Podcast ngày 17.02.2022 – Cán cân thương mại thặng dư gần 1,4 tỷ USD trong tháng 1/2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 17/02/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Cán cân thương mại thặng dư gần 1,4 tỷ USD trong tháng 1/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Nhật Bản lần thứ hai xả dầu thô trong kho dự trữ
– Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông báo vào ngày 9/3, chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức bán đấu giá khoảng 1,64 triệu thùng dầu thô (tương đương 260 triệu lít dầu) từ kho dự trữ quốc gia. Đây là đợt xả dầu thô từ kho dự trữ chiến lược thứ hai của Nhật Bản theo đề nghị phối hợp mà Mỹ đưa ra nhằm hạ nhiệt giá dầu.
– Theo thông báo, số dầu trên sẽ bao gồm 110 triệu lít dầu từ kho chứa ở thành phố Tomakomai, tại miền Bắc Nhật Bản và 150 triệu lít dầu từ kho chứa của nhà máy lọc dầu thuộc tập đoàn Eneos ở thị trấn Kiire, miền Nam Nhật Bản.
– Tháng 11/2021, Nhật Bản tuyên bố sẽ xả vài trăm triệu lít dầu theo đề nghị của Mỹ nhằm hạ nhiệt giá dầu, cũng như đổi bớt lượng dầu cũ trong kho dự trữ quốc gia. Trong đợt bán ra đầu tiên vào ngày 9/2, Nhật Bản đã bán tổng cộng 628.980 thùng dầu (tương đương 100 triệu lít dầu).
– Nhu cầu phục hồi và nguồn cung hạn chế là nguyên nhân khiến giá dầu tăng vọt lên hơn 90 USD/thùng. Tháng 1 vừa qua, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo đã phê duyệt việc đổi 13,4 triệu thùng dầu thô từ Kho dự trữ dầu chiến lược cho 7 công ty. Đây là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm điều chỉnh giá dầu.
– Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xả 50 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu chiến lược, sau khi giá dầu lên mức cao nhất trong 7 năm. Ước tính Mỹ đã xả gần 40 triệu thùng dầu qua các đợt trao đổi trước đó và bán 18 triệu thùng dầu.
– Với việc giá dầu đang ở mức cao kỷ lục kể từ năm 2014, các chính phủ trên thế giới đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế giá dầu tiếp tục tăng cao nhằm tránh tình trạng lạm phát tiếp tục tăng nhanh và gây rủi ro cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp dầu khí vẫn sẽ được hưởng lợi trong nửa đầu năm 2022 khi nguồn cung chưa tăng tương ứng để bắt kịp với nhu cầu.

• Lạm phát tháng 1 của Trung Quốc hạ nhiệt
– Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng 9.1% so với cùng kỳ, giảm từ mức 10.3% trong tháng 12/2021. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại ở mức 0.9%, đều thấp hơn dự báo ban đầu.
– Đà giảm tốc của lạm phát trong những tháng gần đây giúp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có thêm khoảng trống cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản vào nền kinh tế. Bắc Kinh đã chuyển sang hướng hỗ trợ tăng trưởng vào cuối năm 2021 khi thị trường bất động sản suy yếu và dịch bệnh tái bùng phát.
– Thống đốc PBOC Yi Gang cho biết chính sách tiền tệ sẽ vẫn theo hướng hỗ trợ cho nền kinh tế, và kỳ vọng nền kinh tế sẽ trở lại mức tăng trưởng tích cực trong năm nay.
– Giá thép, than đá và các hàng hóa công nghiệp khác suy giảm trong tháng 1/2022, qua đó kéo giảm chi phí mua các hàng hóa công nghiệp.
– Sự suy giảm kéo dài của chỉ số PPI làm giảm áp lực đối với các nhà sản xuất, tạo cơ hội để không cần phải chuyển chi phí gia tăng sang người tiêu dùng. Tuy vậy, vẫn còn đó nhiều bất ổn, nhất là giá dầu đã tăng vọt vì căng thẳng Nga-Ukraine.
– Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc vẫn ở mức thấp trong tháng 1/2022, dù nhu cầu mua sắm tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên Đán. Điều này chủ yếu do giá thực phẩm giảm 3.8% trong tháng 1/2022, vì đà lao dốc 41.6% của giá thịt heo. Giá rau cũng giảm 4.1% so với cùng kỳ.
– Lạm phát lõi – loại trừ giá thực phẩm và năng lượng – tăng 1.2%, tương đương với mức của tháng 11 và 12/2021. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang khá ảm đạm.
– Điều này cho thấy việc Trung Quốc đang triển khai các chính sách tiền tệ nhằm kích cầu là hướng đi hợp lý khi thị trường tiêu dùng vẫn đang dậm chân tại chỗ, trong khi thị trường bất động sản tiếp tục suy giảm. Tuy nhiên, việc Trung Quốc kéo dài chiến lược zero Covid sẽ khiến đà hồi phục tiêu dùng chậm hơn, nên tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn sẽ còn là dấu hỏi trong năm 2022.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Cán cân thương mại thặng dư gần 1,4 tỷ USD trong tháng 1/2022
– Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 01/2022 đạt 60,29 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 12/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 30,84 tỷ USD, giảm 10,8%; nhập khẩu đạt 29,45 tỷ USD, giảm 6,9%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2022 thặng dư gần 1,4 tỷ USD.
– So với tháng 1/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước tăng 9,6%; trong đó xuất khẩu tăng 8,1%, tương ứng tăng 2,3 tỷ USD và nhập khẩu tăng 11,3%, tương ứng tăng 2,98 tỷ USD.
– Về thị trường xuất nhập khẩu, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 38,15 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng 01/2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (63,3%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu.
– Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 13,18 tỷ USD, tăng 15,6%; châu Âu: 7,05 tỷ USD, tăng 10,2%; châu Đại Dương: 1,26 tỷ USD, tăng 24% và châu Phi: 646 triệu USD, tăng 4,8% so với tháng 01/2021.
– Như vậy, trong tháng đầu tiên của năm 2022, thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam đang tiếp đà phục hồi trở lại sau quý IV ấn tượng. Nguyên nhân chính đến từ việc mở cửa kinh tế của các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam. Kỳ vọng trong năm nay, xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ hồi phục tốt với các biện pháp sống chung an toàn với dịch, giá cước vận tải hạ nhiệt và mở cửa các đường bay quốc tế, nội địa.

• Hà Nội dự kiến có thêm 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2022 – 2025
– Thông tin về tình hình lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Lê Quang Long, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết sau kỳ nghỉ Tết, 98% người lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất đã trở lại làm việc, duy trì hoạt động sản xuất an toàn ngay từ đầu năm.
– Ngoài ra, Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trong năm 2022 sẽ tập trung tham mưu xúc tiến việc thành lập và phát triển 2-5 khu công nghiệp mới cho giai đoạn 2021-2025, đặc biệt đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã có quy hoạch.
– Trong số đó có thể kể đến như khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng (huyện Chương Mỹ), khu công nghiệp Đông Anh (huyện Đông Anh), khu công nghiệp Bắc Thường Tín và Phụng Hiệp (huyện Thường Tín). Năm 2022, các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố đặt mục tiêu thu hút đầu tư tối thiểu 300-400 triệu USD.
– Đến nay, thành phố có 10 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 1.347,42ha. Trong đó, 9 khu công nghiệp với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định, có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
– Tính đến đầu tháng 12/2021, các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút trên 700 dự án, trong đó có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,1 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân trên 18 triệu USD/dự án FDI, trên 53 tỷ đồng/dự án trong nước; bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư.
– Riêng năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các khu công nghiệp Hà Nội tiếp tục thu hút 7 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 26,9 triệu USD và 315 tỷ đồng; 23 dự án đầu tư mở rộng với số vốn đăng ký 109 triệu USD và 2.039 tỷ đồng.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• IPO hướng tới M&A, Nova Consumer đặt mục tiêu lớn trong ngành hàng tiêu dùng
– Công ty cổ phần Tập đoàn Nova Consumer thông báo chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) 10,9 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn. Đây là doanh nghiệp mở màn IPO trong năm 2022 tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
– Mỗi nhà đầu tư sẽ được đăng ký mua tối thiểu 1 triệu đơn vị và tối đa 5,44 triệu đơn vị. Thời gian nhận đăng ký mua và nộp tiền đặt cọc từ 7/2 đến 28/2. Kết quả đặt mua cổ phiếu sẽ được thông báo vào 4/3 và thời gian nhận tiền mua cổ phiếu đăng ký mua thành công từ 4/3 đến 11/3.
– Với giá khởi điểm 43.462 đồng/cp, doanh nghiệp muốn huy động vốn cho mục tiêu tăng năng lực tài chính phát triển chuỗi thực phẩm và bổ sung vốn lưu động. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ dùng 430 tỷ đồng để mua lại phần vốn Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc thuộc sở hữu Công ty cổ phần Đầu tư Tiêu dùng để phát triển chuỗi thực phẩm và gần 35 tỷ đồng để góp vốn vào công ty này.
– Việc M&A Công ty TNHH thực phẩm Mặt Trời Mọc của Nova Consumer sẽ khởi đầu cho chiến lược gia nhập thị trường hàng tiêu dùng nhanh còn nhiều tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam với quy mô 100 triệu dân và tốc độ đô thị hoá cao. Thương vụ giúp công ty sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam với 80.000 điểm bán hàng, là cơ sở để đặt ra các mục tiêu tham vọng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.
– Theo kế hoạch phát triển, trong giai đoạn 2022 – 2024, Nova Consumer có đội ngũ bán hàng khoảng 1.500 nhân sự, mỗi nhân sự phụ trách từ 200 đến 300 điểm bán hàng. Từ năm 2025, công ty sẽ phát triển mạnh các nền tảng phân phối O2O (Online to Offline), giúp kết nối tốt hơn giữa các nhà phân phối, cửa hàng với doanh nghiệp, tạo ra liên kết trực tiếp với 250.000 điểm bán hàng và gián tiếp lên đến trên 400.000 điểm bán hàng.
– Thương vụ IPO đánh dấu bước chuyển mình của Nova Consumer từ công ty hàng đầu trong nông nghiệp hơn 30 năm qua trở thành công ty sở hữu chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu đầu vào đến các sản phẩm tiện lợi và hiện đại, hoàn thiện mô hình 3F.
– Nova Consumer đặt mục tiêu đạt mức doanh thu trên 1 tỷ USD sau 5 năm gia nhập thị trường hàng tiêu dùng, tương ứng mức tăng trưởng bình quân trên 50% mỗi năm.
– Năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số lần lượt 3.700 tỷ đồng và 300 tỷ đồng. Nova Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2022 – 2026 từ 4 đến 5 lần, đạt mức 1.300 đến 1.500 tỷ đồng.

• Sabeco dự kiến tạm ứng cô tức năm 2021 với tỷ lệ 15%
– Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) thông qua kế hoạch tạm ứng cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 1.500 đồng. Như vậy, với 641,28 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ tạm ứng 961,9 tỷ đồng cho cổ đông trong đợt tạm ứng sắp tới.
– Trước đó, ngày 27/1/2022 công ty vừa thực hiện thanh toán tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2021 với tỷ lệ 20%.
– Trong quý IV/2021, SAB ghi nhận doanh thu đạt 9.003,85 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.400,1 tỷ đồng, bằng 91,3% so với cùng kỳ 2020.
– Công ty cho biết đã phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021 sau khi các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại bình thường sau thời gian tạm dừng vì Covid-19, nhờ vậy doanh thu và lợi nhuận của công ty cao hơn so với quý III/2021 lần lượt là 110% và 197%.
– Lũy kế trong năm 2021, SAB ghi nhận doanh thu đạt 26.373,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.929,3 tỷ đồng, lần lượt bằng 94,3% và 79,6% so với thực hiện năm 2020.
– Như vậy, kết thúc một năm đầy khó khăn đói với các doanh nghiệp nói chung và Sabeco nói riêng do lệnh giãn cách kéo dài, tuy vậy doanh nghiệp vẫn đạt được kết quả khả quan và kế hoạch chi trả cổ tức đều đặn. Trong năm 2022, với kế hoạch mở của nền kinh tế để phục hồi sản xuất kinh doanh triển vọng kinh doanh của Sabeco sẽ có cơ hội phục hồi trở lại.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– VN-Index mở cửa phiên ngày 16/02/2022 tương đối lạc quan với sắc xanh nhẹ nhưng sau đó đã quay đầu về mức tham chiếu và giành phần lớn thời gian giao dịch giằng co ở mốc này. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 1.95 điểm. Phiên chiều không có diễn biến đặc biệt nào xảy ra, tâm lý thận trọng vẫn chiếm chủ đạo trên thị trường. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tạm “đứng yên” tại mốc 1,492.10 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, DIG, BVH, GEX là những mã có đóng góp tích cực nhất đến VN-Index. Trong khi đó, GAS, BID và VIC có tác động tiêu cực nhất, đóng góp tổng cộng hơn 3 điểm giảm.
– Về nhóm ngành: Ngành ngân hàng là lý do chính kéo thị trường xuống dưới mức tham chiếu, dù nhiều ngành khác đều tăng điểm. Có tới 13/20 mã ngân hàng kết phiên trong sắc đỏ.
– Ngành bảo hiểm là một trong những ngành tăng mạnh nhất, cụ thể ở mức 3.1%. Hầu như toàn bộ mã cổ phiếu bảo hiểm đều tăng tốt. Cổ phiếu BVH tăng 4.74%, BMI tăng 3.56%, MIG tiến 3.06%. Nhóm xây dựng cũng cho thấy nhiều điểm sáng, mức tăng cả nhóm này ở mức hơn 2%.
– Khối ngoại phiên giao dịch ngày 16/2 bán ròng trên sàn HOSE với giá trị chỉ hơn 9 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị gần 14 tỷ đồng.
– Có thể thấy, VN-Index chưa thể bứt phá khỏi vùng kháng cự 1,500-1,510 điểm khi mà khối lượng giao dịch vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 ngày. Quá trình thăm dò và phân hóa vẫn đang diễn ra trên thị trường tại thời điểm hiện tại. Phiên giao dịch ngày 17/2 nhiều khả năng sẽ có biến động do đáo hạn phái sinh VN30 tháng 2/2022 trong phiên ATC. Nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng và quan sát tại thời điểm thị trường đang điều chỉnh và vẫn còn biến động rủi ro

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest