Podcast ngày 22.10.2020 – Trung Quốc bơm 70 tỷ Nhân dân tệ vào thị trường, duy trì thanh khoản

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/10/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Chính quyền Tổng thống Trump chính thức đệ đơn kiện Google

Vào ngày 20/10, chính quyền Tổng thống Trump đã nộp đơn kiện Google. Đây là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất thế giới trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây, nhằm chống lại một công ty công nghệ. Trong đơn khiếu nại, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã cáo buộc Google kiểm soát sự cạnh tranh để duy trì vị thế của mình trên thị trường công cụ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.

Theo đơn kiện, 11 tiểu bang – bao gồm — Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas, đã tham gia vụ kiện này. Đơn khiếu nại nhắm mục tiêu vào một loạt các hành động của Google – được cho là làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh và ngăn cản các đối thủ thu hút người dùng.

Vụ kiện lần này có thể gây rủi ro lớn chưa từng có đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo trên quy mô lớn của Google. Mảng này đã mang về 134,8 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 84% toàn bộ hoạt động kinh doanh của Google.

Trung Quốc bơm 70 tỷ Nhân dân tệ vào thị trường, duy trì thanh khoản

Theo một tuyên bố trên trang web, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã “bơm” thêm tiền vào hệ thống ngân hàng của nước này thông qua hoạt động thị trường mở để duy trì thanh khoản ở mức hợp lý.

Cụ thể, PBoC đã bơm 70 tỷ NDT (10,46 tỷ USD) vào thị trường thông qua hoạt động repo đảo ngược trong bảy ngày với lãi suất 2,2%. Động thái này nhằm duy trì thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng.

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng theo cách linh hoạt và phù hợp hơn. Trong báo cáo chính sách tiền tệ quý II/2020, PBoC cho biết họ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và có mục tiêu đạt được sự cân bằng dài hạn giữa ổn định tăng trưởng và ngăn ngừa rủi ro.

Cathay Pacific sa thải gần 6,000 nhân viên

Hãng hàng không Cathay Pacific Airways của Hong Kong ngày 21/10 tuyên bố sẽ cắt giảm 5.900 công việc và đóng cửa thương hiệu bay khu vực Cathay Dragon. Với động thái này, Cathay nối dài danh sách các hãng hàng không phải cắt giảm chi phí mạnh tay để ứng phó với sự sụt giảm nhu cầu đi lại trên toàn cầu do ảnh hưởng của trận “sóng thần” mang tên đại dịch Covid-19.

Hãng tin CNBC dẫn thông tin được Cathay niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong cũng cho thấy hãng sẽ thay đổi điều kiện trong hợp đồng với phi công và tiếp viên. Tất cả các biện pháp mà hãng vừa đưa ra đều nhằm cắt giảm 2,2 tỷ Đôla Hong Kong, tương đương gần 284 triệu USD, chi phí.

Tổng cộng, Cathay sẽ cắt giảm 8.500 vị trí, tương đương 24% tổng nhân sự, nhưng con số này bao gồm 2.600 vị trí hiện chưa có nhân viên đảm nhận do các sáng kiến cắt giảm chi phí.

2. Vĩ mô Việt Nam

Thu ngân sách Nhà nước năm 2020 dự kiến hụt 189.2 nghìn tỷ đồng

Dự ước cả năm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Mặc dù cơ quan quản lý thu đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nợ đọng thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ các giải pháp thực hiện chính sách thu đã đề ra, song do tác động của đại dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán đã được Quốc hội quyết định. Việc nợ đọng thuế còn cao, nhiều địa phương trọng điểm thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán.

Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59% GDP.

Các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu NSNN, là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.

Nền tảng số “Make in Vietnam” đã sẵn sàng cho một Việt Nam số

Tại Hội nghị và Triển lãm Trực tuyến Thế giới số 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu ra 3 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, cần hoạch định một chiến lược số trong và sau đại dịch Covid-19, trong đó có những định hướng cho quan hệ hợp tác giữa Liên minh viễn thông Quốc tế (ITU)với các quốc gia thành viên trong chuyển đổi số. Thứ hai, các nước thành viên ITU cần thúc đẩy việc xây dựng các chuẩn mở cho công nghệ mạng 5G, tạo cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, giảm chi phí xây dựng mạng lưới. Cuối cùng, cần thảo luận tìm sự thống nhất xây dựng công ước quốc tế, hoặc thỏa thuận quốc tế về không gian mạng để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở bảo đảm an toàn an ninh mạng, bảo đảm chủ quyền các quốc gia, quyền và lợi ích công dân trên không gian mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, hạ tầng số với các sản phẩm và nền tảng số “Make in Vietnam” đã sẵn sàng cho kinh tế số và xã hội số, sẵn sàng cho một Việt Nam số. Công nghệ Việt không chỉ giải các bài toán Việt Nam mà còn góp phần giải các bài toán toàn cầu. “Covid-19, điển hình như Bluezone, Ncovi là những minh chứng cụ thể. Việt Nam đang hội tụ các điều kiện để trở thành một đất nước công nghệ, dùng công nghệ làm động lực phát triển đất nước, dùng công nghệ để đồng hành với các nước, hợp tác toàn cầu, và cùng nhau xây dựng một thế giới số”, Bộ trưởng kết luận.

Phó Thủ tướng có ý kiến về dự án sân bay Sa Pa

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Cụ thể, Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng hàng không Sa Pa theo ý kiến của các Bộ, trong đó lưu ý việc đáp ứng quy mô công suất theo quy hoạch và tính toán phân kỳ đầu tư, bảo đảm dự án khả thi, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Dự kiến Cảng hàng không Sa Pa được xây dựng trên diện tích 371 ha là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II với 1 đường cất hạ cánh, hệ thống đường giao thông kết nối với tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai quy mô 2 làn xe. UBND tỉnh Lào Cai dự kiến thời gian thực hiện Dự án là 50 năm, trong đó thời gian xây dựng là 4 năm, thời gian thu phí hoàn vốn, tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư là 46 năm.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest