Podcast ngày 15.10.2020 – Australia chuẩn bị gói tài trợ cho các quốc gia Đông Nam Á

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/10/2020

1. Vĩ mô thế giới

• Australia chuẩn bị gói tài trợ cho các quốc gia Đông Nam Á

– Truyền thông Australia ngày 12/10 tiết lộ chính phủ nước này đang chuẩn bị một gói tài trợ hàng trăm triệu AUD dành cho các nước Đông Nam Á để giúp thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia này.

– Nhiều nguồn tin cấp cao từ chính phủ liên bang và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã xác nhận một gói tài trợ với trị giá hàng trăm triệu AUD cho khu vực Đông Nam Á trong vòng 4 năm tới đang được hoàn tất. Chính phủ liên bang sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về giá trị và phạm vi của gói tài trợ trong vài tháng tới.

– Gói tài trợ hậu Covid-19 này sẽ bao gồm các biện pháp ứng phó với tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở các nước hạ nguồn sông Mekong trong năm ngoái, do thượng nguồn bị xây đập chắn nước. Các nguồn tin cho biết gói sẽ tập trung vào một số quốc gia dọc theo sông Mekong dài 4.900 km.

• Người dân Trung Quốc mạnh tay cho hàng ngoại trong Tuần lễ vàng

– Từ ngày 1 đến ngày 8/10, doanh số bán hàng miễn thuế ở Hải Nam, Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với năm ngoái lên 1,04 tỷ tệ, tương đương 155 triệu USD. Số lượng khách du lịch đến hòn đảo này cũng tăng hơn 40% lên 146.800 lượt so với cùng kỳ năm ngoái.

– Trong khi đó, người dân Trung Quốc cũng mạnh tay chi tiêu cho hàng ngoại trên các gian hàng trực tuyến. Tổng doanh số bán hàng trên Tmall Global, nền tảng thương mại điện tử chính của Alibaba dành cho các thương hiệu nước ngoài muốn tiếp cận Trung Quốc, đã tăng 79% trong bảy ngày đầu tiên của tháng so với một năm trước. Tuy nhiên, số tiền cụ thể không được công bố.

– Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết doanh thu trung bình hàng ngày trong lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và đồ uống đã cao hơn 4,9% so với kỳ nghỉ tuần lễ vàng năm ngoái với tổng doanh thu là 1,6 nghìn tỷ tệ trong giai đoạn từ 1-8/10. Đây là kỳ nghỉ lễ lớn đầu tiên ở Trung Quốc kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng lên ở nước này và lây lan khắp thế giới.

2. Vĩ mô Việt Nam

• Thu nhập bình quân lao động nam cao hơn nữ tới gần 40%

– Theo Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm 2020, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2020 là 5,5 triệu đồng, tăng 258 nghìn đồng so với quý trước và giảm 115 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

– Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần so với lao động nữ (tương ứng là 6,3 triệu đồng và 4,6 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 7,0 triệu đồng và 4,8 triệu đồng).

– Trong 9 tháng năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 83 nghìn đồng). Thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành đều giảm; trong đó, giảm nhiều nhất ở các ngành: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 6,5%), dịch vụ lưu trú ăn uống (giảm 5,9%), vận tải kho bãi (giảm 4,9%). Bên cạnh đó, một số ngành có thu nhập tăng như thông tin truyền thông (tăng 1,7%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 3,3%).

• 7 dự án ngành công thương nợ quá hạn 4,349 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển (VDB)

– Tại báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các nghị quyết về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, Chính phủ cho biết, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Phát triển đang có khoản nợ 9.773 tỷ đồng (nợ quá hạn là 4.349 tỷ đồng) tại 7 dự án nằm trong 12 dự án thua lỗ ngành Công thương.

– Báo cáo cho biết, 12 dự án của ngành Công thương đã phải phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư tăng gần 46% so với dự toán ban đầu, từ 43.673,63 tỷ đồng lên 63.610 tỷ đồng. Trong đó: vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay 47.451 tỷ đồng (chiếm 74,6%), còn lại 2,84% từ các nguồn khác. Các dự án này vay ngân hàng trong nước 41.801 tỷ đồng, vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ 6.617 tỷ đồng.

– Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các ngân hàng đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, tích cực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý 12 dự án, phấn đấu hoàn thành xử lý trong năm 2020, nếu phải chậm hơn, không kéo dài quá nửa đầu năm 2021.

• Xuất siêu lần đầu trong năm thấp hơn dự kiến

– Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất khẩu , nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 9/2020 đạt 51,37 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước đó. Luỹ kế đến hết tháng 9, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 388,62 tỷ USD.

– Trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu trên 27,16 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa đạt trên 24,2 tỷ USD. Như vậy, tháng 9 ghi nhận xuất siêu gần 2,96 tỷ USD, nâng mức thặng dư từ đầu năm đến hết tháng 9/2020 lên mức 16,52 tỷ USD, mức kỷ lục của Việt Nam.

– Về xuất khẩu, trong tháng 9, Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu 27,16 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước trước. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu 17,13 tỷ USD.

– Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 202,57 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp FDI đóng góp 129,8 tỷ USD, giảm 2,7%.

– Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 9 đạt 24,2 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng 8/2020. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị nhập khẩu 13,7 tỷ USD.

• Kiểm toán Nhà nước: Nhiều công ty con của UDIC vào diện giám sát đặc biệt

– Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo kết quả công tác kiểm toán 2020 gửi Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới đây. Trong đó, KTNN đã nêu kết quả kiểm toán các doanh nghiệp (DN), tổng công ty trong 9 tháng đầu năm.

– Đáng chú ý, một số doanh nghiệp “lọt” vào diện vào giám sát đặc biệt, chiếm phần lớn là các công ty thành viên của Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) như Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Ngọc Minh, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Thành UDIC, Công ty cổ phần Đầu tư & Quản lý bất động sản UDIC, Công ty cổ phần UDIC Kim Bình, Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà, Công ty cổ phần Đầu tư và Bêtông Thịnh Liệt. Theo cơ quan kiểm toán, một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp. Dẫn chứng như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu. Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Bình có 5,80 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng.

– Qua kiểm toán cũng phát hiện Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật & Đầu tư – CTCP có 23,54 ha đất chưa sử dụng hiệu quả. Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chưa sử dụng 6,3 ha bị lấn chiếm, và 1,96 ha đất tranh chấp.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest