Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/02/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Kho dự trữ đang giảm dần, có nguy cơ thúc đẩy cuộc khủng hoảng hàng hóa toàn cầu lan rộng
– Dự trữ đồng tại các sàn giao dịch hàng hóa lớn chỉ ở mức hơn 400.000 tấn, thể hiện mức tiêu thụ toàn cầu chưa đầy một tuần. Dự trữ nhôm cũng ở mức thấp do các nhà máy luyện kim ở châu Âu và Trung Quốc buộc phải cắt giảm công suất vì áp lực tài chính lớn do chi phí năng lượng tăng cao. Giá nhôm đã đạt mức cao nhất trong 13 năm, đạt trên 3.200 USD/tấn vào tuần trước sau khi Goldman Sachs cho biết kho dự trữ có thể cạn kiệt vào năm 2023.
– Hôm thứ Sáu (11/2), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, giá dầu thô thể tăng cao hơn nữa khi tập đoàn sản xuất OPEC và các đồng minh của họ đấu tranh để phục hồi sản xuất sau đợt đại dịch tồi tệ nhất. Tại châu Âu, giá khí đốt cũng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng đối với Ukraine và dòng chảy khí đốt từ Nga giảm. Theo công ty tư vấn hàng hóa ICIS, các cơ sở lưu trữ khí đốt chỉ lấp đầy 35% và thấp hơn mức trung bình theo mùa trên khắp châu Âu.
– Trên thị trường nông sản, dự trữ cà phê arabica, loại hạt chất lượng cao hơn được những người hâm mộ cà phê espresso yêu thích đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm. Sự gián đoạn nguồn cung và xuất khẩu thấp hơn từ các nhà sản xuất ở Trung Mỹ đã khiến dự trữ hạt arabica trên sàn giao dịch tương lai ICE xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, do người mua cà phê vội vàng mua để đáp ứng nhu cầu. Giá arabica trên sàn giao dịch kỳ hạn ICE gần đây đã đạt mức cao nhất trong 10 năm là 2,59 USD/pound, tăng 13% kể từ đầu năm nay và cao hơn gấp đôi so với một năm trước.
– Vấn đề thiếu hụt nguồn cung cũng đang xuất hiện ở các thị trường khác. Citigroup dự đoán nhu cầu đối với lithium, nguyên liệu sản xuất pin quan trọng sẽ vượt cung tới 6% trong năm nay do doanh số bán xe điện tăng cao. Giá lithium cacbonat tăng hơn 400% vào năm 2021 lên trên 50.000 USD/tấn. Với lượng hàng tồn kho hạn chế, các nhà phân tích tại Citigroup tin rằng sẽ cần phải định giá “quá mức” để “tiêu diệt nhu cầu” và đưa thị trường về trạng thái cân bằng.
– Tình trạng thiếu hụt diễn ra trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao liên tục, được thúc đẩy bởi sự gián đoạn hậu cần và nhu cầu bị dồn nén khi các nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn ngừng hoạt động do đại dịch. Ngoài ra, các nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung bao gồm thiếu đầu tư vào các mỏ và mỏ dầu mới, thời tiết xấu và những hạn chế trong chuỗi cung ứng do sự lây lan của đại dịch Covid-19.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Việt Nam dự kiến mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3
– Sáng 15/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế, xã hội. Trong đó, những biện pháp kiểm soát người đi lại được đưa ra khi dịch bùng phát từ 2020 đến nay sẽ được dỡ bỏ nhưng vẫn thực nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đơn cử như quy tắc 5K ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khâu.
– Trước đây, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020 và tuỳ theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế miễn visa này. Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép dừng áp dụng biện pháp giới hạn về cấp visa từ 15/3 và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.
– Theo số liệu từ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, sau 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế. Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã cho phép tất cả các địa phương đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.
– Sau hơn 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch đã gặp rất nhiều khó khăn. Để chuẩn bị mở lại du lịch trong điều kiện bình thường mới, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn từ mở lại tour, tuyến, sản phẩm đến tìm kiếm nhân lực vận hành cơ sở lưu trú, dịch vụ…
• Giá cao su vượt 2.100 USD/tấn, cao nhất 8 tháng
– Theo Trading Economics, giá cao su ngày 14/2 là 2.120 USD/tấn, cao nhất trong 33 tuần qua trong bối cảnh đồng yên Nhật yếu và giá dầu tăng cao. So với cuối tuần trước, giá cao su hôm nay cao hơn gần 3%. Tính từ đầu năm, giá mặt hàng này tăng gần 10%. Giá cao su từng lập kỷ lục vào tháng 2/2011 với 4.560 USD/tấn.
– Năm 2021, cao su thế giới gặp khó khăn do thị trường ôtô toàn cầu gặp khủng hoảng chip bán dẫn, nhập khẩu cao su từ Trung Quốc chậm lại bởi chính sách “Zero Covid” và sự mạnh lên của đồng USD trong thời gian qua… Vì vậy, phần lớn thời gian giá trong năm 2021 đi ngang hoặc giảm, mặc dù cũng có vài đợt tăng, nhưng không kéo dài quá 1 tháng.
– Năm 2022, thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Sau khi các ngân hàng trung ương lớn tung ra các gói cứu trợ, giá cao su thế giới có thể sẽ tăng trong quý I do nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến thiếu hụt bởi cao su Đông Nam Á đang bị thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản lượng mủ tự nhiên.
– Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su tự nhiên, đồng thời đứng thứ 3 về thị trường xuất khẩu cao su thế giới. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu tăng trưởng cả về lượng và trị giá, trong đó trị giá xuất khẩu lập kỷ lục. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,95 triệu tấn cao su, trị giá 3,27 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2020.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• Doanh thu tháng 1 của PV Power giảm 14% so với cùng kỳ
– PV Power (HoSE: POW) vừa thông báo sản lượng điện tháng 1 ở mức 1.192 triệu kWH, vượt 29% kế hoạch tháng, song giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhà máy điện đều vượt kế hoạch tháng, đáng chú ý sản lượng tại nhà máy Nhơn Trạch 1 tăng mạnh từ 4,5 triệu lên 177,5 triệu kWh do được giao sản lượng điện hợp đồng Qc cao (214,8 triệu kWh).
– Ở chiều ngược lại, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 hoàn thành 80% kế hoạch. Nguyên nhân là do sản lượng hợp đồng Qc được giao thấp (229 triệu kWh), cùng với giá thị trường thấp hơn so với chi phí biến đổi. Theo đó, doanh thu tháng 1 ở mức 2.157 tỷ đồng, vượt 41% kế hoạch tháng và giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 2, PV Power đề ra mục tiêu sản lượng điện 808,3 triệu kWh và doanh thu 1.305 tỷ đồng.
– Năm 2022, công ty cũng đặt kế hoạch kinh doanh “đi lùi” với tổng doanh thu 24.242 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.012 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,4% và giảm 57%. Tổng sản lượng điện dự kiến 13,9 tỷ kWh, giảm khoảng 5%. Kế hoạch lợi nhuận này đồng thời là kế hoạch thấp nhất của công ty kể từ khi cổ phần hóa (năm 2018).
– Năm 2022 dự kiến sẽ tiếp tục là một năm nhiều thách thức đối với doanh nghiệp điện nói chung và PV Power nói riêng. Bên cạnh đó, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3-4 đã được HĐQT công ty phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC vào cuối tháng 1, đơn vị trúng thầu là Tổ hợp Liên doanh nhà thầu Samsung C&T và LILAMA, hai bên dự kiến ký hợp đồng trong tháng 2.
• FPT Retail lên kế hoạch kinh doanh kỷ lục năm 2022
– HĐQT FPT Retail (HoSE: FRT) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 30% so với năm thực hiện năm ngoái. Đây là con số doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sự hoạt động của công ty.
– Năm 2021, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số FPT Shop, F.Studio (chuyên kinh doanh sản phẩm chính hãng Apple) và chuỗi nhà thuốc Long Châu này có kết quả kinh doanh khởi sắc. Cụ thể, doanh thu tăng 53% đạt 22.495 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ở mức kỷ lục với hơn 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần so với mức nền thấp năm 2020. Xét riêng quý IV/2021, doanh thu thuần tăng 116% đạt hơn 8.477 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ở mức 335,3 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 5,7 tỷ tại cùng kỳ năm trước.
– Chuỗi Nhà thuốc Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm qua khi mang về 3.977 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,3 lần. Chuỗi FPT Shop ghi nhận doanh thu tăng trưởng 38% lên 18.558 tỷ đồng và vẫn là nguồn thu chủ lực cho doanh nghiệp. Doanh thu online cả năm đạt 6.285 tỷ đồng, tăng trưởng 21% và chiếm 28% tổng doanh thu hợp nhất.
– Chuỗi FPT Shop hưởng lợi mạnh mẽ từ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà, kết thúc năm 2021, chuỗi FPT Shop có 647 cửa hang, tang thêm 52 cửa hàng so với đầu năm. Chuỗi Long Châu mở mới 200 nhà thuốc (tính riêng trong quý IV là gần 100 nhà thuốc), nâng tổng số lượng lên 400 địa điểm kinh doanh, trở thành chuỗi nhà thuốc dẫn đầu thị trường bán lẻ với thị phần 45%.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Sau khi giảm điểm sâu trong phiên trước với nhiều lo ngại về bất ổn của kinh tế thế giới, VN-Index có sự khởi đầu phiên ngày 15/02/2022 tương đối tích cực với mức tăng gần 7 điểm. Tuy vậy, sự phân hóa vẫn hiện diện ở nhiều nhóm ngành trên thị trường vào phiên sáng. Chỉ số giao dịch trong biên độ hẹp và có khoảng thời gian quay trở lại test mức tham chiếu trước khi bật tăng trở lại. Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 9.2 điểm dù độ rộng thị trường nghiêng về bên bán. Bước sang phiên chiều, với sự tích cực của nhóm cổ phiếu Large Cap, VN-Index liên tục tăng tốc để rồi kết phiên với mức tăng mạnh 20.79 điểm, tạm dừng chân ở mốc 1,492.75 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, MSN, VHM, BID, VIC là những mã có đóng góp tích cực nhất đến đà tăng của VN-Index. Riêng MSN góp gần 3 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, PGV, PLX và HPG là những mã có tác động tiêu cực nhất. Tuy nhiên, mức độ đóng góp không quá lớn.
– Bất động sản là một trong những ngành tăng mạnh nhất thị trường. Bộ đôi VHM và VIC thể hiện được sức mạnh của mình khi cùng tăng hơn 2%. Các cổ phiếu khác trong nhóm cũng giao dịch hết sức sôi động. DIG có phiên bùng nổ khi leo dốc tăng hết biên độ, DXG tiến sát mức giá trần, VRE, NLG, CEO, BCM cùng tăng từ 3-4%.
– Cùng với bất động sản, ngành ngân hàng có phiên tăng tốt khi có tới 18/20 mã hiện sắc xanh. Cổ phiếu VCB, sau khi trải qua phiên điều chỉnh, đã hồi phục trở lại với mức tăng hơn 1%. Các cổ phiếu khác như BID, CTG, VPB, MBB, SHB cùng tăng từ 1-3%.
– Về giao dịch khối ngoại, riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng đột biến 980 tỷ đồng sau 3 phiên bán ròng trước đó, tương ứng khối lượng mua ròng là 11,4 triệu cổ phiếu. STB đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE với giá trị 141 tỷ đồng. MSN, VHM và GAS cũng đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, VRE bị bán ròng mạnh nhất sàn này với 52,5 tỷ đồng. HDB cũng bị bán ròng 42 tỷ đồng.
– VN-Index phục hồi mạnh sau khi test đường SMA 50 ngày và đường Middle của dải Bollinger Bands. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch lại sụt giảm so với phiên trước đó và nằm dưới đường trung bình 20 ngày gần nhất cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng theo dõi trước phiến đáo hạn phái sinh sắp tới. Điểm tích cực là thị trường đã lấy lại được hỗ trợ quanh 1.480 điểm, phía trước của chỉ số là ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm và nếu như tâm lý tích cực được cải thiện thì khả năng lấy lại ngưỡng này trong các phiên là hoàn toàn có thể xảy ra.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0