Podcast ngày 23.02.2022 – MBS tìm đối tác chiến lược, lên kế hoạch lãi 1.100 tỷ đồng năm 2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/02/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – MBS tìm đối tác chiến lược, lên kế hoạch lãi 1.100 tỷ đồng năm 2022

1. Thông tin vĩ mô

• OPEC+ muốn tiếp tục duy trì kế hoạch tăng sản lượng hiện tại
– Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cho biết, mức tăng hàng tháng 400.000 thùng/ngày là đủ để ổn định thị trường và đã từng bước nâng cao sản lượng sau khi cắt giảm sâu khi đại dịch xảy ra. Dầu thô đã tăng mạnh với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng khoảng 20% trong năm nay lên hơn 90 USD/thùng, và hoàn toàn có thể sớm đạt 100 USD/thùng nếu khủng hoảng Nga – Ukraine tiếp tục trầm trọng hơn.
– Các bộ trưởng năng lượng của bốn thành viên lớn nhất của OPEC – Ả Rập Xê Út, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait – đã họp mặt tại Riyadh vào Chủ nhật (20/2). Các bộ trưởng cho biết, chiến lược của họ đang giúp cân bằng thị trường năng lượng. Tuy nhiên, những quốc gia như Angola và Nigeria đang phải vật lộn để thúc đẩy sản xuất sau khi đầu tư vào ngành suy giảm trong giai đoạn trước đó. Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, OPEC+ đã bơm ít hơn gần 1 triệu thùng/ngày so với những gì họ cam kết.
– Tình hình giá dầu có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu sự bất đồng giữa Nga và phương Tây về Ukraine leo thang, đẩy giá dầu vượt lên ngưỡng 100 USD/thùng. Trong khi Moscow cho biết họ không có kế hoạch cho một cuộc xâm lược, các quan chức phương Tây vẫn cảnh giác khi Nga đã công nhận sự độc lập của 2 vùng ly khai tại Donbass.

• Kinh tế Eurozone tăng trưởng mạnh sau nới lỏng biện pháp phòng dịch
– Theo khảo sát hằng tháng của IHS Markit, tăng trưởng kinh tế tháng 2 của khu vực Eurozone đã lên mức cao nhất trong 5 tháng, nhưng tình trạng gián đoạn nguồn cung và giá cả tăng cũng đang đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tăng 3,5 điểm lên mức 55,8, cao hơn mức 52,3 ghi nhận vào tháng 1. Trong đó, tăng trưởng kinh tế Đức cao nhất trong 6 tháng, với PMI ở mức 56,2. Kinh tế Pháp cũng tăng trưởng tốt nhất trong 8 tháng với chỉ số PMI 57,4. Chỉ số PMI trên 50 được hiểu là kinh tế tăng trưởng.
– Các biện pháp hạn chế trong khu vực đã được hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng vẫn gián đoạn, giá cả trung bình của hàng hóa và dịch vụ đã tăng lên mức cao chưa từng thấy. Cụ thể, giá năng lượng tăng và lương tăng tiếp tục gây thêm áp lực lạm phát, khiến giá cả bán ra tăng cao nhất trong hơn 25 năm kể từ khi tiến hành khảo sát.
– Kinh tế tăng trưởng nhờ 19 nước thành viên bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế sau 2 tháng áp dụng để ứng phó với làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra. Hiện Omicron là biến thể gây bệnh chủ đạo ở châu Âu nhưng các chính phủ đánh giá biến thể này ít nguy hiểm hơn những biến thể trước nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giảm thuế với xăng, dầu
– Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu liên Bộ Tài chính – Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, với mục tiêu cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.
– Hiện thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít. Mức thuế này được quy định “cứng” trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.
– Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng hiện phải chịu thêm các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.
– Ước tính, bình quân mỗi lít xăng, thuế, phí hiện chiếm khoảng 42-43%; còn dầu 21-27%. Tức là mua 100 đồng tiền xăng thì tiền thuế, phí là 42-43 đồng, và dầu là 21-27 đồng.
– Trong bối cảnh dư địa điều hành giá bán lẻ xăng dầu không còn nhiều, Quỹ bình ổn giá xăng dầu gần cạn và giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng đi lên, khiến giá thành phẩm xăng dầu ở mức cao, việc nhà chức trách giảm thuế trong cơ cấu giá bán lẻ cần được tính tới, để kìm giá xăng dầu ở thị trường trong nước, qua đó mở ra lối đi cho các doanh nghiệp xăng dầu thương mại vốn đã và đang chịu ảnh hưởng từ giá đầu vào cao và sự thiếu hụt nguồn cung trong nước.

• Xuất siêu gần 12 tỷ USD năm 2021, xuất khẩu gỗ tháng 1/2022 tiếp tục tăng tốc
– Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ngay trong tháng đầu tiên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt kim ngạch ở mức rất cao là 1,549 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2021. Đây là lần thứ ba kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng là vào tháng 3/2021, khi đạt 1,512 tỷ USD; đến tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lần thứ hai vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng khi đạt 1,55 tỷ USD; tiếp đến, tháng 1/2022 đánh dấu lần thứ ba vượt mốc 1,5 tỷ USD.
– Năm 2021, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/nhóm hàng hóa của Việt Nam, đạt 14,809 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020.
– Với kết quả xuất khẩu đạt cao gần 1,6 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đã nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm và nằm trong “top 3” nhóm hàng có sự tăng trưởng 2 con số (đứng thứ hai về tăng trưởng sau nhóm hàng dệt may), điều này tiếp tục mở ra nhiều kỳ vọng cho ngành gỗ trong cả năm 2022 khi các hoạt động xuất khẩu tiếp tục hồi phục.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Doanh thu bán lẻ phục hồi, PNJ báo lãi kỷ lục tháng 1
– Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) công bố doanh thu thuần tháng 1 đạt 3.476 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 270 tỷ đồng, tăng 60,7% và là mức cao nhất từ khi công bố lợi nhuận tháng. Doanh thu bán lẻ tháng 1 tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước và tăng 25% so với tháng trước. Trong khi đó, doanh thu bán sỉ tăng 11,7% và vàng miếng tăng 90,3% so với cùng kỳ năm trước.
– Tính đến hết tháng 1, hệ thống PNJ có 338 cửa hàng bao gồm 319 cửa hàng PNJ Gold, 10 cửa hàng PNJ Silver, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery, 3 cửa hàng PNJ Art, 2 cửa hàng PNJ Style và 1 cửa hàng PNJ Watch.
– Mới đây, PNJ công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành tối đa 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tỷ lệ 6,6%. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 2.276 tỷ đồng lên 2.426 tỷ đồng. Với giá chào bán 95.000 đồng/cp, PNJ dự thu về 1.425 tỷ đồng. Đơn vị huy động vốn để mở rộng nhà máy sản xuất tại Công ty TNHH MTV chế tác và kinh doanh trang sức PNJ nhằm tăng công suất sản xuất, phục vụ mảng bán lẻ (285 tỷ đồng); cải tiến và đổi mới công nghệ sản xuất (70 tỷ); mở rộng thị trường trang sức (785 tỷ đồng) và thực hiện lộ trình chuyển đổi số (285 tỷ đồng).
– Doanh nghiệp đã đẩy mạnh chiến dịch Xuân 2022 sớm hơn mọi năm trong bối cảnh các hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi nổi vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán, giúp cho doanh thu bán lẻ tăng mạnh. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm từ 18,8% xuống 18,5%, tổng chi phí hoạt động cũng tăng 59%.

• PV Gas lên kế hoạch lãi giảm 20% năm nay
– Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas, HoSE: GAS) báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu đi ngang 80.000 tỷ đồng, ngược lại lợi nhuận sau thuế giảm 20% về 7.039 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đầu tư xây dựng (công ty mẹ) dự kiến là 4.522 tỷ đồng. PV Gas cũng xây dựng hai kịch bản cho năm nay dựa trên nhu cầu điện toàn quốc tăng 8,2% và 12,4% so với năm ngoái.
– Về kết quả kinh doanh trong tháng đầu tiên của năm 2022, PV Gas ước doanh thu đạt 8.481 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch tháng và tăng trưởng 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch tháng và tăng 11% so với cùng kỳ.
– Lãnh đạo PV Gas cho biết hoạt động của doanh nghiệp dự báo sẽ gặp không ít khó khăn trong năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, thách thức đối mặt còn đến từ xu thế chuyển dịch năng lượng gia tăng nguồn năng lượng tái tạo và giảm huy động khí cho sản xuất điện, biến động giá các sản phẩm dầu mỏ; xuất hiện đơn vị kinh doanh cạnh tranh trực tiếp sản phẩm khí (LNG); dự kiến giá LNG nhập khẩu ở mức cao. Cùng với đó, thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn cung, khách hàng; việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng kinh doanh LNG, LPG (các kho quy mô) tiếp tục gặp khó khăn do bị ràng buộc bởi nhiều quy định đối với doanh nghiệp cổ phần nhà nước chi phối.

• MBS tìm đối tác chiến lược, lên kế hoạch lãi 1.100 tỷ đồng năm 2022
– Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán MB (HNX: MBS) công bố mục tiêu kinh doanh năm nay cũng tham vọng doanh thu trên 3.027 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.100 tỷ đồng, lần lượt tăng 36% và 50% so với 2021.
– Cụ thể, doanh nghiệp sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như tìm kiếm đối tác chiến lược, tăng cường nguồn lực vốn, tăng hiệu quả hoạt động; thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi số đồng bộ; đầu tư mạnh về công nghệ đáp ứng nhu cầu kinh doanh, các khối hỗ trợ và quản trị điều hành.
– Với năm 2022, MBS dự báo lạm phát sẽ tăng khá nhanh từ mức bình quân 1,84% năm 2021 lên khoảng 2,5% năm nay. Nếu thực hiện tốt cả 2 chương trình trọng mà Chính phủ tập trung là phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thì GDP có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% – 7%.
– Động lực tăng trưởng trong năm 2022 của thị trường đến từ số lượng tài khoản mở mới tiếp tục xu hướng tăng từ mức 4% lên 5% dân số nhờ mặt bằng lãi suất ổn định và sự đóng góp của công nghệ giúp nhà đầu tư giao dịch thuận tiện hơn; hoạt động thoái vốn nhà nước và kỳ vọng nâng hạng thị trường trong 2 năm tới.
– Năm 2021, thị trường chứng khoán thuận lợi đã giúp MBS ghi nhận kết quả lợi nhuận cao nhất trong 10 năm. Lợi nhuận trước thuế 736 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2020 và vượt 53% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 587 tỷ đồng, gấp 2,2 lần.
– Với kết quả này, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án chi trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 15%, tương đương mức chia 401 tỷ đồng.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 22/02/2022 tiêu cực khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, với căng thẳng địa chính trị leo thang ở châu Âu và các chỉ số khác trên thế giới đều chịu áp lực bán tháo. VN-Index giảm mạnh gần 14 điểm ngay sau phiên ATO. Tình hình thị trường u ám khi VN-Index rơi mạnh hơn 18 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa. Ở những phút đầu phiên chiều, chỉ số tiếp tục xu hướng giảm điểm và có lúc giảm hơn 26 điểm, xuống mức thấp nhất trong ngày. Tuy nhiên, lực cầu vào bắt tại ngưỡng hỗ trợ 1,480 đã hiện diện mạnh mẽ, nhờ vậy VN-Index đã thu hẹp đáng kể những điểm giảm trước đó. Kết phiên giao dịch, VN-Index chỉ còn giảm hơn 7 điểm, đóng cửa ở mức 1,503.47 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VIC, MSN, DIG và VHM là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Riêng VIC đã lấy đi hơn 1.5 điểm của chỉ số. Trong khi đó, sắc xanh tích cực nhất với VN-Index trong phiên là MBB, khi góp gần 2 điểm tăng cho chỉ số.
– Về nhóm ngành, nhóm ngân hàng có phiên giao dịch mang tín hiệu tích cực trở lại, đặc biệt là sự vượt trội của MBB khi nâng đỡ chỉ số rất tốt nhờ mức tăng 5.4% kèm theo khối lượng lớn. Ngoài ra, BID, STB, TPB và ACB là những cái tên khác ghi nhận giao dịch tích cực.
– Ở chiều ngược lại, giá dầu thế giới tiệm cận mốc 99 USD/thùng khi căng thẳng chính trị leo thang, giúp nhóm cổ phiếu dầu khí ghi nhận diễn biến tích cực. Giá cổ phiếu PVC leo dốc 6.6%, các cổ phiếu khác như PVS, PVD, PLX, OIL và BSR tăng từ 1.5-4%.
– Về giao dịch khối ngoại, riêng sàn HOSE khối ngoại bán ròng trở lại gần 109 tỷ đồng sau 3 phiên mua ròng liên tiếp, tương ứng khối lượng bán ròng là 6,4 triệu cổ phiếu. PLX đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HoSE với 79 tỷ đồng. NVL và FRT đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 36 tỷ đồng và 31 tỷ đồng. Trong khi đó, DXG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 79 tỷ đồng. VHM và GMD được mua ròng lần lượt 60 tỷ đồng và 52 tỷ đồng.
– VN-Index trải qua phiên giao dịch hết sức căng thẳng khi có lúc chỉ số rơi mạnh hơn 26 điểm. Tuy nhiên lực cầu bắt đáy xuất hiện tài vùng hỗ trợ, đặc biệt là tại các cổ phiếu vốn hóa lớn, đã giúp chỉ số hồi phục, minh chứng bằng việc nhóm VN30 chỉ có mức giảm 1 điểm so với mức giảm 7 điểm của VN-Index. Khối lượng giao dịch ngày hôm nay tăng tốt, đặc biệt ở nhóm vốn hóa lớn, và vượt lên trên mức trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy sự quay trở lại của dòng tiền. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh để tái cơ cấu danh mục, tập trung các nhịp tăng để hạ tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ – triển vọng lợi nhuận kém và thay vào đó là mua tích lũy thêm các mã đầu ngành của các ngành có triển vọng tốt.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest