Podcast ngày 21.08.2020 – Ngân hàng nhà nước ra Thông tư lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Ngân hàng nhà nước ra Thông tư lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

1. Vĩ mô thế giới

Fed: Nền kinh tế Mỹ sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ

Ngày 19/8 Fed công bố biên bản cuộc họp hồi tháng 7 cho thấy các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ mới để chống lại cuộc suy thoái do dịch Covid-19 gây ra, khi các biện pháp chi tiêu quan trọng đã hết hạn vào cuối tháng trước.

Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 đã thông qua gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nước này. Trong gói chi tiêu có các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ phúc lợi bổ sung cho người thất nghiệp và một khoản tiền trực tiếp chuyển tới cho tất cả người dân Mỹ. Những biện pháp trên được cho là đã xoa dịu phần nào những tác động kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Fed hạ lãi suất cho vay chuẩn xuống quanh mức 0%, đồng thời tung ra lượng thanh khoản trị giá hàng nghìn tỷ USD cho thị trường tài chính Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số điều khoản của Đạo luật CARES hết hiệu lực vào ngày 31/7, khi thị trường lao động vẫn còn yếu, một số quan chức Fed nhận định các biện pháp tài chính bổ sung có thể sẽ đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ các gia đình thuộc nhóm dễ bị tổn thương và qua đó là cả nền kinh tế trong giai đoạn phía trước.

Giới chức Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, đã nhiều lần kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhưng hy vọng về một dự luật chi tiêu mới đang khá mờ nhạt trong những tuần gần đây, khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong quốc hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán kéo dài.

Các quan chức Fed cho hay tình trạng mất việc làm tập trung ở nhóm những người lao động có mức lương thấp hơn, đặc biệt là những người làm trong ngành dịch vụ hoặc những công việc khác rất khó tiến hành việc giãn cách xã hội.

Theo một số ước tính, nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ phục hồi trong quý 3 này, nhưng sự gia tăng số ca mắc mới Covid-19 trong thời gian gần đây đã cản trở nỗ lực mở cửa lại của một số bang.

Kinh tế Anh giảm sâu hơn các nước phát triển khác

Quý II, GDP của Anh – quốc gia có số người chết vì Covid-19 cao nhất châu Âu – giảm mạnh nhất trong các nước phát triển. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết, GDP quý II nước này giảm 20,4% so với quý trước. Trong khi đó, GDP của Mỹ và Đức giảm khoảng 10%, Italy mất 12%, Pháp 14% và Tây Ban Nha 19%.

Anh đã đóng cửa hoạt động để chống Covid-19 vào cuối tháng 3, vài tuần sau khi các nước châu Âu đã làm vậy. Nước này chỉ dần bắt đầu nới lỏng các hạn chế vào cuối tháng 5. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Anh đã đóng cửa trong hầu hết quý thứ hai, trong khi Đức và các nước láng giềng khác đã có thể mở cửa trở lại trước.

Một yếu tố khác là do cấu trúc nền kinh tế Anh. Chi tiêu cho các hoạt động đòi hỏi tiếp xúc xã hội ở Anh chiếm khoảng 13% tổng sản lượng, so với khoảng 11% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng euro

Một khó khăn tiềm tàng khác của Anh là tiến trình đàm phán thương mại với châu Âu, vốn dự kiến kết thúc vào mùa thu này. Anh đã chính thức rời khỏi khối EU vào đầu năm nhưng thực tế vẫn là một quốc gia thành viên cho đến cuối năm. Việc chưa hoàn thành đàm phán với EU có nguy cơ làm gián đoạn giao dịch thương mại với đối tác thương mại lớn nhất, có khả năng gây cản trở sự phục hồi sau đại dịch

Trung Quốc lo lắng với núi nợ 489,5 tỷ USD

Quan chức quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc hôm 14-08 cho biết các ngân hàng của nước này phải giải quyết khoản nợ xấu trị giá 3,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (489,5 tỷ USD) vào năm 2020 – đánh dấu một rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây là mức tăng khổng lồ từ 2,3 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2019 và giá trị của các khoản nợ xấu có thể còn cao hơn vào năm 2021.

Cú sốc covid-19 đã ảnh hưởng xấu đến rất nhiều công ty, khiến nhiều ngân hàng nhỏ của nước này đang phải đối mặt với thời điểm khó khăn sau nhiều năm mở rộng bảng cân đối kế toán. Hiện tại các ngân hàng Trung Quốc đã cải thiện cơ cấu cho vay của họ – với nhiều khoản cho vay hơn sẽ hướng tới lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, công nghệ và doanh nghiệp nhỏ.

Theo thống kê chính thức từ cơ quan quản lý, tỷ lệ nợ xấu ở Trung Quốc là một trong những nước thấp nhất trên thế giới. Tỷ lệ này đối với các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã tăng 0,03 điểm phần trăm trong quý II lên 1,94% vào cuối tháng Sáu. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại nông thôn là 4,22%. Nhưng các khoản nợ xấu tiềm ẩn, có thể dễ dàng quét sạch lợi nhuận ngân hàng và bào mòn vốn cơ sở. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận tổng hợp của các ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong hơn một thập kỷ – giảm 9,4%, xuống 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm, dữ liệu của chính phủ cho thấy.

Hiện tại, việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ, thường do chính quyền địa phương chỉ đạo, đang trở nên thường xuyên hơn tại Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là cải thiện chất lượng tài sản thông qua tái cấu trúc doanh nghiệp và xử lý tài sản xấu”

2. Vĩ mô trong nước

Ngân hàng nhà nước ra Thông tư lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Với mục đích giảm chi phí vốn và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid – 19. Ngân hàng nhà nước vừa đưa ra Thông tư số 08/2020/TT-NHNN với nội dung chính nhằm lùi lộ trình quy định đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn với thời hạn 1 năm.

NHNN cho rằng, việc giữ nguyên thời hạn như ban đầu có thể dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm. Do đó, việc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là cần thiết, để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Từ đầu năm tới nay ngân hàng nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Đáng chú ý, từ đầu tháng 7 nhiều ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động cho thấy thanh khoản trên hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang rất dồi dào khiến các ngân hàng giảm chi phí huy động trong khi hoạt động cho vay vẫn đang cầm chừng.

Mặc dù lãi suất liên tục giảm nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, lũy kế 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2.45%, là mức thấp nhất từ 2016 tới nay.

Việc kéo dài lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo nhận định của các chuyên gia là không có nhiều tác động đối với các ngân hàng trong ngắn hạn. Bởi tại thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đang đảm bảo trong tỷ lệ theo quy định. Những e ngại trong vấn đề rủi ro nợ xấu cũng khiến các ngân hàng cân nhắc trong việc giải ngân. Ngoài ra, nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc kéo dài lộ trình áp dụng này, về mặt dài hạn 2022-2023 sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng giảm chi phí vốn khi hoạt động kinh tế hồi phục, các doanh nghiệp gia tăng vay vốn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Với động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng, trong khi thị trường trái phiếu với lãi suất hấp dẫn hơn nhiều đang dậy sóng. Mặc dù, kênh trái phiếu tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, nhưng trong ngắn hạn không ít nhà đầu tư sẽ lựa chọn chuyển đổi tiền gửi ngắn hạn sang kênh trái phiếu.

Việt Nam tiếp tục xuất siêu đột biến: Vượt mốc 10 tỷ USD

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2020 (từ ngày 01/8 đến ngày 15/8) đạt 23,66 tỷ USD, tăng 10,6% so với kỳ 2 tháng 7/2020. Lũy kế đến hết ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 310,41 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ 1 tháng 8, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 1,69 tỷ USD nâng mức thặng dư luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8 đạt 10,08 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian từ 15/7 đến 15/8, giá trị thặng dư thương mại của Việt Nam đã tăng 67% từ mức 6,02 tỷ USD lên 10,08 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điểm sáng này có được bởi nhiều nhóm hàng vẫn duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu hoặc nhanh chóng lấy đà phục hồi, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến – chế tạo và một số sản phẩm thuộc nhóm nông – lâm – thủy sản.

Ở chiều nhập khẩu, do chỉ ưu tiên nhập nhóm cần thiết như nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước và giảm nhập nhóm hàng không cần thiết nên tổng lượng nhập không lớn. Điều này góp phần giúp cán cân thương mại của Việt Nam nghiêng về chiều xuất đi.

Bộ Công Thương đánh giá hoạt động xuất khẩu 5 tháng cuối năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng EVFTA sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và DN Việt nếu dịch bệnh được kiểm soát.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest