Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/03/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính nếu Nga vỡ nợ?
– Bình luận trên đài CBS, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Kristalina Georgieva, nhận định khả năng Nga vỡ nợ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây không còn là “không thể xảy ra”, tuy nhiên nó sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đại diện IMF cho rằng, tổng mức rủi ro tín dụng của các ngân hàng đối với thị trường Nga là khoảng 120 tỷ USD, một con số không đáng kể và “không liên quan một cách có hệ thống”.
– Người đứng đầu IMF cho rằng các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các quốc gia khác áp lên Nga đã tác động “nghiêm trọng” đến nền kinh tế Nga và sẽ gây ra một cuộc suy thoái nặng nề ở Nga trong năm nay. Ngoài ra, chiến sự Nga – Ukraine cũng sẽ đẩy giá lương thực và năng lượng tăng vọt, dẫn đến nạn đói ở châu Phi, đại diện IMF lưu ý.
– Tuần trước, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Carmen Reinhart, đã cảnh báo rằng Nga và đồng minh Belarus “gần như rất gần” với khả năng vỡ nợ. Bà Kristalina Georgieva cho biết IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 4,4% trong năm 2022 do tác động của chiến sự Nga – Ukraine.
– Về phía Nga, chính quyền nước này hôm 13/3 cho biết họ đang trông cậy vào Trung Quốc để giúp họ chống đỡ trước các lệnh trừng phạt dội vào nền kinh tế này. Tuy nhiên, Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc không hỗ trợ Nga. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Moscow không thể tiếp cận 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng, nhưng vẫn nắm giữ một phần dự trữ bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
• Ấn Độ cho biết sẽ sẵn sàng giải phóng thêm lượng dầu dự trữ
– Ấn Độ là nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới và nhập khẩu khoảng 85% nhu cầu dầu.
– “Chính phủ Ấn Độ sẵn sàng thực hiện tất cả các hành động thích hợp, nếu được cho là phù hợp để giảm thiểu sự biến động của thị trường và làm dịu sự gia tăng của giá dầu thô”, Bộ trưởng Dầu mỏ Rameswar Teli cho biết.
– Tháng trước, Ấn Độ cho biết họ đã chuẩn bị xuất kho dầu thô bổ sung từ kho dự trữ quốc gia của mình để hỗ trợ nỗ lực của các nhà nhập khẩu dầu lớn khác nhằm giảm bớt giá dầu tăng cao trên toàn cầu. Bộ trưởng Dầu mỏ Rameswar Teli cho biết, chính phủ liên bang đã cùng với các quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác giải phóng 5 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của mình vào tháng 11 để kiềm chế áp lực lạm phát.
– Ấn Độ chỉ mua một phần dầu từ Nga nhưng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu toàn cầu tăng vọt do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới. Các công ty dầu của Ấn Độ đã không tăng giá nhiên liệu kể từ ngày 4/11 để hỗ trợ áp lực cho các khách hàng khỏi chi phí cao hơn.
– Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đang xem xét đề nghị của Nga để bán dầu thô và các mặt hàng khác của họ với mức chiết khấu để giảm bớt chi phí nhập khẩu cho các công ty trong nước.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Việt Nam chi gần 10 triệu USD nhập khẩu phân bón từ Nga, giảm gần 70% so với tháng 1
– Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, Việt Nam nhập khẩu 269.747 tấn phân bón, tương đương 131,43 triệu USD, giảm 16,4% về lượng và giảm 14,4% về kim ngạch so với tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu mặt hàng này giảm 8,4% về lượng nhưng tăng 74,3% kim ngạch.
– Giá nhập khẩu trong tháng 2 tăng 2,4% so với tháng 1 nhưng cao hơn 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Về thị trường, trong tháng 2, Việt Nam mua 88.869 tấn từ Trung Quốc với giá 403,3 USD/tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam. Nhập khẩu từ thị trường Nga giảm trên 67% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 1, ở mức 17.567 tấn, tương đương 9,71 triệu USD.
– Nga cung cấp phân bón nhiều thứ hai cho Việt Nam, sau Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm với 71.341 tấn, tương đương 39,4 triệu USD. Nước này chiếm 12% tổng tượng và 13,8 trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Belarus đứng thứ ba với 52.833 tấn, tương đương 30,9 triệu USD, chiếm 8,9% trong tổng lượng và chiếm 10,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
– Tính chung trong 2 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 594.518 tấn, trị giá trên 285,8 triệu USD. Trung Quốc đứng đầu với 226.191 tấn, kim ngạch hơn 93 triệu USD. Cuộc chiến tại Ukraine đang ảnh hưởng lên thị trường phân bón vì Nga là nhà sản xuất lớn trên thế giới. Mỗi năm, nước này sản xuất khoảng 50 triệu tấn, chiếm 13% tổng sản lượng toàn cầu.
• Năm đầu tiên thực thi Hiệp định UKVFTA, thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD
– UKVFTA được ký chính thức tại London, vương quốc Anh (UK) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021 và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021. Theo đó, 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam – Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Thuế suất đối với thương mại hàng hóa song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục được áp dụng như được lặp lại từ EVFTA.
– Nhận định thành công sau một năm thực thi hiệp định, năm 2021 là năm “vạn sự khởi đầu nan” cho UKVFTA. Thời điểm hiệp định chính thức có hiệu lực cũng cũng là lúc cả hai bên phải đối mặt với diễn biến phức tạp của Covid-19. Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn như vậy, song trao đổi thương mại 2 chiều vẫn tăng trưởng hơn 17% so với năm 2020, đạt 6,6 tỷ USD. Mức tăng trưởng này đã giúp kim ngạch thương mại song phương quay lại mức năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch). Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng hơn 16%, còn Anh xuất sang Việt Nam tăng 24%.
– Bên cạnh đó, trong năm 2021 đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới. Với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD tăng 157% so với cùng kỳ, đã duy trì mức đầu tư trực tiếp của Anh tại Việt Nam ở mức 4 tỷ USD. Anh nằm trong tốp 15 quốc gia hàng đầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
– Với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam năm đầu tiên có UKVFTA trên 16% thì đây là mức tăng tương đối lớn so với những thị trường khác. Đặc biệt, xuất khẩu sang Anh đạt trên 5 tỷ USD, trong đó có nhiều nhóm mặt hàng tăng trưởng cao như nông sản, chế biến chế tạo (phương tiện vận tải phụ tùng tăng 34%, máy móc thiết bị tăng 16%).
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• Biwase lãi tăng 16% trong hai tháng đầu năm
– Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, HoSE: BWE) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh hai tháng đầu năm. Theo đó, sản lượng nước tiêu thụ đạt 28,4 triệu m3, tăng 7%. Tỷ lệ thất thoát nước tương đương cùng kỳ, ở mức 5%.
– Tổng doanh thu hai tháng tăng 27% đạt 626 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 16% lên 141 tỷ. Trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 750 tỷ đồng. Như vậy sau hai tháng, Biwase đã hoàn thành 16% mục tiêu doanh thu và 19% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
– Xây lắp – Điện Biwase (Biwelco), công ty con của Biwase, đang triển khai thi công tuyến ống nước thô tự chảy đường kính 2.500 mm với chiều dài 1 km dẫn nước từ kênh Phước Hòa về nhà máy nước thô Bàu Bàng. Các chuyên gia ngành nước đánh giá dự án này là công trình nước lớn nhất Việt Nam hiện nay. Từ nay đến quý II, tỉnh Bình Dương sẽ khởi công hai khu công nghiệp lớn là VSIP II và Cây Trường với diện tích trên 2000 ha. Việc triển khai đường ống cấp nước quy mô lớn nhằm thực hiện chiến lược phục hồi nhanh nền kinh tế sau Covid-19.
– Năm 2021, Biwase ghi nhận tổng doanh thu 3.572 tỷ đồng, tăng 7% và hoàn thành kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 738 tỷ đồng, tăng 40% và vượt 34% kế hoạch năm. Đây là kết quả kinh doanh kỷ lục trong lịch sử hoạt động của đơn vị. Tỷ lệ cổ tức là 12% tiền mặt đã được chốt quyền tạm ứng cuối năm ngoái.
• PV Drilling có hợp đồng đầu tiên tại Indonesia, bắt đầu khoan từ quý III
– Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) thông báo vào ngày 1/3 đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan tại Indonesia. Theo đó, thông qua nhà thầu phụ PT. Jimmulya, PV Drilling cung cấp giàn khoan biển tự nâng PV Drilling II để phục vụ chiến dịch khoan của khách hàng tại vùng biển Natuna, Block A, Indonesia. Giàn PV Drilling II dự kiến sẽ khoan tại Indonesia từ đầu quý III.
– Doanh nghiệp cho biết đây là hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan đầu tiên tại Indonesia, thị trường khoan được xem là tiềm năng nhưng cũng vô cùng khó thâm nhập trong khu vực do các chính sách bảo hộ cực kỳ nghiêm ngặt của chính phủ Indonesia cũng như các yêu cầu cam kết giá trị nội địa (local content) nhằm tạo lợi thế cho các doanh nghiệp trong nước.
– PV Drilling bắt đầu cung cấp dịch vụ khoan tại nước ngoài từ năm 2007 với sự hiện diện liên tục của giàn khoan đất liền PV Drilling 11 tại Algeria. Kể từ năm 2016, PV Drilling đã tăng cường triển khai công tác mở rộng thị trường ra nước ngoài đối với các giàn khoan tự nâng. Cụ thể năm 2016, PV Drilling bắt đầu cung cấp giàn khoan biển tự nâng PV Drilling I cho Total Myanmar tại Myanmar, tiếp đó là hàng loạt các chiến dịch khoan thành công tại Thái Lan, Malaysia và Campuchia.
– Đối với dịch vụ khoan nước sâu, năm 2019, PV Drilling đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm TAD – PV Drilling V cho khách hàng Brunei Shell Petroleum (BSP). Hiện nay giàn PV Drilling V đang phục vụ chiến dịch khoan dài hạn cho BSP tại Brunei.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giảm điểm trước đó đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư khiến VNINDEX tiếp tục suy yếu trong phiên sáng ngày 15/03/2022. Đến phiên chiều, lực cầu tham gia thị trường dần chiếm ưu thế trở lại, giúp VNINDEX đóng cửa tăng nhẹ 6.49 điểm (+0.45%), lên 1,452.74 điểm. Giá trị giao dịch của VNINDEX đạt hơn 21,800 tỷ đồng, giảm 19.6% so với phiên trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 272 mã tăng, chiếm 55.51% số mã trên sàn HSX.
– Về mức độ ảnh hưởng, MSN, VPB, GAS là những cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VNINDEX, đóng góp tổng 3.54 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, VCB, SAB, FPT là những yếu tố chính ngăn cản đà tăng của thị trường, trong đó VCB là cổ phiếu khiến VNINDEX mất điểm nhiều nhất: tới 3.76 điểm.
– Về nhóm ngành, 9/10 nhóm ngành tăng điểm. Nhóm ngành tăng mạnh nhất là Tiện ích và Công nghiệp với mức tăng lần lượt là 1.82% và 1.7% nhờ nỗ lực của những cổ phiếu top đầu: POW (+4.8%), BWE (+3%), VJC (+2.1%), HBC (+6.4%)…
– Nhóm ngành Tài chính và Bất động sản tăng nhẹ lần lượt 0.59% và 0.31% mặc dù sắc xanh chiếm áp đảo, bởi các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn suy yếu (VCB giảm 3.7%) hoặc đi ngang (VIC, VHM giữ giá).
– Nhóm ngành duy nhất giảm điểm là Công nghệ thông tin với mức suy yếu 0.88%, cụ thể FPT (-0.9%), ELC (-1.2%) chỉ có CMG tăng nhẹ 0.4%.
– Trong phiên giao dịch 15/03/2022, khối ngoại đã bán ròng 433.26 tỷ đồng trên sàn HOSE, kéo dài chuỗi phiên bán ròng lên con số 7. Trong đó, họ bán ròng nhiều nhất: HPG (-116 tỷ đồng), VIC (-95 tỷ đồng), VCB (-95 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, họ mua ròng nhiều nhất: STB (123 tỷ đồng), VPB (67 tỷ đồng) và VJC (65 tỷ đồng).
– Sự đồng thuận tăng của các nhóm ngành giúp VNINDEX hồi phục nhẹ sau hai phiên giảm liên tiếp. Hiện tại, vẫn chưa thể khẳng định 1,437.27 điểm (mức thấp nhất phiên 15/03/2022) là đáy ngắn hạn của chỉ số và các giao dịch đa phần mang tính chất thăm dò, thể hiện ở việc giá trị giao dịch giảm dần hai phiên gần đây.
– Trong bối cảnh hiện tại, nhà giao dịch ngắn hạn tiếp tục theo dõi diễn biến của giá, chỉ nắm giữ những cổ phiếu tích cực, cân nhắc giảm tỷ trọng hoặc dừng lỗ với những cổ phiếu có tín hiệu suy yếu. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể quan sát và gia tăng tỷ trọng với những cổ phiếu tốt để nắm giữ trong dài hạn.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0