Podcast ngày 22.02.2022 – Việt Nam xuất siêu 1.39 tỷ trong tháng đầu năm 2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/02/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Việt Nam xuất siêu 1.39 tỷ trong tháng đầu năm 2022

1. Thông tin vĩ mô

• JPMorgan dự đoán Fed tăng lãi suất 9 lần trong năm 2022
– Mới đây nhất, nhóm nghiên cứu từ JPMorgan, do nhà kinh tế trưởng Bruce Kasman dẫn đầu nhận định, Fed sẽ tăng 0,25% lãi suất trong mỗi cuộc họp trong số 9 cuộc họp tiếp theo trong năm nay (tức mỗi lần họp lại ra quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%).
– Lạm phát của mỹ chưa có dấu hiệu giảm tốc và đang ở mức kỷ lục là nguyên nhân khiến các chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định này. Trước JPMorgan, các nhà kinh tế trên toàn cầu liên tục đưa ra các dự báo kỷ lục về số lần tăng lãi suất mà Fed có thể thực hiện trong năm nay. Cụ thể, cuối tháng 1/2021, các nhà kinh tế của ngân hàng Bank of America dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 7 lần trong năm nay, bắt đầu kể từ tháng 3, mỗi lần thêm 0,25 điểm %.
– Trước Bank of America, nhiều ngân hàng lớn của Phố Wall như Goldman Sachs và JPMorgan Chase cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay. Các dự báo này đều tăng mạnh so với dự tính tăng lãi suất 3 lần năm 2022 mà các quan chức Fed đưa ra sau cuộc họp ngày 14-15/12/2021.
– Hiện nay lãi suất quỹ liên bang của Mỹ đang ở trong khoảng 0 – 0,25%. Nếu dự báo của JPMorgan trở thành hiện thực, lãi suất đến cuối năm 2022 là 2,25- 2,5%.
– Fed sẽ có phiên họp chính sách vào 15- 16/3 tới, kế hoạch tăng lãi suất cụ thể cũng sẽ được bàn thảo trong phiên họp này. Và một điều gần như chắc chắn rằng, Fed tăng lãi suất sẽ gây áp lực không nhỏ đến điều hành lãi suất, tỷ giá của Việt Nam.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Giá xăng lập đỉnh mới, hơn 26.300 đồng/lít
– Chiều 21/2, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu. Giá bán lẻ tại các doanh nghiệp đầu mối cũng được điều chỉnh theo. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 961 đồng lên 25.532 đồng/lít và RON95 tăng 965 đồng lên 26.387 đồng/lít. Với mức tăng giá này, giá xăng RON 95 vượt đỉnh năm 2014 khi xăng RON92 có giá 25.640 đồng/lít, còn xăng RON95 ở mức 26.140 đồng/lít.
– Trong kỳ điều chỉnh vào ngày 11/2, giá xăng RON 95 tăng 962 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 981 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 24.571 đồng/lít và xăng RON95 là 25.322 đồng/lít.
– Giá các loại dầu cũng tăng. Dầu hoả là 19.509 đồng/lít, tăng 758 đồng. Dầu diesel là 20.801 đồng/lít, tăng 936 đồng/lít. Dầu mazut là 17.932 đồng một kg, tăng 273 đồng/lít.
– Hơn một tháng qua, giá xăng và dầu liên tục biến động mạnh. Hôm 11/2, giá xăng trong nước cũng đã tăng gần 1.000 đồng một lít nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho biết vẫn lỗ 500-800 đồng một lít. Ngoài khan hiếm nguồn cung, hoạt động kinh doanh thua lỗ cũng khiến nhiều đơn vị tạm ngưng bán hàng hoặc bán theo định mức.
– Nhóm hạ nguồn trong ngành xăng dầu Việt Nam đang đối mặt với tình thế khó khăn cả trong lẫn ngoài nước, khi giá dầu thô tiến sát 100 USD/thùng do căng thẳng Nga – Ukraine đẩy giá tăng cao, trong khi thị trường nội địa thiếu hụt cung do nhà máy lọc dầu có quy mô thị phần lớn nhất là nhà máy Nghi Sơn chưa thể hoạt động hết công suất trở lại. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu thương mại khi vừa phải nhập hàng giá cao và không bán được tối đa công suất.

• Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh 45.4% trong tháng 1/2022
– Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 1/2022 bật tăng mạnh 45,4% về lượng, tăng 28,2% về trị giá so với tháng 1/2021, đạt lần lượt 505.741 tấn và 246 triệu USD.
– Philippines vẫn dẫn đầu về tiêu thụ các loại gạo của Việt Nam, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch tăng mạnh 37,8% về lượng, tăng 20,6% kim ngạch nhưng giá giảm 12,5% so với tháng 1/2022.
– Bờ Biển Ngà vượt qua thị trường Trung Quốc lên đứng thứ 2 về kim ngạch, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 424% về lượng, tăng 252,5% kim ngạch nhưng giá giảm 32,7% so với tháng 1/2021.
– Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 37.006 tấn, tương đương 18,99 triệu USD, so với tháng 1/2021 thì giảm cả về khối lượng, kim ngạch và giá với mức giảm tương ứng 36%, 37% và 1,5%.
– Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 1/2021 tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.
– Như vậy, xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng. Ngoài các thị trường truyền thống, gạo thơm và gạo chất lượng cao của Việt Nam những năm gần đây còn xâm nhập và dần chiếm lĩnh các thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… Điển hình như thị trường EU, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu năm 2021 tăng 9,3% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

• Việt Nam xuất siêu 1.39 tỷ trong tháng đầu năm 2022
– Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng đầu tiên của năm 2022 đạt 60,29 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 30,84 tỷ USD, tăng 8,1% và nhập khẩu đạt 29,45 tỷ USD, tăng 11,3%. Với kết quả này, cán cân thương mại xuất siêu 1,39 tỷ USD.
– Trong tổng trị giá xuất khẩu 30,84 tỷ USD của tháng đầu năm 2022, điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,5 tỷ USD, giảm 26,1% so với tháng 1/2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang Hoa Kỳ đạt 1,07 tỷ USD, giảm 8,9%; Trung Quốc: 956 triệu USD, giảm 35,5%; Hàn Quốc: 299 triệu USD, giảm 18,3%… so với cùng kỳ năm 2021.
– Đây là kết quả tốt cho nền kinh tế trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Tuy nhiên, kết quả xuất siêu này hoàn toàn là thành tích của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI. Không chỉ có tháng đầu năm nay mà liên tục nhiều năm qua, trong khi xuất siêu của khối doanh nghiệp FDI tăng mạnh thì doanh nghiệp nội địa vẫn luôn nhập siêu.
– Xuất siêu dựa vào khối doanh nghiệp FDI đã phần nào phản ánh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất hạn chế, và sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài khiến nền kinh tế càng dễ tổn thương trước các cú sốc như đại dịch Covid-19, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• PNJ chào bán 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 95.000 đồng/cp
– Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành tối đa 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tỷ lệ 6,6%. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 2.276 tỷ đồng lên 2.426 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
– Với giá chào bán 95.000 đồng/cp, PNJ dự thu về 1.425 tỷ đồng. Đơn vị huy động vốn để mở rộng nhà máy sản xuất tại Công ty TNHH MTV chế tác và kinh doanh trang sức PNJ nhằm tăng công suất sản xuất, phục vụ mảng bán lẻ (285 tỷ đồng); cải tiến và đổi mới công nghệ sản xuất (70 tỷ); mở rộng thị trường trang sức (785 tỷ đồng) và thực hiện lộ trình chuyển đổi số (285 tỷ đồng).
– PNJ dự kiến phát hành 7,35 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương 49% tổng số cổ phiếu phát hành thêm trong đợt chào bán riêng lẻ, đảm bảo tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài duy trì ở mức 49% theo quy định.
– Cổ phiếu PNJ hiện giao dịch quanh 106.000 đồng/cp, tăng 14,5% trong 1 tháng qua.
– Trong năm 2021, doanh thu thuần PNJ tăng 12% đạt 19.593 tỷ đồng, thực hiện 93% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận gộp là 18,2%, thấp hơn so với mức 19,6% của năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 1.037 tỷ đồng, giảm gần 4%, tương đương 84% chỉ tiêu năm. Nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt quý III/2021 – thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở TP HCM và các tỉnh miền Nam.

• Chứng khoán Tiên Phong ORS lên kế hoạch tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng trong năm 2022
– Ngày 11/3, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (Mã: ORS) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên để bàn về kế hoạch năm 2022 với doanh thu 1.981 tỷ đồng, tăng gần 46% so cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lên tới 500 tỷ đồng, tăng vọt gần 85% so năm 2021.
– Cũng theo đó, trong năm 2022 ORS sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng nhằm tăng cường các tỷ lệ an toàn về vốn, đồng thời bổ sung nguồn vốn ổn định cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư dài hạn của công ty. Theo đó, dự kiến số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 300 triệu cổ phiếu, trong đó chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dự kiến 200 triệu cổ phiếu giá dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/cp theo tỷ lệ 1:1; đồng thời chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến 100 triệu cổ phiếu giá dự kiến từ 15.000 – 17.500 đồng/cp
– Ngoài ra, TPS cũng dự kiến phát hành thêm 3.000 tỷ đồng trái phiếu giá phát hành theo mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
– Hiện ORS có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong đó TPBank là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 9,01% vốn.
– Có thể thấy, với đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm qua, triển vọng của thị trường khi ngành chứng khoán đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố như: môi trường lãi suất thấp, các chính sách, sự hỗ trợ của chính phủ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như việc cơ cấu, tổ chức lại sở giao dịch chứng khoán. Mặc dù nhà một công ty chứng khoán nhỏ, nhưng với lợi thế tiếp cận được tệp khách hàng của ngân hàng TPB và những thế mạnh về công nghệ, ORS có triển vọng sáng trong ngành chứng khoán Việt Nam.

