Podcast ngày 22.01.2021 – Ông Biden vừa nhậm chức, Trung Quốc áp lệnh trừng phạt loạt quan chức dưới thời ông Trump

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/01/2021

1. Vĩ mô quốc tế

Ông Biden vừa nhậm chức, Trung Quốc áp lệnh trừng phạt loạt quan chức dưới thời ông Trump

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20/1 tuyên bố sẽ trừng phạt gần 30 quan chức và các thành viên trong nội các của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vì hành vi “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc.

Một vài cái tên nổi bật trong danh sách bao gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, cố vấn thương mại Peter Navarro, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, cố vấn Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell, Bộ trưởng Y tế Alex Azar và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng trừng phạt 2 cựu cố vấn khác của ông Trump – gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và cựu cố vấn Stephen Bannon.

Ông Mike Pompeo được đánh giá là người trung thành đến phút chót của cựu Tổng thống Trump ngay cả khi nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền quyết định từ chức hay tìm cách tách mình khỏi ông Trump. Theo tuyên bố, 28 cựu quan chức Mỹ và các thành viên gia đình họ bị cấm vào Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macao, và các công ty và tổ chức có liên quan tới họ cũng bị hạn chế làm ăn tại Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh chính sách đối với Mỹ của Trung Quốc luôn nhất quán và rõ ràng, theo đó, Trung Quốc luôn nỗ lực xây dựng mối quan hệ không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng, đồng thời kiên định trong việc bảo vệ lợi ích phát triển, an ninh chủ quyền quốc gia.

Chứng khoán Trung Quốc đón lượng nhà đầu tư mới cao kỷ lục

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đón nhận thêm 1,62 triệu nhà đầu tư mới trong tháng 12, tăng gấp đôi so mức 809.300 nhà đầu tư cùng kỳ năm trước đó, theo Cơ quan Lưu ký và Thanh toán Chứng khoán Trung Quốc (CSDC) – đơn vị quản lý hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.

Trong năm 2020, số nhà đầu tư mới tăng 18,02 triệu lên 177,77 triệu, tương đương mỗi tháng có thêm 1,5 triệu tài khoản mới. Nhu cầu đầu tư chứng khoán gia tăng do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khiến nhiều người dân trên thế giới mắc kẹt ở nhà và có nhiều thời gian rảnh hơn.

Nhà đầu tư tại Trung Quốc còn có nhiều lựa chọn hơn do thị trường này đón nhận hàng loạt thương vụ IPO. Theo Ernst & Young, thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm tới 40% số thương vụ IPO trên thế giới. Xếp đầu tiên là sàn Thượng Hải với 233 thương vụ, tiếp đó là sàn Nasdaq của Mỹ và sàn Thâm Quyến.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021 với Shanghai Composite hôm nay chạm đỉnh 5 năm. Shenzhen Component đã tăng 7% kể từ đầu năm.

Vừa nhậm chức, ông Biden ký loạt sắc lệnh hành pháp đảo ngược chính sách của ông Trump

Trưa 20/1 (theo giờ Mỹ), ông Joe Biden đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ. Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký 15 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết loạt vấn đề mà ông cho là nổi cộm, đồng thời đảo ngược một số chính sách đã được người tiền nhiệm Donald Trump triển khai.

Cu thể, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh đưa Mỹ trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).Ông Donald Trump vào đầu tháng 7 năm ngoái đã gửi thông báo chính thức tới Quốc hội về việc nước này rút khỏi WHO. Quá trình rời đi sẽ hoàn tất vào tháng 7 năm nay nếu ông Biden không ký sắc lệnh đảo ngược lại quyết định này. Trước đó, ông Trump tuyên bố nước này chấm dứt quan hệ với WHO và việc tài trợ cho tổ chức này vì WHO “từ chối thực hiện các cải cách theo yêu cầu”. Nhà lãnh đạo Mỹ cáo buộc WHO che giấu quy mô bệnh dịch Covid-19 vì lợi ích của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Biden cũng ký sắc lệnh cho phép kích hoạt quá trình đưa Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; thu hồi giấy phép cấp cho dự án đường ống dẫn đầu gây tranh cãi Keystone XL giữa Mỹ và Canada. Ông cũng yêu cầu các cơ quan liên bang đánh giá về tính bình đẳng trong các chính sách hiện tại và đặt mục tiêu giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong vòng 200 ngày đầu nhiệm sở.

Các biện pháp mà ông Biden đang triển khai sẽ chấm dứt lệnh cấm đi lại mà cựu Tổng thống Trump đặt ra đối với một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Bên cạnh đó, tân tổng thống Mỹ cũng ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, đồng thời sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia – vốn là cơ sở để chuyển một số khoản ngân sách liên bang sang dự án xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico. Ông chủ mới của Nhà Trắng được cho là sẽ tiếp tục ký thêm nhiều sắc lệnh trong vài ngày tới nhằm thực hiện những lời hứa của ông đối với người dân Mỹ.

2. Vĩ mô Việt Nam

Giá mía nguyên liệu tăng cao, nông dân Đăk Lăk phấn khởi vì đã bắt đầu có lãi

Đắk Lắk hiện có 9.000 ha mía, trong đó vùng nguyên liệu mía ở các huyện Ea Kar, MĐrắk có hơn 7.000 ha. Dự kiến, sản lượng mía niên vụ này ước đạt 540.000 tấn. Với giá từ 950.000 đến 1,05 triệu đồng/tấn tại chân ruộng, người trồng đã không còn thua lỗ như trước mà đã có lãi.

Ông Lê Tuân, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH mía đường 333 Đắk Lắk cho biết, hiện nay giá đường thị trường trong nước và quốc tế đang đạt mức 14,5 triệu đồng/1kg, mức này cao hơn cùng thời điểm năm ngoái khoảng 20%. Do vậy, các nhà máy sản xuất mía đường thu mua mía nguyên liệu cao từ người trồng là nhu cầu tất yếu của thị trường.

Chính phủ đẩy mạnh gọi vốn ngay quý đầu năm

Theo kế hoạch, ngay trong quý 1, Kho bạc Nhà nước sẽ tăng mạnh lượng phát hành trái phiếu Chính phủ so với cùng kỳ năm trước. Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa có Công văn số 233/KBNN-QLNQ thông báo kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong quý 1/2021.

Theo đó, kế hoạch đấu thầu TPCP trong quý 1/2021 có tổng mức phát hành là 100.000 tỷ đồng, tăng mạnh 40.000 tỷ so với mức 60.000 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể khối lượng phát hành kỳ hạn 5 năm dự kiến là 5.000 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm là 5.000 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm là 35.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm là 35.000 tỷ đồng; kỳ hạn 20 năm là 10.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm là 10.000 tỷ đồng.

Thống kê sơ bộ cho thấy, năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã huy động được khoảng 330 nghìn tỷ đồng, hoàn thành vượt 27% kế hoạch ban đầu và 10% kế hoạch điều chỉnh của năm 2020, bỏ xa con số 198 nghìn tỷ đồng của năm 2019. Theo giới phân tích, đạt được kết quả này chủ yếu là nhờ hai yếu tố hỗ trợ chính, gồm thanh khoản thị trường dồi dào (NHNN giảm lãi suất điều hành và bơm khối lượng lớn tiền đồng ra thị trường, tăng trưởng tín dụng chậm); và khối lượng TPCP đáo hạn lớn tạo nguồn tái đầu tư nên thị trường TPCP nên công tác huy động vốn cho NSNN vẫn đạt kết quả tốt.

Những phiên đầu năm 2021, KBNN rải đấu thầu lượng phát hành vừa phải, trong khoảng 6.000 – 10.000 tỷ đồng mỗi phiên, hầu hết đều huy động được toàn bộ lượng chào thầu với lãi suất cho xu hướng giảm.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc: Việt Nam chỉ đón được dệt may, da giày, lắp ráp điện tử

Trong báo cáo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) đã đề cập tới quá trình dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Theo NCIF, tiếp theo xu hướng trước đây (Trung Quốc + 1), việc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đã được đẩy mạnh trong 2 năm qua nhờ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid-19. Các xu hướng định hình chuỗi cung ứng có thể kể đến bốn xu hướng chính sách dịch gồm: rút ngắn chuỗi (reshoring), đa dạng chuỗi (diversification), khu vực hóa chuỗi (regionalization) và nhân rộng chuỗi (replication). Tùy vào mỗi nhóm ngành cụ thể và mức độ tự động hóa, số hóa, các diễn biến chuỗi có thể khác nhau.

Đáng chú ý, dựa vào phương pháp cho điểm và cách tiếp cận của Ben Aylor (2020), NICF xây dựng sơ đồ về khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng theo ngành gồm hai trục là: động cơ dịch chuyển (gồm giảm chi phí, tránh thuế, giảm rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sách khuyến khích dịch chuyển của các nước) và mức độ dễ dàng trong việc dịch chuyển (dựa trên các yếu tố như mức độ thâm dụng công nghệ và lao động của ngành; năng lực của các đối tác thay thế, chi phí của việc dịch chuyển và sự níu kéo của thị trường hiện tại). Theo đó, những ngành có khả năng dịch chuyển lớn nhất là dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, máy móc thiết bị cơ khí và dịch vụ logistics.

Những ngành có động cơ dịch chuyển lớn nhưng không dễ dàng dịch chuyển là dược phẩm, điện tử tiêu dùng và hàng công nghệ. Nguyên do của việc không dễ dịch chuyển là khó tìm kiếm nguồn cung thay thế bên ngoài đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, hạ tầng và trình độ nhân lực (đối với xu hướng dịch chuyển hàng điện tử, công nghệ cao ra khỏi Trung Quốc).

Với Việt Nam, NCIF nhận định Việt Nam có nhiều thuận lợi cho việc đón sóng dịch chuyển chuỗi như: sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh; triển vọng tăng trưởng tốt; chi phí lao động thấp; các FTA thế hệ mới; vị trí gần Trung Quốc; sự gia tăng của tầng lớp trung lưu thúc đẩy tiêu dùng nội địa; sự sẵn có của các khu công nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh; cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhờ năng suất lao động tương đối cao và số lượng doanh nghiệp đáng kể trong một số ngành đầu vào (sản xuất kim loại, cao su, sợi tổng hợp). Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều rao rào cản trong dịch chuyển như: trình độ công nghệ và lao động hạn chế, chi phí lao động hiện thấp nhưng có xu hướng tăng nhanh và không tương thích với mức tăng năng suất lao động, cơ sở hạ tầng chưa phát triển…

Nghệ An đặt mục tiêu đạt 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2021

Năm 2020, bất chấp bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng trên toàn thế giới, nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vẫn khắc phục khó khăn, vận dụng lợi thế từ các FTA để ổn định sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu đưa kim ngạch của Nghệ An đạt 1,123 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 813 triệu USD, tăng 2,3% với năm 2019, đạt 95,6% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, hàng hóa được xuất khẩu đi đến hơn 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng thêm 15 thị trường so với năm 2019. Mặt hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 77,5%. Nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch năm 2020 đạt 735 triệu USD, vượt 3,5% so với kế hoạch. Trong đó, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm xăng dầu, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, sắt thép và linh kiện điện thoại.

Sang năm 2021, tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 910 triệu USD, tăng 12,3%.

Nghệ An hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt đối với các doanh nghiệp dệt may, chế biến khoáng sản, chế biến hoa quả, chế biến thủy, hải sản xuất khẩu là những mặt hàng chủ lực của tỉnh đã và đang có thể tăng mạnh cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêfu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu. Xác định đây là giải pháp quan trọng tạo sự đột phá trong việc tạo nguồn hàng xuất khẩu phong phú, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho các năm tiếp theo trong giai đoạn 2020-2025.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest