Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 20/04/2022
1. THÔNG TIN VĨ MÔ THẾ GIỚI
- Tăng trưởng GDP Trung Quốc vượt kỳ vọng trong quý I
– GDP quý I của Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn với dự báo cho dù ảnh hưởng từ các biện pháp phong tỏa trên nhiều khu vực của đất nước là không hề nhỏ, theo thông tin mới được công bố bởi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Theo đó, GDP quý I Trung Quốc tăng 4,8%, vượt qua dự báo 4,4% trước đó. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong tháng 3 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự kiến. Các chuyên gia phân tích được khảo sát bởi Reuters dự báo mức giảm 1,6%.
– Đầu tư tài sản cố định trong quý này tăng 9,3%, vượt qua kỳ vọng 8,5%. Sản lượng sản xuất công nghiệp trong tháng 3 tăng 5%, cao hơn 0,5 điểm % so với dự báo từ các chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô tăng từ 5,5% trong tháng 2 lên 5,8% trong tháng 3. Tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm dân số từ 16-24 tuổi duy trì ở ngưỡng cao hơn 16%.
– Cho dù dữ liệu kinh tế tháng 2 và 3 tại Trung Quốc là khá ấn tượng, nhưng những chỉ số mới công bố hôm nay phần nào phản ảnh tác động của những biện pháp phòng dịch chặt chẽ của quốc gia này, nhất là tại các trung tâm kinh tế như Thượng Hải. Xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc, cũng tăng trưởng vượt kỳ vọng 14,7% trong tháng 3. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2021, theo thông tin công bố trong tuần trước.
- Giá khí đốt tự nhiên tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008
– Giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn ngày 18/4 tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008, khi vùng Đông Bắc Mỹ hứng chịu một đợt tuyết dày đặc biệt hiếm trong tháng Tư khiến người dân phải tăng cường sử dụng sưởi và qua đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên.
– Giá khí tự nhiên kỳ hạn tăng 9% lên 7,96 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU) trong giao dịch gần đây. Đó là mức giá cao nhất kể từ tháng 9/2008 và diễn ra sau khi khí đốt tự nhiên tăng 16% trong tuần trước. Đà tăng khiến giá khí đốt tự nhiên tăng 113% kể từ cuối năm ngoái. Giá khí đốt tự nhiên tăng cao đột biến phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư về nhu cầu sử dụng càng ngày càng nhiều do nhiệt độ mát mẻ bất thường và tồn kho khí đốt tự nhiên dưới mức trung bình ở Mỹ. Theo Bộ Lao động Mỹ, giá dịch vụ khí đốt trong tháng Ba đã tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, giá khí đốt tự nhiên tăng cao cũng là nguyên nhân dẫn tới áp lực về lạm phát ở Mỹ.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
- Xuất khẩu thép đạt 2,3 tỷ USD, nhập khẩu lên tới 3,1 tỷ USD
– Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 3/2022, khối lượng thép thành phẩm xuất khẩu đạt 956.000 tấn, tăng 75,41% so với tháng 2/2022, nhưng giảm 22,8% so với tháng 3/2021. Kim ngạch xuất khẩu thép thành phẩm trong tháng 3 đạt 908,63 triệu USD, tăng 71,87% so với tháng 2, tăng 1,05% so với cùng kỳ.
– Trong quý I/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 8,456 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,137 triệu tấn, tăng 11,9%. Lũy kế 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,275 triệu tấn thép thành phẩm, giảm 22,15% so với cùng kỳ; tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt tới 2,3 tỷ USD, tăng 12,53%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của thép Việt Nam trong quý I/2022 là khu vực ASEAN với 40,57% thị phần, khu vực EU: 19,32%, Mỹ: 8,34%, Hàn Quốc: 6,97%, Hồng Kông (Trung Quốc): 3,91%.
– Trong khi đó, lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,14 tỷ USD, tăng mạnh cả về lượng (23%) và về kim ngạch (22,36%) so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế quý I/2022, lượng thép thành phẩm các loại nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 3,1 tỷ USD, tuy giảm 18,04% về lượng nhưng lại tăng tới 18,84% về kim ngạch.
– Căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine thời gian vừa qua đã đẩy giá nhiều nguyên liệu, đặc biệt là sắt thép tăng khá mạnh. Nhu cầu thép của thế giới hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thép đã tăng 5,4% kể từ đầu năm, trong khi đó thì nguồn cung hạn chế và không thể đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều nhà đầu tư nắm giữ mã cổ phiểu thép hy vọng sau đợt tích lũy dài này, dòng thép sẽ có đà để bật tăng như dòng thủy sàn gần đây.
- Đồng Nai có thêm dự án điện “khủng” vốn tỷ USD
– Mới đây Đồng Nai đã tiếp nhận 2 dự án lớn với vốn đầu tư quy mô khổng lồ cho nhà máy điện – thủy điện. Đều là dự án được Thủ tướng phê duyệt nên thời gian khởi công sẽ bắt đầu ngay trong năm 2022 và sớm đưa vào vận hành vào giai đoạn 2024 – 2025.
– Công trình thứ nhất là Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 có quy mô gần 54 ha với tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD. Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên ở Việt Nam và là dự án nhiệt điện lớn nhất miền Nam tính đến thời điểm hiện tại. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành cuối năm 2024 đối với Nhơn Trạch 3 và cuối năm 2025 đối với Nhơn Trạch 4. Khi đó, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh, tương đương với khoảng 60% tổng nhu cầu năng lượng của tỉnh Đồng Nai.
– Công trình thứ 2 là dự án Mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An. Đây là công trình thủy điện lớn nhất miền Nam tại thời điểm được phê duyệt. Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư có quy mô gần 95ha. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 3,9 nghìn tỷ đồng, gồm 2 tổ máy với công suất 200MW. Dự án đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng.
– Đây là tín hiệu tích cực, đảm bảo nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh và vùng lân cận. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về vận hành lưới điện, hệ thống truyền tải.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
- Dệt may TNG báo lãi quý 1/2022 tăng trưởng 74% so với cùng kỳ
– Theo công bố BCTC hợp nhất quý I, doanh thu thuần 1.260 tỷ đồng, tăng 38%. Doanh thu tài chính tăng từ 8 tỷ lên 22 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng từ 32 tỷ lên 39 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 19% nhưng chi phí quản lý tăng 85%. Ghi nhận 38 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước
– TNG cho biết trong quý đã bổ sung may móc thiết bị tự động, kiểm soát sản xuất theo mốc giờ đến từng người lao động giúp cho nhân sự lao động và số lượng sản phẩm cải thiện. Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng tăng, tình trạng khan hiếm container cải thiện và hàng hóa xuất khẩu không còn bị ách tắc ở cảng giúp doanh thu tăng. Vấn đề thu hồi công nợ khách hàng cải thiện nên chi phí lãi vay giảm, chi phí bán hàng giảm.
– Nhờ việc đầu tư mở rộng 2 nhà máy TNG Việt Đức và Việt Thái tại khu công nghiệp Sơn Cẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU, tăng thị phần ở các thị trường mới nổi, doanh nghiệp cũng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thời trang TNG trong nước tới tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước và phân phối ra cả nước ngoài qua kênh thương mại điện tử để tối đa hóa nguồn lợi nhuận, hướng đến mục tiêu doanh thu đạt 5.990 tỷ đồng, lãi sau thuế 279 tỷ đồng.
- Phú Tài lãi trước thuế quý I tăng 43% so với năm trước
– HĐQT Phú Tài (HoSE: PTB) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I với doanh thu 1.735 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 180,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 43% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 24% và 23% kế hoạch năm.
– Về phía công ty mẹ, doanh thu trong quý I đạt 892 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 94 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được phía Phú Tài đưa ra là do công ty đã thực hiện sát nhập nhà máy chế biến gỗ Phù Cát vào công ty TNHH MTV gỗ Phú Tài Bình Định kể từ ngày 1/1 nên kết quả kinh doanh của nhà máy trên không còn được hạch toán vào công ty mẹ mà chuyển sang báo cáo hợp nhất.
– Bước sang quý II, công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 1.977 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 213 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu dự kiến tăng tăng 21% lên 3.713 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 38% so với cùng kỳ năm trước lên 393 tỷ đồng. Về kế hoạch kinh doanh năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 7.250 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện 2021. Ngành đá dự kiến mang về 1.670 tỷ đồng, tăng 16%; ngành gỗ 3.990 tỷ đồng, tăng 16%; ngành ôtô 1.065 tỷ đồng, giảm 2% và ngành bất động sản tương đương năm trước với 510 tỷ đồng.
– Lợi nhuận trước thuế 790 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế 632 tỷ đồng, tăng 20%. Trong đó, ngành gỗ đóng góp lớn nhất với 377 tỷ đồng, tăng 27%; ngành đá 245 tỷ đồng, tăng 21%; bất động sản 133 tỷ và ôtô 16,5 tỷ đồng.
- SZC: Sonadezi Châu Đức (SZC) – Doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận đi lùi trong quý 1/2022
– CTCP Sonadezi Châu vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu đạt 277,3 tỷ đồng, tăng gần 56% so với cùng kỳ chủ yếu đến từ doanh thu cho thuê đất và quản lý. Sau khi trừ chi phí, SZC lãi ròng 75,3 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm trong khi doanh thu tăng mạnh đến từ giá vốn trích trước của hoạt động ho thuê đất và quản lý tăng đột biến gấp 2,5 lần cùng kỳ lên 175 tỷ đồng. Trong năm nay, SZC sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công cho thuê đất công nghiệp và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KDC Sonadezi Hữu Phước – Giai đoạn 2, đồng thời triển khai xây dựng hạ tầng phân kỳ Khu đô thị phía Bắc. Ngoài ra, SZC sẽ đưa sân golf Resort 18 lỗ vào vận hành nhằm cung cấp thêm dịch vụ và tạo giá trị gia tăng cho Khu đô thị Châu Đức.
– Đầu năm 2022 có nhiều cản trở về chính sách siết tín dụng với doanh nghiệp BĐS bởi ngành này đã tăng nóng 1 thời gian dài nên sẽ là khó khăn đối với SZC. Tuy nhiên, với những dự án lớn và tiềm lực tài chính tốt sẽ giúp SZC đứng vững trên thị trường và vượt mục tiêu lợi nhuận.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch 19/04/2022, chỉ số VNINDEX đã thủng đường MA200 – trendline dài hạn tạo tâm lý khá tiêu cực cho nhà đầu tư. Chỉ số kết phiên ở 1.406,45 điểm, giảm 26,15 điểm (-1,83%).
– Thanh khoản thị trường có phần sụt giảm khi chỉ đạt 22.656,464 tỷ đồng, giảm hơn 3 nghìn tỷ đồng so với phiên giao dịch trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng về phía phe bán với 371 mã giảm, chiếm 74% các mã trên sàn HOSE, trong đó có 98 mã nằm sàn. Về mức độ ảnh hưởng, GVR, MSN và TCB là 3 mã chịu áp lực bán mạnh nhất khi đã lấy đi tổng cộng 3,934 điểm của VNINDEX, trong đó GVR giảm mạnh nhất với -1,843 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã tăng điểm nhẹ nổi bật gồm có HPG (+0.744 điểm), VJC (+0.665 điểm) và DGC (+0.429 điểm).
– Cả 10 nhóm ngành trong phiên hôm nay đều giảm điểm, trong đó có 5 nhóm ngành giảm trên 2%. Dẫn đầu về mức giảm là nhóm ngành Tài chính và Công nghệ thông tin lần lượt là 2,96% và 2,81%. Đồng thời nhóm ngành Tài chính cũng ghi nhận giá trị giao dịch lớn nhất lên đến 4.730,17 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán đều giảm mạnh, riêng nhóm Chứng khoán đa số đều đã giảm kịch sàn.
– Hai nhóm ngành cũng có giá trị giao dịch lớn trên 3 nghìn tỷ là Nguyên vật liệu (-0,14%) và Công nghiệp (-2,81%). Nhóm Nguyên vật liệu được cổ phiếu trụ HPG chống đỡ nên chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 19/04/2022 mua ròng 277,54 tỷ đồng. Lượng mua ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu DPM (93,6 tỷ đồng), GEX (85,32 tỷ đồng), KBC (61,15 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã bán ròng nhiều nhất là DGC (-135,53 tỷ đồng), SSI (-75,03 tỷ đồng), HPG (-37,57 tỷ đồng).
– Hiện tại, chỉ số VNINDEX đã quay trở lại khu vực đỉnh cũ đầu tháng 7/2021 và đồng thời thủng đường trendline dài hạn MA200. Chiều hướng đang khá tiêu cực khi tâm lý bán tháo của nhà đầu tư chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo theo thị trường, nên đợi những phiên hồi phục để hạ tỷ trọng tài khoản ở mức an toàn và giảm thiểu sử dụng margin trong giai đoạn này.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/vndirect1
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0