Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/10/2020
1. Vĩ mô thế giới
Lần đầu tiên sau hơn 1 năm, cơn sốt thịt lợn Trung Quốc hạ nhiệt
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc vẫn tăng nhẹ trong tháng 9 khi giá lương thực tăng ngay cả khi cơn sốt giá thịt lợn đã chậm lại.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã tăng 1,7% vào tháng 9 so với 1 năm trước đó. Con số này thấp hơn một chút so với phỏng đoán của các chuyên gia cũng như thấp hơn đáng kể so với mức 2,4% của tháng 8.
Nhìn chung, giá thực phẩm ở Trung Quốc vẫn đang ở mức cao, tăng 7,9% trong tháng 9 so với 1 năm trước đó. Giá rau ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới cũng tăng 17,2%.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc vẫn tăng 25,5% nhưng chậm hơn đáng kể so với mức tăng trên 100% được duy trì trong suốt hơn 12 tháng qua. Trong tháng 8, giá thịt lợn cao hơn 52,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số tháng 9 cũng đánh dấu mức tăng giá thịt lợn chậm nhất ở Trung Quốc kể từ tháng 6/2019, thời điểm dịch tả lợn châu Phi khiến hàng triệu con lợn bị tiêu hủy tại Trung Quốc
Nhật Bản tăng mạnh trợ cấp để các công ty chuyển dịch sản xuất đến Đông Nam Á
Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp tới 50% chi phí chuyển dịch sản xuất tới các quốc gia thuộc ASEAN cho các công ty lớn và 2/3 chi phí đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ. Khoản trợ cấp áp dụng cho các sản phẩm có xu hướng tập trung sản xuất ở một quốc gia cụ thể.
Mục đích của chương trình là khuyến khích các công ty mở rộng sản xuất ở nhiều quốc gia chứ không phải lôi kéo họ rời bất kỳ quốc gia nào. Mặc dù Trung Quốc không được nêu tên trong kế hoạch, nhưng mục tiêu có vẻ là giảm độ phụ thuộc sản xuất vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đông Nam Á là điểm đến hấp dẫn dành cho các nhà sản xuất vì có chi phí thấp. Mức lương hàng năm trung bình cho một công nhân sản xuất là 5,956 USD ở Indonesia và 4,041 USD ở Việt Nam, trong khi ở Trung Quốc là gần 10,000 USD, theo Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO).
Các vụ phá sản trong ngành năng lượng Bắc Mỹ tăng cao trong quý 3
Theo báo cáo ngày 13/10 của công ty luật Haynes & Boone, các vụ phá sản trong ngành năng lượng Bắc Mỹ tăng mạnh trong quý 3 năm 2020 do các công ty gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu nhiên liệu yếu do đại dịch COVID-19 và khan hiếm nguồn tín dụng khả dụng.
Theo báo cáo trên, 17 nhà sản xuất dầu mỏ đã xin bảo hộ phá sản trong quý 3 vừa qua, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh các nhà sản xuất tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động khoan thăm dò để hạn chế chi phí, các nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Báo cáo trên chỉ ra có đến 26 công ty dịch vụ dầu khí nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong quý 3 năm 2020, tăng 15 công ty so với cùng kỳ năm trước.
2. Vĩ mô Việt Nam
Hãng vận tải khổng lồ UPS triển khai đầu tư lớn vào mạng lưới logistics tại Việt Nam
Chủ tịch mảng giao nhận vận tải, logistics và phân phối toàn cầu của UPS châu Á – Thái Bình Dương, ông Sebastian Chan nhận định, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều công ty đã lựa chọn cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, UPS đã lựa chọn triển khai hoạt động theo một hướng khác ở thị trường Việt Nam: tập trung đầu tư vào mạng lưới logistics thông minh.
Theo đó, nhờ làn sóng FDI dịch chuyển sang Việt Nam đã tăng số lượng đơn hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu, nhiều hãng giao vận đã đầu tư thêm giải pháp chuỗi cung ứng để tận dụng cơ hội giao thương này.
Ông Sebastian Chan cho biết thêm, cuối năm 2019, Việt Nam được ghi nhận là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á suốt 3 thập kỷ liên tiếp. Năm 2020, Việt Nam cũng đã chiến thắng ‘cuộc chiến’ chống đại dịch Covid-19, trở thành một trong số ít những điểm sáng nổi bật của khu vực.
Thu ngân sách ngành Thuế đạt mức thấp nhất trong 10 năm qua
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động nặng nề đến kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tác động xấu đến kết quả thu ngân sách 9 tháng đầu năm. Cụ thể, thu ngân sách 9 tháng năm 2020 đạt mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (ước thu 9 tháng chỉ đạt 66,4% dự toán, bằng 93% so với cùng kỳ).
Đặc biệt, trong quý 2, do thực hiện giãn cách xã hội, thu ngân sách sụt giảm 12% so với cùng kỳ (đã loại trừ số thuế gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP). Bước sang quý 3, kinh tế có dấu hiệu hồi phục trở lại (GDP quý 3 tăng 2,62%), tuy nhiên, số thu ngân sách vẫn giảm khoảng 7,2% so với cùng kỳ (đã loại trừ yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế).
Tổng cục Thuế cho rằng, nếu diễn biến thu không được cải thiện, thu ngân sách quý 4 không hồi phục được như diễn biến tăng trưởng kinh tế qua từng quý vừa qua, dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ hụt lớn so với dự toán.
Tỷ lệ doanh nghiệp lớn nhận được hỗ trợ Covid-19 cao hơn doanh nghiệp nhỏ
Theo kết quả khảo sát được công bố tại Hội thảo khoa học: “Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế” ,khoảng 80% doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Không tương xứng với tỷ trọng 40% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô, tạm dừng sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.
Tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành du lịch và dệt may nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Ngành ít nhận được hỗ trợ nhất là ngành công nghệ thông tin. Tỷ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ.
Các doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận được gói gia hạn nộp thuế. Các gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi rằng, tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại, cụ thể là việc cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu thời hạn trả nợ và vay không cần tài sản thế chấp.
3. Tài sản đầu tư
Dầu tăng hơn 2% khi OPEC cam kết tuân thủ cắt giảm sản lượng
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Tư (14/10), khi Ả-rập Xê-út và Nga được cho là đã tổ chức một cuộc điện đàm, nhắc lại cam kết của OPEC+ trong việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, MarketWatch đưa tin.
Tuy nhiên, một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã làm tăng lo ngại rằng sự gia tăng số ca nhiễm mới Covid-19 trên thế giới sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô, kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm vào ngày thứ Ba (13/10), Cơ quan Thông tấn chính thức của Ả-rập Xê-út đưa tin. Hai bên “đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tất cả các nước sản xuất dầu tiếp tục hợp tác và tuân thủ thỏa thuận OPEC+ để đạt được những mục tiêu vì lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng”.