• PV Drilling chuẩn bị trả cổ tức năm 2019 và 2020 tỷ lệ 20%
– PV Drilling (HoSE: PVD) công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án chi trả cổ tức năm 2019 và 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Doanh nghiệp dự kiến phát hành tối đa 84,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ tăng từ 4.211 tỷ đồng lên 5.053 tỷ đồng.
– Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2020 theo BCTC công ty mẹ năm 2020 đã được kiểm toán. Thời điểm thực hiện trước ngày 30/6, sau khi được UBCK chấp thuận. Vào cuối năm trước, HĐQT PV Drilling công bố quyết định gia hạn thời gian trả cổ tức 2019 và 2020 đến 30/6 do chưa nhận được sự chấp thuận của PVN lẫn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.
– Về hoạt động kinh doanh, năm qua, doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm 24% xuống 3.988 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm sâu 90% xuống 19 tỷ đồng và thực hiện 77% kế hoạch năm.
– Tại thời điểm cuối năm, PV Drilling có 1.922 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 3.590 tỷ quỹ đầu tư phát triển, 1.451 tỷ chênh lệch tỷ giá và 2.434 tỷ thặng dư vốn cổ phần, vốn góp chủ sở hữu ở mức 4.215 tỷ đồng.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với chỉ số thị trường biến động nhẹ và dành phần lớn thời gian giao dịch xập xình quanh mức tham chiếu và kết phiên sáng với mức tăng chỉ 3.88 điểm trong bối cảnh nhóm ngân hàng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh. Sau giờ nghỉ trưa, VN-Index tăng tốc ở đầu phiên chiều và có thời điểm tăng gần 12 điểm nhờ sự tích cực trở lại của các cổ phiếu blue chip, đặc biệt là VIC và nhóm ngân hàng dù thiếu đi những cái tên nổi bật hơn. Tuy nhiên, kết phiên giao dịch ngày 21/02/2022, VN-Index chỉ còn tăng nhẹ 6 điểm khi áp lực bán xuất hiện khi chỉ số chạm ngưỡng kháng cự 1,510, và cũng tạm dừng chân ở mức 1,510.84 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VIC, GVR và BID là những cổ phiếu tích cực nhất, khi đóng góp tổng cộng khoảng 3 điểm tăng cho VN-Index. Trong khi đó, 3 cái tên giảm nhiều nhất rổ VN30 là MSN, GAS và HPG, đóng vai trò kìm hãm đà tăng của toàn thị trường.
– Về nhóm ngành, nhóm chứng khoán khởi sắc với mức tăng mạnh gần 3%. Ngoại trừ trường hợp TVS là đứng yên tại chỗ khi kết phiên giao dịch, toàn bộ 24 mã cổ phiếu chứng khoán còn lại đều tăng tích cực.
– Nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục có một phiên giao dịch sôi động, nổi bật lên là HDC, LDG và NHA đều tăng trần. Thanh khoản giao dịch của nhóm cũng bật tăng vượt lên trên giá trị giao dịch trung bình 20 ngày.
– Khối ngoại phiên giao dịch ngày 21/2 mua ròng trên sàn HOSE với giá trị chỉ gần 176 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị hơn 17 tỷ đồng.
– Có thể thấy, VN-Index chậm rãi tăng thêm 6 điểm nữa trong phiên ngày 21/02/2022. Trong khi Small Cap và Mid Cap tăng hơn 1% thì nhóm VN30 gần như chỉ đi ngang, phản ánh dòng tiền thận trọng và phân hóa trên thị trường trong giai đoạn hiện tại khi chỉ số thiếu đi một nhóm ngành dẫn dắt khi các nhóm ngân hàng, dầu khí và bất động sản vốn hóa lớn đang có nhịp điều chỉnh mạnh. Kèm theo thanh khoản tiếp tục ở mức thấp, điều này cho thấy áp lực chốt lời ở các nhóm trên sau giai đoạn tăng trong tháng 1, và xu hướng lướt sóng của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường ở các nhóm cổ phiếu Small Cap và Mid Cap trong giai đoạn hiện tại. Nhà đầu tư cần chú trọng quản trị rủi ro và sẵn sàng hạ tỷ trọng các cổ phiếu đầu cơ khi chỉ số đang tiệm cận dải trên của Bollinger Band và ở sát kháng cự ở ngưỡng 1,510 điểm.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest