Podcast ngày 16.12.2020 – Thị trường vốn Trung Quốc đón nhận dòng vốn kỷ lục từ nhà đầu tư nước ngoài

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/12/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Nền kinh tế bứt phá mạnh mẽ, thị trường vốn Trung Quốc đón nhận dòng vốn kỷ lục từ nhà đầu tư nước ngoài

Theo Financial Times, dòng vốn 150 tỷ USD chủ yếu đến từ các chương trình kết nối giữa Hồng Kông với thị trường đại lục. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với hồi tháng 1, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Nhà đầu tư cho rằng đà tăng còn có thể sẽ tiếp tục diễn ra.

Thị trường trái phiếu Trung Quốc nói riêng đã thu hút một lượng lớn nhà đầu tư trong thời gian đại dịch diễn ra, nhờ những cải cách nhằm mở cửa hệ thống tài chính. Dù phản ứng ban đầu đối với đại dịch có phần chậm chạp, nhưng Bắc Kinh vẫn có những bước đi quyết liệt để ứng phó. Theo đó, kinh tế nước này đã hồi phục mạnh mẽ.

Khi tăng trưởng kinh tế trở lại mức trước đại dịch và tiêu dùng trong nước tăng trưởng, NHTW đã có thể giữ mức lãi suất chuẩn gần như không bị ảnh hưởng khi NHTW các nước khác cắt giảm mạnh, hoặc tung ra các chương trình mua trái phiếu – yếu tố đẩy lãi suất xuống gần bằng 0. Do đó, Trung Quốc đã trở thành địa điểm tìm kiếm lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tỷ lệ nắm giữ của nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc thông qua liên kết với Hồng Kông đã tăng hơn 900 tỷ CNY trong 11 tháng đầu năm 2020.

Sự hứng khởi ngày càng tăng cao đối với đồng CNY cũng giảm bớt sự e ngại của nhà đầu tư đối với chứng khoán Trung Quốc. Dòng vốn đổ vào TTCK – dù thấp hơn nhiều so với thị trường trái phiếu, nhưng hiện đang tăng ở mức dương sau khi dòng vốn ồ ạt đổ ra vào đầu năm. Kể từ khi ông Joe Biden giành chiến thắng, mối quan hệ Mỹ-Trung được mong đợi là sẽ êm dịu hơn. Theo đó, tâm lý muốn làm giàu ngày càng tăng, khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu Trung Quốc đã tăng khoảng 170 tỷ USD (26 tỷ USD) trong năm nay, thông qua chương trình liên kết Hồng Kông

Lợi nhuận doanh nghiệp châu Á được dự báo tăng trưởng 20% năm 2021

Bộ ba Citigroup, Goldman Sachs Group và Nomura Holdings tỏ ra lạc quan về thị trường châu Á, dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại châu Á sẽ tăng trưởng hơn 20% trong năm tới. Citi, Nomura cùng với Societe Generale SA kỳ vọng chỉ số MSCI châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ tăng 5-7% trong năm 2021, trong khi Goldman Sachs dự báo tăng 9%.

Chứng khoán châu Á vừa ghi nhận 1 năm chưa từng có tiền lệ, trong đó chỉ số MSCI châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) xóa sạch đà giảm vì đại dịch Covid-19 và quay đầu tăng 18% trong năm 2020 (tính tới ngày 14/12). Các chỉ số chứng khán ở những quốc gia có tỷ trọng lĩnh vực công nghệ cao như Hàn Quốc và Đài Loan dẫn đầu đà leo dốc. Trong năm 2021, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận lạc quan nhất là ở Hàn Quốc, các chuyên viên phân tích tại Citigroup viết trong báo cáo tuần trước. Họ dự báo tăng trưởng EPS của chứng khoán Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 43% trong năm 2021.

Yếu tố thúc thị trường cổ phiếu châu Á trong năm 2021 sẽ là kỳ vọng về đà hồi phục lợi nhuận trong năm 2022, theo Goldman Sachs. Nhóm chuyên gia tại Goldman Sachs cho biết, “Với mức tỷ suất sinh lời cao và đã phản ánh các tin tốt trong năm nay, thị trường sẽ ngó sang kỳ vọng về đà hồi phục lợi nhuận năm tới: Lợi nhuận năm 2022 sẽ là yếu tố chính thúc đẩy thị trường năm 2021”. Họ kỳ vọng lợi nhuận khu vực châu Á sẽ tăng trưởng 16% trong năm 2022.

Singapore phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer

Thủ tướng Lý Hiển Long đã thông báo chính phủ Singapore đã phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 do Pfizer-BioNTech phát triển và dự kiến những liều đầu tiên sẽ được triển khai trong tháng 12. Singapore hy vọng sẽ có đủ vaccine cho 5,7 triệu dân trước quý III/2021, bảo đảm miễn phí cho công dân và thường trú nhân. Như vậy, Singapore trở thành nước châu Á đầu tiên phê duyệt vaccine Covid-19 do Pfizer sản xuất, những liều đầu tiên sẽ được triển khai vào cuối tháng này.

