Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Thị trường chứng khoán tăng mạnh là con dao 2 lưỡi với Trung Quốc
1. Vĩ mô quốc tế và các thông tin đáng chú ý
Cuộc chiến thương mại điện tử khốc liệt tại Đông Nam Á
Theo nghiên cứu từ iPrice Group, App Annie và SameWeb, Shopee đã vượt Lazada trở thành ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất năm 2019 tại Đông Nam Á, được tải xuống thường xuyên hơn trong năm tính đến tháng 5 tại 6 quốc gia hai công ty cùng hoạt động là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore.
Tại hai thị trường lớn nhất là Indonesia và Việt Nam, trong tháng 5, Shopee có lượng người dùng theo tháng lớn hơn Lazada. Simon Wintels, nhà phân tích của McKinsey nhận định “có thể nhìn thấy rõ sự lớn mạnh của Shopee. Lazada từng lớn hơn đáng kể hồi 4 năm trước”.
Không nơi nào có trận chiến tốn kém khốc liệt như Indonesia, thị trường mới nổi hứa hẹn nhất trong khu vực, với dân số 267 triệu người và thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,6 lần Ấn Độ.
Cuộc cạnh tranh có vẻ sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Các nhà đầu tư và các đối thủ đang chuẩn bị ứng phó với Amazon, công ty đã hoạt động tại Singapore, để tiếp tục phát triển trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các nước “cùng chí hướng” lập liên minh toàn cầu đối phó Trung Quốc
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã bắt đầu chuyến công du châu Âu trong tuần này. Chuyến đi được cho là để gây sức ép lên các đồng minh EU của Mỹ, yêu cầu họ phải có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Tại điểm dừng chân đầu tiên ở thủ đô London của Anh, phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông Pompeo chỉ trích Trung Quốc đã đưa ra những yêu sách chủ quyền hàng hải phi pháp, đe dọa các nước láng giềng, che giấu thông tin về dại dịch Covid-19 để trục lợi.
“Chúng tôi hy vọng chúng ta có thể xây dựng một liên minh nhận thức được mối đe dọa từ Trung Quốc và phối hợp để chống lại cách hành xử của Trung Quốc”, ông Pompeo nhấn mạnh.
Lãnh đạo của Lầu Năm Góc khẳng định chính sách của Mỹ là bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó tất cả các nước đa dạng trong khu vực có thể sinh sống và phát triển thịnh vượng trong hòa bình, và đảm bảo rằng Trung Quốc không có quyền biến các vùng biển quốc tế thành một vùng ngoại lệ, hoặc đế chế trên biển của riêng nước này.
2. Vĩ mô trong nước
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm phụ thuộc diễn biến tình hình kinh tế thế giới
Chúng tôi đánh giá điều kiện kinh tế Việt Nam năm nay có lợi thế phục hồi năng lực của các doanh nghiệp nội địa lớn hơn các quốc gia chưa khống chế được bệnh dịch. Do đó, kinh tế Việt Nam hiện chỉ phụ thuộc vào diễn biến tình hình kinh tế của Quốc tế. Tuy nhiên cái này chúng ta không kiểm soát được.
Theo đó, khả năng dịch bệnh và sự cản trở chuỗi cung ứng, các khách hàng đối tác chính ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu còn nhiều vấn đề họ cần phải vượt qua trong mùa thu và mùa đông tới sẽ là những trở ngại.
Nếu chúng ta tiếp tục duy trì được tình hình dịch bệnh trong nước như hiện nay thì mức tăng trưởng có thể đạt 3,8%. Trường hợp xấu hơn, khi chúng ta không kiểm soát được dịch bệnh trong nước cũng như diễn tiến xấu của dịch bệnh trên thế giới thì tăng trưởng kinh tế của chúng ta sẽ đạt thấp, nhưng vẫn tăng trưởng dương so với các nước trong khu vực, tương đương mức khoảng 2,2% trong khi nhiều nước như Thái Lan dự báo tăng trưởng âm. Đó là bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những tháng cuối năm và cả năm 2020.
Cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư kỷ lục
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2020 (từ ngày 1/7 đến ngày 15/7) đạt 21,38 tỷ USD, tăng 3,9% so với kỳ 2 tháng 6/2020.
Lũy kế đến hết ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 261,5 tỷ USD. Trong kỳ 1 tháng 7, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 434 triệu USD nâng mức thặng dư luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7 đạt 5,89 tỷ USD.
Tương tự các tháng trước đó, trong kỳ 1 tháng 7, Việt Nam tiếp tục có thế mạnh xuất khẩu ở một số mặt hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu 1,76 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,7 tỷ USD; Hàng dệt may đạt 1,41 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 955 triệu USD và giày dép các loại đạt 644 triệu USD.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 đang tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, ở khu vực châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam.
Xin trả hàng nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công vì không “tiêu” hết
Trong văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) gửi Bộ Tài chính mới đây, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của bộ này được Thủ tướng giao là 3.600 tỷ đồng thực hiện 25 dự án ODA.
Ngay sau có quyết định giao vốn của Thủ tướng, Bộ NN-PTNT đã phân bổ vốn để thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỷ đồng. Số vốn kế hoạch vốn vay nước ngoài thừa, không sử dụng là hơn 1.800 tỷ đồng.
Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng điều chuyển số vốn hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài đã giao cho bộ sang các bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân. Kiến nghị này của Bộ NN-PTNT đang được cấp có thẩm quyền xem xét.
3. Chứng khoán và các kênh đầu tư
Thị trường chứng khoán tăng mạnh là con dao 2 lưỡi với Trung Quốc
William Ma, giám đốc đầu tư công ty quản lý tài sản Trung Quốc Noah Holdings nói với CNBC hôm thứ Ba (21/7) rằng, công ty của ông đang theo dõi mức độ giao dịch ký quỹ giữa các nhà đầu tư cá nhân.
“Mức độ vay ký quỹ hiện đang ở khoảng một nửa so với mức đỉnh, vì vậy tôi tin rằng đà tăng của thị trường sẽ tiếp tục diễn ra. Đồng thời, chúng ta nên nhận thức rằng thị trường chỉ còn cách mức đỉnh cao nhất trong những năm gần đây 20%”, ông cho biết.
“Đợt gia tăng mạnh gần đây của chứng khoán cũng là con dao hai lưỡi đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc”, theo phân tích của ANZ đưa ra vào thứ Hai (20/7) về cảnh báo về những rủi ro của giao dịch ký quỹ.
“Mặt khác, ngày càng có nhiều lo ngại về rủi ro tài chính liên quan đến giao dịch ký quỹ, điều này gây ra sự sụp đổ của thị trường năm 2015”, theo ANZ.