Podcast ngày 16.09.2020 – Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó

1. Vĩ mô Quốc tế

Trung Quốc có thể ra mắt vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 11 tới

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), nước này hiện có 4 loại vaccine ngừa Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.

Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đang diễn ra suôn sẻ và vaccine có thể sẽ ra mắt sớm nhất vào tháng 11. Ít nhất ba trong 4 loại vaccine này đã được tiêm phòng cho các nhân viên theo một chương trình sử dụng khẩn cấp được triển khai vào tháng Bảy.

Hiện Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) và công ty Sinovac Biotech được niêm yết tại Mỹ đang phát triển ba loại vaccine ngừa Covid-19. Loại vaccine thứ tư do CanSino Biologics phát triển đã được quân đội Trung Quốc chấp thuận sử dụng hồi tháng Sáu.

Doanh số bán lẻ Trung Quốc lần đầu tăng trong năm nay

Trung Quốc hôm nay công bố số liệu kinh tế tháng 8. Doanh số bán lẻ nước này tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lần tăng đầu tiên kể từ đầu năm nhưng vẫn giảm 8,6% nếu so tổng 8 tháng. Sản lượng công nghiệp tăng 5,6% so với tháng 8/2019 còn đầu tư tài sản cố định giảm 0,3% trong 8 tháng đầu năm.

OPEC cắt giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2020 và cắt giảm triển vọng năm 2021 sau đại dịch

Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã điều chỉnh giảm triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu xuống mức trung bình 90,2 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Con số này giảm 400.000 thùng/ngày so với ước tính tháng trước và phản ánh sự suy giảm là 9,5 triệu thùng/ngày theo năm. Nguyên nhân do sự phục hồi yếu hơn dự kiến ​​ở Ấn Độ và các nước châu Á khác

OPEC cho biết tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu ở châu Á dự kiến ​​sẽ kéo dài trong 6 tháng đầu năm 2021.

Do đó, OPEC hiện dự kiến ​​nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6,6 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 96,9 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Dự báo cập nhật này cũng thấp hơn 400.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó.

Nhiều năm gian lận, Mercedes-Benz vừa chấp nhận nộp phạt 2,2 tỷ USD

Daimler AG, sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz, và công ty con ở Mỹ đã đồng ý giải quyết các cáo buộc liên quan đến gian lận khí thải ở Mỹ với một thỏa thuận lên đến 1,5 tỷ USD tiền phạt cùng các chi phí khác. Riêng Daimler AG trước đó cũng đồng ý trả 700 triệu USD liên quan đến một vụ kiện tập thể ở Mỹ, nâng tổng số tiền phải trả liên quan đến các cáo buộc lên 2,2 tỷ USD. Dù nộp tiền phạt nhưng Daimler AG không thừa nhận các cáo buộc.

2. Vĩ mô Việt Nam

ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam còn 1,8%

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa cập nhật dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam là 1,8%, giảm 2,3 điểm phần trăm so với hồi tháng 6. Nguyên nhân là tiêu dùng nội địa giảm sút và sức cầu bên ngoài suy yếu do những tác động lớn hơn, ngoài mức dự báo của dịch Covid-19. Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh kinh tế là thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường chi tiêu công và hoạt động cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, tăng trưởng GDP sẽ sớm quay lại mức 6,3% vào 2021.

Dự kiến 11 ngành nghề sẽ bị hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài

Vụ Pháp chế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất danh sách 11 ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được tiếp cận trên thị trường.

Cụ thể đó là: kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; đánh bắt hoặc khai thác hải sản; dịch vụ điều tra và an ninh;

Ngoài ra, còn có các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên; dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; kinh doanh nghĩa trang, công viên nghĩa trang; dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận); dịch vụ nổ mìn; dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Đề xuất miễn 1.400 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 4.000 doanh nghiệp

Theo số liệu của Bộ Tài chính, sau gần 3 năm thực hiện Nghị định 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Bộ TN&MT và các địa phương đã phê duyệt khoảng 4.000 quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền đã vào nộp ngân sách nhà nước (tính đến tháng 6/2020) ước vào khoảng 10.600 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm đã nộp vào ngân sách nhà nước nước 600 tỷ đồng và cả năm 2020 dự kiến sẽ nộp vào ngân sách nhà nước 1.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ TN&MT đề xuất miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2020 cho 4.000 doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh để các tổ chức cá nhân này có thêm 1.400 tỷ đồng để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

3. Các kênh đầu tư

Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (room vốn ngoại) của các doanh nghiệp đại chúng.

Không như một số ngành khác, room vốn ngoại tại các ngân hàng TMCP tối đa chỉ được 30%. Vì vậy, muốn tìm được đối tác chiến lược, thời gian qua, các ngân hàng phải dùng đến quyền mở, đóng room tại thời điểm thích hợp để có dư địa tìm đối tác đầu tư dài hạn hỗ trợ ngân hàng phát triển và đạt được mức giá chào bán có lợi nhất cho cổ đông.

Việc bãi bỏ quyền tự định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư ngoại tự do mua bán ngắn hạn, lướt sóng cổ phiếu ngân hàng, giúp thanh khoản tốt hơn, song lại làm mất đi mục tiêu lớn của các ngân hàng thương mại trong việc tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư dài hạn, chiến lược. Nhà đầu tư ngoại sẽ chọn mua bán tự do trên sàn, thay vì ký hợp đồng hợp tác lâu dài kèm theo các cam kết khác để hỗ trợ ngân hàng

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng “Quy định này vi phạm quyền tự quyết của doanh nghiệp, ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng là ngành nhạy cảm, cổ đông nước ngoài cần được chọn lọc kỹ càng, được cơ quan quản lý phê duyệt nhằm tránh ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Việc “mở” room 30% có thể khiến việc kiểm soát cổ đông lớn có yếu tố nước ngoài trở nên khó khăn”.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest