Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Morgan Stanley đưa ra 3 lý do giải thích tại sao cuộc suy thoái Covid-19 sẽ ngắn”
1. Vĩ mô quốc tế
Kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu phục hồi
Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 15/6 cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tuy cao hơn so với mức giảm dự kiến 2,0% mà giới quan sát đưa ra, song vẫn được được xem là một chỉ dấu cho thấy sự phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng.
Cả doanh số và đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đều tăng vọt trong tháng 5
Đầu tư vào bất động sản tại Trung Quốc trong tháng 5 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 7% trong tháng trước, Reuters tính toán dựa trên số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố sáng nay 15/6.
Sức hồi phục của tháng 5 giúp đầu tư bất động sản tại Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ trượt nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn nhiều so với mức giảm trong các tháng trước đó khi Trung Quốc phong tỏa chống dịch Covid-19.
Bất động sản Hồng Kông chứng tỏ sức bền
Có nhiều lý do để niềm tin của người dân Hồng Kông đặt vào bất động sản được giữ vững. Giá bất động sản tại đây đã tăng 230% kể từ năm 2000 cho tới nay, theo số liệu của Centaline Property Agency Ltd. Bất chấp tăng trưởng kinh tế theo hướng xuống dốc kể từ đầu năm tới nay, giá nhà tại Hồng Kông vẫn tăng 1,2% và đang leo dốc với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12/2019 tới nay.
Ngay cả khi giá nhà và doanh số bán hàng giảm xuống tại nhiều thị trường trên toàn cầu như London, Singapore…, Hồng Kông vẫn ghi nhận 6.885 thương vụ mua bán bất động sản trong tháng 5/2020, mức cao nhất trong 12 tháng qua. Bên cạnh đó, trung tâm tài chính châu Á này vẫn giữ vị trí thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, theo báo cáo của CBRE Group Inc công bố đầu tháng 6. Giá bất động sản trung bình tại đây là 1,3 triệu USD, vượt xa so với mức 11,9 triệu USD tại Vancouver – khu vực giữ vị trí thứ 2.
Morgan Stanley đưa ra 3 lý do giải thích tại sao cuộc suy thoái Covid-19 sẽ ngắn
Dự đoán một cuộc suy thoái mạnh mẽ nhưng ngắn ngủi, các nhà kinh tế cho biết họ kỳ vọng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt mức âm 8,6% trong quý II/2020 và phục hồi lên mức 3% vào quý I/2021.
Morgan Stanley cũng đưa ra lưu ý với 3 lý do tại sao cuộc suy thoái Covid-19 sẽ ngắn. Đó là, đây không phải là một cú sốc nội sinh được kích hoạt bởi sự mất cân bằng lớn, áp lực giảm đòn bẩy sẽ vừa phải hơn, cuối cùng là các hỗ trợ chính sách khá lớn và sẽ có hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phục hồi.
Các hỗ trợ chính sách từ ngân hàng trung ương và các bộ tài chính bơm tiền vào nền kinh tế sẽ không thể giảm nhanh chóng, báo cáo cho biết thêm.
Trong đó, rủi ro đối với triển vọng kinh tế hiện tại bao gồm sự phát triển của virus và vacxin.
“Trong trường hợp cơ bản, chúng tôi giả định rằng một đợt lây nhiễm thứ hai sẽ xảy ra vào mùa thu, nhưng nó sẽ có thể kiểm soát được và dẫn đến việc phong tỏa có chọn lọc”, theo quan điểm các nhà kinh tế học với kịch bản vacxin có sẵn vào mùa hè năm 2021.
“Ngược lại, chúng tôi giả định trong trường hợp tiêu cực rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt sẽ xảy ra như những gì đã diễn ra trong đầu năm nay sẽ dẫn đến kịch bản thị trường giảm mạnh trở lại sau thời gian hồi phục”, theo báo cáo.
2. Vĩ mô Việt Nam
Xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ
Tổng cục Hải Quan mới cho biết, cán cân thương mại hàng hóa trong 5 tháng đầu năm thặng dư 3,53 tỷ USD, gần gấp đôi ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê.
Theo đó, giá trị xuất khẩu sơ bộ trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 100 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 96,7 tỷ USD. Xét về cơ cấu, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,4 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu đến 10,9 tỷ USD.
Những con số trên cho thấy, hoạt động xuất khẩu trong tháng 5 đã có nhiều khởi sắc và diễn biến tích cực hơn so với tháng 4, trước khi dịch COVID-19 đang từng bước được khống chế ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy vậy, để cán mốc 300 tỷ USD trong bối cảnh hiện nay đang là chặng đường khó khăn và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ nay đến cuối năm. Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian.
Do đó, ông Chinh cho rằng trong những tháng cuối năm, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019 và tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu năm 2020 là đạt 300 tỷ USD.
3. Các kênh đầu tư
Phiên giao dịch ngày 15/6, các chỉ số bất ngờ giảm sâu do nhiều cổ phiếu bị bán mạnh về cuối phiên.
Khối ngoại bất ngờ mua ròng hơn 14.873 tỷ đồng với khối lượng tương ứng 191,6 triệu cổ phiếu. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 226,5 triệu đơn vị, trị giá 15.643 tỷ đồng, trong khi bán ra 34,9 triệu cổ phiếu với giá trị tương ứng 770 tỷ đồng.
Trên HoSE, dòng vốn ngoại mua ròng trở lại gần 14.857 tỷ đồng. Giá trị mua ròng lớn đến từ giao dịch thỏa thuận hơn 201 triệu cổ phiếu VHM từ nhà đầu tư trong nước bán cho khối ngoại. Mức giá thoả thuận là 75.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị gần 15.100 tỷ đồng. Nếu không tính lượng thoả thuận này thì nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 243 tỷ đồng.
Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong quý II
Thống kê của VietnamFinance cho thấy trong tháng 4 và tháng 5/2020, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đạt trên 57.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 60% so với quý I/2020, hàm ý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã khởi sắc rõ rệt, nhờ lực kéo từ nhóm Ngân hàng.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng (nhóm Ngân hàng) đã phát hành gần 26.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 45,3% trong tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. BIDV, VPBank và HDBank là 3 ngân hàng dẫn đầu, giá trị phát hành lần lượt 9.000 tỷ đồng, 7.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng.
Xếp sau nhóm Ngân hàng là nhóm Bất động sản với gần 14.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, chiếm tỷ trọng 25,2%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 92.000 tỷ đồng; trong đó, nhóm Bất động sản dẫn đầu với gần 34.000 tỷ đồng (tỷ trọng 36,6%), kế đến là nhóm Ngân hàng với 26.900 tỷ đồng (tỷ trọng 29%)