Podcast ngày 21.01.2021 – Bộ trưởng tài chính Mỹ “tương lai” Janet Yellen: Cứ vay nợ nhiều vào rồi trả sau

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/01/2021

1. Vĩ mô quốc tế

Cả thế giới lại bước vào đợt phong tỏa mới, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng

Vòng phong tỏa mới nhất sẽ lại ảnh hưởng đến nền kinh tế – nhưng có lẽ sẽ không nặng nề như những đợt trước. Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs đã lập luận rằng trong trường hợp của nước Anh thì “mức độ nhạy cảm của hoạt động kinh tế trước các hạn chế từ Covid-19 đã giảm đi đáng kể kể từ lần phong tỏa đầu tiên”. Trong một nghiên cứu được công bố vào ngày 8 tháng 1 của HSBC, sản lượng công nghiệp của Đức “đã kéo dài đà phục hồi trong tháng 11, không bị kìm hãm bởi đợt đóng cửa mới”. Báo cáo tháng 12 cho thấy số lượng việc làm ở Mỹ giảm lần đầu tiên kể từ tháng 4 – một kết quả đáng buồn khi hàng triệu người vẫn chưa có việc làm.

Sẽ mất một thời gian trước khi các số liệu GDP chính thức xác nhận khả năng phục hồi ngày càng tăng của các nước giàu trước các đợt phong toả. Dữ liệu từ Google cho thấy ở nhiều quốc gia, mọi người đang đi tới các tụ điểm công cộng nhiều hơn so với khi bắt đầu đại dịch. Điều đó đã khiến một số cơ quan y tế công cộng gặp rất nhiều khó khăn: “Việc phong tỏa hiện tại gần như không giúp hạn chế được việc di chuyển như vào tháng 3. Các tờ báo của Anh và Mỹ đề cập đến từ “ăn chơi bất hợp pháp” nhiều gấp 5 lần so với vào mùa xuân. Yếu tố thứ hai mà giải thích khả năng chống chịu của các nền kinh tế trong thời gian này là việc điều chỉnh chính sách của chính phủ ít mang lại sự đánh đổi hơn..

Đài Loan là thị trường chứng khoán tăng tốt nhất thế giới trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump

Chỉ số chứng khoán Đài Loan Taiex đã tăng 92% tính theo USD kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống mỹ vào ngày 20/1/2017. Đây là thị trường có hiệu suất tăng tốt nhất trong số 93 chỉ số chứng khoán được Bloomberg theo dõi và vượt xa mức tăng 53% của chỉ số MSCI All-Country World Index. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC chiếm đến gần 2/3 mức đóng góp vào đà tăng của chỉ số Taiex, sau khi gã khổng lồ sản xuất chip này tăng gần 300%. Những nỗ lực của ông Trump nhằm ngăn cản kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp chip trong nước của Trung Quốc đại lục đã củng cố vai trò của Đài Loan (Trung Quốc) như là trung tâm sản xuất chip toàn cầu với TSMC là trung tâm.

Bên cạnh đó, nhu cầu về điện thoại thông minh và máy tính ngày càng tăng trong thời kỳ đại dịch đã tạo ra sự thiếu hụt chip và mang lại lợi ích lớn hơn cho TSMC. Triển vọng cho TSMC nói riêng và thị trường chứng khoán Đài Loan nói chung có vẻ tích cực, bất kể nhiệm kỳ Tổng thống Trump đã kết thúc. Tuần trước, TSMC đã vạch ra kế hoạch rót tới 28 tỷ USD vào chi tiêu vốn trong năm nay, nhấn mạnh quyết tâm giữ vị trí thống trị của mình. Chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến cũng ​​sẽ không có đường lối mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc. Dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Đài Loan đã đặt ra thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách, những người từ lâu đã có xu hướng hạn chế đà tăng của đồng Đài tệ để bảo vệ ngành xuất khẩu, là ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế của hòn đảo này. Mặc dù đồng Đài tệ nằm trong số những đồng tiền có mức tăng tốt nhất thế giới trong 4 năm qua với mức tăng gần 13%, nhưng cho đến nay, sức mạnh của đồng tiền này vẫn không làm giảm nhu cầu đối với các đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan, vốn đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2010.