Việc tiêm vaccine sẽ hoàn toàn tự nguyện. Thủ tướng Lý cho biết ông và các quan chức chính phủ sẽ nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vaccine, bên cạnh nhân viên y tế, người cao tuổi và người dễ tổn thường. “Điều này nhằm cho người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi như tôi, thấy rằng vaccine an toàn”, Thủ tướng Singapore phát biểu trên truyền hình.

Singapore cũng ký thỏa thuận đặt trước và chuyển tiền cho những ứng viên vaccine tiềm năng, trong đó có sản phẩm của Moderna và Sinovac, với ngân sách hơn một tỷ USD cho các liều vaccine. “Chúng tôi đã đặt mua đủ số liều vaccine cho công dân Singapore và thường trú nhân”, Kenneth Mak, giám đốc cơ quan y khoa thuộc Bộ Y tế Singapore, cho hay.

2. Vĩ mô Việt Nam

Mỹ dự kiến hỗ trợ thêm 36 triệu USD phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, nhu cầu năng lượng ở Việt Nam đang tăng nhanh với tốc độ 10%/năm. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải sử dụng công nghệ năng lượng sạch và hiện đại nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho hơn 20 triệu hộ gia đình. Vì thế, nhờ chính sách khuyến khích của chính phủ trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo đã phát triển bùng nổ với 9.700MW điện mặt trời và 600MW điện gió đưa vào vận hành. Đặc biệt, tính đến nay, điện mặt trời mái nhà đạt đến 3.300MWp tổng công suất lắp đặt, tương đương 75.700 dự án.

EVN đã đưa ra nhiều chỉ tiêu cao nhằm tăng công suất điện mặt trời mái nhà đến năm 2025. Tuy nhiên, chính sách khuyến khích năng lượng mặt trời hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 12/2020 trong khi các chính sách mới chưa được ban hành. Một thách thức nữa ở đây là việc gia tăng điện mặt trời mái nhà cũng có thể gây ra các tác động tiêu cực tiềm tàng đến lưới điện như giảm chất lượng điện áp hoặc tổn thất điện năng.

Để giải quyết những vướng mắc này, EVN sẽ phân tích, đánh giá ảnh hưởng của các kịch bản phát triển điện mặt trời mái nhà, trước hết là các dự án ở Đà Nẵng. Hoạt động này được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID theo biên bản ghi nhớ ngày 14/12. Dự kiến USAID sẽ hỗ trợ thêm 36 triệu USD trong 5 năm tới để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam. Sự phối hợp của cả hai bên nhằm mục tiêu tăng hiệu suất hoạt động ngành điện, qua đó đảm bảo người dân được tiếp cận nguồn năng lượng đáng tin cậy, bền vững và bảo đảm.

Quảng Ninh triển khai đề án phát triển kinh tế đêm từ năm 2021

Ngày 14/12, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có buổi họp bàn về tiến độ xây dựng Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh. Đề án được xây dựng 5 thành phần chính, trong đó xác định quan điểm phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt, sản phẩm khác biệt dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên, con người và văn hóa.

Các hoạt động của kinh tế ban đêm sẽ diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau và chủ yếu tập trung vào 4 lĩnh vực: văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm; dịch vụ du lịch.

Dự kiến, giai đoạn 1 (giai đoạn thí điểm) sẽ được triển khai từ năm 2021-2022 và được xây dựng thí điểm tại hai thành phố lớn là Hạ Long và Uông Bí. Tỉnh Quảng Ninh sẽ khảo sát, chọn lọc tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm sẵn có trên nguyên tắc đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự.

Giai đoạn 2 từ năm 2020-2025 hoàn thành quy hoạch định hướng phát triển kinh tế ban đêm. Giai đoạn 3 dự kiến từ năm 2025 trở đi hoàn thành đưa vào hoạt động các dự án, các tổ hợp giải trí ban đêm.

Sắp cán mốc 500 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu

Thông tin được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang có nhiều dấu hiệu khả quan. Cụ thể, trị giá xuất khẩu tháng 11 đạt hơn 25 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng 10. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu đạt 24,7 tỷ USD, tăng 1,5%. Tuy nhiên, tính chung trong 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt xấp xỉ 255 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2019. Tính chung kim ngạch xuất nhập khẩu, 11 tháng qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt xấp xỉ 490 tỷ USD. Đáng chú ý, thành tích xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức kỷ lục khoảng 20 tỷ USD.

Trong thành tích chung của xuất nhập khẩu, một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến là các FTA như CPTPP, EVFTA thời gian qua đã được DN tận dụng khá tốt. Tỷ lệ DN biết để áp dụng FTA này vào hoạt động sản xuất kinh doanh là tương là tốt. Đã có vài chục nghìn bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp để tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Cùng với việc CPTPP cũng được tận dụng tương đối hiệu quả, đây là điểm tích cực.

Với quy mô hiện nay và tốc độ tăng trưởng những tháng gần đây, nhiều khả năng quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 540 tỷ USD, cao hơn khoảng 23 tỷ USD so với năm 2019 (năm ngoái đạt 517,26 tỷ USD), một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2020 chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest