Podcast ngày 20.08.2020 – Hầu hết các dự báo đều cho rằng giá vàng tiếp tục ở trong xu hướng tăng trong dài hạn

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Hầu hết các dự báo đều cho rằng giá vàng tiếp tục ở trong xu hướng tăng trong dài hạn

1. Vĩ mô thế giới

Kinh tế Thái Lan suy giảm sâu nhất hơn 2 thập kỷ

Do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Thái Lan tiếp tục đi xuống và đã ghi nhận mức suy giảm sâu nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Theo Bloomberg, trong số liệu công bố ngày 17/8, Hội đồng Kinh tế và phát triển xã hội quốc gia (NESDC) của Thái Lan cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 12,2% so với năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, nhưng thấp hơn một chút so với mức dự báo 13% mà các chuyên gia đưa ra. NESDC cũng đã giảm dự báo tăng trưởng cả năm, theo đó tăng trưởng trong năm 2020 sẽ suy giảm từ 7,3 đến 7,8% so với mức dự báo giảm 5 – 6% đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp là 1,95% và có thêm khoảng 1,8 triệu người lao động đối diện với nguy cơ mất việc làm.

Ngoài các vấn đề logistic và nhu cầu toàn cầu giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19, hoạt động xuất khẩu của Thái Lan còn chịu sức ép của việc đồng baht tăng giá hơn 6% trong quý II. Dự kiến trong những tháng tới, chính phủ sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ giới doanh nghiệp, người lao động và hoạt động xuất khẩu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc cắt đứt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Trả lời báo chí ở bang Arizona ngày 18/8, người đứng đầu Nhà Trắng xác nhận ông đã hủy cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc hồi tuần trước. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng ông không muốn giao thiệp với Bắc Kinh vào thời điểm này.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, Tổng thống Trump đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, thậm chí dọa cắt đứt quan hệ với nước này. Ông Trump cho rằng những lợi ích mà thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung đem lại cũng không thể bù đắp được tổn thất do dịch Covid-19 gây ra. Tổng thống Mỹ không chỉ một lần đề cập tới việc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong việc bùng phát đại dịch Covid-19 trên khắp thế giới và là thủ phạm khiến nạn thất nghiệp ở Mỹ gia tăng.

Trước đó, cuộc thảo luận trực tuyến về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 15/8 đã bị trì hoãn và hai bên vẫn chưa thống nhất về thời điểm tổ chức cuộc thảo luận này.

Chính quyền của ông Trump gần đây cũng tăng cường các biện pháp trừng phạt với giới chức và doanh nghiệp Trung Quốc. Tháng trước, Mỹ bất ngờ yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Mỹ cũng cấm các ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc như TikTok, WeChat và đưa ra kế hoạch hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đối với doanh nghiệp Trung Quốc không tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán của Mỹ. Ngày 17/8, chính quyền Mỹ tuyên bố họ sẽ thắt chặt hơn nữa những hạn chế đối với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, nhằm ngăn chặn tập đoàn này tiếp cận mặt hàng chip và nhiều công nghệ khác hiện có trên thị trường bằng việc bổ sung 38 chi nhánh của Huawei ở 21 nước vào “danh sách đen” về kinh tế của nước này, nâng con số này lên 152 chi nhánh, kể từ khi Huawei bị đưa vào “danh sách đen” vào tháng 5/2019.

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc cam kết sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ các lợi ích của các công ty nước này. Tuy nhiên không nêu rõ Trung Quốc sẽ có những bước đi nào để đáp trả phía Mỹ,

Doanh nghiệp Mỹ, EU có thể tốn 1.000 tỷ USD để dời khỏi Trung Quốc

Theo kết quả nghiên cứu vừa được Ngân hàng Bank of America đưa ra, ngay từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều tập đoàn Mỹ và châu Âu đã bắt đầu quá trình dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các nước khác do lo ngại căng thẳng thương mại, chi phí lao động tăng cao. Các chuyên gia ước tính việc chuyển tất cả các dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu không dành cho thị trường Trung Quốc ra khỏi quốc gia 1,4 tỷ dân này có thể khiến các công ty Mỹ và châu Âu tiêu tốn 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng suy giảm hiệu quả hoạt động và khả năng thanh toán, nhưng đồng thời cũng hạn chế được các rủi ro tiềm ẩn. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ hỗ trợ các công ty thông qua các biện pháp giảm thuế, cho vay với chi phí thấp và nhiều loại trợ cấp khác như những tuyên bố gần đây của giới chức Mỹ, Nhật Bản, EU, Ấn Độ.

Trên thực tế, nếu thương chiến Mỹ – Trung là tác nhân thúc đẩy xu hướng dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc thì dịch bệnh COVID-19 đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Nhiều công ty đa quốc gia đã lên kế hoạch đưa các nhà máy ra khỏi Trung Quốc sau khi chuỗi cung ứng của họ bị tê liệt do Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế vì dịch COVID-19. Điều này khiến các tập đoàn lớn nhận ra tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung để không phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.

2. Vĩ mô trong nước

Cảnh báo khủng hoảng việc làm của thanh niên do COVID-19 gây ra

Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB và Tổ chức Lao động Quốc tế ILO vừa công bố báo cáo: Giải quyết khủng hoảng việc làm bởi COVID-19 của thanh niên tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

Báo cáo đánh giá, triển vọng việc làm của 660 triệu thanh niên là lao động trong khu vực đang bị thách thức nghiêm trọng. Họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với người lớn và có nguy cơ chịu các chi phí kinh tế và xã hội dài hạn hơn.

Tại Việt Nam, nếu dịch kéo dài, dự báo sẽ có khoảng 548.000 thanh niên sẽ mất việc, tương đương với 13,2% thanh niên trong năm 2020. Thanh niên sẽ thất nhiệp nhiều nhất trong lĩnh vực dệt may, sau đó đến nhà hàng khách sạn và nông nghiệp.

Mặc dù đây là con số tương đối thấp nếu so với các quốc gia trong khu vực nhưng là điều đáng lo ngại trong cơ cấu lao động của Việt Nam, đặc biệt là nước phụ thuộc du lịch

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 5%/năm giai đoạn 2021-2025

Xuất khẩu hàng hóa là một trong những điểm sáng của hoạt động kinh tế cả nước nhiều năm qua, đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2016 – 2019 đã tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên 264,27 tỷ USD năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các thị trường nhập khẩu truyền thống của nước ta. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ và dự kiến cả năm 2020 vẫn duy trì mức độ tăng trưởng dương. Do vậy, khả năng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn giai đoạn 2016 – 2020 vẫn đạt trên 10%.

Trước những kết quả đạt được, giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Công Thương phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân từ 5%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 340 tỷ USD vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tăng 5%; trong đó, xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Âu – châu Mỹ tăng trưởng trung bình từ 7 – 10%/năm. Nhóm hàng công nghiệp chế biến được nhận định tiếp tục là động lực của xuất khẩu hàng hóa với tỷ trọng trong tổng kim ngạch tăng lên khoảng 85,3% vào năm 2025; tỷ trọng nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm xuống còn khoảng 1,15% vào năm 2025.

Cục điều tiết điện lực đề xuất rút phương án điện một giá

Sau thời giannhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và Bộ, ngành. Cục Điều tiết điện lực kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rút các Phương án giá điện 2A và 2B, tức là các phương án liên quan đến cho phép người dân lựa chọn dùng điện một giá và điện bậc thang. Theo đó, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực sẽ tiếp tục xin ý kiến về Phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân.

3. Các kênh đầu tư

Giá vàng thế giới tăng mạnh, một lần nữa chinh phục mốc 2.000 USD, trong bối cảnh chỉ số USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018, tương tự, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 cũng giảm.

Về dài hạn, hầu hết các dự báo đều cho rằng giá vàng tiếp tục ở trong xu hướng tăng trong dài hạn. Trong khi đó, các tổ chức lớn liên tục đổ tiền để đầu tư vàng. Đơn cử như quỹ đầu cơ của huyền thoại đầu tư Ray Dalio đã rót hơn 400 triệu USD vào vàng trong quý II.

Hoặc như nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett bất ngờ đầu tư vào vàng sau một thời gian dài chỉ trích mặt hàng này là loại hàng hóa không tạo ra giá trị. Theo đó, ông chủ của Tập đoàn Berkshire Hathaway đã chi 563 triệu USD mua vào gần 20,9 triệu cổ phiếu của Barrick Gold, công ty khai thác vàng lớn thứ 2 thế giới.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed, dự kiến công bố ngày hôm nay (19/8) với mục đích theo dõi quan điểm của cơ quan này trong việc kiểm soát lạm phát và đường cong lợi suất trái phiếu. Đó là những yếu tố tác động tới giá vàng.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest