Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 19/10/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Ngân sách Mỹ thâm hụt 3,000 tỷ USD, gấp đôi kỷ lục khủng hoảng tài chính 2008
Con số chính xác cho thấy thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2020 đạt 3,13 nghìn tỷ USD, nhiều hơn gấp 3 lần so với mức thâm hụt 984 tỷ USD của năm ngoái và gấp đôi kỷ lục trước đó được xác lập vào năm 2009 với 1,4 nghìn tỷ USD. Các gói kích thích kinh tế để đối phó với đại dịch Covid-19 là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng thâm hụt này.
Theo CNBC, phần lớn của khoản thâm hụt kỷ lục này tới từ Đạo luật CARES, một gói chi tiêu trị giá 2,2 nghìn tỷ USD để giúp đỡ doanh nghiệp và người lao động Mỹ thoát khỏi những cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra. Không chỉ trả tiền trợ cấp cho người dân, gói kích thích này còn bao gồm các khoản để doanh nghiệp có thể vay và trả lương cho người lao động.
Hong Kong và Singapore thiết lập “bong bóng du lịch” đầu tiên trên thế giới
Theo tin từ CNN, Hong Kong và Singapore đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập “bong bóng du lịch hàng không”, cho phép cư dân di chuyển giữa hai nơi mà không phải cách ly hay thực hiện các biện pháp hạn chế phòng dịch. Đây là “bong bóng du lịch” đầu tiên trên thế giới, được thiết lập trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới.
Đại dịch đã buộc Hong Kong và Singapore phải đóng cửa biên giới trong nhiều tháng qua và hạn chế nhập cảnh với hầu hết người nước ngoài cũng như du khách lưu trú ngắn ngày. Tại Hong Kong, cư dân trở về từ nước ngoài bắt buộc thực thiện cách ly 14 ngày và đeo vòng điện tử để theo dõi vị trí.
Trong thông cáo chung, Singapore và Hong Kong cho biết cả hai bên đã kiểm soát thành công dịch bệnh và ghi nhận số ca nhiễm thấp trong vài tháng qua. Đây là cơ sở để hai bên nhất trí các nguyên tắc thiết lập hành lang du lịch an toàn. Thông cáo chung của hai bên không đề cập thời gian cụ thể sẽ triển khai “bong bóng du lịch” mà dự kiến công bố thông tin chi tiết trong vài tuần tới.
Anh bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm
Xếp hạng tín nhiệm của Anh bị hạ từ Aa2 xuống Aa3, cùng mức với Bỉ và Cộng hòa Séc. Nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới cũng ghi nhận GDP giảm mạnh nhất nhóm G7 trong quý II. Nợ công của họ cũng đã chạm 2.000 tỷ bảng – cao hơn GDP.
Moody’s đánh giá tăng trưởng của Anh “yếu hơn đáng kể so với dự báo và có thể vẫn còn yếu trong tương lai”. Kinh tế Anh đang chịu sức ép lớn từ đại dịch, ngành dịch vụ bị ảnh hưởng từ các quy định giãn cách và rủi ro Covid-19 lây lan mạnh hơn.
Tin tức này là thách thức mới nhất lên Thủ tướng Anh Boris Johnson, vốn đang bị các đảng đối lập và chính nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của ông chỉ trích vì cách xử lý đại dịch. Anh hiện có nhiều người tử vong nhất vì Covid-19 tại châu Âu. Moody’s cho biết việc Anh chưa thể đạt thỏa thuận thương mại quy mô lớn với Liên minh châu Âu (EU) sẽ càng làm tăng thiệt hại gây ra bởi Covid-19.
2. Vĩ mô Việt Nam
Hơn 1 tỷ USD hàng Việt Nam đã được EU giảm thuế nhờ EVFTA
Theo thông tin được thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết Kết quả bước đầu thực hiện EVFTA rất tích cực, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8 năm 2020 đạt 3,77 tỉ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 9, đạt 3,54 tỉ USD, tăng 7,9%. Tính đến ngày 12-10, sau hơn 2 tháng thực thi EVFTA, đã có khoảng 24.000 bộ C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) được cấp với kim ngạch gần triệu USD đi 28 nước EU.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 10 mặt hàng có kim ngạch cấp C/O cao nhất trong 2 tháng 8 và 9 là giày dép, thủy sản, nhựa, dệt may, cà phê, rau quả, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, cao su và cuối cùng là gạo. Đối với mặt hàng gạo, đã có 3,98 triệu USD hàng hóa được miễn thuế theo hạn ngạch mà EU đã cấp.
EVN chạy đua tăng thêm nguồn điện mới
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết, để tăng cường thêm nguồn cung cho lưới điện quốc gia, EVN đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện thí nghiệm hiệu chỉnh chuẩn bị phát điện tại dự án điện mặt trời Sê San 4 vào quý 4-2020.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 được xây dựng tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum có công suất 49MWp, do EVN làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp bình quân 72,4 triệu kWh/năm.
Theo EVN, trong 9 tháng qua, trên cả nước đã lắp đặt 33.606 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 1.146MWp. Tổng cộng đến nay cả nước đã có 55.983 dự án điện mặt trời mái nhà đưa vào vận hành với tổng công suất 1.531MWp, sản lượng điện đã phát lên lưới là 636,6 triệu kWh.
Nguồn thu từ sử dụng đất đạt 93.7 nghìn tỷ đồng
Trong 9 tháng năm 2020, ngành tài nguyên và môi trường (TN & MT) đã có những đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong đó, thị trường quyền sử dụng đất của bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, nguồn thu từ đất, tiền sử dụng đất đạt 93,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5 nguồn thu nội địa (đạt 97,7% so với kế hoạch).
Cũng trong 9 tháng, việc thu thuế bảo vệ môi trường đạt được 40 nghìn tỷ đồng. Chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục tăng 0,27 điểm; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016; tỉ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34%. Chỉ số hài lòng của người dân về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực TN&MT ở địa phương tăng từ 80,03 lên 85,62%; chỉ số kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công đạt 86,35%.
Đáng chú ý, công tác dự báo chính xác các xu thế thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu và phối hợp tốt với các Bộ, ngành địa phương đã phục vụ chủ động, điều chỉnh các hoạt động kinh tế – xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra.
3. Tài sản đầu tư
Tăng giá mạnh, Nhân dân tệ đang “thử thách” Ngân hàng Trung ương Trung Quốc?
Theo hãng tin Bloomberg, vào cuối phiên giao dịch ngày 16/10, tỷ giá Nhân dân tệ ở cả thị trường Trung Quốc đại lục và ngoài Trung Quốc đồng loạt nhảy qua mốc 6,7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Mốc tỷ giá này vốn đã trở thành tâm điểm chú ý từ đầu tuần, và trên thị trường đã xuất hiện những đồn đoán cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ phải tác động lên tỷ giá tham chiếu.
Nhà phân tích cấp cao về ngoại hối Fiona Lim thuộc Malayan Banking Berhad nhận định rằng tỷ giá tham chiếu hàng ngày “rất có thể sẽ là công cụ được PBoC lựa chọn để hạn chế đà tăng giá của Nhân dân tệ”. Cũng theo bà Lim, Nhân dân tệ có thể tăng lên mức 6,655 Nhân dân tệ/USD.
“Việc áp đặt các chính sách nhằm ngăn Nhân dân tệ tăng giá có thể phản tác dụng khi mà Trung Quốc đang muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường tài chính nước này”, bà Lim giải thích về việc PBoC có thể chỉ dùng tỷ giá tham chiếu để can thiệp.