Bộ trưởng tài chính Mỹ “tương lai” Janet Yellen: Cứ vay nợ nhiều vào rồi trả sau

Theo hãng tin Reuters, ứng viên số 1 cho chức Bộ trưởng tài chính Mỹ của Tổng thống đắc cử Joe Biden là bà Janet Yellen mới đây đã kêu gọi chính phủ chi tiêu mạnh tay hơn để cứu nền kinh tế bất chấp nợ công đã lên mức vô cùng nguy hiểm. Trong cuộc điều trần trước Nghị viện Mỹ kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ trước khi bỏ phiếu cho chức Bộ trưởng tài chính, cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Yellen đã vạch ra đường lối cơ bản nếu bà nhận được chức vụ trên. Theo đó, Bộ tài chính Mỹ sẽ hành động mạnh tay hơn để cứu nền kinh tế trong cơn khủng hoảng đại dịch, có các chương trình cứu trợ lớn hơn để giảm sự mất cân bằng thu nhập trong mùa dịch, chống biến đổi khí hậu cũng như giải quyết chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Theo đó, bà Yellen chủ trương tăng thuế với người giàu nhằm xây dựng nguồn tài chính cho các chương trình đầy tham vọng của ông Biden như đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ, đào tạo lao động Mỹ…

Tất nhiên, Cựu chủ tịch FED Yellen nhấn mạnh bất kỳ dự án nào cũng phải để sau khi công cuộc cứu trợ nền kinh tế vì đại dịch chấm dứt. Hiện Mỹ đã có hơn 400.000 người chết vì đại dịch và bà Yellen cho biết sẽ giúp đỡ người dân Mỹ cố gắng chống chọi qua những tháng cuối cùng trước khi Vaccine được tiêm chủng trên cả nước. Sau đó, Bộ tài chính Mỹ sẽ tập trung xây dựng lại nền kinh tế cạnh tranh, giàu có và đương nhiên là nhiều việc làm hơn. “Nếu không có thêm hành động cứu trợ thì chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đau đớn và lâu dài hơn hiện nay cũng như để lại vết thương khó lành cho nền kinh tế sau này”, bà Yellen nhấn mạnh.Thậm chí Cựu chủ tịch FED Yellen còn cho biết sẽ xem xét đánh thuế các khoản lãi chưa thực hiện (Unrealized Capital Gains), thường là những khoản lợi nhuận từ thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư chưa chốt lời để đổi ra tiền, cùng nhiều biện pháp khác để tăng nguồn thu cho ngân sách

2. Vĩ mô Việt Nam

Nikkei Asia: Thu nhập bình quân vượt Philippines, GDP vượt Singapore – Đây là khoảnh khắc bứt phá của Việt Nam!

Theo Nikkei, tính đến hôm nay, Việt Nam chỉ có 1.539 trường hợp mắc COVID-19 với 35 trường hợp tử vong – mức thấp nhất thế giới, đặc biệt là khi giáp Trung Quốc. Nền kinh tế, các quán bar và tất cả mọi dịch vụ vẫn mở cửa. Việt Nam vào nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2020, trong khi các nước láng giềng vật lộn với suy thoái. 2020 cũng là năm Việt Nam ký kết 3 thỏa thuận thương mại, thu hút các nhà đầu tư như các nhà cung cấp của Apple, khai trương một hãng hàng không mới và vươn lên vị trí thứ 6 ở Đông Nam Á về thu nhập bình quân đầu người. Vào cuối năm nay, gần như tất cả các nhà cung cấp lớn của Apple trong khu vực đã đặt nhà máy tại Việt Nam hoặc có dự định làm như vậy, theo xu hướng “Trung Quốc +1”. Lĩnh vực điện tử đã trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn còn là sản xuất và lắp ráp cơ bản.

