Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Podcast – 20% thâm hụt trong xuất khẩu từ Trung Quốc đại lục vào Mỹ chuyển sang Việt Nam
1. Vĩ mô quốc tế và các thông tin đáng chú ý
GDP quý II của Trung Quốc tăng trưởng 3,2%
“Nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua được những tác động tiêu cực của đại dịch và chứng tỏ tốc độ tăng trưởng đang hồi phục dần dần”, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc đưa ra thông cáo báo chí trong ngày 16/7.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế bao gồm chi tiêu tài khóa, cắt giảm lãi suất cho vay, giảm thuế và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hồi sinh nền kinh tế và hỗ trợ việc làm.
Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 4,8% trong tháng 6, tăng trưởng tháng thứ 3 liên tiếp.
“Với sự lan rộng liên tục của đại dịch trên toàn cầu, tác động to lớn của đại dịch đến nền kinh tế cũng như những rủi ro và thách thức bên ngoài, sự phục hồi của Trung Quốc vẫn đang chịu nhiều áp lực”, theo Tổng cục thống kê Trung Quốc.
Hỗ trợ tài chính của chính phủ Mỹ đóng vai trò thiết yếu
Nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục đối mặt với “những cơn gió ngược” do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, do đó sự hỗ trợ của chính phủ vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò thiết yếu.
Tuyên bố trên được thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard đưa ra ngày 14/7 trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng vọt tại nhiều bang.
Phát biểu trước Hiệp hội Kinh tế doanh nghiệp quốc gia, bà Brainard cảnh báo sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới “có thể đối mặt với những cơn gió ngược trong một khoảng thời gian,” và với số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng, “một làn sóng (dịch bệnh) thứ hai sẽ càng khuếch đại thách thức đó.”
2. Tin vĩ mô trong nước và triển vọng kinh doanh
Giải ngân vốn đầu tư công 2020 vẫn chậm so với yêu cầu
“Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa nhận như vậy khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, diễn ra sáng 16/7/2020.
Ước giải ngân 6 tháng đầu năm là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Trong đó, vốn trong nước là 145.270,055 tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.061,952 tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065,181 tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch).
Sẽ có chế tài mạnh nếu để giải ngân vốn đầu tư công chậm
“Đầu tư công là cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy và cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ tăng được 1% đầu tư, thì sẽ góp phần tăng trưởng GDP thêm 0,06%.
“Trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ ngành, địa phương là rất lớn, phải tập trung giải ngân hết hơn 633.000 tỷ đồng trong năm nay”, Thủ tướng nói
“Phải tìm ra nguyên nhân chủ quan là chính, chứ không phải đổ cho khách quan. Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để giải ngân chậm”, Thủ tướng nói và một lần nữa đặt lại câu hỏi đã nhiều lần được đặt ra.
“Nói hoài nói mãi mà không chịu làm, lần này phải có chế tài mạnh, chế tài với những người đứng đầu trong việc để tình trạng chậm giải ngân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
20% thâm hụt trong xuất khẩu từ Trung Quốc đại lục vào Mỹ chuyển sang Việt Nam
Một nghiên cứu mới đây của Rabobank cho thấy: Ấn Độ đã không thay thế được phần lớn xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
“Một trong những lý do khiến Ấn Độ không được hưởng lợi nhiều hơn là vì: xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh nhất trong sản phẩm máy tính và điện tử”, các nhà kinh tế học Ralph van Mechelen và Michiel van der Veen đã viết trong ghi chú. “Hiện tại, đó là một ngành công nghiệp tương đối nhỏ ở Ấn Độ”.
Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 17% tương đương 88 tỷ USD vào năm 2019, nhóm nghiên cứu nói. Điều đó dẫn đến sự sụt giảm tới 4 điểm % về tỷ trọng của Trung Quốc trong nhập khẩu của Mỹ. Bên cạnh cuộc chiến thương mại, đại dịch Covid-19 cũng đã gia tăng áp lực buộc các công ty phải đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ, theo báo cáo.
Các nhà kinh tế cho biết, Việt Nam (20%), Mexico (16%) và Đài Loan (10%) là những người hưởng lợi chính từ sự thay đổi trong nhập khẩu của Hoa Kỳ, các nhà kinh tế cho biết.
3. Giá cả hàng hóa và các kênh đầu tư
Giá đồng tăng mạnh
Trong những tháng gần đây, đồng tăng giá vùn vụt nhờ đón nhận dòng tiền mạnh mẽ của các quỹ đầu tư trên toàn cầu. Đó là tín hiệu cho thấy giới đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu bất chấp các bất ổn liên quan đến dịch Covid-19.
Đồng là kim loại được sử dụng trong nhiều ứng dụng công nghiệp và đóng vai trò thiết yếu đối với nhiều khu vực của nền kinh tế từ cơ sở hạ tầng cho đến hàng điện tử tiêu dùng. Vì vậy, các chuyển động giá của đồng được xem là chỉ báo “chẩn đoán” đáng tin cậy về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Cũng chính vì thế mà kim loại này được đặt biệt danh “Bác sĩ Đồng” (Dr. Copper).
Giá của kim loại này đăc biệt nhạy cảm với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiêu thụ gần 50% sản lượng đồng của thế giới mỗi năm. Và các dữ liệu gần đây cho thấy đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc mạnh hơn dự báo của các nhà phân tích sau khi đại dịch Covid-19 làm tê liệt hoạt động sản xuất ở nước này hồi đầu năm 2020.
Trong tháng 6, Trung Quốc nhập khẩu đến 656.483 tấn đồng thô, mức cao kỷ lục mới và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng nhập khẩu đồng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi tốt.