Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/12/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Không chỉ ở Trung Quốc, làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lan rộng trên toàn cầu
Số vụ vỡ nợ gia tăng diễn ra ngay cả khi lãi suất đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Nguyên nhân là do số công ty mắc nợ lớn ở Mỹ và châu Âu gia tăng trong vài năm qua. Nikkei nhận định, nếu nhà đầu tư trái phiếu trở nên chán nản với các công ty này và lãi suất tăng trở lại, thì số vụ phá sản sẽ tăng cao hơn nữa. Tại Trung Quốc, tình trạng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lan rộng. Kể từ tháng 11, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp bị hoãn hoặc không được thanh toán là hơn 200 tỷ CNY (30,5 tỷ USD).
Tuy nhiên, tâm lý lo sợ trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu chỉ xảy ra ở một số quốc gia. Mức chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp so với trái phiếu chính phủ đã giảm xuống còn 1,6 điểm phần trăm – gần bằng với mức trước đại dịch. Ngoài ra, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2020 đã đạt mức cao kỷ lục. Yếu tố thúc đẩy là nhờ lãi suất ở mức thấp, khi các chính phủ nới lỏng chính sách tài khóa kể từ tháng 3.
Tuy nhiên, mặt khác, ngày càng có nhiều công ty rơi vào cảnh vỡ nợ. Theo dữ liệu do S&P Global tổng hợp đối với các công ty được xếp hạng tín nhiệm, số vụ vỡ nợ tại Mỹ tăng 80% vào năm 2020 so với năm trước, lên 143. Trong khi đó, số vụ vỡ nợ ở châu Âu tăng 2,8 lần lên 42 vụ. Tỷ lệ vỡ nợ ở các nền kinh tế mới nổi, bao gồm Trung Quốc, tăng 30% lên 28. Dù tổng số vẫn thấp hơn năm 2009, nhưng số công ty vỡ nợ lần đầu đã vượt quá 5% kể từ năm 2010.
Một trong những nguyên nhân khiến các vụ vỡ nợ gia tăng là do nợ doanh nghiệp đang tăng vọt. Dữ liệu của Factset về 34.000 công ty niêm yết trên toàn thế giới (không bao gồm ngành ngân hàng) cho thấy trong năm tài khóa 2020, tỷ lệ công ty phải trả tiền lãi nhiều hơn so với lợi nhuận trước thuế và lãi suất (EBIT) trong 3 năm liên tiếp là 26,5%. Đây là con số cao kỷ lục. Số lượng các công ty ôm khoản nợ lớn tăng so với thập kỷ trước – khi ở mức 1/5.
Financial Times: Cơn sốt IPO trên Phố Wall làm bùng lên mối lo ngại về bong bóng dotcom 2.0
Sự “điên cuồng” đối với đợt IPO của Airbnb trên Phố Wall đã diễn ra từ vài giờ trước phiên giao dịch đầu tiên. Khi các chủ ngân hàng đang thiết lập mức giá mở cửa của Airbnb, số lượng hợp đồng quyền chọn giao dịch trao tay của nhà sản xuất robot ABB lại tăng vọt. Tình trạng nhầm lẫn này xảy ra bởi mã này chỉ khác cổ phiếu mà nhà đầu tư đang mong đợi chỉ 1 chữ cái duy nhất. Mã giao dịch của Airbnb là ABNB. Việc nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu ABB nhanh chóng kết thúc khi Airbnb chính thức lên sàn, chứng kiến giá cổ phiếu tăng hơn gấp đôi giá trị. Đến cuối phiên giao dịch ngày 10/12, định giá của Airbnb ở mức 86 tỷ USD, ngang bằng với Goldman Sachs.
Tâm lý hứng khởi đối với một phần của các đợt IPO công ty công nghệ được định giá cao đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về thời kỳ bong bóng dotcom. Theo Dealogic, cho đến nay, thị trường Mỹ chỉ chứng kiến 3 công ty 1 tỷ USD có cổ phiếu tăng mạnh hơn Airbnb trong ngày giao dịch đầu tiên. Sự khởi sắc này cùng diễn ra trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6/2000.