Các quan chức cho biết họ sẽ chọn lọc các khoản đầu tư công nghệ cao và thân thiện với môi trường với nhiều giá trị gia tăng hơn. Qualcomm, nhà cung cấp chip điện thoại lớn nhất thế giới, đã có tín hiệu về việc chuyển giao công nghệ sắp tới. Vào tháng 6, họ đã khai trương một trung tâm R&D tại Hà Nội, trung tâm lớn nhất ở Đông Nam Á bên ngoài Singapore. Trung tâm sẽ làm việc với Viettel, Bkav để cấp bằng sáng chế và thương mại hóa công nghệ di động. Tuy nhiên, năng lực sản xuất ở địa phương còn hạn chế. Harvard đã phân tích hoạt động xuất khẩu của 8 quốc gia châu Á, tính toán tỷ trọng giá trị xuất khẩu đến từ các công ty trong nước. Việt Nam có kết quả thấp nhất, 55%, vẫn bị lu mờ bởi các công ty cùng ngành từ Malaysia, Thái Lan… Vì thế, các công ty ở Việt Nam cũng đã tận dụng thời gian giãn cách xã hội để nâng cao năng lực của nhân viên địa phương. 56% các nhà quản lý nhân sự cho biết họ sẽ ưu tiên đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng trong quý tới, theo một cuộc khảo sát mà công ty tuyển dụng Adecco công bố vào tháng 8.

Về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, du lịch nội địa hầu như không suy giảm đã mở đường cho Vietravel Airlines trở thành hãng hàng không thứ sáu của Việt Nam. Cũng như phần lớn khu vực Đông Nam Á, các tuyến đường bộ và cảng của Việt Nam vẫn còn chưa theo kịp nhịp độ phát triển của một nền kinh tế đang tiến sâu hơn vào thương mại toàn cầu. Các dự án đang được thực hiện để thúc đẩy năng lực hạ tầng, từ một sân bay Long Thành, đến đường quốc lộ mới. Philippe Richart, Giám đốc điều hành của INSEE Việt Nam nói với Nikkei: “Một trong những động lực chính [của sự phục hồi] sẽ là việc Chính phủ ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng. “Tất cả các doanh nghiệp trong ngành sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này”. Đến nửa đầu năm 2020, Việt Nam đã đẩy nhanh tiến độ của hơn một chục dự án lớn.

Chủ tịch Bắc Giang: Sản xuất Macbook, iPad ở Việt Nam chỉ là khởi đầu

Những ngày đầu năm, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Foxconn với dự án dây chuyền sản xuất MacBook và iPad của Apple tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những bước đi để Foxconn chuyển dần dây chuyền sản xuất các sản phẩm của Apple tới Việt Nam. Không chỉ Foxconn, những năm gần đây, Bắc Giang đang nổi lên là một trong những địa phương thu hút nhiều dự án FDI, cũng như những nhà đầu tư lớn nhất cả nước. Năm 2020, dòng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm ở tỉnh này gần 1 tỷ USD, bất chấp dịch Covid-19. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho rằng thu hút FDI là cuộc cạnh tranh giữa các địa phương trên cả nước. Địa phương nào có khu công nghiệp, khu kinh tế thì đều mong muốn có những “đại bàng” về làm tổ. Tuy nhiên, để được các nhà đầu tư lựa chọn thì phải đáp ứng những tiêu chí nhất định.

