Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 20/11/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Gần 12 triệu người Mỹ đứng trước nguy cơ mất trợ cấp thất nghiệp
Gần 12 triệu người Mỹ có thể không còn được hưởng các trợ cấp thất nghiệp vào cuối tháng 12 tới nếu Quốc hội không đạt được thỏa thuận về gói kích thích mới nhằm vực dậy nền kinh tế suy yếu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thông tin trên là kết quả của một nghiên cứu của Quỹ Century Foundation có trụ sở ở New York đưa ra ngày 18/11 trong bối cảnh Nhà Trắng và Quốc hội vẫn bất đồng về gói kích thích kinh tế mới.
Nghiên cứu cho thấy 7,3 triệu lao động tự do và tự làm chủ đang nhận trợ cấp từ Chương trình Hỗ trợ thất nghiệp do đại dịch và 4,6 triệu người thuộc diện Chương trình Bồi thường Thất nghiệp Khẩn cấp do đại dịch có nguy cơ mất đi nguồn hỗ trợ này vào ngày 26/12 tới khi hai chương trình này hết hạn. Ngoài ra, các khoản trợ cấp cho 945.000 người lao động khác cũng sẽ hết hạn trong vài tuần tới.
Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc trong việc thông qua gói kích thích kinh tế mới khi đảng Dân chủ mong muốn số tiền cứu trợ lớn hơn mức đảng Cộng hòa sẵn sàng chi. Trong khi đó, việc truyền thông Mỹ đưa tin ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, song đương kim Tổng thống Donald Trump từ chối công nhận kết quả càng khiến triển vọng thông qua gói kích thích kinh tế mới thêm mờ mịt.
IIF: “Cơn sóng thần nợ” đang càn quét cả thế giới
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) – cơ quan đại diện cho các định chế tài chính, cho biết tổng nợ toàn cầu đã tăng 15 tỷ USD trong năm nay và theo đà này có thể vượt qua con số 277 tỷ USD vào năm 2020. Tổ chức này dự kiến tổng lượng nợ sẽ đạt 365% GDP toàn cầu vào cuối năm nay, tăng từ mức 320% vào cuối năm 2019.
Số liệu của IIF cho thấy, gánh nặng nợ sẽ đặc biệt nặng nề ở các thị trường mới nổi, khi đã ghi nhận tỷ lệ nợ/GDP tăng 26% lên mức 250% trong năm nay. Ngoài ra. tình trạng sử dụng tiền thu thuế để trả nợ đang tăng ở các quốc gia mới nổi trong những năm gần đây. Tuần này, Zambia đã trở thành quốc gia đang phát triển thứ 6 vỡ nợ hoặc tái cơ cấu nợ vào năm 2020. Dự kiến, số vụ vỡ nợ do ảnh hưởng của đại dịch sẽ ngày càng tăng.
Nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 đã đưa ra một sáng kiến, cho phép 46 quốc gia nghèo nhất thế giới được hoãn trả khoản nợ khoảng 5 tỷ USD trong năm nay. Ngoài ra, G20 cũng chuẩn bị mở thêm quỹ hỗ trợ các quốc gia nghèo. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cần đưa ra nhiều hành động hơn nữa để ứng phó với nguy cơ gia tăng cuộc khủng hoảng tài khóa đối với một số lượng lớn các quốc gia đang phát triển.
Thua lỗ nặng nề, tàu điện ngầm New York dự định giảm nửa công suất nếu không có 12 tỷ USD trợ cấp
Theo kịch bản tồi tệ, tàu điện ngầm ở Thành phố New York sẽ phải giảm 40% công suất. Các tuyên xe buýt bị loại và các dịch vụ khác bị cắt 1/3. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra khoản lỗ khổng lồ cho hệ thống vận tải hành khách ở New York. Trong khi đó, họ chưa tìm thấy hy vọng nào từ các khoản trợ cấp tức thời của Washington.
Hiện nay, cơ quan phụ trách giao thông vận tài ở New York, vốn chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của tàu điện, xe buýt và các loại tài khác, đang tìm kiếm một gói cứu trợ liên bang trị giá 12 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này khó có thể trở thành hiện thực nếu đảng Cộng hòa giữ quyền kiểm soát Thượng viện.
Nếu không có sự giúp đỡ của liên bang, tiểu bang và thành phố, họ sẽ phải đối mặt với tình huống nguy cấp về mặt tài chính. Điều này sẽ buộc họ phải tiến hành cắt giảm, động thái gây tổn hại đến giao thông huyết mạch của khu vực cũng như làm suy yếu sự phục hồi của New York sau đại dịch.
2. Vĩ mô Việt Nam
Báo Nhật: Thị trường điện khí LNG Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong trung hạn
Theo Nikkei Asia, Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản sẽ xây dựng một nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng tại Việt Nam, đánh cược vào nhu cầu ngày càng tăng đối với nguồn năng lượng sạch tại nền kinh tế mới nổi của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ cùng Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi) cho dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư ước tính là 200 tỷ yên (1,93 tỷ USD). Nikkei Asia nhận định, LNG “sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong trung hạn”. Hai bên đưa ra cam kết có thể đưa dự án đi vào vận hành phát điện vào năm 2026. Dự án Nhà máy điện có công suất dự kiến là 1.500MW, được đặt tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Trên thực tế, nhu cầu điện của Việt Nam tăng 10%/năm, nhanh hơn nhiều so với các nước tại khu vực trong năm nay. Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo trên toàn cầu đang tăng tốc đã đặt ra những thách thức đối với quá trình công nghiệp quá nhanh chóng tại các nền kinh tế mới nổi.
Việt Nam nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc tăng đến 7 lần trong tháng 10
Theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 10 đạt 489.449 tấn, tương đương 181,18 triệu USD với giá trung bình hơn 370 USD/tấn, tăng gần 10% về lượng so với tháng 9.
Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh nhất, vọt cao 600% về lượng và kim ngạch cũng tăng tỷ lệ tương đương so với tháng 9, với 43.915 tấn, trị giá 16,87 triệu USD. Thứ hai là nhập khẩu từ Malaysia tăng 39% về lượng (đạt 188.168 tấn) và tăng 47% kim ngạch (đạt 66,38 triệu USD). Vị trí thứ 3 là nhập khẩu từ Thái Lan tăng gần 27% về lượng (đạt 76.262 tấn) và tăng hơn 30% về trị giá với 26,56 triệu USD.
Đáng lưu ý, tại hai thị trường Việt Nam nhập khẩu xăng dầu với số lượng lớn lâu nay như Hàn Quốc và Singapore thì trong tháng 10, về lượng lẫn kim ngạch nhập từ 2 thị trường này đều giảm sút mạnh. Chẳng hạn, từ Singapore giảm mạnh 52% về lượng và giảm hơn 57% về kim ngạch, đạt 29.361 tấn, trị giá 9,62 triệu USD; nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng giảm 21% cả về lượng và kim ngạch, đạt 144.634 tấn, trị giá 58,8 triệu USD.
IMF tiếp tục nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2020
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một lần nữa nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 2,4% trong năm 2020 nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời nhằm giảm thiểu tác động từ đại dịch Covid-19. Trước đó, vào tháng 10, IMF cho hay Việt Nam có thể tăng trưởng 1,6% trong năm 2020, là một trong ít các nước đạt được mức tăng trưởng dương trên thế giới.
Bà Era Dabla-Norris, Trưởng phái đoàn tại Việt Nam, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF nhấn mạnh, nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021. Dự kiến tăng trưởng sẽ đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4% khi hoạt động kinh tế trong nước quay trở lại trạng thái bình thường. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ tiếp tục mang tính hỗ trợ, mặc dù mức hỗ trợ sẽ không lớn như năm 2020.
Song, triển vọng kinh tế này vẫn còn đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, điển hình như khả năng dịch tái bùng phát, quá trình phục hồi toàn cầu diễn ra chậm, căng thẳng thương mại. Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức buộc đóng cửa, phá sản dẫn đến căng thẳng thị trường lao động và ngân hàng. Bà Dabla-Norris kết luận, Việt Nam cần ưu tiên giảm gánh nặng thủ tục đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, cải thiện tiếp cận đất đai và nguồn lực tài chính, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.