Đợt niêm yết vừa qua diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ thăng hoa, sau khi Fed và chính phủ Mỹ tung các biện pháp kích thích chưa từng có nhằm ứng phó với tác động của đại dịch. Đó là một trong những lý do mà nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền cho cổ phiếu trong ngay thời gian đầu lên sàn, dù định giá không bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn.
Jim Tierney – CIO bộ phận tăng trưởng Mỹ tại AllianceBernstein, nhận định: “Chúng tôi đã quan sát thị trường trong một thời gian, đủ để biết rằng điều này sẽ không có kết thúc tốt đẹp. Đó là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đáng kinh ngạc – dấu hiệu cho thấy những nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ muốn ‘lên thuyền’.”
2. Vĩ mô Việt Nam
Quy hoạch sân bay thứ hai tại Hà Nội
Cục Hàng không mới đây đã hoàn thiện và lấy ý kiến các đơn vị về Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Cục Hàng không bổ sung thêm 2 sân bay tại vùng thủ đô Hà Nội và Cao Bằng. Như vậy, đến năm 2050, cả nước sẽ có 30 sân bay.
Cục Hàng không chưa xác định vị trí xây dựng sân bay thứ hai của Hà Nội mà chỉ khẳng định công trình này sẽ có trong quy hoạch. Cụ thể, phải sau năm 2040 mới có thể nghiên cứu vị trí của sân bay này bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng vị trí sân bay trong tầm nhìn 30 năm. Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng bổ sung sân bay Cao Bằng vào quy hoạch. Trước đó, lãnh đạo tỉnh cho biết, hạ tầng giao thông của địa phương rất hạn chế, không có đường sắt, cao tốc và sân bay. Dự kiến sân bay Cao Bằng sẽ phục vụ chính sách dân tộc, du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới phía Bắc.
Dự thảo quy hoạch lần này khác so với quy hoạch năm 2018 ở việc kéo giãn thời gian thực hiện. Khác với quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như dự thảo trước đó, Cục Hàng không đã đưa ra quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050. Như vậy, cả nước sẽ có 26 sân bay vào năm 2030, bao gồm 22 sân bay hiện hữu và 4 sân bay được xây mới (Long Thành, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết).
Sau đó, đến năm 2050 sẽ có thêm 4 sân bay được triển khai bao gồm: Cao Bằng, Nà Sản, Lai Châu và sân bay vùng thủ đô Hà Nội. Dự thảo lần này không có sân bay Hà Tĩnh, Thành Sơn như đề xuất của địa phương trước đó.
Khách hàng sắp được mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện tái tạo, không qua EVN
Theo công văn của Chính phủ, Chính phủ đề nghị Bộ Công thương chịu trách nhiệm thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về các nội dung liên quan đến hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch (CFD) và hình thức văn bản đối với chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ chế DPPA là cơ chế cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững được tiếp cận và mua trực tiếp một lượng điện được từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được gọi là (đơn vị phát điện) thông qua một hợp đồng song phương dài hạn có giá và thời hạn hợp đồng do hai bên thỏa thuận và thống nhất. Theo đó, cơ chế này được thực hiện có hiệu quả sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia gồm: Bên mua, bên bán và đơn vị truyền tải.
Để đánh giá kết quả sơ bộ, Bộ Công thương dự kiến sẽ triển khai thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021 – 2023 với công suất khoảng từ 400-1.000 MW. Sau đó, Bộ sẽ đánh giá, tổng kết và chính thức bước vào triển khai thương mại chậm nhất là vào tháng 3/2021 để hoàn thành chương trình thí điểm bán lẻ điện cạnh tranh vào tháng 12/2023.
Ngành du lịch TP. HCM thiệt hại hơn 56,000 tỷ đồng vì dịch COVID-19
Sở Du lịch TP HCM vừa có báo cáo về tình hình phát triển du lịch năm 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch năm 2021. Có thời điểm, ngành du lịch cả nước và TP HCM nói riêng gần như “tê liệt hoàn toàn”, cả lượng khách lẫn doanh thu đều sụt giảm nghiêm trọng.
Ước tính cả năm 2020, khách quốc tế đến TP đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm tới 84,8% so năm 2019. Với khách nội địa, dự kiến cả năm du lịch TP đón khoảng 15 triệu lượt khách, giảm 54,2% (năm 2019 là 32,7 triệu lượt). Đáng lưu ý, ước tỉnh tổng thu của ngành du lịch TP trong năm nay chỉ đạt 84.000 tỉ đồng, giảm 40% so với năm ngoái, tương đương mức giảm 56.000 tỉ đồng.
Ngành du lịch TP cũng đặt ra 3 kịch bản về số lượng khách quốc tế, khách nội địa tuỳ vào diễn biến của dịch bệnh. Ở lĩnh vực đón khách quốc tế, kịch bản 1: tình hình dịch Covid-19 trên thế giới được kiểm soát hoàn toàn, Việt Nam mở lại tất cả đường bay quốc tế ngay từ đầu năm, lượng khách quốc tế đến TP trong năm 2021 ước đạt 8,6 triệu lượt, phấn đấu đạt 9 triệu lượt khách. Kịch bản 2: tình hình dịch Covid-19 trên thế giới cơ bản được kiểm soát tốt, Việt Nam mở lại một số đường bay quốc tế đến một số quốc gia an toàn ngay từ đầu năm, lượng khách quốc tế đến TP ước đạt 6 triệu lượt, phấn đấu đạt 7 triệu lượt. Kịch bản 3: dịch Covid-19 trên thế giới chưa được kiểm soát, dịch bệnh tại Việt Nam cũng xuất hiện diễn biến phức tạp, tiếp tục ngưng các đường bay quốc tế, không có khách quốc tế đến TP.
3. Tin tức tài sản đầu tư
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá chưa từng có trong gần 3 thập kỷ
Kết thúc chuỗi giảm vào cuối tháng 5, đồng tệ tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc phục hồi từ đại dịch Covid-19. Các quỹ nước ngoài đã gia tăng nắm giữ trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc lên hơn 30% trong năm nay, một con số kỷ lục. Nhu cầu này được thúc đẩy bởi hàng loạt các chỉ số, cho thấy đầu tư ở Trung Quốc tốt hơn phần còn lại của thế giới.
Để làm chậm đà tăng trưởng, Bắc Kinh đã áp dụng một số biện pháp, trong đó có hạn chế dòng tiền chảy ra. Tuy nhiên, những biện pháp đó không làm giảm sự lạc quan của các nhà đầu tư, nhất là khi đại dịch Covid-19 tiếp tục reo rắc nỗi ám ảnh trên toàn cầu trừ một vài quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào tình thế khó khăn về chính sách. Nó cần phải thu hẹp mức chênh lệch lợi suất của đồng tệ so với phần còn lại của thế giới để làm chậm sự tăng giá. Một đồng tiền quá mạnh có thể làm suy yếu nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, vốn phụ thuộc chặt chẽ vào xuất khẩu như của Trung Quốc.
Đồng tệ tăng giá nhanh chóng có thể làm giảm giá trị xuất khẩu của Trung Quốc do hàng hóa trở nên đắt hơn. Điều này làm tổn hại tới tăng trưởng của Trung Quốc bởi xuất khẩu nổi lên như một động lực chính cho nền kinh tế này phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, đồng tiền tăng giá liên tục có thể hút dòng tiền đầu cơ, thúc đẩy bong bóng tài sản ở các địa phương và tạo ra rủi ro tài chính.