Theo đó, dự án tại khu công nghiệp Quang Châu dự kiến sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm mỗi năm, với tổng vốn đăng ký khoảng 270 triệu USD. Đến nay, Foxconn đã đầu tư 900 triệu USD vào Bắc Giang, giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động.Đáng chú ý, dự kiến năm 2021, hãng này đầu tư thêm 700 triệu USD và tuyển thêm 10.000 lao động. Như vậy, tại Bắc Giang có Luxshare và Foxconn đang sản xuất những sản phẩm của Apple là tai nghe, máy tính bảng và máy tính xách tay. “MacBook, iPad được sản xuất ở Việt Nam chỉ là sự khởi đầu, sẽ có thêm những sản phẩm nữa. Bắc Giang sẽ dần trở thành cứ điểm sản xuất sản phẩm Apple trên thế giới”, ông Dương nói.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng cho biết hiện tại cả Foxconn và Luxshare đều đang kéo theo khá nhiều doanh nghiệp phụ trợ vào Việt Nam, từ đó tạo thành một mạng lưới sản xuất rộng lớn. Không chỉ vậy, tại Bắc Giang còn thu hút nhiều nhà đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao khác. Nhà máy Shunsin Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện tử, mô đun thu phát quang học. Nhà máy hợp kim Powerway Việt Nam chuyên sản xuất hợp kim đặc chủng dạng thanh, sợi, dải, sử dụng trong lĩnh vực hàng không, không gian, vũ trụ, vốn đầu tư của dự án 50 triệu USD. Nhà máy CE Link Việt Nam 2 chuyên sản xuất dây cáp điện…Năm 2020, thu ngân sách tỉnh Bắc Giang đạt hơn 12.000 tỷ đồng, vượt 32% dự toán Trung ương giao. Riêng khối doanh nghiệp FDI đã nộp ngân sách gần 980 tỷ đồng.

3. Các kênh đầu tư

Deutsche Bank: Bitcoin và cổ phiếu công nghệ là bong bóng lớn nhất trên thị trường

Trong cuộc khảo sát với 627 chuyên gia trong giai đoạn từ 13-15/1, Deutsche Bank nhận thấy đại đa số các nhà đầu tư (89%) cho rằng thị trường tài chính đang nằm trong bong bóng. Cổ phiếu công nghệ và Bitcoin đứng đầu danh sách. Bitcoin được đánh giá tệ nhất khi một nửa số người được hỏi nghĩ rằng loại tiền số này xếp ở ngưỡng cao nhất trên thang điểm bong bóng. Deutsche Bank cho biết cổ phiếu công nghệ của Mỹ được coi là bong bóng tiếp theo với số điểm là 7,9 trên thang 10. 80% số người được hỏi cho cổ phiếu công nghệ trên 7 điểm trong thang bong bóng. Các nhà đầu tư cũng nghĩ rằng Bitcoin và cổ phiếu Tesla nhiều khả năng sẽ giảm trong năm 2021 này.

“Khi được hỏi cụ thể về số phận của Bitcoin và Tesla trong 12 tháng tới, đa số người tham gia khảo sát nghĩ rằng chúng sẽ giảm. Thậm chí, Tesla được coi là dễ tổn thương hơn so với Bitcoin ở thời điểm hiện tại”, Deutsche Bank nhận định. Giá Bitcoin đã tăng phi mã trong vài tháng qua. Đồng tiền số có giá trị vốn hóa lớn nhất cũng đã chạm mốc mọi thời đại là 42.000 USD trước khi giảm mạnh. Nó đã tăng hơn 800% so với mức thấp nhất được ghi nhận trong tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 gây ra cú sập thảm khốc trên thị trường tài chính toàn cầu.

Những người ủng hộ Bitcoin tin rằng đồng tiền số này được thúc đẩy bởi sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư tổ chức. Họ cũng tin rằng Bitcoin là một tài sản an toàn có thể tránh được những biến động của thị trường giống như vàng. Tuy nhiên, những người hoài nghi lại cho rằng Bitcoin là một tài sản đầu cơ và bong bóng sẽ vỡ vào một ngày nào đó.Và dù các nhà đầu tư có thể nghĩ rằng Bitcoin, Tesla và các cổ phiếu công nghệ khác của Mỹ đang ở trong bong bóng nhưng vẫn chưa thể xác định chính xác điều gì có thể khiến những bong bóng này nổ tung. Tiền tệ được nới lỏng khiến bong bóng có khả năng vẫn sẽ tiếp diễn. 71% những người tham gia khảo sát của Deutsche Bank không tin Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trước cuối năm 2021. Tuy nhiên, ¼ số nhà đầu tư cho biết tăng trưởng kinh tế và thị trường có thể khiến FED phải đưa ra những điều chỉnh.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest