghiệp Nga, Trung Quốc ‘vì có liên hệ với quân đội’

Các quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ ngày 21/12 tiết lộ bộ này sắp công bố danh sách các công ty của Nga và Trung Quốc vì cáo buộc đang hợp tác với các lực lượng vũ trang của hai nước. Được biết, bản danh sách trên bao gồm 45 doanh nghiệp Nga và 58 doanh nghiệp Trung Quốc, phần nhiều liên quan tới lĩnh vực không gian.

Việc có mặt trong danh sách đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ sẽ phải xin giấy phép nếu muốn bán một số thiết bị công nghệ, linh kiện bán dẫn cho những công ty này. Điều này nhằm ngăn việc công nghệ Mỹ được bán cho các công ty dân sự nhưng người dùng và hưởng lợi cuối lại là quân đội. Washington cũng muốn nắm rõ hơn những gì đã bán cho các nước khác và ai đang thực sự sử dụng chúng sau nhiều năm buông lỏng quản lý.

Trong thông cáo rạng sáng 22/12, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross khẳng định việc công bố danh sách sẽ giúp “các nhà sản xuất Mỹ sàng lọc khách hàng” tốt hơn đồng thời “chống lại những nỗ lực của Trung Quốc và Nga nhằm lợi dụng công nghệ Mỹ phục vụ cho các chương trình quân sự gây bất ổn của họ”.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu được công bố, danh sách này sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc và ảnh hưởng đến các công ty Mỹ bán các linh kiện hàng không dân dụng cho Trung Quốc cũng như các lĩnh vực khác.

Virus biến thể chất thêm gánh nặng cho EU

Châu Âu đang ở thời điểm cao trào của dịch bệnh Covid-19 và khó khăn lại thêm chồng chất với sự xuất hiện của biến thể mới với tên gọi VUI-2020/12/01, vừa được phát hiện tại Anh. Chỉ trong ngày 20/12, biến thể mới VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2 đã được xác định ở nhiều nước ngoài Anh, gồm 9 trường hợp tại Đan Mạch, 1 trường hợp ở Italy, 1 ở Hà Lan và 1 ở Australia.

Do đang ở cao điểm của dịch, các nước châu Âu không thể mạo hiểm chờ đợi cho tới khi có thông tin rõ ràng hơn về biến thể của virus hoặc tới khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí về một cách phản ứng chung. Ngay chiều tối cùng ngày, hàng loạt nước châu Âu đã ban bố lệnh đóng cửa biên giới và cấm bay đối với các chuyến bay từ “xứ sở sương mù”. Với lệnh cấm bay và đóng cửa biên giới, các nước châu Âu đang tự trang bị vũ khí chống lại biến thể được đánh giá “rất dễ lây lan” của virus SARS-CoV-2.

Bản thân Anh cũng đưa ra hàng loạt biện pháp khẩn cấp. Sau cuộc họp bất thường do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, chính phủ Anh phải hủy kế hoạch nới lỏng hạn chế dịp Giáng sinh. Cụ thể, người dân tại những vùng bị áp dụng các biện pháp hạn chế Bậc 4 sẽ không được gặp các hộ gia đình khác. Người dân sống ở những khu vực khác sẽ chỉ được gặp trong một ngày, thay vì 5 ngày trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh như kế hoạch ban đầu.

Trước khi biến thể mới xuất hiện, châu Âu đã rất kỳ vọng sớm kiềm chế được đại dịch bởi nhiều nước sẽ bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 từ ngày 27/12. Giờ đây, dư luận đang đặt câu hỏi liệu những vaccine đã phát triển và sắp được tung ra thị trường có thể phòng ngừa hiệu quả với biến thể mới hay không. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khẳng định không có bằng chứng cho thấy các vaccine hiện có kém hiệu quả trong việc phòng ngừa biến thể mới của SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cũng bảo vệ quan điểm này, dẫn lời các chuyên gia châu Âu nhấn mạnh tính hiệu quả của các loại vaccine hiện có trong việc phòng ngừa biến thể VUI-2020/12/01 mới phát hiện tại Anh. Tuy nhiên, tuyên bố tương đối chung chung này có thể được hiểu mang tính “trấn an”, bởi biến thể mới vừa xuất hiện và chưa có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu một cách khoa học và chắc chắn về hiệu quả phòng ngừa của vaccine.

Trung Quốc ra quy định mới về an ninh quốc gia với đầu tư nước ngoài

Trung Quốc đã công bố các quy định mới về an ninh quốc gia đối với các dự án đầu tư nước ngoài, và khẳng định các biện pháp này có mức độ bao trùm lớn nhưng không mang ý nghĩa bảo hộ. Hệ thống đánh giá do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) công bố bao gồm các khoản đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực quân sự và mua lại cổ phần kiểm soát trong các lĩnh vực như năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, công nghệ internet và dịch vụ tài chính.

Theo NDRC, chỉ có cách thắt chặt hàng rào chống lại các rủi ro an ninh, Trung Quốc mới có thể đặt nền móng vững chắc cho một đợt mở cửa mới rộng hơn và sâu hơn. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ giúp cân bằng lợi ích kinh tế của việc mở cửa hơn nữa mà vẫn đảm bảo an ninh quốc gia. NDRC cho biết việc công bố các quy tắc đầu tư này “không phải là chủ nghĩa bảo hộ”, đồng thời khẳng định rằng “mở cửa mà không có sự bảo vệ thì không thể bền vững”.

Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Đức và Nhật Bản đã thiết lập hoặc cải thiện các cơ chế rà soát về đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Hệ thống mới của Trung Quốc sẽ cần một cơ quan chuyên trách đánh giá về an ninh, do NDRC và Bộ Thương mại đứng đầu. Các quy tắc này, có hiệu lực sau 30 ngày, tuân theo luật đầu tư nước ngoài được công bố năm 2019 nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài.

2. Vĩ mô Việt Nam

Cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa Việt Nam và Hàn Quốc: Dệt may tăng sức cạnh tranh tại EU

Nỗi lo về quy tắc xuất xứ từ vải khi sản xuất hàng xuất khẩu sang EU đã phần nào được giải tỏa khi Hàn Quốc và Việt Nam vừa ký kết triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa hai nước trong EVFTA. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng lên khi Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong EVFTA đi vào thực thi.

Theo EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để được cắt giảm thuế quan, doanh nghiệp dệt may phải đảm bảo yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ. Trong đó, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA yêu cầu vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam, hoặc các nước thành viên EU, hoặc các nước đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU (Hàn Quốc, Nhật Bản).

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, với thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa 2 nước trong Hiệp định EVFTA, hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50% nhờ được cộng gộp cả lượng vải nhập từ Hàn Quốc. Điều này hết sức thuận lợi cho ngành để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU. Do đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc để thực hiện các đơn hàng xuất sang EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải.

Thị trường EU có nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may lớn với kim ngạch nhập khẩu hơn 250 tỷ USD mỗi năm. Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU mới chỉ đạt 4,3 tỷ USD, chiếm khoảng 2% thị phần của thị trường này. Con số trên cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU vẫn còn rất nhỏ so với dung lượng thị trường. Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, các chuyên gia kinh tế dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào EU sẽ tăng nhanh khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.

Cuộc đua ngành điện năm 2020: Những siêu dự án tỷ đô xuất hiện

Mức tiêu thụ điện của Việt Nam đang tăng nhanh bởi quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng giai đoạn 2021-2025. Tập đoàn VinaCapital ước tính Việt Nam có khả năng thiếu điện vào năm sau với mức khoảng 6 triệu MWh và thiếu 15 triệu MWh vào năm 2023, tương đương với 10% nhu cầu điện năng quốc gia.

Bộ Công Thương tính toán trong giai đoạn 2021-2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD; giai đoạn 2031-2045 cần 184,1 tỷ USD. Do đó để cân bằng cung cầu đến 2030, Việt Nam sẽ cần đầu tư 150 tỷ USD cho ngành năng lượng và đây sẽ là cơ hội cho ngành phát triển mạnh.Trước nguy cơ thiếu điện, Bộ Công Thương tham mưu trình Chính phủ một số giải pháp như bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021-2025, bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào…

Nhờ dư địa tăng trưởng cao cùng ưu đãi, thị trường năng lượng sạch tại Việt Nam thu hút nhiều tay chơi lớn đổ xổ làm điện tái tạo như BIM Group, Trung Nam Group, TTVN Group, Xuận Thiện, Hưng Hải Group, Bamboo Capital, Sao Mai… Các đại gia năng lượng nước ngoài (Thái Lan, Mỹ…) cũng đã tham dự vào “bữa tiệc” năng lượng này.

Do các nhà máy điện than có lượng phát thải ra môi trường lớn, Chính phủ đang khuyến khích các dự án điện khí LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) để hướng đến các nguồn năng lượng thân thiện môi trường hơn. Nhờ đó, hàng loạt dự án điện khí tỷ đô xuất hiện.Tính toán sơ bộ cho thấy có ít nhất hàng chục tỷ USD dự kiến đầu tư vào điện khí LNG. Trong bối cảnh quy hoạch điện VIII đang được xây dựng không bổ sung mới các dự án nhiệt điện than (chỉ thực hiện các dự án nhiệt điện than tại quy hoạch VI và VII điều chỉnh), điện khí LNG đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tỷ trọng nhiệt điện khí trong bản dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng tăng mạnh.

Xuất khẩu gỗ năm 2020 cán mốc gần 12,5 tỷ USD

Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2020 là năm đặc biệt đối với ngành gỗ. Về xuất khẩu, ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, đặc biệt trong quý II và III của năm nay. Tính hết 11/2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019.Theo đà hiện nay, chắc chắn giá trị xuất khẩu của cả năm 2020 sẽ cán mốc gần 12,5 tỷ USD. Theo đánh giá của Chính phủ, ngành gỗ là một trong những ngành dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông – lâm sản trong cả nước lên trong thời gian vừa qua.

Ngành gỗ đang ở đầu “chiến tuyến” trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các cường quốc đang tiếp tục diễn ra. Từ đầu năm đến nay, ngành liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, từ Hàn Quốc, cụ thể đối với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế. Gần đây nhất, Cơ quan đại diện Thương mại của Hoa Kỳ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Nguy cơ Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt này gỗ của Việt Nam vào các thị trường này là rất lớn.

Ông Phùng Gia Đức – Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài – Cục Phòng vệ Thương mại – cho biết: đến nay Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 199 vụ việc, trong 5 năm gần đây nhất có tới 97 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Các thị trường điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Canada, EU, Philippines. Riêng trong năm 2020, Việt Nam đang bị điều tra 37 vụ việc. Các vụ việc liên quan tới sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán. Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với gỗ ván MDF.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest